Thất bại cũng có giá trị

Thất bại cũng có giá trị

 

THẤT BẠI CŨNG CÓ GIÁ TRỊ

Gần 500 SV-HS và phụ huynh đã kiên nhẫn ngồi đến 12g15 để nghe đến lời cuối cùng của hội thảo “Tuổi trẻ - Đâu là lẽ sống?” (do Trường quản trị cuộc đời LiMa và Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM tổ chức sáng 31-7).

Từ câu chuyện tự tử vì sợ thi trượt của một học sinh THPT trong mùa tuyển sinh vừa qua, hội thảo đề cập đến áp lực thi cử, thảm trạng tự tử mà bạn trẻ hiện nay phải đối mặt, qua đó xoáy vào câu chuyện lẽ sống, định hướng cuộc đời của người trẻ trước sự kỳ vọng của gia đình, xã hội và bản thân.

Một SV kín đáo viết giấy hỏi: “Tôi đang học năm 2 đại học nhưng không thấy hào hứng vì ngành học không phù hợp với mình. Tôi phải làm gì đây?”.

Chuyên gia tâm lý Trần Năng Thể trả lời: “Nếu em chán nản thì tôi khuyên em hãy mạnh dạn bỏ đi và làm lại từ đầu. Tôi đã từng chứng kiến một học sinh giỏi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, khi du học ở Pháp gia đình đã yêu cầu em phải học y khoa dù khả năng của em không phù hợp với ngành này. Cuối năm nhất, em bị đánh rớt, học lại một năm nữa vẫn bị rớt. Em đã phải chuyển sang ngành khác và bây giờ rất thành công. Nếu thiện chí có dư nhưng khả năng không có thì lại là sự nguy hiểm. Thất bại cũng có giá trị đấy, nó giúp ta khiêm tốn hơn, bớt kiêu ngạo hơn, mà bớt kiêu ngạo sẽ được nhiều người cảm mến. Trong cuộc sống, có những thành công vì khiêm tốn, vì sống đẹp với nhau chứ không chỉ thành công vì khả năng của mình” - những tràng pháo tay nổi lên đồng tình với quan điểm này.

Chuyên gia Trần Năng Thể cũng cho rằng khi đánh mất lẽ sống, mỗi người cần định vị: ta là ai trong gia đình, ta đứng ở đâu trong xã hội này. Tiếp đó là định hướng: bạn muốn đời bạn sẽ như thế nào, bạn sẽ trở thành người ra sao... Và định giá trị: mỗi người hãy chọn nấc thang giá trị cuộc sống của mình.

Chân thành, chung thủy, sự bình an trong tâm hồn hay tiền bạc, danh vọng... giá trị nào được xếp cao nhất, còn những giá trị nào xếp thứ tự thấp hơn. Cuối cùng là định tâm: tức là ý chí quyết tâm thực hiện những điều trên.

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt - hiệu trưởng Trường quản trị cuộc đời LiMa - đúc kết: “Cuộc sống không có ngõ cụt, không có sự bế tắc. Bạn sẽ tìm được lối ra nếu cảm thấy cuộc đời này đáng sống. Không ai khác mà chính bản thân bạn phải là người lãnh đạo mình, chính bản thân bạn phải tự quản trị cuộc đời mình. Cuộc đời này đẹp và đáng sống lắm nếu bạn sống có mục đích và ý nghĩa”.

“Tôi không đậu ở trường thì đậu ở đời”- chuyên gia Trần Năng Thể cho rằng các bạn trẻ hoàn toàn có thể tin tưởng và hi vọng ở nhiều con đường thênh thang phía trước. Không có thất bại nào vô ích, thất bại để khiêm tốn và khiêm tốn để thành công. Lẽ sống của tuổi trẻ là đi tìm hạnh phúc, nghĩa là lựa chọn những giá trị, chứ không chỉ nằm ở được - mất trong một kỳ thi.

HOÀNG HƯƠNG - TỊNH NHÂN
(Tuổi Trẻ)