THÔNG TRI CỦA BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN VỀ VIỆC TẦM THƯỜNG HÓA TÍNH DỤC LIÊN QUAN ĐẾN MỘT SỐ GIẢI THÍCH CUỐN « ÁNH SÁNG CỦA THẾ GIAN »
THÔNG TRI CỦA BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN VỀ VIỆC TẦM THƯỜNG HÓA TÍNH DỤC LIÊN QUAN ĐẾN MỘT SỐ GIẢI THÍCH CUỐN « ÁNH SÁNG CỦA THẾ GIAN »
Dưới đây là bản văn của Bộ Giáo Lý Đức Tin về việc tầm thường hóa tính dục liên quan đến một số giải thích cuốn « Ánh sáng của thế gian », cuốn sách trao đổi giữa Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và nhà báo Peter Seewald.
Nhân dịp xuất bản cuốn sách trao đổi của Đức Bênêđictô XVI, « Ánh sáng của thế gian », đã được phổ biến những lối giải thích sai lầm khác nhau, chúng đã gieo rắc sự lờ mờ về lập trường của Giáo Hội Công Giáo về một số vấn đề luân lý tính dục. Tư tưởng của Đức Giáo Hoàng đã thường bị sử dụng với những mục đích và những vụ lợi mà không có liên hệ gì với ý nghĩa của những lời nói của ngài, đang khi nó được hiểu rất rõ khi người ta đọc trong toàn bộ của chúng các chương được ám chỉ đến tính dục con người. Ý định của Đức Thánh Cha là rõ ràng : tìm lại sự cao cả của kế hoạch của Thiên Chúa về tính dục, bằng cách tránh việc tầm thướng hóa nó đang hiện hành ngày nay.
Một số lối giải thích đã trình bày những lời nói của Đức Giáo Hoàng như là những lời khẳng định mâu thuẫn với truyền thống luân lý của Giáo Hội ; giả thuyết này đã được mố số người chào đón như là một bước ngoặt tích cực ; trái lại, một số khác đã biểu lộ sự lo âu của họ, như thế chúng hệ tại việc đoạn tuyệt với học thuyết về ngừa thai và với thái độ của Giáo Hội trong cuộc chiến đấu chống lại bệnh sida. Trên thực tế, những lời của Đức Giáo Hoàng mà cách đặc biệt ám chỉ đến một lối hành xử hỗn độn nghiêm trọng, như trong trường hợp việc mại dâm (xem Lumière du monde, tr. 159-161), không thay đổi học thuyết luân lý cũng như việc thực hành mục vụ của Giáo Hội.
Như rút ra từ việc đọc đoạn văn đang nói đến, Đức Thánh Cha không nói đến luân lý hôn nhân, thậm chí cũng không nói đến chuẩn mực luân lý về việc ngừa thai. Chuẩn mực này, thuộc về truyền thống trong Giáo Hội, đã được lấy lại bằng những từ ngữ rất rõ ràng bởi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ở số 14 của thông điệp « Humanae vitae », khi nó ngài viết : « Chúng ta cũng loại trừ bất cứ một hành vi nào có mục đích hay dùng làm phương tiện để làm cho bất khả việc sinh sản, hoặc trước khi hoặc đang khi làm hành vi hôn nhân, hoặc việc diễn tiến của những kết quả tự nhiên của hành vi ấy». Ý tưởng mà người ta có thể diễn dịch từ những lời nói của Đức Bênêđictô XVI rằng, trong một số trường hợp, việc nại đến việc sử dụng bao cao sư để tránh mang thai không mong muốn là hợp pháp, là hoàn toàn tùy tiện và không tương ứng với những lời nói của ngài cũng như với tư tưởng của ngài. Về vấn đề này, trái lại, Đức Giáo Hoàng đề nghị những con đường có thể được sống cách nhân bản và luân lý, mà các mục tử được mời gọi làm việc « thêm nữa và tốt hơn » (Lumière du monde, tr. 194), tức là những con đường tôn trọng trọn vẹn mối liên hệ bất khả chia cắt của ý nghĩa kết hợp với ý nghĩa sinh sản của mỗi hành vi hôn nhân, nhờ việc có thể nại đến các phương pháp tự điều hòa sinh sản tự nhiên nhắm đến việc sinh sản có trách nhiệm.
Liên quan đến đoạn văn đang được nói đến, Đức Thánh Cha dựa vào trường hợp hoàn toàn khác với việc mại dâm, lối hành xử mà luân lý Kitô giáo đã luôn luôn xem như là một hành vi phi luân lý nghiêm trọng (x. Công đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 27 ; GLGHCG, 2355). Về vấn đề mại dâm, lời khuyên nhủ của toàn thể truyền thống Kitô giáo – và không chỉ của nó -, có thể được tóm kết trong những lời nói của thánh Phaolô : « Anh em hãy tránh xa tội gian dâm» (1Cor 6, 18). Bởi thế, phải chống lại việc mại dâm, và các cơ quan trợ giúp của Giáo Hội, của xã hội dân sự và của Nhà Nước, phải làm việc để giải thoát những người liên lụy.
Về vấn đề này, cần làm nổi bật rằng hoàn cảnh mà đã được tạo ra, tiếp theo sau việc lan truyền hiện nay của bệnh sida nơi nhiều vùng trên thế giới, đã làm cho vấn đề mại dâm còn bi thảm hơn nữa. Người nào biết mình bị nhiễm HIV và do đó có thể truyền nhiễm, sẽ phạm không chỉ một tội trọng chống lại điều răn thứ sáu, nhưng còn một tội trọng khác chống lại điều răn thứ năm, bởi vì nó có tình đặt mạng sống của người khác vào sự nguy hiểm, điều này cũng có những tác động trên sức khỏe cộng đồng. Về phương diện này, Đức Thánh Cha khẳng định rõ ràng rằng các bao cao su không là « giải pháp đích thực và luân lý » cho vấn đề sida và rằng « chỉ Tập trung sự chú ý vào bao cao su có nghĩa là tầm thường hóa tính dục », bởi vì người ta không muốn đối diện với sự lầm lạc của con người là cơ sở cho việc truyền nhiễm dịch bệnh. Vả lại, không thể phủ nhận được rằng người mà nại đến bao cao su với mục đích làm giảm nguy cơ đối với sự sống của người khác,là muốn giảm thiểu điều xấu gắn liền với lối hành xử hỗn độn của mình. Theo nghĩa này, Đức Thánh Cha ghi nhận rằng việc nại đến bao cao su, « với ý hướng giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, có thể là bước đầu tiên trên con đường mở ra cho một tính dục được sống cách khác, một tính dục nhân bản hơn ». Lời nhận xét này là hoàn toàn tương thích với lời khẳng định khác của Đức Thánh Cha : « Đó không phải là cách thức đích thực trả lời cho điều xấu mà việc nhiễm virút HIV tạo nên ».
Một số người đã giải thích những lời nói của Đức Bênêđictô XVI bằng cách nại đến lý thuyết gọi là « cái xấu ít hơn ». Tuy nhiên, lý thuyết này có thể có những lối giải thích sai lệch với dáng vẻ của chủ thuyết luân lý tương xứng (x. Gioan-Phaolô II, Thông điệp Veritatis splendor, các số. 75-77). Một hành vi xấu bởi đối tượng của nó, cho dầu nó là một hành vi ít xấu hơn, không thể được muốn cách hợp pháp. Đức Thánh Cha đã không nói rằng việc mại dâm với việc nại đến bao cao su có thể được chọn lựa cách hợp pháp như là một điều xấu ít hơn, như một số người đã chủ trương như thế. Giáo Hội dạy rằng việc mại dâm là phi luân lý và phải chống lại nó. Tuy nhiên, người mà, khi thực hành nó, đang bị nhiễm HIV, tìm cách giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, bao hàm cả việc sử dụng bao cao su, có thể thực hiện bước đầu tiên hướng đến việc tôn trọng sự sống của những người khác, cho dầu điều xấu mại dâm vẫn còn trong tất cả tính nghiêm trọng của nó. Những nhận xét này là hài hòa với tất cả những gì mà truyền thống thần học-luân lý của Giáo Hội cũng đã chủ trương trong quá khứ.
Kết luận, trong cuộc chiến đấu chống lại bệnh sida, các thành viên và các thể chế của Giáo Hội Công Giáo biết rằng họ phải ở gần với người ta, bằng việc chăm sóc các bệnh nhân ; họ cũng biết rằng họ phải huấn luyện mọi người sống tiết dục trước hôn nhân và trung tín với giao ước hôn nhân. Về phương diện này, cũng cần phải tố giác những lối hành xử tầm thường hóa tính dục, vì như Đức Giáo Hoàng nói, chúng chính là cội rễ của một hiện tượng nguy hiểm : nhiều người không còn nhận thấy nơi tính dục sự diễn tả tình yêu của họ. « Đó chính là lý do cuộc đấu tranh chống lại việc tầm thường hóa tính dục cũng là một phần của cuộc đấu tránh được vạch ra để tính dục được nhìn dưới một ánh sáng tích cực, và để nó có thể thực thi hiệu quả tốt lành của nó nơi tất cả những gì cấu thành nhân tính của chúng ta » (Lumière du monde, p. 160).