Trách nhiệm giáo dục thuộc về ai?

Trách nhiệm giáo dục thuộc về ai?

 

 

 
TRÁCH NHIỆM GIÁO DỤC THUỘC VỀ AI ?
 
I. NHẬP ĐỀ
  • Khi cặp vợ chồng nguyên tổ có những đứa con đầu tiên, lúc đó họ mới nhận ra: nuôi dạy con là điều khó hơn việc sinh ra chúng. Chắc họ cũng bàn bạc với nhau rằng: “Chúng ta phải làm gì bây giờ, vì Cain và Abel không thể sống hòa thuận với nhau được?”.
  • Thiên Chúa đã không để cho loài người chỉ biết “sinh sôi nẩy nở cho đầy mặt đất” nhưng chắc chắn Ngài quan tâm nhiều hơn đến những đứa con sinh ra đó có được nuôi dưỡng giáo dục tử tế không ?
II. KINH THÁNH NGUỒN MẠCH KHÔN NGOAN
  1. Ngài đã hướng dẫn dân Ngài biết bao thế hệ về việc nuôi day con cái một cách khôn ngoan. Chúng ta có thể thấy được cách nuôi dạy khôn ngoan đó trong Kinh Thánh. Nhờ vậy, ngày nay, khi sinh con là chúng ta có sẵn trong tay một tài liệu giúp khám phá ra sự khôn ngoan này.

    - Vậy mà hiện nay mọi người ít được nhắc nhở để biết rằng Kinh Thánh là nguồn mạch khôn ngoan cho việc giáo dục và hướng dẫn con cái.

    - Tôi thấy khi nói về giáo dục, người ta trưng dẫn ý kiến của các bác sĩ Spock, bác sĩ Turtle, bác sĩ Gordon hay các bác sĩ Việt Nam như Nguyễn Khắc Viện, Đỗ Hồng Ngọc …v…v… nhưng ít nghe thấy ai trưng dẫn ý Chúa qua Kinh Thánh về vấn đề này. Thực ra, những nguyên tắc cơ bản hay những lời khuyên họ đưa ra mà chúng ta cho là hay và tuân theo đều có sẵn trong Lời Chúa.
     
  2. Kinh nghiệm mười mấy năm vừa qua, tôi đã dựa trên Kinh Thánh dạy về cách giáo dục và tìm hiểu ý nghĩa của những lời giáo huấn đó để đem ra những nguyên tắc áp dụng, tôi thấy nhiều gia đình đạt được kết quả lạ thường.

    - Cha mẹ trở nên hòa nhã hơn, phong cách xinh đẹp hơn, các thành viên trong gia đình vui vẻ cộng tác với nhau nhiều hơn và các cháu thấy vui thích khi được gặp nhau

    - Có những em cởi mở tâm hồn với Thiên Chúa và sống thân mật với Chúa hơn.
     
  3. Tuy nhiên ở đây không có ý nói chúng ta đã có mọi giải đáp đâu, có khi phải đối diện với nhiều tình huống khó khăn phải cố công mới tìm ra được cách giải quyết tốt đẹp (cách ứng xử với từng hạng tuổi hay từng môi trường xã hội). Trong giới hạn bài này, chỉ giới thiệu những nguyên tắc nền tảng, cha mẹ tùy nghi thích ứng trong những tình huống cá biệt mình gặp.
III. MỤC ĐÍCH CĂN BẢN
  1. Trong thư Ep. 6,4 : Thánh Phaolô khuyên các người làm cha “thay mặt Chúa mà dạy dỗ con cái bằng cách khuyên răn (giáo huấn) và sửa dạy (kỷ luật)”

    - Trước tiên là dạy con cái biết Chúa.

    - Và tuân theo đường lối của Người (chứ không phải tự do muốn làm gì thì làm).
     
  2. Trách nhiệm này đặc biệt là của người cha, đặc biệt lưu tâm đến những sự việc xảy đến với con cái mình. Người mẹ cũng phải chia sẻ trách nhiệm và quyền hạn này với người cha.

    - Thiên Chúa đặt rất nặng trách nhiệm này. Elia đã phải chết vì không hành động quyết liệt để can ngăn việc con làm điều sai trái (1 Sm.2,12-4,18).

    - Cha mẹ không chỉ la rầy trách mắng mà còn phải tích cực và biết sử dụng quyền hành trong việc dẫn con trên đường lành và giáo dục đến nơi đến chốn.
     
  3. Nhưng không nên lạm dụng quyền hành:

    - Kinh Thánh dạy con “vâng lời cha mẹ” thì đồng thời căn dặn người cha “đừng làm con cái bực mình chán nản” (Ep. 6,1-4; Cl. 3,20-21)

    - Không lạm dụng quyền bính để che đậy tính lười biếng hay những lầm lỗi hoặc để bào chữa cho những thất bại của mình.

    - Noi gương Chúa Giêsu trong việc sửa dạy, khuyên bảo, uốn nắn các môn đệ: yêu thương, kiên nhẫn, rộng lượng. Quyền bính Chúa ban cho cha mẹ trên con cái là trách nhiệm Chúa trao để huấn luyện và đào tạo con cái giống Chúa Giêsu đào luyện các môn đệ.

    - Các bậc làm cha mẹ phải ý thức: Chính cha mẹ phải là người hướng dẫn, điều khiển gia đình chứ không phải là con cái.

    - Cha mẹ phải sử dụng quyền bính của mình một cách khôn ngoan, tùy vào độ tuổi. Nếu có thay đổi nguyên tắc nào cần phải chuẩn bị trước thật kỹ. Nên cầu nguyện chung và cùng bàn bạc. Cha mẹ nên giải thích cho các con hiểu tại sao lại có sự thay đổi và phải thay đổi thế nào.

    - Khi bắt đầu thử áp dụng chương trình đổi mới này, có khi cần phải có một sự thay đổi căn bản, có thể là sự thay đổi trong tương quan giữa cha mẹ với nhau hoặc cải tiến cách nói chuyện với con cái, cách biểu lộ yêu thương trong gia đình. Sự thay đổi căn bản này rất quan trọng nếu trước đó đã có thời gian cha mẹ lơ là việc giáo dục hoặc đã tỏ ra lạm dụng con cái quá nhiều.
     
  4. Có những trào lưu mới gây cản trở, hạn chế rất nhiều trong việc giáo dục như: Trào lưu văn hóa hiện đại: Hãy để cho con cái được toàn quyền chọn lựa niềm tin và giá trị luân lý. Và bản “nhân quyền” trẻ em đưa ra những “quyền” như trẻ em có quyền tự do trong việc nhận sự giáo dục niềm tin.

    - Các Kitô hữu không thể chấp nhận lập trường như thế vì chúng ta biết rằng Chúa có thật. Ngài đã dạy cho chúng ta biết đường lối và lề luật của Ngài. Và hậu quả của sự bất tuân là hỗn loạn, đau khổ, tối tăm, cuối cùng là chết. Vậy đây không phải là áp đặt mà là trao ban một niềm tin, một chân lý cho cuộc đời. Cũng thế, khi cha mẹ dạy con nói năng đàng hoàng lễ phép, thì có ai nghĩ rằng mình áp đặt con cái đâu. Cũng không cha mẹ nào cho phép một đứa con còn non dại chạy ra ngoài đường hay cho con còn nhỏ đùa với dao với lửa, vì biết rằng nó có thể gặp nguy hại.

    - Con cái cần phải học biết đường lối Chúa càng nhiều càng tốt cũng y như học càng nhiều càng tốt vậy. Vả lại việc hiểu biết luật Chúa quan trọng cho hạnh phúc mai sau của con cái hơn bất cứ điều cần biết nào.
IV. KẾT LUẬN:
  1. Chúa muốn mọi bậc cha mẹ Kitô giáo đến với quan niệm này.
     
  2. Nếu cha mẹ không tích cực cương quyết trong việc giáo dục, thì sẽ có những thế lực khác thay thế (thế gian, xác thịt, ma quỷ). Các “giá trị” mà con cái tiếp xúc từ các phương tiện truyền thông, quảng cáo, ca nhạc, sách báo, bạn bè, có khi cả những thầy cô, bài vở ở nhà trường… có khi không phù hợp với Lời Chúa. 
     
  3. Các cha mẹ Kitô giáo đừng cậy vào sức riêng của mình mà chiến đấu. Hãy liên kết với những Kitô hữu chung quanh, cụ thể tìm một cộng đoàn gia đình để chúng ta cũng như con cái có một môi trường tốt đẹp hầu chống lại môi trường thế tục.
 
Nguyễn Hùng Cường

(biên soạn dựa trên tập “Cha mẹ và vấn đề giáo dục con cái”
chuyển dịch từ Chương I tác phẩm “Husbands, Wives, Parents, Children” của Raph Martin)