Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân Ngày Quốc tế Truyền thông xã hội lần thứ 43 (24-05-2009)
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
nhân Ngày Quốc tế Truyền thông xã hội lần thứ 43 ((24-05-2009)
Anh Chị Em thân mến,
Gần tới ngày Quốc tế Truyền thông xã hội, tôi vui mừng ngỏ lời cùng anh chị em để trình bày một vài ý nghĩ của tôi về chủ đề đã chọn cho năm nay: “Nền công nghệ mới, mối tương giao mới. Thúc đẩy một nền văn hóa tôn trọng, đối thoại và hữu nghị”. Thực vậy, nền công nghệ mới kỹ thuật số quyết định những thay đổi căn bản trong các mô hình truyền thông và trong các quan hệ giữa con người. Các thay đổi này đặc biệt thấy rõ nơi người trẻ. Sự lớn lên của họ gắn chặt với các công nghệ truyền thông mới này. Bởi vậy, họ thấy thoải mái trong một thế giới kỹ thuật số trong khi, ngược lại, thế giới này nhiều khi xem ra xa lạ đối với nhiều người trong số những người có tuổi như chúng ta, vốn phải học để hiểu và quý chuộng các lợi ích mà thế giới này cung cấp cho việc truyền thông. Bởi vậy, trong sứ điệp của năm nay, tôi nghĩ là phải ngỏ lời đặc biệt với những người thuộc thế hệ kỹ thuật số này: tôi muốn chia sẻ với họ mấy ý tưởng về tiềm lực phi thường các công nghệ mới này nắm giữ khi chúng được sử dụng để tạo thuận lợi cho việc hiểu biết nhau và cho tình liên đới giữa con người. Những công nghệ này thực sự là một quà tặng đối với nhân loại: do đó, chúng ta phải làm sao để những lợi ích chúng đem lại được đưa ra phục vụ cho mọi con người, nhất là những kẻ phải sống trong thiếu thốn và dễ bị tổn thương, và cho mọi cộng đồng.
Tính cách phổ biến của điện thoại di động và máy tính, kết hợp với tính toàn cầu và sự vận hành của hệ thống mạng, đã tạo nên vô số kênh qua đó người ta có thể gửi, một cách tức thì, các từ ngữ và hình ảnh tới những ngóc ngách xa xôi và hẻo lánh nhất của thế giới: chắc chắn đây là một khả năng nằm ngoài ý nghĩ của các thế hệ đi trước. Đặc biệt, người trẻ đã hiểu được khả năng to lớn của các phương tiện truyền thông mới trong việc tạo thuận lợi cho việc kết nối, cho việc truyền thông và cho sự hiểu biết nhau giữa các cá nhân và cộng đồng, và họ sử dụng chúng để liên lạc với các bạn bè của họ, để kết bạn với những người mới, để tạo nên những cộng đồng và những đường dây, để tìm kiếm thông tin và tin tức, để chia sẻ ý nghĩ và quan niệm của họ. Nhiều lợi ích nảy sinh từ nền văn hóa truyền thông mới này: các gia đình có thể tiếp xúc với nhau, cho dù ở rất xa nhau, sinh viên và nhà nghiên cứu có thể tiếp xúc một cách trực tiếp và dễ dàng hơn với các tư liệu, các nguồn và các khám phá khoa học và do đó, họ có thể làm việc chung với nhau từ nhiều nơi khác nhau; ngoài ra, tính chất tác động lẫn nhau của các phương tiện truyền thông mới tạo nên các hình thức giáo dục và truyền đạt năng động hơn, góp phần vào tiến bộ xã hội.
Mặc dù tốc độ phát triển của các công nghệ mới do độ tin cậy và tính hữu hiệu của chúng là một lý do khiến chúng ta ngỡ ngàng, sự phổ biến của các công nghệ mới này nơi người sử dụng lại không làm chúng ta ngạc nhiên, bởi vì chúng đáp ứng ước muốn căn bản của con người là được quan hệ với nhau. Ước muốn truyền thông và hữu nghị này cắm rễ sâu trong chính bản tính con người chúng ta và không thể được hiểu một cách thích đáng chỉ như một câu trả lời cho các phát minh của công nghệ. Dưới ánh sáng của tín thư Mạc khải, ước muốn này đúng hơn phải được xem như một ánh phản chiếu việc chúng ta tham dự vào tình yêu thương cởi mở và kết hợp của Thiên Chúa, Đấng muốn biến toàn bộ nhân loại thành một gia đình duy nhất. Khi chúng ta cảm thấy nhu cầu đến với người khác, khi chúng ta muốn hiểu người khác rõ hơn và bộc lộ chính mình, chúng ta đang đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa – lời kêu gọi cố hữu với bản chất của chúng ta là được dựng nên theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa, Thiên Chúa của truyền thông và của thông hiệp.
Ước muốn kết nối và bản năng truyền đạt, hiện rõ trong văn hóa đương thời, thực ra chỉ là những biểu hiện mang tính hiện đại của thiên hướng căn bản và không thay đổi của con người là ra khỏi mình để đi vào trong quan hệ với người khác. Trong thực tế, khi chúng ta mở lòng mình ra với kẻ khác, chúng ta thực hiện một cách trọn vẹn những nhu cầu thâm sâu nhất của chúng ta và chúng ta trở thành người một cách đầy đủ hơn. Đấng Tạo hóa đã dựng nên chúng ta chính là để yêu thương. Dĩ nhiên, đây không phải là những quan hệ thoáng qua, hời hợt, mà là yêu thương thực sự, thứ yêu thương làm nên tâm điểm của lời dạy đạo đức của Chúa Giêsu: “Con phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa con, hết lòng, hết linh hồn con, hết trí khôn con và hết cả sức lực con” và “Con phải yêu mến đồng loại con như chính mình” (xem Mc 12, 30-31). Vào ngày này, khi suy nghĩ về ý nghĩa của những công nghệ mới, điều quan trọng là xem xét không chỉ khả năng không thể phủ nhận của các công nghệ này trong việc tạo thuận lợi cho việc tiếp xúc giữa con người, mà cả tính chất của những nội dung các công nghệ này được mời gọi truyền đạt. Tôi mong muốn khuyến khích tất cả những người thiện chí làm việc trong thế giới đang bắt đầu của truyền thông kỹ thuật số, để họ dấn thân thúc đẩy một nền văn hóa tôn trọng, đối thoại và hữu nghị.
Bởi vậy, những người làm việc trong lĩnh vực sản xuất và phổ biến nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng mới, không thể không cảm thấy mình phải có lòng tôn trọng đối với phẩm giá và giá trị của con người. Nếu các công nghệ mới phải phục vụ lợi ích của cá nhân và xã hội, thì những người sử dụng các công nghệ này phải biết tránh sử dụng những từ ngữ và những hình ảnh làm mất phẩm giá con người, và do đó, phải loại bỏ những gì nuôi dưỡng hận thù và sự bất bao dung, làm mất đi cái đẹp và sự thân tình của tính dục của con người, khai thác những con người yếu đuối và không được bảo vệ.
Các công nghệ mới cũng mở đường cho đối thoại giữa con người thuộc các nước, văn hóa và tôn giáo khác nhau. Thế giới mới của kỹ thuật số, cái được gọi là không gian của điều khiển học, giúp con người gặp gỡ nhau và nhận ra những giá trị và truyền thống của người khác. Tuy nhiên, để trở nên phong phú, những gặp gỡ này đòi hỏi phải có những hình thức diễn tả lương thiện và đúng đắn, cũng như một sự lắng nghe chăm chú và tôn trọng. Đối thoại phải cắm rễ sâu trong một sự tìm kiếm chân lý một cách chân thành và có qua có qua lại, để thúc đẩy sự phát triển trong sự hiểu biết và chấp nhận nhau. Cuộc sống không chỉ đơn thuần là một chuỗi các sự kiện và kinh nghiệm nối tiếp nhau: sự sống đúng hơn là sự tìm kiếm chân, thiện, mỹ. Chính vì mục đích này mà chúng ta có những chọn lựa của chúng ta, thực hiện sự tự do của chúng ta và nơi chúng, nghĩa là trong chân, thiện, mỹ, chúng ta tìm thấy hạnh phúc và niềm vui. Nhưng cũng còn phải tránh không để bị lừa bịp bởi những kẻ chỉ tìm người tiêu thụ trên một thị trường không phân biệt các khả năng, nơi chính sự chọn lựa lại trở thành thiện, cái mới mẻ được coi là mỹ, và chân bị kinh nghiệm chủ quan thay thế.
Khái niệm về tình hữu nghị mới được phục hồi trong từ vựng của các mạng lưới xã hội kỹ thuật số xuất hiện trong những năm gần đây. Khái niệm này là một trong những khám phá cao quý nhất của văn hóa nhân loại. Trong tình hữu nghị và qua tình hữu nghị này của chúng ta, chúng ta lớn lên và phát triển thành người. Cũng chính vì vậy mà tình hữu nghị đích thực từ muôn thuở đã được xem là một trong những kho tàng lớn nhất con người được hưởng. Chính vì vậy, cần phải chú ý để không tầm thường hóa khái niệm và kinh nghiệm về tình hữu nghị. Sẽ là đáng tiếc nếu ước muốn củng cố và phát triển tình hữu nghị trên mạng lại được thực hiện một cách gây tổn hại đến sự sẵn sàng của chúng ta đối với gia đình, đối với người láng giềng và đối với những người chúng ta gặp trong đời sống thường ngày của chúng ta, tại nơi chúng ta làm việc, ở trường học, trong khi chúng ta nhàn rỗi. Thực vậy, khi ước muốn kết nối qua mạng (ảo) trở thành nỗi ám ảnh, hậu quả sẽ là con người tự cô lập mình, và như vậy, cắt đứt sự tương tác xã hội thực sự. Điều này cuối cùng cũng sẽ làm rối loạn các thể thức nghỉ ngơi, thinh lặng và suy tư cần thiết cho một sự phát triển con người một cách lành mạnh.
Hữu nghị là một tài sản quan trọng của con người, nhưng nó sẽ mất giá khi nó bị xem như một cứu cánh tự thân. Bạn hữu phải nâng đỡ và khuyến khích nhau bằng cách phát triển các thiên phú và khả năng của nhau và bằng cách sử dụng chúng phục vụ cộng đồng nhân loại. Trong bối cảnh đó, quả là thỏa lòng khi thấy xuất hiện những mạng lưới kỹ thuật số mới nhằm thúc đẩy sự liên đới giữa con người, thúc đẩy hòa bình và công lý, các quyền con người và sự tôn trọng sự sống và tài sản của công cuộc tạo dựng. Các mạng lưới này có thể làm cho các hình thức hợp tác giữa các dân tộc thuộc các môi trường địa lý và văn hóa khác nhau trở nên dễ dàng bằng cách cho phép họ đào sâu tính nhân loại chung và ý nghĩa của sự đồng trách nhiệm đối với lợi ích của mọi người. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý để thế giới kỹ thuật số, trong đó các mạng lưới này có thể được thiết lập, phải là một thế giới mà mọi người đều có thể thực sự tiếp cận được. Tương lai của nhân loại sẽ bị tổn thất nặng nề nếu những phương tiện mới của truyền thông, vốn giúp chia sẻ hiểu biết và thông tin một cách nhanh nhất và hữu hiệu nhất, lại không tới được những kẻ vốn đã bị gạt ra ngoài lề về mặt kinh tế và xã hội hoặc nếu chúng chỉ góp phần đào sâu khoảng cách giữa người nghèo với các mạng lưới mới vốn phát triển nhằm phục vụ việc thông tin và xã hội hóa của con người.
Tôi muốn được kết thúc thông điệp này với đôi lời, đặc biệt, ngỏ cùng các người trẻ công giáo, để cổ vũ họ làm chứng cho niềm tin của họ trong thế giới của kỹ thuật số. Các bạn trẻ rất yêu quý, hãy dấn thân tìm cách đưa những giá trị vốn là nền tảng của cuộc đời các bạn vào trong nền văn hóa của không gian truyền thông và thông tin mới này! Vào buổi đầu của Giáo hội, các Tông đồ và các môn đệ của các ngài đã loan báo Tin Mừng về Chúa Giêsu trong thế giới Hy Lạp-La Mã: như khi ấy, để có được hiệu quả, việc loan báo Tin Mừng đòi hỏi sự hiểu biết chăm chú về nền văn hóa và phong tục của các dân ngoại để đánh động lòng trí, ngày nay cũng vậy, việc loan báo Đức Kitô trong thế giới của những công nghệ mới đòi hỏi một sự hiểu biết sâu sắc để sử dụng chúng một cách chặt chẽ và thích đáng.
Chính chúng con, các bạn trẻ, những người thấy mình hòa đồng một cách gần như tự nhiên với các phương tiện truyền thông mới này, chúng con có nhiệm vụ đặc biệt loan báo Tin Mừng cho “lục địa kỹ thuật số” này. Hãy biết đảm nhiệm với lòng nhiệt tình phận sự loan báo Tin Mừng cho những người đương thời! Chúng con hiểu rõ nỗi lo sợ và niềm hy vọng của họ, sự nhiệt tình và nỗi chán chường của họ: quà tặng quý báu nhất các con có thể đem đến cho họ là chia sẻ với họ “Tin Mừng” về một Thiên Chúa đã làm người, đã đau khổ, đã chết và đã sống lại để cứu độ nhân loại. Lòng con người đang khát khao một thế giới trong đó tình yêu thương ngự trị, trong đó các quà tặng được chia sẻ, trong đó sự thống nhất được xây dựng, trong đó tự do có được ý nghĩa của nó trong sự thật và trong đó căn tính của mỗi người được thực hiện trong một sự hiệp thông đầy kính cẩn. Trước những chờ đợi này, niềm tin có thể đem lại câu trả lời: Hãy là những sứ giả loan báo niềm tin ấy! Đức Giáo hoàng sẽ ở bên chúng con bằng lời cầu nguyện và phép lành của mình.
Bênêđictô XVI, Giáo hoàng
NN. chuyển dịch