Phụ huynh nên hạn chế tò mò đối với con cái
PHỤ HUYNH NÊN HẠN CHẾ TÒ MÒ ĐỐI VỚI CON CÁI
Các bậc cha mẹ thỉnh thoảng dùng một số cách để can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của con cái. Họ thường kiểm tra phòng ngủ hay đọc nhật ký của con để vượt qua ranh giới và cố gắng hòa đồng với con.
Có những ông bố thường đọc những tin nhắn trên điện thoại của con là những thanh thiếu niên và các bà mẹ hay lục lọi ngăn tủ trong nhà để tìm hiểu về bạn bè và những trò chơi điện tử mới nhất mà con mình đang chơi.
Thậm chí có những bậc phụ huynh truy cập vào mạng của con mình dưới một cái tên khác để cố tìm hiểu xem con mình đang làm gì và những phụ huynh khác thì theo dõi con đến những buổi hẹn gặp gỡ bạn bè.
Thay vì phải sử dụng những phương pháp đó, tốt hơn là các bậc cha mẹ nên hạn chế và đặt ra những nguyên tắc mà con cái đồng tình. Bên cạnh đó, một đứa con nên tìm cách để giữ sự riêng tư cho mình và hạn chế việc bố mẹ can thiệp sâu vào đời sống của mình.
Beate Friese, làm việc tại một đường dây điện thoại ở Đức cho rằng những người trẻ tuổi có quyền tạo cho mình một thế giới riêng. Họ có quyền giữ sự riêng tư đối với thư từ, bao gồm thư, email, tin nhắn SMS và đương nhiên kể cả nhật ký. Mở và đọc những loại thư viết tay như trên là điều cấm kỵ.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm bản thân cô cho thấy đây không phải là trường hợp mà nhiều gia đình gặp phải. Thỉnh thoảng cô nhận được những cuộc điện thoại từ thanh thiếu niên nói rằng họ thường trốn trong phòng vì không còn tin tưởng ba mẹ của mình nữa. Trong khi đó, cha mẹ phản ứng lại trước cách cư xử bí mật của con mình với sự nghi ngờ ngày càng tăng và một vòng luẩn quẩn cứ như vậy tiếp diễn.
Friesecho biết trước khi tình trạng này trở nên xấu hơn thì nên tháo những khúc mắc giữa cha mẹ và con cái. Hai bên nên dành thời gian để trò chuyện với nhau, càng rõ ràng càng tốt.
Một cuộc đối thoại chân thực sẽ giúp làm rõ tình trạng và loại bỏ những sự hiểu lầm giữa hai bên. Có thể lý do mà người mẹ vào phòng con chỉ để lau dọn, không phải để rình mò. Và có thể một ông bố chỉ hiếu kỳ khi nhìn vào hộp thư đến trong điện thoại của con, nhưng không vượt quá giới hạn nếu ông chỉ xem lướt qua danh sách tin nhắn.
Marthe Kniep, người đại diện cho mục lời khuyên trên tạp chí phong cách sống của Đức cho biết, những thanh thiếu niên nên nói rõ điều gì làm mình khó chịu và điều gì mình cho là xâm phạm quyền riêng tư.
Một khi mọi chuyện đã được làm rõ, cả gia đình có thể đồng ý với nhau trên những nguyên tắc nhất định. Ví dụ như, lập ra 1 mật mã cho máy vi tính của gia đình, sử dụng ổ khóa và chìa khóa cho phòng của thanh thiếu niên, hoặc ít nhất dành cho con một không gian riêng để con có thể tự do sinh hoạt. Nếu ba mẹ vẫn tiếp tục tò mò thì con cái có thể đưa ra câu hỏi về thế nào là sự tin cậy. Cả hai bên có thể tìm hiểu tại sao ba mẹ lại lo lắng như vậy.
Thiếu sự tin cậy lẫn nhau có thể là kết quả từ cách cư xử của thanh thiếu niên. Một vài người không đáng tin và hay nói dối ba mẹ mình nên đã làm mất uy tín trước ba mẹ. Kniep khuyên rằng thanh thiếu niên nên mời bạn về nhà chơi và cho ba mẹ thấy chính xác những gì mà mình trò chuyện với bạn trên mạng. Ulrich Gerth, nhà tâm lý học cho biết, hầu hết các bậc cha mẹ thăm dò con mình vì thiếu niềm tin ở con và khuyên những người trẻ không nên cư xử bí mật với ba mẹ mình.
Những thanh niên trẻ nói chuyện càng nhiều với ba mẹ thì ba mẹ càng ít nghi ngờ. Những ai cảm thấy không có niềm tin đối với ba mẹ nên bày tỏ sự bất mãn của mình một cách rõ ràng. Điều này đòi hỏi kỹ năng và sự can đảm.
Tốt nhất là nên để cho sự hiểu lầm lắng xuống và sau đó nghĩ đến một cuộc trò chuyện hòa bình và hòa nhã. Nếu các bậc phụ huynh không có dấu hiệu là họ sẵn sàng tham gia cuộc đối thoại thì những thanh thiếu niên là con cái trong gia đình nên chủ động trò chuyện. Một đường dây điện thoại giúp đỡ những trường hợp như vậy là một ví dụ như một nơi để tư vấn.
Kiều Hân (dịch)
Theo: www.earthtimes.org