Nơi con nương tựa suốt đời
NƠI CON NƯƠNG TỰA SUỐT ĐỜI
Nhận và Trao là chủ đề của buổi lễ “Mừng Ngày của Cha” diễn ra rất thành công, đầy xúc động và ấn tượng tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận TP.HCM, vào chiều ngày 13/06/2010, cùng với sự có mặt của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Đức Cha Phê rô Nguyễn Văn Khảm, Đức Tân Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Cha Tổng đại diện GP TP.HCM Huỳnh Công Minh, Đức Viện Phụ - Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm, đến từ Tòa Giám Mục còn có Giuse Maria Đỗ Đình Ánh và Andre Trần An Hiệp, Cha Clêmentê Lê Minh Trung – Chánh xứ Gx Hạnh Thông Tây, nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ, quý khách mời và trên 700 khách tham dự chật kín hội trường lớn.
Trong bối cảnh xã hội phát triển, người ta đề cập đến vấn đề thụ thai trong ống nghiệm, như là thành tựu vượt bậc trong việc thay mặt Đấng Tạo Hóa, kiến tạo sự sống con người. Sự thành công của các phương pháp này, làm cho người ta có cảm tưởng rằng vai trò của người nam trong việc truyền sinh và gia đình trở nên lưu mờ và không nhất thiết.
Thêm vào đó, sự thăng tiến nữ giới về phương diện xã hội, cho người ta có cảm giác vai trò trụ cột của người nam trong gia đình ngày càng bị xô đổ và có thể thay thế.
Cuộc nghiên cứu kéo dài 26 năm của trường đại học Harvard đã đưa ra một kết quả thật sửng sốt: yếu tố quan trọng nhất để hình thành thái độ cảm thông – đức tính cần thiết để khi trưởng thành, trẻ biết tôn trọng luật pháp, có tinh thần hợp tác và đồng cảm với người khác - là sự gần gũi và chăm sóc của cha mẹ, nhất là sự hiện diện của người cha.
Tôn trọng luật pháp là một trong những hành xử cá nhân đem lại trật tự và sự bình ổn xã hội. Hợp tác là tinh thần thể hiện sự khiêm tốn và sinh hoa trái cho đời sống cộng đồng. Đồng cảm với tha nhân là sợi dây nối kết, làm giàu trái tim và góp phần làm thăng tiến đời sống tinh thần.
Như thế, kết quả nghiên cứu của trường Harvad là một mệnh đề phủ định khoa học của những cảm nghĩ lầm tưởng nêu trên.
Cha – tiếng gọi đơn sơ nhưng là biểu tượng của sức mạnh và trí tuệ, chứa đựng lòng cậy trông được bảo vệ, được chở che và dìu dắt. Cha – tiếng gọi đơn sơ nhưng hàm chứa bóng thái sơn cao vời, vững chãi để con nép mình nương tựa, và là nơi con luôn ngóng về để hoài niệm về một tình yêu quảng đại, vô bờ bến. Tình cha không phải lúc nào cũng được ghi nhận hay truyền đạt với những cảm xúc dạt dào như tình Mẹ, nhưng luôn ẩn giấu đâu đó sâu kín trong trái tim của người làm cha và bị che phủ bởi vẻ bề ngoài đôi khi lạnh lùng và khô khan. Thực tế, người ta thầm công nhận con cái dường như thân thiết, gần gũi với mẹ hơn và thường thấy kính nể, trân trọng nhưng cũng vừa sợ sệt, khó gần với cha.
Theo F. Dodson, bác sĩ và cũng là nhà tâm lý trẻ em nổi tiếng người Mỹ: thời đại ngày nay người làm cha thường thiếu kiến thức tâm lý trẻ em và phương pháp giáo dục sư phạm. Với thiên chức làm mẹ và gần gũi trẻ, người mẹ dễ dàng bổ sung những kiến thức này hơn người cha. Tìm hiểu những cơ sở khoa học trong việc dạy dỗ con cái theo từng giai đoạn, không những chuẩn bị cho con có một sự phát triển lành mạnh và tích cực, mà còn giúp cha mẹ tự tin hơn trong quá trình chăm sóc và đồng hành với con cái. Sự thiếu trang bị kiến thức làm cha mẹ, đôi khi là nguyên nhân của nhiều bi kịch gia đình, kéo theo những hệ luỵ đáng buồn và đau lòng.
Thời gian qua, Chuyên Đề Cuối Tuần luôn khuyến khích và cổ vũ mọi người không phân biệt tôn giáo, tuổi tác, đến với những khoá học thai giáo, giáo dục tinh thần và chăm sóc sức khoẻ thể chất cho trẻ em, nhằm bổ sung, trang bị và nâng cao kiến thức cho các bậc làm cha mẹ. Nhưng rất tiếc, nhiều người đã bỏ lỡ cơ hội này, vì chưa quan tâm đủ đến đề tài trẻ em.
Các nhà tâm lý khuyên người làm cha ngày nay: điều đầu tiên không thể quên trong sự nghiệp giáo dục con cái là hãy bắt đầu từ lúc chúng còn trong lòng mẹ. Việc học làm cha ngay từ lúc đứa con mới tựu hình trong bụng mẹ, sẽ tiết kiệm thời gian cho chính người cha để thắt chặt mối quan hệ cha – con. Một điều khác nữa mà các nhà tâm lý nhấn mạnh là sự nghiệp chăm sóc con cái chính là một cuộc đầu tư vĩ đại nhất trong cuộc đời người cha.
Dẫu có sần sùi, vụng về và thô ráp, nhưng đôi bàn tay người cha hoàn toàn có đủ khả năng để thực hiện những cử chỉ yêu thương, âu yếm với con cái. Dẫu có nằm sâu dưới vỏ bề ngoài cứng rắn, trái tim người cha luôn đủ nhạy cảm để nuôi dưỡng tình phụ tử thiêng liêng. Việc người cha chăm sóc chi tiết cho con cái, không gây hại đến hình ảnh thái sơn thâm trầm. Ngược lại, đó là cơ hội để gần gũi, cho con cảm nhận sự phong phú và dịu dàng của tình cha.
Con cái là quà tặng của Thiên Chúa. Làm cha mẹ là một trách nhiệm trọng đại và vinh hạnh mà Thiên Chúa trao ban để giữ gìn tặng phẩm đó, nhưng không phải với tư cách chủ sở hữu. Khi con cất tiếng khóc chào đời, có lẽ cha là người trông ngóng để nhìn thấy mặt con đầu tiên. Khi con chập chững tập đi, là đôi tay cha đang nâng đỡ con những bước khởi đầu, trên con đường dẫn đến sự tự lập. Khi con tập nói và diễn đạt suy nghĩ của mình, là cha phải chấp nhận “bản sao của mình” mang tính khác biệt và độc lập. Khi con tập đi xe, là con tập bay ra khỏi tổ ấm, bắt đầu kiếm tìm sự tự do để khám phá thế giới xung quanh… Mỗi chặng đường con qua, cha phải tập thích ứng, giả từ những nối tiếc gắn bó đã qua, để cho con được đập cánh bay cao và bay xa.
Trong khi thiên chức làm mẹ của người phụ nữ được hình thành và phát triển ngay từ khi còn rất sớm, qua những trò chơi búp bê, ru em bé,…. , thì khái niệm làm cha của người nam không được bộc lộ cách rõ ràng, có thể cho đến khi đứa con chào đời. Tuy nhiên, người nam có một bản tính tự nhiên, mà người làm cha trong gia đình không thể không có, đó là tính bảo vệ những người phụ nữ trong cuộc sống của họ như: mẹ, vợ, các em gái, và các con gái của mình, khỏi mọi sự gây hấn của những người ngoài. Người đàn ông có trách nhiệm bảo vệ gia đình ra khỏi sự nghèo đói; bảo vệ con cái khỏi những thế lực đe dọa bên ngoài; bảo vệ người vợ khỏi sự thô lỗ, cộc cằn và bất kính của những đứa con…Qua sự bảo vệ về mặt thể lý này và làm gương trong đời sống hằng ngày, người cha huấn luyện con về tình yêu thương và quyền lực của một người lãnh đạo có trách nhiệm, để sau này chúng có thể tự bảo vệ bản thân và người thân yêu của mình.
Khác với khuynh hướng cẩn thận và an toàn của người mẹ, cá tính mạnh mẽ của người cha trang bị cho con thái độ tự tin để sẵn sàng đối diện với cuộc sống đang không ngừng thay đổi.
Ngày nay, trẻ con đang sống trong một thế giới đầy biến động và bất an. Tình yêu thương và hiện diện của cha mẹ, sẽ giúp trẻ xây dựng lòng tin vào cuộc sống, tránh những biến chứng trong cách cư xử, bệnh trầm cảm và các rối loạn tinh thần.
Tình yêu không phải là những cảm xúc chóng qua, mà là một sự lựa chọn và tận hiến. Chính tình yêu của người cha giành cho vợ của mình, sẽ cho trẻ một sự bảo đảm chắc chắn về cam kết gắn bó với nhau. Và dường như những thái độ mà các bậc làm cha mẹ đối xử hay dành cho nhau, sẽ hình thành nên phương cách mà con cái của họ sẽ cư xử và tôn trọng mỗi một người trong họ. Khi người chồng biết trân trọng vợ mình, tức thì con cái sẽ tự biết cách tôn trọng mẹ chúng, và ngược lại.
Người cha dạy cho con cái rằng chính bản thân là người quyết định tương lai của mình, nhưng cũng chỉ cho con thấy rằng cha mẹ luôn yêu thương và giúp đỡ con trong bất kỳ hoàn cảnh.
Đồng hành với con trong cuộc sống hằng ngày, người làm cha cho con có cơ hội khám phá ra tâm hồn dịu dàng, đầy yêu thương giấu đằng sau vẻ bề ngoài nghiêm khắc. Những lời cha ngợi khen luôn cho đứa con sự tự tin và là nguồn động lực thúc đẩy sự phát triển của nó. Có lẽ chính người cha cũng không ngờ, chỉ với một chút quan tâm, một chút chịu khó của mình lại có thể cho con cả một khoảng trời hạnh phúc, vì đã cùng chúng trải qua những sự việc bình dị trong đời.
Trong đôi mắt trẻ thơ, cha là người biết rõ mọi thứ, là kho tàng của tri thức. Cha là thần tượng con tôn kính; là mẫu gương với những cá tính của phái mạnh, mà đứa con trai muốn học hỏi để trở thành; là mẫu người đàn ông mà đứa con gái nhắm đến trong đời sống hôn nhân.
Cha là quyển sách cuộc đời đồ sộ, mà những đứa con đọc hoài vẫn không hiểu, có thể cho đến khi đảm nhận vai trò làm cha làm mẹ. Kinh qua giai đoạn này, người ta có cơ hội để nhìn lại tương quan cha con mà mình đã được thụ hưởng cách ưu ái. Đồng thời, cũng là lúc mà người ta trao ban lại cho thế hệ kế tiếp, những bảo chứng vô giá của tình phụ tử thiêng liêng. Sự trao tặng giữa các thế hệ nối tiếp nhau như một dòng sông vẫn chảy qua tháng năm, qua những ghềnh đá thăng trầm của cuộc sống, mang theo nguồn nước và phù sa tưới tắm, bồi đắp cho đời.
Trong cuộc sống sung túc, lắm khi chúng ta vô tình quên mất công lao khó nhọc, nỗ lực làm việc của người cha. Lớn lên một chút, chúng ta nôn nóng khẳng định mình, muốn tung cánh bay xa, để kiếm tìm một chân trời hạnh phúc riêng tư. Thành công một chút, chúng ta dần phủ nhận vai trò của cha mình qua cách nghĩ và cách ta sống. Theo một cuộc khảo sát gần đây, có 43% người trẻ cho rằng không cần thiết phải tỏ lòng biết ơn, vì họ có thể làm chủ và đảm đương cuộc sống của mình. Với nền tảng đạo đức lung lay, liệu 43% người trẻ này sẽ có gì quý giá trong tâm hồn, để có thể trao ban lại cho thế hệ tiếp theo của mình?
Chu toàn bổn phận làm cha là một thử thách lớn lao trong đời sống thời đại. Có quá nhiều khó khăn và áp lực đè nặng trên đôi vai và ghì chặt bước chân chúng ta, trên bước đường hoàn thành trọng trách quan trọng này. Thật vậy, biết bao nhiêu người cha đã ích kỷ chạy trốn khỏi trách nhiệm của mình. Biết bao nhiêu người cha đang hùa theo phong trào đề cao tự do cá nhân, xem nhẹ giá trị gia đình, giá trị đạo đức và hệ quả, để “phủi tay” trước thiên chức làm cha, để từ chối trở thành người chu cấp, người bảo vệ, người thầy và người hướng dẫn con cái của mình. Không phải bất cứ ai cũng có thể gọi hai tiếng: “Cha ơi!”. Không phải ai cũng có cơ hội để được cha bảo bọc, chở che. Những ai chưa từng cảm nếm tình thương của cha, quả thật là một tổn thất lớn lao trong cuộc sống làm người. Ngoài nhân cách có khả năng phát triển phiến diện, trong sâu thẳm cõi lòng họ, luôn tồn tại một khoảng trống, một sự thiếu thốn nào đó không thể bù đắp được.
Ngày nay, các nhà xã hội học đang gióng hồi chuông báo động khẩn cấp về hiện tượng “vắng bóng người cha trong gia đình”. Tình trạng này là nguyên nhân chính của những sa sút nhân cách, tồi bại đạo đức của lứa tuổi thanh thiếu niên ngày nay, dẫn đến tình trạng bạo động và phạm pháp, lan tràn từ trong gia đình cho đến học đường, hè phố.
Cha luôn là nhân tố quan trọng, là trụ cột không thể thay thế trong đời sống gia đình.
Chương trình “Mừng Ngày của Cha” được tổ chức, không chỉ để thừa nhận và đề cao vai trò những ông bố hiện diện trong hội trường, mà còn nhắm đến 150.000 ông bố trong các gia đình Công giáo của giáo phận, cũng như tất cả những người làm bố khác. Chương trình cũng không giới hạn việc tôn vinh những người cha thể lý, mà còn hướng tới những người cha tinh thần đã hy sinh tình cảm cá nhân, để chăm lo cho đoàn chiên của Chúa. Không dừng lại ở hình ảnh người cha trần thế, chương trình gợi nhớ về một Đấng là Cha ở trên trời, luôn kiên nhẫn, chở che và bao dung với con cái mình.
Xin cảm ơn những quý vị hiền phụ, những người đã hy sinh rất nhiều cho thế hệ kế tiếp, những người đã lót viên gạnh đức tin đầu tiên trong tâm hồn con cái, để chúng có một nơi nương tựa vững chắc suốt đời.
Trong thời đương đại, cuộc sống như luôn tiềm ẩn những cơn sóng hung hăng chực nhấn chìm và cuốn trôi tất cả. Khi các gia đình ngày nay đang đứng trước sự mong manh, dễ tan vỡ thì việc đề cao những giá trị tinh thần, tình mẹ, tình cha, tình người… luôn là một việc làm cấp bách, thiết thực và có ý nghĩa, để khơi gợi đạo hiếu trong trái tim mỗi người làm con, để mỗi người làm cha làm mẹ nhìn lại bổn phận và trách nhiệm của mình với con cái, ngõ hầu hàn gắn, tái tạo và làm giàu các mối tương quan trong gia đình. Đây là tiền đề để xây dựng một thế giới yêu thương và phồn vinh.
Xin gởi một lời cảm ơn chân thành đến tất cả những người đã thực hiện chương trình!
Hạt Cát