Sống vai trò người vợ để xây dựng tổ ấm gia đình

Sống vai trò người vợ để xây dựng tổ ấm gia đình

 

     SỐNG VAI TRÒ NGƯỜI VỢ ĐỂ XÂY DỰNG TỔ ẤM GIA ĐÌNH
 
I. NHẬP ĐỀ

1. Một vài nhầm lẫn trong xã hội ngày nay trước cái nhìn về vai trò của người phụ nữ :

a. Những người đấu tranh cho nữ quyền không chấp nhận quan niệm về vai trò của người phụ nữ như trước đây.
b. Nhiều người không chấp nhận vai trò truyền thống của phụ nữ là một người vợ và là một người mẹ nữa.

2. Vậy mục đích đầu tiên Thiên Chúa dành cho người nữ là gì ?

a. Người nữ được tạo dựng để trở nên người trợ tá tương tác- (người bạn đồng hành tương hợp). (Sách Sáng thế 2,18)
b. Nam nữ đều là con Thiên Chúa, bình đẳng với nhau về phẩm giá. Vì thế, “ Vì lòng kính sợ Chúa, anh em hãy tùng phục lẫn nhau”. (Ep.5,21)
c. Nhưng vai trò đáng quan tâm hơn, đó là người phụ nữ chính là quà tặng mà Thiên Chúa dành cho hôn nhân .

II. NHỮNG ĐIỀU CẦN THỰC HIỆN VÀ NHỮNG ĐIỀU PHẢI TRÁNH

1. Những điều cần thực hiện:

a. Cùng chồng đặt một định hướng và cùng nhau thực hiện định hướng với hết khả năng, tâm trí của mình
b. Giúp chồng thực hiện công việc và trách nhiệm của anh ấy.
c. Khích lệ, nâng đỡ khi chồng gặp khó khăn và thử thách.
d. Giúp chồng nuôi dạy con cái, đặc biệt giáo dục con gái những đức tính của một thiếu nữ Kitô giáo.
e. Dành tất cả yêu thương cho chồng.“Nơi nào hôn nhân không có tình yêu, thì người ta sẽ đi tìm tình yêu ngoài hôn nhân”.
f.  Duy trì bầu khí tốt trong gia đình bằng cách phục vụ với lòng quảng đại, từ tâm để biến gia đình thành tổ ấm.
g. Giúp nhau sửa lỗi qua việc đối thoại.

2. Những điều phải tránh

a. Không phải là người “chăn dắt” chồng.
b. Không đối xử với chồng như con trẻ, không điều khiển, không nắm đầu chồng.
c. Không không kiểm soát gắt gao, bới lông tìm vết, không kể tội chồng với bất cứ ai.
d. Không là người lãnh đạo hay huấn luyện viên của chồng.
- Hãy để anh thể hiện vai trò của mình một cách sáng tạo, cho dù anh có lỗi (hoặc ta nghĩ anh có lỗi).
- Hãy tin rằng Thiên Chúa sẽ sửa dạy anh qua nhiều cách và nhiều người khác nữa ( cấp trên, cộng đoàn, bạn bè).

e. Không là kẻ thù của chồng.
- Không chia phe như chơi trò “kéo co”, nếu một người bị ngã thì không còn là gia đình nữa. Và nếu chúng ta chia phe, thì Thiên Chúa ở phe nào?
- Không tranh hơn tranh thua, trong tình yêu không có hơn thua, và biết cách thua trong hôn nhân là cả một nghệ thuật, là được chứ không phải mất.

III. SỐNG TÍCH CỰC VAI TRÒ NGƯỜI VỢ KITÔ GIÁO

1. Đời sống thiêng liêng:

a. Sắp xếp để có thời giờ thực hiện các bổn phận thiêng liêng.
b. Dành thì giờ cầu nguyện và đọc Kinh Thánh hằng ngày. Nhờ nghe đọc Kinh Thánh, gia đình sẽ tìm được giá trị đích thực cho cuộc sống. Con đường canh tân đổi mới cá nhân và gia đình sẽ mở ra cho họ.
c. Cầu nguyện và chuyển cầu cho chồng, cho cấp trên, bạn bè, môi trường mà anh tiếp xúc.

2. Đời sống thực tế

a. Phụ nữ là nhân tố tạo nên bầu khí gia đình:
- Quan tâm chăm sóc các nhu cầu cá nhân (ăn uống, ngủ nghỉ, quần áo…), nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp, ấm cúng…
- Chấp nhận những khác biệt, khuyết điểm của chồng bằng những hành động nhân đức và tình yêu.
- Tạo sự an bình trong gia đình bằng lòng khoan dung, dịu dàng và óc khôi hài.
- Đối xử với cha mẹ chồng, gia đình chồng như gia đình của mình, nhờ cha mẹ mới có chồng mình.

b. Trong quan hệ tính dục:
-   Sẵn sàng và nắm rõ những nhu cầu của chồng (Cor.7,3-5)
-   Tính dục trong hôn nhân là quà tặng của Thiên Chúa dành cho vợ chồng, chúng ta không có quyền sử dụng như một thứ vũ khí để làm áp lực hay để phạt nhau.

c. Trong hành động

1. Hãy diễn tả, biểu lộ lòng yêu thương, kính trọng chồng.

a. Tỏ cho anh thấy tình cảm và sự tôn trọng của mình đối với vai trò lãnh đạo gia đình của anh (vui vẻ lắng nghe).
b. Tạo uy tín cho chồng bằng cách để anh ấy quyết định mọi việc trong gia đình và ngoài xã hội, các buổi hội họp. Hãy quảng đại thực hiện các quyết định đó, cho dầu ta không hài lòng hòan toàn.

2. Dạy cho con cái yêu thương, kính trọng cha.
a. Không nói những điều xấu, tiêu cực trước mặt con. Nói điều tích cực của chồng với con cái và bạn bè. Cố gắng chống lại cám dỗ muốn hạ thấp, sửa sai anh trước mặt con cái và người khác.
b. Đừng làm ngược lại điều cha dạy hoặc kéo con về phía mình để ngầm chống lại cha. Nói điều không tích cực với con là gián tiếp dạy chúng chống lại cha. Hãy tâm sự với Chúa, Mẹ Maria khi cảm thấy cô đơn, đau khổ.
c. Đừng tranh luận, cãi vã trước mặt con vì đó là gương xấu và dễ ảnh hưởng đến tâm lý chúng.

D. Trong lời nói

1. Hãy là nguồn mạch ân phúc và từ tâm như Thư 1 Phêrô 3,4 : “Chị em hãy là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hõng là tính thùy mị, hiền hòa”.

2. Hãy nói năng yêu thương, dịu dàng (Châm ngôn 31,26).

3. Bỏ qua những nhận xét gay gắt và những lời nói chỉ trích. Chúng ta cần chế ngự miệng lưỡi mình, không chì chiết cằn nhằn những chuyện cũ (Giacôbê 3,8-10).

KẾT LUẬN

Với tất cả những điều chúng ta vừa nói, chúng ta sẽ bị coi là ngu dại trước mắt người đời. Nhưng với người Kitô giáo:
- Đó là kế hoạch, ý muốn của Thiên Chúa. Và là cách thức để chúng ta cảm nhận hồng ân Thiên Chúa trong hôn nhân và đời sống gia đình.
- Đó là ơn gọi, là một thách thức lớn lao của người sống đời gia đình. Hãy tìm hiểu kỹ ơn gọi này. Chúng ta có thể thực hiện được khi hết lòng xây dựng một gia đình vững mạnh.

Chúng ta tin vào Chúa, trông cậy vào nguồn Tình yêu là Chúa Thánh Thần. Người sẽ giúp chúng ta trở nên một phụ nữ tốt lành là người xây dựng chứ không phải phá hủy, chữa lành chứ không làm thương tổn, đem lại sự sống chứ không đem lại u sầu, tang thương cho những người chúng ta gặp gỡ
 
SUY NGHĨ DÀNH CHO BẠN NỮ
 
1.      Để trở nên người vợ tốt trong tương lai, tôi cần lưu ý đến điểm nào ?
2.      Điều nào tôi phải để tâm tập luyện hơn ?
 
Jos. Nguyễn Hùng Cường