Phá vỡ những ảo tưởng về phá thai

Phá vỡ những ảo tưởng về phá thai

 

PHÁ VỠ NHỮNG ẢO TƯỞNG VỀ PHÁ THAI
 
Trong cuộc phỏng vấn dành cho thông tấn xã Zenit, bác sĩ Rosario Laris, một nhà phẫu thuật và giáo sư ngành Sức khoẻ cộng đồng và ngành Đạo đức sinh học, đã nói đến những ảo tưởng nhiều người vẫn có về phá thai cũng như về những mối nguy hiểm của việc phá thai đối với phụ nữ và xã hội. Sau đây là toàn bộ bài phỏng vấn.

Zenit: Theo ý kiến của bác sĩ, đâu là những ảo tưởng vẫn tồn tại về phá thai trên thế giới và tại Mêxicô?

Laris: Tôi muốn nói đến những ảo tưởng này: cứ hợp pháp hoá việc phá thai thì số bà mẹ tử vong do sinh nở sẽ giảm; tại Mêxicô, số phụ nữ tử vong do phá thai rất cao, cho nên nếu hợp pháp hoá việc phá thai thì số phá thai sẽ giảm; việc phá thai không hề có bất cứ ảnh hưởng gì đến sức khoẻ thể lý cũng như tâm lý của phụ nữ.

Zenit: Tại sao người ta lại cho rằng hợp pháp hoá việc phá thai sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong nơi các bà mẹ?

Laris: Đó là người ta nói! Còn thực tế lại khác. Hiện nay 25% phụ nữ tử vong vì sinh nở là ở Ấn Độ, một đất nước đã hợp pháp hoá việc phá thai từ năm 1972. Những ví dụ khác là Nga và Ái Nhĩ Lan (Ireland). Ở Nga, tỷ lệ phụ nữ tử vong vì sinh nở cao gấp 6 lần ở Ái Nhĩ Lan. Mà Nga thì hợp pháp hoá việc phá thai, còn Ái Nhĩ Lan thì không… Chilê có tỷ lệ phụ nữ tử vong thấp hơn Cuba là nước cho phép phá thai. Cho nên không có bất cứ mối liên hệ trực tiếp nào giữa tỷ lệ tử vong do sinh nở và việc hợp pháp hoá phá thai. Điều làm cho tỷ lệ tử vong giảm đi là những dịch vụ lo cho sức khoẻ người dân.

Zenit: Người ta cho rằng ở Mêxicô nhiều phụ nữ chết vì chuyện phá thai “chui”.

Laris: Thực tế lại khác. Theo dữ liệu của Viện Thống Kê Quốc Gia và Bộ Y Tế, những trường hợp tử vong do sinh nở là rất thấp. Phụ nữ mang thai bị tử vong chủ yếu là do tai biến mạch máu não chứ không do phá thai bất hợp pháp.

Zenit: Bác sĩ có ý kiến gì về lý thuyết cho rằng số phá thai sẽ giảm nếu được hợp pháp hoá?

Laris: Phải chăng nếu hợp pháp hoá việc phá thai thì người ta sẽ không cổ võ việc phá thai nữa? Đó là nói láo. Ở Tây Ban Nha, việc phá thai đã được hợp pháp hoá từ 20 năm nay và số phá thai tăng lên 200%. Ngày nay ở Tây Ban Nha, cứ 6 phụ nữ mang thai thì có một người phá thai. Trường hợp khác là Ba Lan. Trong nhiều thập niên, người ta cho phép phá thai và số phá thai rất cao. Nhưng khi luật không cho phép nữa thì tỷ lệ phá thai hiện nay chỉ là 1% trên tổng số phụ nữ mang thai. Như thế là đã rõ: hợp pháp hoá phá thai chỉ càng cổ võ phá thai thôi.

Zenit: Thế còn những ảnh hưởng đến sức khoẻ phụ nữ thì sao?

Laris: Có bằng chứng cho thấy so sánh với những phụ nữ không phá thai, thì những phụ nữ phá thai có nguy cơ cao hơn về các bệnh tâm lý như âu lo, suy nhược, có ý định tự tử. Ở Tân Tây Lan, người ta đã làm một nghiên cứu bằng cách theo dõi 630 phụ nữ từ khi sinh ra đến năm 25 tuổi. Một số trong họ có thai và trong số những người có thai, có những người phá thai. Kết quả cho thấy tỷ lệ những người có thai mà không phá thai bị bệnh suy nhược là 25%, trong khi đó tỷ lệ nơi những người phá thai là 50%. Nhiều nghiên cứu ở nhiều nơi khác trên thế giới cũng cho thấy kết quả tương tự: những phụ nữ phá thai dễ có nguy cơ tự tử và nghiện thuốc nhiều hơn. Phụ nữ phá thai cũng có khuynh hướng ngược đãi trẻ em nhiều hơn.

Zenit: Vậy đâu là những chính sách lý tưởng giúp cho phụ nữ không phá thai?

Laris: Cần phải hỗ trợ phụ nữ mang thai nhiều hơn, nâng đỡ họ về mặt kinh tế và chăm sóc sức khoẻ, để họ thấy con cái mình có tương lai. Nhiều bà mẹ âu lo vì thấy con cái mình không có tương lai. Tuy nhiên sự nâng đỡ này không chỉ đến từ chính quyền mà còn phải từ xã hội.

Zenit: Có nhiều người ủng hộ việc phá bỏ phôi thai trong những tuần đầu vì cho rằng chưa có liên hệ não bộ. Bác sĩ có ý kiến gì về vấn đề này?

Laris: Nếu lập luận như vậy thì một người bị bệnh Alzheimer sẽ không còn phải là người nữa! Cứ đi hỏi những thân nhân của các bệnh nhân này xem, họ có coi người thân của mình là con người nữa không? Với nhiều gia đình, chính người thân bị bệnh lại trở thành sức mạnh nuôi dưỡng sự hiệp nhất trong gia đình. Bệnh tật hay những bất toàn thể lý không tước đoạt giá trị một con người. Lập luận ngược lại là lập luận Đức quốc xã đã dùng để biện minh cho hành động của họ. Khi ta không nhìn một thai nhi dưới 28 tuần hoặc một bệnh nhân Alzheimer như một con người, ta đã rơi vào tình trạng phân biệt và kỳ thị.

(Nguồn: WHĐ)