Truyền sử Gia Đình
TRUYỀN SỬ GIA ĐÌNH
Ông bà, ông bà cố và những người thân yêu lớn tuổi khác, trong tình thương hãy kể lại những kỷ niệm của mình cho con cháu nghe. Việc lắng nghe này sẽ giúp bạn hiểu cha ông mình đã sống thế nào. Là con cháu, chúng ta ghi nhớ những biến cố, những kinh nghiệm ấy.
Những công việc sau đây sẽ giúp chúng ta thực hiện việc tiếp thu những kinh nghiệm ấy để nắm bắt những gì đã xảy ra trong quá khứ, đồng thời qua đó tạo nên một tình cảm thân thương hơn trong gia đình, nhất là khi con cháu ở xa ông bà, xa quê cha đất tổ. Gìn giữ cẩn thận, đây sẽ trở thành kỷ vật quý báu khi ngưới thân yêu đã khuất.
Dụng cụ cần thiết:
- Máy thu băng
- Máy chụp hình / máy thu hình
Thời gian thực hiện:
- Khoảng 30 phút đến 1 tiếng (hoặc có thể lâu hơn nữa, tùy thuộc vào số thành viên trong gia đình).
Cách thực hiện:
- Sắp xếp trước những người nào trong gia đình có những câu chuyện, những kinh nghiệm thú vị muốn chia sẻ.
- Tạo thời gian và không gian yên tĩnh cho cuộc nói chuyện riêng. (chú ý: chọn một nơi bảo đảm không bị chi phối bởi những người khác, hoặc âm thanh tốt để không ảnh hưởng đến chất lượng của việc thu băng.
- Tạo ra danh sách những câu hỏi mà bạn muốn hỏi. Cố gắng tạo ra những kiểu câu hỏi có tính gợi ý một câu chuyện. Dặn dò trước, xin không ai trả lời bằng những câu đơn giản như “Có” hoặc “Không”. (Xem những câu hỏi mẫu bên dưới)
NHỮNG CÂU HỎI MẪU
(mỗi gia đình có thể thêm bớt sao cho việc thực hiện đạt kết quả nhất)
- Liên quan đến ông bà:
Khi ở tuổi con, ông bà như thế nào? Khi vui mừng, ông bà thường làm gì?
- Khi còn nhỏ, ông bà thường hay chơi những loại đồ chơi nào?
- Ông bà có nuôi con vật “cưng” nào không? (chó, mèo, trăn, gấu…)
- Ông bà cố có khắt khe lắm không? Có bao giờ ông bà cố “khổ sở” vì ông bà không?
- Ông bà có chuyện “tinh nghịch” nào mà ông bà còn nhớ ?
- Ông bà đi bằng phương tiện gì? (đi bộ, ngựa, xe, đò…)
- Ông bà sinh ra ở đâu? Bây giờ căn nhà đó còn không ? Có đổi tên làng không ?
- Ông bà đã sống những nơi nào? Ông bà nhớ gì trong ngôi nhà đã lớn lên? Gia đình ông bà có bao giờ đổi chổ ở không?
- Ông bà có anh em trai và chị em gái không? Các vị ấy như thế nào?
- Ở tuổi của con, ông bà nghĩ thế nào về cuộc đời?
- Ông bà thường gặp ông bà ngoại / nội vào những dịp nào?
- Ông bà kể cho con nghe về cha mẹ con khi còn bé.
- Ông bà cố ra sao? Làm gì để sống?
- Lâu lâu ông bà có đi chơi, đi nghỉ mát không? Ông bà thích món ăn nào?
- Gia đình ta có truyền thống đặc biệt nào không?
- Liên quan đến thời gian:
- Ông bà có nhớ tí gì về đời ông cố không?
- Ông nội đã sống trong thời chiến tranh. Ông kể cho con nghe đi.
- Còn ông ngoại thì sao?
- Người bạn thân nào của ông bà đã bị chết trong chiến tranh? Hãy kể cho con nghe về người ấy. Hồi ấy, ông bà cảm phục ai nhất?
- Ông bà nghĩ gì về các vị lãnh đạo thời ấy? Ai là người tốt nhất? Tại sao?
- Ông bà có nhớ máy radio nào đã mua đầu tiên không?
- Ông bà có truyền hình không? Ông bà có xem những phi hành gia đầu tiên bay lên cung trăng không?
- Liên quan đến con:
- Lần đầu tiên con gặp ông bà khi nào?
- Lúc còn bé con ra sao?
- Không biết con có giống cha mẹ con khi còn nhỏ không?
- Ông bà có dự định và hy vọng gì sẽ xảy ra trong cuộc đời con không?
Tôi đã thường giúp nhiều gia đình thực hiện những cuốn băng này. Tôi còn khuyến khích họ nghe rồi ghi lại (thêm hình chụp vào). Vậy mà cho đến bây giờ, sau nhiều năm, tôi vẫn thường nhận được những lời tri ân từ công việc này.
Ngày nay, chúng ta có thể thực hiện bằng các phương tiện hiện đại khác để ghi hình nhưng kinh nghiệm cho thấy, thu băng thì từ từ nhẩn nha thực hiện, tự nhiên hơn. Ghi hình (video) thì sống động nhưng phải sắp xếp kỹ hơn, đôi khi người trong cuộc dễ dàng trở thành những “diễn viên”, thời gian cũng bị giới hạn, câu chuyện dễ dàng bị đơn giản hóa…
Nếu thực hiện được, hãy thực hiện càng sớm càng tốt. Có thể trong những dịp về quê viếng mồ mả tổ tiên trong tháng các linh hồn, trong các dịp giỗ chạp, trong những dịp vui của gia đình như cưới hỏi con cháu, nhất là trong những ngày xuân đoàn tụ.Công việc này sẽ để lại cho gia đình nhiều kỷ niệm dấu ái mà sau này muốn cũng chẳng được.
Jos. Nguyễn Hùng Cường