Phỏng vấn Đức Ông Renzo Pegoraro, chưởng ấn Hàn lâm viện giáo hoàng Cho sự sống
Các phôi thai đông lạnh
Phỏng vấn Đức Ông Renzo Pegoraro, chưởng ấn Hàn lâm viện giáo hoàng Cho sự sống
Trong những ngày đầu tháng hai vừa qua dư luận Italia đã bàn tán về phán quyết của các thẩm phán tỉnh Bologna, trung bắc Italia, cho phép cấy một phôi thai đã được cho thụ thai cách đây 19 năm vào tử cung của một bà góa 50 tuổi muốn có con.
Từ nhiều thập niên qua tại Âu châu việc thụ thai trong ống nghiệm đã trở thành một thực tại kỹ nghệ hay ít nhất đó là giấc mộng của những người có tham vọng làm giầu với nó. Các phôi thai này được tạo thành bởi tinh trùng của một người nam và trứng của một phụ nữ, rất thường khi vô danh, nhằm đáp ứng nhu cầu có con của một số cặp vợ chồng muốn có con, nhưng vì nhiều lý do không thể thụ thai. Trứng tạo thành phôi thai có thể là của phụ nữ muốn có con, và tinh trùng của một người cho không phải là chồng bà. Nó cũng có thể là tinh trùng của người chồng muốn có con và trứng của một phụ nữ nào đó mà không phải là của vợ ông. Rất thường khi phôi thai thành hình trong ống nghiệm là trẻ mồ côi, vì không biết ai là cha mẹ mình. Lý do là vì những người sẵn sàng hiến trứng và tinh trùng không cho biết danh tánh của họ.
Ban đầu xem ra việc cho thụ thai trong ống nghiệm nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của các cặp vợ chồng muốn có con mà không hội đủ điều kiện tâm sinh vật thể lý. Nhưng dần dà nó đi xa hơn và trở thành cuộc chạy đua thử nghiệm “chế tạo người” để lấy các tế bào gốc nhằm chữa trị một số bệnh.
Sau khi lấy các tế bào gốc của phôi thai, người ta hủy hoại các phôi thai ấy. Và để có số dự trữ sẵn người ta cho thụ thai trong ống nghiệm hàng trăm ngàn hay hàng triệu các phôi thai, và đông lạnh chúng để sử dụng khi cần. Nhưng việc đông lạnh các phôi thai người có thể khiến cho phôi thai bị hư hại, nên cứ sau một thời gian người ta lại hủy các phôi thai đông lạnh đi, và thay thế bằng các phôi thai mới. Sự kiện giết các phôi thai người này đã khiến cho các tín hữu công giáo và các phong trào bảo vệ sự sống đó đây trên thế giới phản đối bằng cách tổ chức các cuộc tuần hành, biểu tình, canh thức cầu nguyện, đọc kinh Mân Côi hay dâng thánh lễ phạt tạ tại Hoa Kỳ, bên Anh quốc vv…
Tuy đã phải giết bao nhiêu triệu phôi thai nhưng thật ra kỹ nghệ chế tạo phôi thai và dùng các tế bào gốc lấy từ phôi thai người đã không đem lại nhiều kết quả như mong muốn của các người chủ trương hy vọng có thể làm giàu với nó. Trong khi đó việc sử dụng các tế bào gốc lấy từ các cuống rốn và các tế bào gốc trưởng thành của chính các bệnh nhân đã đem lại nhiều thành quả rất đáng khích lệ, và đã chữa lành hay chỉnh sửa được các cơ phận bị bệnh.
Với các kỹ thuật tối tân ngày nay người ta còn có thể chế tạo các phôi thai người theo các chi tiết phù hợp với ước muốn của “người đặt hàng” liên quan tới màu mắt, màu da, màu tóc và nhiều đặc tính khác. Và người ta vẫn có tham vọng đi tới chỗ sản xuất người hàng loạt như mong muốn.
Sau đây chúng tôi xin gửi tởi quý vị một số nhận định của Đức Ông Renzo Pegoraro, chưởng ấn Hàn lâm viện giáo hoàng Cho sự sống về vấn đề nêu trên.
Đức Ông Perogaro là chuyên viên luân lý sinh học, chủ tịch tổ chức Lanza, thành viên của Ủy ban luân lý sinh học các nhà thương Italia và là giáo sư tại phân khoa thần học vùng Triveneto đông bắc Italia. Ngày 12 tháng 9 năm 2013 Đức Ông đã được ĐTC Biển Đức XVI chỉ định làm chưởng ấn Hàn lâm viện giáo hoàng bảo vệ sự sống. Hàn lâm viện giáo hoàng bảo vệ sự sống đã do Đức Gioan Phaolô II thành lập năm 1994. Ủy ban gồm 37 chuyên viên có nhiệm vụ thăng tiến và bảo vệ sự sống cũng như phổ biến các giáo huấn luân lý đạo đức của Giáo Hội liên quan tới lãnh vực này.
Hỏi: Thưa Đức Ông, như là chuyên viên luân lý sinh học Đức Ông nghĩ gì về trường hợp nói trên?
Đáp: Trong trường hợp chuyên biệt này, các phôi thai đã hiện hữu, chúng đã được tạo thành cách đây 19 năm, rồi được đông lạnh. Vấn đề đặt ra cũng là vấn đề cống hiến một khả thể có thể sinh con. Như thế, một đàng có khả thể này là một giải pháp tích cực, và đàng khác, sau 19 năm đông lạnh, kể cả trên bình diện y khoa và kỹ thuật sít sao, thật khó mà thành công. Hơn thế nữa còn có sự kiện tuổi của người đàn bà đã cao, hầu như 50 rồi, và sự kiện ở góa: một trật tự lứa đôi và gia đình đã thay đổi so với 19 năm trước đây.
Hỏi: Chúng ta nhấn mạnh điều này: đó là tình trạng này đã nảy sinh trước khi luật 40 liên quan tới lãnh vực này bắt đầu có hiệu lực, thưa Đức Ông?
Đáp: Thật ra đạo luật 40 thấy trước rằng mỗi một chu kỳ kết thúc trong chính nó và tất cả các phôi thai có được phải cấy ngay lập tức, tránh bị đông lạnh, chính là để tránh các tình trạng như thế này, trong đó mọi chuyện trở thành phức tạp.
Hỏi: Nhưng trong thời gian đó thì đạo luật 40 đã bị tháo gỡ bởi các phán quyết, vậy có cần một sự tái tổ chức mới hay không?
Đáp: Tôi đồng ý với việc tổ chức trở lại và hệ thống hóa vấn đề với một việc đưa ra luật lệ chú ý hơn, chính xác hơn và bảo vệ các đương sự có liên hệ một cách tốt đẹp hơn, đặc biệt là bảo vệ sự sống đang sinh ra, sự sống của các bào thai, nhưng cũng bảo vệ sự sống người đàn bà của cặp vợ chồng và của gia đình trong tổng thể của nó. Luật 40 đã đưa ra các hạn chế để có các bảo vệ chính xác hơn. Hiện nay người ta đang đứng trước tình trạng tháo gỡ khung tổng quát của luật này, và sự kiện mỗi tòa án có thể quyết định từng trường hợp riêng rẽ, mà không có một tiêu chuẩn chung chính xác hơn.
Hỏi: Thế là chúng ta lại đang đứng trước một thực tại trong đó người ta đông lạnh một sự sống, người ta để nó trong một tình trạng treo lơ lửng, và người ta không biết điều gì sẽ xảy ra… có phải thế không thưa Đức Ông?
Đáp: Luật 40 đã muốn tránh có quá nhiều phôi thai để chúng không bị đông lạnh như đã xảy ra. Trong trường hợp của người đàn bà nói trên vấn đề là phôi thai đã được tạo thành cách đây 19 năm. Bây giờ làm thế nào để ra khỏi tình trạng này, và ít nhất thử cống hiến khả thể này cho các phôi thai đã hiện hữu và bà mẹ là mẹ chúng?
Hỏi: Thưa Đức Ông, Giáo Hội luôn luôn tôn trọng và bảo vệ sự sống, và như thế Giáo Hội chống lại mọi lèo lái, trái lại Giáo Hội ủng hộ việc chống lại sự hiếm muộn. Thế mà nhiều người tiếp tục con đường được định nghĩa như là “có con bằng bất cứ giá nào”. Đức Ông nghĩ sao?
Đáp: Tôi tin rằng có biết bao nhiêu lần các kỹ thuật đã thúc đẩy theo một hướng cho nhanh hơn và hữu hiệu hơn, và đánh mất đi tất cả những gì có thể là nhiệm vụ của chính y khoa biết chú ý tới một môi sinh nhân bản và một việc tôn trọng nhân bản trong việc phòng ngừa sự hiếm muộn hay chữa trị các hạch nội tiết, hoặc giải phẫu để có thể đem lại các hiệu quả trong sự tôn trọng việc truyền sinh, tôn trọng phẩm giá của con người.
Hỏi: Như vậy theo Đức Ông, cần phải có một suy tư sâu xa về vấn đề này?
Đáp: Dầu sao đi nữa một suy tư là điều cần thiết từ quan điểm luân lý đạo đức và từ quan điểm của điều lệ và lập pháp: một nền luân lý đạo đức yểm trợ một việc tiếp cận việc truyền sinh trong các phạm trù của tinh thần trách nhiệm, bảo vệ những người yếu đuối nhất, đặc biệt là bào thai, chính phụ nữ, tính cách xác thể của họ và cả một luật chính xác hơn, bởi vì việc tháo gỡ luật 40 đã mở ra tất cả một loạt các tình huống trở thành khó điều khiển.
Linh Tiến Khải, RadioVaticana 04.03.2015