Quyền lực Gia Đình

 

QUYỀN LỰC GIA ĐÌNH

Ngày nay gia đình vẫn còn làm chủ và chiếu tỏa năng lực phi thường để có thể lôi kéo con người ra khỏi sự vô danh, thức tỉnh con người ý thức lại phẩm giá của mình, mặc lại cho con người một nhân tính sâu sa và tích cực dẫn đưa con người với sự duy nhất và độc đáo của nó vào trong mạch sống xã hội” (Tông Huấn FC, 43).
 
Quyền uy là cơ sở để mọi tổ chức tồn tại, nhưng nó không phải là thứ quyền vô tâm, vô cảm, mù quáng, quyền uy mang sức mạnh của tỉnh táo, mềm dẻo, vị tha, có khả năng thúc đẩy mọi thành viên lớn hơn trong nhân vị và cuộc sống…
 
Dẫn nhập:
           
Mọi người bước vào thế giới gia đình với những hoàn cảnh khác nhau và có những ưu tiên khác nhau; nói chung, tất cả hầu như có một ý định tốt, và một cảm nhận: “Gia đình trên hết”; Ai cũng có một quyết tâm yêu gia đình mình hơn bất cứ một thứ gì trên đời, mong mỏi sự bình yên, mạnh khỏe, hạnh phúc và phát đạt trong mọi việc liên quan tới gia đình và tới mọi thành viên của gia đình mình. Như một thuyền trưởng vững vàng đưa con thuyền vượt sóng, những người chủ của gia đình ngày nay, bất chấp cơn đại hồng thủy của thông tin tuyên truyền, của văn minh chết chóc, của mọi thứ chủ nghĩa giả tạo đang đe dọa các giá trị con người và gia đình, họ lạc quan cương quyết và tràn đầy hy vọng vì gia đình vẫn có thể phát triển, sinh tồn và thăng hoa. Những người chủ gia đình dám gánh vác vai trò vinh quang đầy thách đố nhằm tăng cường niềm tin và các giá trị. Đã đến lúc, với tư cách là chủ gia đình, họ can đảm để nói lên rằng: “Này tôi không khuất phục, tôi không từ bỏ, tôi không hoảng sợ”, những người chủ của gia đình ngày nay ý thức rằng mình không phải là người lạc quan ngớ ngẩn. Họ tỉnh táo và ý thức, họ cần những phương tiện nào, những chỉ dẫn nào, và kỹ thuật nào để có thể thi hành và hoàn thành ơn gọi; dĩ nhiên, sự nâng đỡ của Thiên Chúa là điều họ tìm kiếm hằng ngày.
 
1. Quyền uy gia đình
           
Quyền uy là cơ sở để mọi tổ chức tồn tại, nhưng nó không phải là thứ quyền vô tâm vô cảm, mù quáng, quyền uy mang sức mạnh của tỉnh táo, mềm dẻo, vị tha có khả năng thúc đẩy mọi thành viên lớn hơn trong nhân vị và cuộc sống. Đó là quyền năng của sự phục vụ; hiểu theo cách này, qủa tự thân gia đình là tổ chức duy nhất có quyền uy độc đáo.
 
Đối với xã hội, tổ chức theo kiểu nông thôn, cớ cấu gia đình có thể được mở rộng gồm những cặp vợ chồng, con cái sống chung với nhau và đặt dưới quyền uy của người cha, người mẹ trong gia đình. Trong khi cuộc sống ở thành thị thì mô hình gia đình loại này đã không mấy thích hợp. Trong gia đình thành thị, ngoài bố mẹ, ông bà, dì, dượng, bà con… còn có cả các công nhân học nghề; nếu gia đình khá giả thì có cả những gia nhân… Trong trường hợp này, mối quan hệ giữa các thành viên đã pha trộn giữa tinh thần gia tộc (với quyền uy của cha mẹ), với quan hệ thực tế: chủ tớ, thầy thợ, công nhân người chủ. Hàm ý của các mối quan hệ này là quyền uy và lợi nhuận.
 
Mọi người đều biết rằng xã hội xây dựng trên cơ sở văn hóa nông nghiệp, sau đó tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp đã phải đương đầu với những tư duy và điều kiện sinh hoạt xã hội của hậu công nghiệp, của công nghệ điện tử, điện toán hiện nay. Hệ thống gia đình và cấu trúc của nó đã phải thay đổi rất nhiều, dĩ nhiên phát sinh nhiều loại gia đình mới: gia đình chỉ một cha hoặc một mẹ; gia đình tái nhập, gia đình của người đồng tính, gia đình của những người sống chung ngoài hôn thú. Cấu trúc gia đình thay đổi thì tương quan giữa các thành viên cũng thay đổi, chức năng gia đình cũng đã thay đổi nhiều trong những thập niên của thế kỷ XX, kéo theo quyền lực trong những loại gia đình này cũng được thẩm định lại một cách khác.

Bỏ ra ngoài các yếu tố xã hội, nhân văn, chính trị và lịch sử gia đình, khi nói tới gia đình người ta nghĩ ngay tới một cộng đồng yêu thương, một cộng đồng kiểu mẫu, chính trong gia đình kiểu mẫu này mà quyền uy gia đình được mọi người đón nhận như là một trật tự gần gũi, thuận thảo, yêu thương và phục vụ.
 
Gia đình kiểu mẫu với quyền uy này thông thường được xã hội quan niệm là:
 
- Một hệ thống có những mối tương quan thuận thảo và lễ giáo. Yếu tố này là nhu cầu căn bản: nhu cầu phụ thuộc vào một điều gì đó, nhu cầu cần được chấp thuận và đón nhận một cách mạnh mẽ hơn bất cứ nơi nào khác; người ta gần gũi để chăm lo cho nhau vì biết rằng không có nơi nào hơn trong gia đình. Mối tương quan hòa thuận này, nói theo người Việt Nam là Lễ; nhờ thi hành Lễ mà giữ được sự êm ấm. Quyền lực gia đình lúc này là mọi người tự nguyện thực hành Lễ để phát triển gia đình và nhân cách.
 
- Gia đình là một nơi chốn mà chúng ta sinh ra, lớn lên, ý thức bảo vệ và xây dựng nó. Vì nơi đây có một giai điệu riêng của chúng ta, liên quan tới mỗi người, và đi theo chúng ta suốt đời. Dĩ nhiên, vẫn biết rằng, không có cha mẹ hoàn hảo cũng như không có gia đình nào hoàn hảo. Người ta xây dựng nó vì lẽ rằng nó mang dấu ấn của riêng mình, một gia điệu riêng. Quyền lực gia đình lúc này chính là lòng yêu mến “một cõi đi về” của đời người.
 
- Gia đình thực sự là nơi những tình cảm… ăn sâu và ghi dấu ấn; tất cả sự kiện, ấn tích, bữa ăn, lễ hội gia đình, tình cảm truyền thống chứng thực cho chúng ta biết chúng ta là ai và nôi kết chặt chẽ ta với các thành viên khác có cùng những kỷ niệm, những tình cảm và những dấu ấn. Điều này dẫn tới sự tiếp nối của truyền thống những tình cảm sống động và êm ải, sự an toàn và tình thương yêu… Tất cả đã gắn kết chặt chẽ như một quyền lực vô hình của gia đình tạo nên sự đồng nhất và sự tự nguyện thuộc về nhau.
 
- Gia đình mẫu mực, thuận thảo và lễ giáo còn bao gồm các hoạt động giao ước thân tình vốn là yếu tố khẳng định tình cảm gia đình. Các cuộc đối thoại đầy ý nghĩa, quan tâm và ý thức tới nhu cầu của nhau, cũng như sự tìm kiếm cách thức để phục vụ, giúp nhau tự tin và độc lập, mở rộng kỹ năng và tiếp nhận giáo dục tinh thần trách nhiệm. Quyền lực của gia đình lúc này là một chất xúc tác mạnh vào các chức năng cơ bản và truyền thống: sinh sản, giáo dục và nuôi dưỡng.
 
- Một yếu tố quan trọng không kém để hình thành nên quyền lực của gia đình kiểu mẫu là mọi người cùng nhau vượt thắng những khủng hoảng thách đố đến từ bên trong cá nhân (đau ốm, nghiện ngập, non kém), đến từ bên ngoài (thất nghiệp, tai nạn…), và như thế gia đình có quyền lực để củng cố niềm tin tưởng, có sức mạnh để bày tỏ những hài hòa yêu thương và là động cơ thúc đẩy sự bình an, kềm hãm các bản năng xung động.
 
Hiểu quyền lực gia đình như thế là giúp ta thừa nhận và khám phá lại một chức năng quan trọng mà gia đình đã đảm nhận: chức năng giáo dục, một chức năng vốn bị xã hội càng ngày càng cạnh tranh khốc liệt với sự ác ý nhằm phi nhân hóa, xã hội hóa bằng cách phi nhân hóa con người. Hiểu quyền năng của gia đình một cách tích cực như thế có khả năng giúp ta trở về với cơ chế truyền thống gia đình, một cơ chế mang đầy tình cảm, điều mà ngày nay, nhiều người và rất nhiều bạn trẻ không còn cảm nhận được nữa. Gia đình là một tổ ấm cần được bảo vệ, duy trì và mọi người được mời gọi để nuôi nấng và chăm sóc, gia đình là nơi đầy kỷ niệm và yên vui. Đó là nơi để mọi người phát huy nhân vị, bồi đắp nhân cách, đón nhận yêu thương, thông cảm. Quyền năng của gia đình như thế là một mong ước, xứng đáng cho mọi nỗ lực.
 
“Gia đình làm nên cái nôi và là phương tiện hữu hiệu để nhân bản hóa và ngôi vị hóa con người… Đứng trước một xã hội ngày càng có nguy cơ làm cho con người mất nhân vị và trở thành vô danh, tức là một xã hội phi nhân và có sức phi nhân hóa với những hậu quả tiêu cực dưới biết bao nhiêu hình thức “trốn chạy”, “rượu chè”, “ma túy”, “khủng bố”, “bạo lực”. Ngày nay gia đình vẫn còn làm chủ và chiếu tỏa năng lực (quyền năng) phi thường để có thể kéo con người ra khỏi sự vô danh, thức tỉnh con người ý thức lại phẩm giá của mình, mặc lại cho con người một nhân tính sâu xa và tích cực dẫn đưa con người với sự duy nhất và độc đáo của nó vào trong mạch sống xã hội” (Tông Huấn về Gia Đình 1987, số 43).
 
2. “Người Cha được Tôn vinh, và người Mẹ thêm uy quyền nơi con cái” (Hc 3, 2-6)
           
Quyền của cha mẹ trong việc hướng dẫn con cái là quyền tự nhiên phát sinh từ ơn gọi và bản chất của gia đình. Quyền này cũng được các chính phủ thừa nhận, tuy mỗi nơi một cách khác. Thực tế, trong điều kiện sinh hoạt xã hội công nghệ tiên tiến, đã có những khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, và ta có cảm tưởng khoảng cách này càng ngày càng tăng dần. Sự khác biệt này nảy sinh từ những sở thích, nếp sống, cách nhìn và đánh giá các sự việc và các biến cố.
 
Trong xã hội tân tiến, nhà trẻ, trường học, trường nghề, xí nghiệp, sở làm, nhà dưỡng lão, các phương tiện truyền thông, giải trí và đi lại… đã lấy đi một phần (có thể là phần lớn) sự gắn bó giữa cha mẹ và con cái. Các định chế hôn nhân càng ngày càng bị sói mòn bởi các kiểu sống độc thân, không thích hoặc hạn chế số con, ở chung không cưới, độc thân nhưng có con, li dị… tất cả dường như đã được luật pháp các quốc gia và các phong trào thế tục dần dần hợp thức hóa và nâng lên hàng đầu, với tham vọng rút ngắn và giới hạn quyền hạn của cha mẹ đối với con cái.
 
Đó là một thực tế mà nhiều người không ít bi quan cho là sự tuột dốc đạo đức gia đình, và một số người khác thì cho là xu thế này cũng có thể giúp thúc đầy và phát triển một nỗ lực chung trong vai trò giáo dục con người, trong bối cảnh mọi sự đã vượt qua khỏi tầm kiểm soát và khả năng của gia đình. Dầu cho quan niệm thế nào thì cha mẹ và gia đình luôn được hiểu như là một thực thể không thể thay thế, nhất là trong chức năng giáo dục con cái, và đây cũng chính là yếu tính của quyền làm cha, làm mẹ, với tư cách là những người đã truyền ban sự sống cho con cái. Điều này đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng của gia đình, đã mạnh mẽ khẳng định:
 
“Vì cha mẹ đã sinh ra con cái nên quyền và bổn phận giáo dục là một điều nằm trong yếu tính của họ; vì tương quan giữa họ với con cái làm thành một tình yêu thương không thể thay thế được, nên quyền và bổn phận giáo dục của họ có tính cách độc đáo và cơ bản so với bổn phận giáo dục của người khác, là một điều gì đó không thể thay thế và không thể chuyển nhượng, cho nên cũng không thể khoán trắng cho người khác hay bị người khác cưỡng đoạt” (Tông Huấn về Gia đình, 36).
 
Thực ra, những tư tưởng này của ĐGH Gioan Phaolô II đã làm sáng tỏ hơn xác tín của Công đồng Vaticanô II “vì là người truyền ban sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng phải giáo dục con cái… và vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi thiếu sót nó sẽ khó lòng bổ khuyết được” (Tuyên Ngôn về Giáo dục, 3). Chúng ta còn bắt gặp nhiều giáo huấn như thế bàng bạc trong các văn bản, tông huấn, tuyên ngôn, bài giảng của Giáo hội, của các ĐGH.
 
Như trên chúng ta đã đề cập quyền uy là một cơ sở để mọi tổ chức xã hội tồn tại, ảnh hưởng của bố mẹ trong gia đình, uy tín của ông thầy trong lớp học là điều tất nhiên để thúc đẩy phát triển cá nhân và tổ chức. Nhưng vấn đề quyền uy trong gia đình đối với con cái, và các thành viên vẫn mãi là một điều gây bối rối không ít. Người này bảo với chúng ta: nên dễ dãi và đừng độc đoán để không kiềm hãm sự phát triển nhân cách của con cái; và người kia thì nói với chúng ta: đã quá dễ dãi, và đã làm cho bọn trẻ thiếu vững vàng bởi vì không thiết lập được kỷ cương nghiêm minh. Chúng ta bỉ chỉ trích nếu chúng ta làm, và chúng ta cũng bị chỉ trích nếu chúng ta không làm. Nhiều triết gia, nhiều chuyên viên gia đình và cả những nhà xã hội đã đưa ra nhiều lời khuyên và ý kiến khác nhau về vấn đề này. Với người này, quan niệm bố mẹ là “Vua” trong gia đình, thống trị hoàn toàn con cái và mọi thành viên, nhưng không phải với cung cách chuyên chế, độc đoán, vì họ nhắm làm điều tốt cho con cái. Với người khác, thì con cái không bình đẳng với người trưởng thành, và vì thế chúng phải được nâng lên tới sự bình đẳng thông qua sự chăm sóc và kỷ luật của bố mẹ. Với người khác nữa thì nói rằng, bố mẹ phải cung cấp cho bọn trẻ những gì chúng “muốn”, nhưng “muốn” ở đây là những gì chúng thiếu hoặc cần, chứ không phải những gì chúng nghĩ là chúng phải có. Các chuyên gia tâm lý thì lại khẳng định: “quyền uy” của bố mẹ gây ra mọi vấn đề tâm lý nơi con cái, mọi căng thẳng và bất đồng xuất phát từ mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, nhưng sự dễ dãi và dung túng cũng tạo ra những tác động tình cảm không thuận lợi cũng như tính khắt nghiệt và nghiêm nghị vậy.
 
Quả thật chuyện uy quền trong gia đình tưởng rằng đơn giản mà lại là phức tạp vô chừng. Tôi đọc được trong một tác phẩm mà tác giả đã trích dẫn lời một nhà tâm lý học vừa là một nhà tâm linh: Taben Thorniere, nói về uy quyền, nhưng ta cũng có thể liên tưởng tới uy quyền của bố mẹ trong gia đình: “có quyền uy, dùng quyền lực và cả sự khôn khéo vốn có để dồn kẻ khác theo mưu mô của mình vì lợi ích riêng, thực chất là thực thi sự nô lệ hóa. Dùng quyền lực và sự thành thực vốn có để gắn mình với số phận chung, để đeo đuổi một mục đích chung đó là sự giải phóng. Quyền lực này không thâm nhập vào đời sống người khác để khống chế, chiếm đoạt, mà trái lại là cung cấp bồi dưỡng tận tình để họ có thể tự hoàn thiện và nâng mình lên. Công việc đó được làm hết sức vô tư và không thể ảnh hưởng tới tinh thần tự chủ của ai. Ở trường hợp này, quyền uy thôi không là yếu tố ngoại lai xa lạ nữa. Nó đã trở thành tiếng nói tâm linh như là một ân sủng. Không có chuyện là ý chí áp đặt để khống chế các ý chí. Quyền uy ấy có nghĩa là sự hiến mình” (Nghệ thuật làm bố, Tạ Văn Bảo, NXBTN, 1999, 48).
 
3. Quyền uy của Bố:
           
Đạo lý gia đình Việt Nam dành cho người Bố một vị trí và một vai trò lớn, trước nhất đối với hạnh phúc gia đình, và sau đó là sự yên ổn của con cái. “Con có cha như nhà có nóc”, “cái nóc Bố” thật cần thiết để bảo bọc che chở cho đàn con trong mưa nắng cuộc đời. Con cái xem Bố là mẫu mực, là lý tưởng và là niềm tự hào. Vì thế, khi sự lục đục xảy ra ở trong gia đình, hay người Bố xa đọa, ngay cả cái chết của Bố, thì con cái coi đó là một nỗi bất hạnh không gì lớn hơn. Có ai đó đã nói: “Ở tuổi 40 trở đi, người ta mới mở mắt để nhận ra rằng: tôi sẵn sàng đánh đổi những gì quý nhất trên đời để chỉ được bàn bạc với Bố mọi chuyện, tiếc quá, tôi đã quá khờ dại không nhận biết rằng Bố có quá nhiều điều hay để tôi học hỏi”.
 
Nghiên cứu khoa tâm lý trẻ cho thấy rằng chẳng phải đợi đến tuổi 40 người ta mới nhận thức uy quyền của người cha trong gia đình, và nhiều cái hay của Bố. Trái lại, nhận thức và niềm tự hào của đứa bé vào khả năng kiên quyết của người Bố trong gia đình đã phát triển rất sớm và rất lớn. Bên cạnh đó, người mẹ cũng thường làm tăng vẻ uy quyền của người cha qua những dặn dò hằng ngày: “để bố ngủ”, “mẹ mách bố cho coi”, “coi chừng bố mày về đấy”… Quả thực, quyền uy mà nhiều nền văn hóa, cũng như con cái đã dành cho Bố những trân trọng luôn mời gọi một cách nghiêm túc những người Bố phải suy tư nhận định sau đây: “Một trong những điều tệ hại nhất của người đàn ông là tạo ra đứa bé mà không giúp chúng trưởng thành”.
 
Chúng ta hãy bình tĩnh đọc lại nhận định của Dr. Laura Schlessinger, một nhà tâm lý gia đình nổi tiếng với bộ sách “Mười điều dại dột của đàn ông”, “Mười điều dại dột của đàn bà”, bộ sách bán chạy nhất năm 1998 tại Hoa Kỳ: “Những đứa con trai học được bài học tốt nhất về trách nhiệm, tính độc lập, và việc tự khẳng định… từ người cha của mình; quyền hành và kỷ luật của người cha trong sự nuôi dạy con cái, đặc biệt là những đứa con trai đang ở tuổi mới lớn mà người mẹ khó lòng có được. Khi một đứa con gái hưởng được lòng yêu mến của người cha, cô bé có kinh nghiệm về nữ tính lành mạnh, cảm nhận được sự quý giá của tình yêu, và trở nên một người tự tin. Những cô gái này thường trưởng thành và lấy được người đàn ông đáng tin cậy. Sự gắn bó của người cha với con cái đóng một vai trò độc đáo không thể thay thế được trong việc phát triển tinh thần, tình cảm và tính xã hội của những đứa trẻ lớn hơn. Những đứa trẻ này có thể học được khả năng sử dụng lời nói, giải quyết vấn đề, và thành đạt trong học vấn, ảnh hưởng lớn lao nhất đó là phát triển sự thông cảm hiểu biết. Những người có hành vi chống lại xã hội và tội phạm không bao giờ có mối quan hệ tốt với cha mình” (Mười điều dại dột…, Dr Laura Schlessinger, NXBHP, 2001, 220).
 
Chúng ta đã nhận ra tác động tích cực của Bố trên con cái vô cùng lớn lao, như trên đã đề cập, vai trò và quyền uy của người gia trưởng Bố dường như còn có ảnh hưởng và tác động trên gia đình nữa. Theo quan điểm vẫn còn thịnh hành trong nhiều xã hội, ngay cả xã hội Âu-Mỹ, thì người đàn ông không chỉ tác động và ảnh hưởng trên sự thành đạt và trưởng thành của con cái, mà người đàn ông dường như còn chịu trách nhiệm cả về những vấn đề, những thua thiệt, những bất hạnh, và cả những thất vọng trong cuộc sống gia đình nữa. Không biết nhận định trên đúng tới mức độ nào, nhưng nhiều người đàn ông mà tôi quen biết đã mạnh dạn khẳng định: “Xét rằng tôi không thể chia sẻ công việc làm ăn với những nhu cầu của gia đình, tôi xin ông cho tôi nghỉ việc. Dầu sao đi nữa, dù có thu nhập cao và hứa hẹn nhưng cũng không thể so sánh với việc làm một người Bố, người chồng cho gia đình.” Dường như càng ngày càng có nhiều người đàn ông đặt giá trị gia đình lên trên hết.
 
Thay cho kết luận:
           
Nếu đã có một người Bố, những người Bố bày tỏ thái độ quyết liệt dám từ chối một vị trí hay một công việc với đồng lương hậu hĩ nhằm có giờ chăm lo cho con cái thì đây quả là một tin vui cho thời đại mới. Dầu sao trong sự chọn lựa đứng đắn trên, tôi vẫn giới thiệu với các bạn một số các nhân tố để có thể xây dựng một gia đình lý tưởng. Các nhân tố này đã được thử nghiệm trong chính gia đình của tác giả: Tiến sĩ Phillip Mc Grow và đã được ghi lại trong tác phẩm Gia Đình Trên Hết, (tiến sĩ Phillip là tác giả những cuốn sách bán chạy nhất của New York Times trong những năm 2000):

1. Hãy tạo ra một hệ thống gia đình hòa thuận và gia giáo: đây chính là điều kiện tiên quyết để dẫn dắt gia đình có hiệu quả.

2. Hãy làm tăng trưởng những gia điệu nhịp nhàng trong cuộc sống gia đình: điều này vốn là chất keo sơn nối kết tình cảm cho mọi người.

3. Hãy thiết lập những truyền thống và những nghi lễ đầy ý nghĩa trong gia đình: điều này cũng có khả năng giúp các thành viên có năng lực vượt thắng cạm bãy và thách đố của cuộc sống.

4. Tích cực hơn trong các hoạt động giao tiếp giữa các thành viên: không chỉ làm tăng trưởng ý thức “thuộc về” nhau, mà còn làm phát triển nhân vị, vốn là yếu tính của giáo dục gia đình.

5. Hãy học cách khống chế các cuộc khủng hoảng: với tình cảm được trân trọng và các ký ức sống động trong gia đình, các thành viên, đang khi học được cách thắng vượt khủng hoảng bản thân và xã hội, từ những thực hành và những nỗ lực để vượt thắng các xung động trong gia đình.
 
Đến đây, trước khi chấm dứt suy tư này, chắc bạn đã hiểu rằng tôi đã không đề cập gì tới uy quyền gia đình trong chiều hướng bạo lực và trong một vài tập quán văn hóa cũng nặng tính bạo lực ở nơi vài chủng tộc. Vì lẽ điều này đã được nhiều nhà phân tích xã hội, nhiều nhà tấm lý giáo dục gia đình đã làm đến nơi đến chốn, và bạo lực đã là một điều gì cấm kỵ và ngược với xu thế và tư duy thời đại (cho tới bây giờ), và hẳn đã ghi dấu ấn không mấy tốt đẹp nơi ký ức của nhiều người. Cách nhìn quyền lực gia đình trong chính bản tính của gia đình, theo tôi, là cách tốt nhất để tìm về con đường đạo đức và giá trị truyền thống của gia đình, đó là sự phục vụ. Việc sử dụng quyền lực, dạy dỗ của bố, mẹ sẽ là chuyên chế và không công bằng chỉ khi bố, mẹ chỉ quan tâm đến quyền lực và sự thoải mái cho mình, hoặc kéo dài việc kiểm soát của họ vượt quá sự trưởng thành.
                                                           
LM. Fr. Hồ Văn Mậu

Tu Đoàn Nhà Chúa