Những vấn đề vợ chồng cần lưu ý
NHỮNG VẤN ĐỀ VỢ CHỒNG CẦN LƯU Ý
Thật là ngạc nhiên khi nói với các đôi lứa về điểm này, nhưng kinh nghiệm khi tiếp xúc với các đôi bạn cho chúng tôi thấy, cả khi đã thành hôn, mỗi người vẫn còn sống độc thân trong lãnh vực này hay lãnh vực khác.
Thật vậy, sách Sáng Thế đã rất khôn ngoan khi nói: “Người nam sẽ từ bỏ cha mẹ mình, để phối hợp với vợ mình và cả hai nên một”.
Chúng ta lưu ý động từ ở thể tương lai “sẽ” - nhắc nhở rằng tình yêu trong hôn nhân cần phải tái tạo mãi theo thời gian.
Khi sống đời vợ chồng, mỗi người không còn lý luận và hành động như khi còn sống độc thân vì việc giữ các tập quán sống độc thân sẽ gây phiền hà cho việc xây dựng lứa đôi.
Sau đây là những vấn đề cần nêu ra một cách vắn tắt cho các đôi bạn :
+ Đối với cha mẹ
- Bên cạnh người con trai của mình, cha mẹ thấy người bạn đời của con mà họ phải chấp nhận và tôn trọng nguồn gốc, sự hiện diện và nhân cách của người ấy. Thay vì người con của họ, họ lại gặp gỡ một thực thể mới, một đôi lứa sống hiệp nhất riêng, thì vấn đề không phải là không có khó khăn.
- Đôi bạn cần xây dựng đời sống lứa đôi của mình một cách độc lập và không quá lệ thuộc vào kinh nghiệm của cha mẹ cho dù cả khi đang nhờ sự giúp đỡ vật chất cũng như chịu sự chi phối tình cảm của cha mẹ.
- Thật không dễ tìm được âm điệu như nhau trong thời gian ngắn và giữ khoảng cách tâm lý thích hợp nơi cha mẹ và đôi vợ chồng trẻ.
- Rồi còn bao nhiêu chuyện khó khăn khác: chẳng hạn sự hiện diện của anh/ chị/ em chồng đã lập gia đình cùng sống trong một nhà (họ cũng rất chú ý đến lối cư xử của đôi vợ chồng trẻ) .
+ Bạn bè
- Rõ ràng chúng ta biết rằng bạn bè của mỗi người không nhất thiết là bạn bè của cả hai. Vợ chồng không nên phân tách bạn bè của mỗi người. Vợ chồng cần những bạn bè ấy, và bạn bè cũng cần họ. Với thời gian, dần dà phải làm cho những tương quan riêng đó trở thành tương quan chung của cả hai người.
- Một số người vẫn thích gặp gỡ những bạn cũ (nếu cùng phái tính, thì ít gây ngộ nhận). Nhưng trong trường hợp, nếu một người không ưa thích người bạn của người kia và để giữ hạnh phúc, đòi hỏi hai người phải bàn thảo một cách cách đơn sơ va ngay thẳng để có sự thống nhất.
+ Giải trí
- Hai người không buộc cùng những sở thích như nhau. Nếu một bên áp đặt thì một bên lại phải xóa mình đi; một hành động như thế có thể làm tổn thương và tỏ ra thiếu tôn trọng nhau.
- Trong lĩnh vực này cũng như trong các lĩnh vực khác, điều tốt nhất là cùng nhau chọn lựa, để mỗi người thấy được điều lợi cho mình và cho cả hai người. Trong việc xây dựng đời sống lứa đôi, việc này không nên cứng nhắc, ngược lại thật tế nhị và từ từ với thời gian.
+ Các công việc khác
- Trong đời sống, mỗi người có những công việc riêng (cơ quan, nghề nghiệp, xã hội, văn hóa, sinh hoạt trong các phong trào của Giáo hội...). Vì thế hai người nên bàn luận, trao đổi với nhau cụ thể để các hoạt động của từng người hoặc của hai người đều cùng nhau chọn lựa và giúp nhau chu toàn.
- Một khi đã kết hôn, nên ưu tiên đến việc sinh và nuôi dạy con, cũng như chu toàn bổn phận vợ chồng, cha mẹ. Sau là quan tâm đến những công việc, sinh hoạt nào mang lại lợi ích cho hạnh phúc và gia đình của mình. Các việc khác có thể tham gia một cách linh động và hạn chế thời gian.
+ Tiền bạc
- Trong lĩnh vực này, hoàn cảnh mỗi cặp vợ chồng khác nhau…
- Các thói quen của mỗi người cần phải điều chỉnh để đặt vào lợi ích của gia đình, hầu xây dựng và quản trị mái ấm gia đình. Mỗi người không còn đơn phương quyết định các khoản chi tiêu, vì bây giờ là ngân quỹ của gia đình chứ không còn của riêng mình nữa.
+ Nghề nghiệp
- Có thể đây là một trong những lĩnh vực khó nhất của đời vợ chồng trong một thời buổi ngày nay .
- Khi kết hôn, cả hai người cần nghĩ đến tương lai nghề nghiệp của mỗi người tùy theo đời sống nhắm tới cho gia đình, nhất là nhắm tới việc ra đời của con cái.
- Việc lựa chọn nghề nghiệp và nhất là lối sống nghề nghiệp không thể nằm ngoài sự bàn bạc vợ chồng, không thể lấy lý do là người phối ngẫu và con cái không cần biết nghề nghiệp của mình.
- Chú ý đừng ép buộc người phối ngẫu làm một nghề tuy có lương cao hơn, nhưng người ấy không cảm thấy vui vẻ bằng lòng; cũng đừng ép buộc người kia từ chối sự thăng tiến mà có thể cản trở đến tương lai của họ.
+ Đức tin
- Đây là lĩnh vực (bao trùm mọi lĩnh vực khác) và mỗi người dễ có khuynh hướng độc lập, thường ít quan tâm, ít có thói quen bàn bạc. Vì thế hai người cần trao đổi và cùng nhau cầu nguyện, chia sẻ cho nhau kinh nghiệm khi tiếp cận với Lời Chúa và đức tin.
- Trong đời sống gia đình, chủ đề này có tầm quan trọng đặc biệt cho sự hợp nhất của hai người và giáo dục Kitô giáo cho con cái.
- Chúng ta có thể liệt kê nhiều vấn đề nữa, nhưng chừng này đã đủ đề tài chia sẻ cho nhau…
Jos. Nguyễn Hùng Cường