Thư của Bộ Giáo sĩ gửi các Phó tế vĩnh viễn

Thư của Bộ Giáo sĩ gửi các Phó tế vĩnh viễn

 

THƯ CỦA BỘ GIÁO SĨ GỬI CÁC PHÓ TẾ VĨNH VIỄN
Roma, ngày 10-8-2009

Các phó tế vĩnh viễn thân mến,

Giáo hội ngày càng khám phá ra sự phong phú vô giá của hàng phó tế vĩnh viễn. Khi các Giám mục đến Bộ Giáo sĩ vào dịp các ngài đi “ad limina”, chủ đề về hàng phó tế thường là một trong số các chủ đề được đề cập đến và các Giám mục nói chung rất hài lòng và tràn trề hy vọng về anh em là các phó tế vĩnh viễn. Và điều này đem lại cho tất cả chúng tôi niềm vui tràn ngập. Giáo hội cám ơn anh em và nhìn nhận sự dâng hiến và phẩm chất của sự dấn thân của anh em trong thừa tác vụ. Giáo hội cũng muốn khuyến khích anh em trên con đường thánh hóa bản thân, đời sống cầu nguyện và nền đạo đức của chức vụ phó tế. Điều Đức Thánh Cha nói với các linh mục nhân dịp Năm Linh mục cũng có thể được áp dụng cho anh em: cần phải “khuyến khích các linh mục trong nỗ lực vươn tới sự hoàn thiện - vốn là nền tảng cho những hiệu quả của thừa tác vụ linh mục” (Diễn từ ngày 16.3.2009).

Hôm nay, vào ngày lễ thánh Laurensô, phó tế và tử đạo, tôi muốn mời anh em suy nghĩ về hai điểm. Một, về thừa tác vụ Lời, và hai, về thừa tác vụ Bác ái của anh em.

Chúng ta vẫn còn nhớ đến, với lòng biết ơn, Thượng Hội đồng về Lời Chúa đã được cử hành hồi tháng mười năm ngoái. Là các thừa tác viên được thụ phong, chúng ta đã nhận được từ Chúa, qua trung gian của Giáo hội, phận vụ rao giảng Lời Chúa cho tới tận cùng trái đất, qua việc loan báo cho mọi thụ tạo, con người Đức Giêsu Kitô chết và phục sinh, Lời và Nước của Người. Như Sứ điệp kết thúc Thượng Hội đồng đã khẳng định, Lời ấy có một tiếng nói là Mạc khải, một dung mạo là Đức Giêsu Kitô, và một con đường là Sứ vụ thừa sai. Biết được Mạc khải, gắn bó một cách vô điều kiện với Đức Giêsu Kitô, như một đồ đệ hăng hái và say mê, từ Đức Giêsu và với Người, đi truyền giáo, đó là điều chúng tôi chờ đợi, một cách kiên quyết và không chút do dự, từ một phó tế vĩnh viễn. Thừa sai đích thực xuất phát từ người đồ đệ đích thực.

Thánh Têphanô, phó tế và tử đạo, là một gương mẫu lớn của thừa tác vụ Lời, đặc biệt đối với các phó tế. Thừa tác vụ này đòi hỏi nơi các phó tế được thụ phong một nỗ lực liên tục để tìm hiểu Lời và biến lời ấy thành của mình đồng thời loan báo lời ấy cho người khác. Sự suy gẫm, dưới hình thức của “lectio divina”, nghĩa là đọc trong cầu nguyện, ngày nay, luôn là một con đường ngày càng được nhiều người theo và ngày càng được cổ vũ, để hiểu, để hấp thụ và để sống Lời Chúa. Việc đào tạo về mặt trí thức, thần học và mục vụ cũng là một thách đố của cả đời người. Phẩm chất và sự cập nhật hóa thừa tác vụ Lời tùy thuộc nhiều ở nền đào tạo được đào sâu này.

Chúng ta đang chờ, trong một tương lai gần, văn kiện của Đức Thánh Cha về các kết luận của Thượng Hội đồng về Lời Chúa. Văn kiện này hẳn sẽ được tiếp đón với sự sẵn lòng và dấn thân nhất quán của việc đào sâu.

Ý tưởng thứ hai liên quan đến thừa tác vụ Bác ái, và mô hình lớn ở đây là thánh Laurensô, phó tế và tử đạo. Hàng phó tế bắt nguồn từ tổ chức bác ái của cộng đoàn, trong giáo hội tiên khởi. Tại Roma, vào thế kỷ thứ III, thời kỳ của các cuộc bách hại lớn người Kitô hữu, người ta thấy xuất hiện dung mạo phi thường của thánh Laurensô, tổng phó tế của Đức Giáo hoàng Sixtô II và là người được ngài ủy thác trong việc quản lý tài sản của cộng đồng. Đức Giáo hoàng quý mến của chúng ta, Đức Bênêđictô XVI, đã nói về thánh Laurensô: “Lòng ưu ái của ngài đối với người nghèo, việc phục vụ đại lượng của ngài đối với Giáo hội Roma trong lĩnh vực cứu trợ và bác ái, lòng trung tín với Giáo hoàng được ngài đẩy tới độ muốn đi theo giáo hoàng trong thử thách cùng tận là việc tử đạo, chứng từ dũng cảm qua việc đổ máu, được thực hiện chỉ mấy ngày trước mà thôi, là những sự kiện được mọi người biết đến” (Bài giảng tại vương cung thánh đường thánh Laurensô, ngày 30-11-2008). Chúng ta cũng được biết là thánh Laurensô đã từng khẳng định: “Sự giàu sang của Giáo hội, chính là người nghèo”. Thánh nhân đã tới giúp đỡ họ với lòng đại độ. Đây là một gương mẫu vẫn còn tính hiện đại đối với các phó tế vĩnh viễn. Người nghèo, chúng ta phải yêu mến họ bằng tình yêu ưu tiên, như Đức Giêsu Kitô vậy. Liên đới với họ. Nỗ lực xây dựng một xã hội công bằng, huynh đệ, hòa bình. Chớ gì Thông điệp mới đây của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, “Caritas in veritate” [Bái ái trong sự thật] là sách chỉ nam của chúng ta hiện nay. Trong Thông điệp, ĐTC khẳng định nguyên tắc căn bản này: “Bác ái là con đường chủ đạo của học  thuyết của Giáo Hội” (số 2). Các phó tế đồng nhất hóa mình một cách đặc biệt với bác ái. Người nghèo là một trong những ưu tư hàng ngày của họ và là đối tượng của sự chăm lo không mệt mỏi của họ. Một phó tế không dấn thân vào việc bác ái và trong sự liên đới với người nghèo hiện nay đang gia tăng trở lại, quả là điều không hiểu nổi.

Các phó tế vĩnh viễn rất yêu quý, xin Thiên Chúa chúc lành cho anh em với tất cả tình thương yêu của Ngài và khiến anh em hạnh phúc trong ơn gọi và sứ vụ của anh em! Tôi xin chào với lòng quý trọng và thán phục các bà vợ và con cái của những người có gia đình trong số anh em. Giáo Hội cám ơn họ vì sự nâng đỡ và cộng tác dưới nhiều hình thức họ dành cho người chồng và người cha của họ trong thừa tác vụ phó tế. Hơn nữa, Năm Linh mục mời gọi chúng tôi nói với các linh mục rất yêu quý của chúng tôi rằng chúng tôi quý mến họ biết bao và cầu nguyện với họ và cho họ!

Vatican, 10-8-2009 (ngày lễ thánh Laurensô, phó tế và tử đạo)

Hồng y Cláudio Hummes,
Nguyên Tổng giám mục São Paolo,
Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ
 
NN. chuyển dịch
(Nguồn : hdgmvietnam.org)
 
(có thể xem thêm: “Ơn gọi phó tế” trong website : liendoanconggiao.net )