Linh Mục – Người Nối Kết với Cộng Đoàn

Linh Mục – Người Nối Kết với Cộng Đoàn

 

 

 
LINH MỤC - NGƯỜI KẾT NỐI VỚI CỘNG ĐOÀN

Để có thể kết nối với các “máy con” là mọi thành phần trong cộng đoàn dân Chúa cách có hiệu quả và vững bền hơn, người linh mục cần có “bộ xử lý” và “đường dẫn” tốt để khỏi bị “kẹt mạng”. Tương quan kết nối giữa linh mục với cộng đoàn dân Chúa cũng phải không ngừng được “nâng cấp” thường xuyên cho phù hợp với tiến bộ khoa học và sự phát triển nhanh chóng của thời đại thông tin cũng như sự phát triển dân trí. Nói cách khác, để máy chủ là “Alter Christus” không bị lỗi thời, người linh mục cần luôn cập nhật cho mình những đức tính tốt làm cho mạng luôn chạy với “tốc độ cao”, nó cũng là chương trình chống “vi-rút” gây chia rẽ, bè phái trong cộng đoàn. Hai “File hệ thống” chủ đạo cần được cập nhật thường xuyên là đời sống khó nghèo và đời sống khiêm nhường phục vụ.

1. Đời sống khó nghèo: 

Chúa Kitô đã thực hiện công trình cứu độ con người qua con đường nghèo khó, vì thế Giáo Hội cũng được mời gọi đi vào con đường đó để thông ơn cứu rỗi cho mọi người (x. Lm. Thân Văn Tường, Suy niệm về Đời Sống và Chức Vụ Linh Mục, tr. 99).

Khó nghèo ở đây không được hiểu theo nghĩa chặt của nó một cách cứng nhắc. Vì lẽ nào người linh mục không được giữ cho mình các phương tiện cần thiết để phục vụ cộng đoàn giáo dân cho tốt hay sao ? Đức Kitô không đòi hỏi những ai theo Ngài phải sống khó nghèo như một quy luật, vì chính Ngài cũng cho phép mình đến dự tiệc tại nhà những người thượng lưu (x. Lc 7,36; 14,1); Ngài trú ngụ tại nhà chị em Matta và Maria ở Bêtania (x. Lc 10,38-42; Ga 11,1t; 12,1-8), và Ngài cũng chấp nhận sự trợ giúp của những người giàu có (x. Lc 8,2t). Công đồng Vatican II dạy: “Linh mục được phép cấp dưỡng xứng đáng cho mình để chu toàn chức vụ” (PO số 17; MV, 71). Đời sống khó nghèo thi?t nghi c?n được hiểu theo nghĩa là tinh thần khó nghèo, nghĩa là trở nên người quản lý trung thành trong việc sử dụng hay phân phối của cải của mình. Của cải chỉ có giá trị bao lâu người linh mục biết dùng nó để phục vụ Nước Chúa và cộng đoàn trong lòng mến (x. 1Tm 6,17-19). Tắt một lời, tinh thần nghèo khó ở đây là tinh thần biết cho đi. 

Tinh thần khó nghèo giúp ngài biết chia sẻ cho những gia đình còn gặp rất nhiều khó khăn trong giáo xứ (x. MV số 65,69), nâng đỡ họ để họ cũng có một cu?c s?ng tạm ổn, để họ có thời giờ sinh hoạt tâm linh cùng với xứ đạo. Sắc Lệnh “Chức vụ và đời sống linh mục” mời gọi linh mục thực hành các khổ chế như từ bỏ các tiện nghi riêng, không tìm kiếm tư lợi nhưng tìm lợi ích cho nhiều người, để họ được cứu rỗi (x. PO, số 14, Phần cuối).

Thường thì chúng ta dễ rơi vào tình trạng “khó mà nghèo”, vì linh mục thường được người ta yêu mến, sẵng sàng ban tặng vật chất. Bởi đó người linh mục cần nỗ lực trở nên nghèo khó bằng việc sống đơn giản hơn, đón nhận những gì mình có, không phải cho riêng mình nhưng là để chia sẻ, để rộng tay giúp đỡ mọi người. Linh mục giữ của cải như người quản lý, biết chia sẻ cách rộng rãi, tự do và quảng đại. Nhà xứ phải là nhà chung thật sự để tiếp đón mọi người và chia sẻ với bất cứ ai. Khó nghèo không phải là keo kẹt, mà là giảm thiểu nhu cầu đến mức tối thiểu, dành lại của cải của mình phân bổ cho người khác những gì mình có thể làm (x. Cv 2, 42-47).

Không phải chỉ cho đi vật chất mà thôi, nhưng còn cho đi cả đời sống cầu nguyện, đời sống đức Tin, đức Cậy và đức Mến; nói cách khác là cho đi cả con tim và tâm hồn nữa. Vì vậy, chúng ta có thể xin Chúa cho các linh mục có được sự dồi dào về vật chất, đi đôi với tinh thần nghèo khó thật sự để các ngài có thể san sẻ cho tha nhân, đặc biệt là những người túng thiếu. 

Xin cho các linh mục biết yêu thương những người nghèo khó và luôn sống tinh thần khó nghèo.

2. Đời sống khiêm nhường phục vụ: 

Khiêm nhường không phải là không làm tất cả những gì mình biết, nhưng là làm tất cả những gì mình có thể làm được trong tinh thần phục vụ cộng đoàn, hoà mình với cộng đoàn và đồng hành với cộng đoàn trong tiến trình đi lên.

Khiêm nhường thường đi đôi với lòng cao thượng. Thiếu khiêm nhường, người linh mục rất dễ dàng ra vẻ kiêu căng và khinh miệt giáo dân. Trái lại, thiếu lòng cao thượng trong phục vụ, sự khiêm nhường có thể sinh ra nhu nhược. Sự khiêm nhường sẽ giúp người linh mục hãm bớt lại những hăng say quá mức, mà sự hăng say quá mức này đôi khi làm cho giáo dân không thể theo kịp, và dần dần đi đến chỗ linh mục xa lìa giáo dân, nếu không muốn nói là tách rời khỏi họ. Bởi thế, với lòng khiêm nhượng trong phục vụ, người linh mục dễ dàng đối thoại và làm việc với giáo dân, tạo điều kiện cho họ nhẹ nhàng cộng tác. Mẫu gương khiêm nhượng mà người linh mục cần học hỏi là chính Đức Maria. Mẹ chẳng bao giờ đề cao mình, trái lại Mẹ luôn khiêm tốn trong mọi cảnh huống của cuộc đời. Mẹ chỉ nói, chỉ ra mặt khi cần thiết và trong mức vừa đủ (x. Lm. Hồng Nguyên, Chúng Ta là linh Mục, 2004, tr. 57). 

Khiêm tốn trong đời sống phục vụ để giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người; và như thế, linh mục sẽ dễ quên đi chính mình, hầu sẵn sàng phục vụ tha nhân. Phục vụ bằng cả việc hiện diện với mọi người. Vì sự hiện diện của linh mục làm cho Chúa Kitô hiện diện với họ; linh mục phục vụ giáo dân như chính Chúa Kitô đang phục vụ (x. PO, số 9). Linh mục phải trở nên mọi sự cho mọi người để có thể cứu họ, đưa họ sống theo đường lối Chúa (x. Lm Nguyễn Hữu Tấn, Lịch Sử Linh Đạo, 2004, tr. 420).

Năm Linh Mục được mở ra là một cơ hội để người linh mục nhìn lại chính mình và điều chỉnh đời sống của mình. Để một khi triệt để sống tinh thần khó nghèo và tận tụy phục vụ cộng đoàn trong khiêm nhu, người linh mục sẽ trở thành điểm son tô thắm cuộc đời và là điểm tựa nối kết mọi thành phần dân Chúa trong xứ đạo của mình.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
(VietCatholic News )