Nhọc nhằn hành trình những người mẹ nuôi con bệnh tật
Sự sống con người là quà tặng của Thiên Chúa từ lúc thụ thai cho đến lúc qua đời theo cách tự nhiên. Đó không chỉ là đức tin của người Công Giáo mà còn là sự thật hiển nhiên không thể chối bỏ, phủ nhận. Biết bao cặp vợ chồng vỡ òa mừng rỡ khi hay tin người vợ cưu mang giọt máu trong lòng. Chín tháng mười ngày, thai nhi lớn từng ngày trong lòng mẹ thật sự là thời gian hạnh phúc đối với những cặp vợ chồng, nhất là các cặp vợ chồng trẻ mong mỏi đứa con đầu lòng.
Với sự tiến bộ của khoa học ngày nay, các bà mẹ được chăm sóc chu đáo trong thời kỳ thai nghén với những chuẩn đoán, khám thai định kỳ hàng tháng bằng các kỹ thuật hình ảnh như chụp phim X-quang, siêu âm trắng đen, siêu âm màu, siêu âm 3D, 4D… cha mẹ có thể thấy rõ hoạt động của con mình trong bụng mẹ. Thật là hạnh phúc!
Chọn con, quà tặng sự sống!
Phàm ở đời cái gì cũng có mặt trái của nó, những chăm sóc trong thai kỳ bằng kỹ thuật chuẩn đoán hình ảnh chỉ thực sự hạnh phúc đối với các bậc cha mẹ có thai nhi phát triển bình thường, nhưng nó lại là nỗi ám ảnh của các cặp vợ chồng mang trong mình đứa con bị bệnh bẩm sinh, khuyết tật. Không hiếm các trường hợp kỹ thuật viên chuẩn đoán hình ảnh non tay nghề, chuẩn đoán kết quả sai lệch dẫn đến hậu quả đau lòng tước mất sự sống của thai nhi. Hầu hết các trường hợp khi thai nhi được chuẩn đoán có những triệu chứng bất thường như bị bệnh bẩm sinh về tim, gan, thận, mật, bị khuyết tật, bệnh down… các bà mẹ thường được các bác sĩ sản khoa tư vấn, đúng hơn là xúi giục, nên phá bỏ bào thai đi, họ giải thích rằng đứa trẻ ra đời sẽ là gánh nặng cho gia đình, cho xã hội.
Buồn, lo lắng vì đứa con sẽ chào đời không được khỏe mạnh như đa số các trẻ khác là điều hiển nhiên, nhưng các thai phụ còn phải đấu tranh về mặt đức tin, tâm lý thậm chí là phải vượt qua định kiến xã hội, vượt qua khả năng mịt mờ về tài chính tương lai khi biết rằng đứa con mình sinh ra mang bệnh tật, khiếm khuyết, cha mẹ (thông thường là người mẹ) phải đồng hành, sát cánh bên con một khoảng thời gian dài. Nhưng văng vẳng bên tai không phải là lời nâng đỡ, ủi an để có thêm sức mạnh, chấp nhận sự thật, vượt qua khó khăn để có nghị lực nuôi con mà lại là những lời “tư vấn” hãy phá bỏ đứa con kia để vơi đi gánh nặng, thật chua chát!
Nếu người chồng đồng cảm, nâng đỡ vợ trong giai đoạn này thì còn may cho thai phụ, nếu không lại càng gây thêm hoang mang trong lúc bế tắc. Sự thật quá là phủ phàng, niềm đau lại nhân đôi! Không hiếm trường hợp các bà mẹ quyết định bỏ đi bào thai trong bụng vì thấy rằng tương lai mờ mịt, không có can đảm để vượt qua. Nhưng nhiều thai phụ đã quyết giữ lại quyền được sống của đứa con và bên con, chăm sóc cho con trong mọi hoàn cảnh sống, dẫu có những đứa trẻ lắm lúc ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà.
Đồng hành cùng các bậc cha mẹ, đặc biệt là các thai phụ, trong những giờ phút gian nan của thai kỳ và sau sinh quả là nhu cầu bức thiết cần được những người làm mục vụ quan tâm nhằm bảo vệ sự sống trong bối cảnh xã hội hôm nay, xã hội của nền văn hóa sự chết.
Vượt cạn
Có thể nói, khoa cấp cứu của các bệnh viện phụ sản, nhất là Bệnh viện Từ Dũ, hoạt động liên tục, bất kể ngày đêm, thứ bảy, Chúa Nhật, lúc nào cũng tấp nập người ra, người vào vì các thai phụ có thể chuyển dạ bất kể lúc nào và mau mau khăn gói đến bệnh viện để chuẩn bị “vượt cạn” để con trẻ chào đời. Khi thai phụ có dấu hiệu sinh con, sẽ được đưa vào phòng chờ sinh, tùy người mà thời gian chờ sinh nhanh hay chậm, có người một vài tiếng, có người một vài ngày, lắm lúc phải sinh mổ.
“Đàn ông đi biển có đôi. Đàn bà đi biển mồ côi một mình”. Câu ca dao xưa nhưng vẫn không lỗi thời trong thời đại ngày nay, dẫu cho có nhiều bệnh viện cho người chồng được đứng cạnh vợ trong phòng sinh nhưng nỗi đau đớn thời khắc sinh nở khó có người chồng nào có thể thấu cảm được. Nỗi đau đớn về thể xác là thế, đôi khi có những trường hợp nỗi đau về tinh thần còn lớn hơn, nếu một đứa trẻ bệnh tật bẩm sinh hay thiếu tháng, vừa lúc chào đời, người mẹ chỉ gặp mặt con trong phút chốc đã phải chuyển con sang nuôi lồng kính hay phải chuyển viện để chữa trị những bệnh cấp tính, thậm chí có trường hợp phải chia lìa con trẻ trong chốc lát. Những giây phút đau đớn ấy có thể tạo nên tâm lý cho thai phụ sau sinh, gây nên chứng trầm cảm lâu dài nơi sản phụ nếu không được an ủi, sẻ chia.
Niềm vui đơn sơ, chẳng thiếu nhọc nhằn
Vừa mới chào đời, chẳng may trẻ bị bệnh bẩm sinh, thiếu tháng, nếu nhẹ thì bệnh viện phụ sản sẽ chữa trị, tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp phải chuyển trẻ sang Bệnh viện Nhi đồng 1 hoặc Nhi đồng 2 để các bác sĩ chuyên khoa điều trị. Có những bé chào đời lúc nửa đêm nhưng vẫn phải chuyển viện cấp cứu, để mau chóng cứu lấy sinh linh bé bỏng, vì có những căn bệnh chỉ chậm chân chút ít là không cứu được em bé. Giữa khuya, 1-2 giờ đêm mà khoa cấp cứu của Bệnh viện Nhi đồng cũng chẳng khác ban ngày là bao, chốc lát lại có ca cấp cứu, từ các bệnh viện phụ sản, hoặc các tỉnh đưa về, các điều dưỡng, y tá và bác sĩ phải làm việc liên tục.
Tượng Đức Mẹ trước nhà nguyện cũ trong Bệnh viện Nhi Đồng 2, nơi nhiều thân nhân bệnh nhi đến cầu nguyện
Các bé sau khi trải qua giai đoạn cấp cứu, phẫu thuật, truyền dịch... khi được bác sĩ khám và đánh giá tình hình hậu phẫu khả quan thì được chuyển qua phòng tập bú của Khoa Sơ sinh. Bé ra được phòng tập bú là cha mẹ đã vui hơn tí rồi, tạm gọi là đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất... Tuy nhiên, không phải bé nào cũng được suôn sẻ, có bé mới ra phòng tập bú được vài hôm lại phải quay trở lại phòng cấp cứu, bị ngưng uống sữa và tiếp tục được truyền dịch. Có bé sớm qua khỏi nguy kịch, nhưng cũng có bé gặp nguy cơ cao, bị nhiễm trùng máu, bị hoại tử đường ruột, bị suy hô hấp rồi suy tim và nhiều bé đã chia tay vĩnh viễn với bố mẹ kể từ đây!!!... chúng tôi đã chứng kiến cảnh này không biết bao nhiêu lần, và cảm thấy tim mình thắt lại, đau đớn. Chỉ biết cầu xin Chúa nâng đỡ người mẹ, người cha và đón đứa bé vào Nước Trời.
Khi bé được ở phòng tập bú thì cha mẹ sẽ được vào đút sữa cho con từng 3 tiếng, vệ sinh và cho con bú hằng giờ đồng hồ trong thời gian này... việc này sẽ lặp đi lặp lại suốt 24 giờ, không kể ngày đêm, mệt mỏi nhất là lúc 12 giờ đêm và 3 giờ sáng... và cứ tiếp tục như vậy có khi là 10 bữa, nửa tháng, lắm lúc một, hai tháng cho đến khi nào bác sĩ thông báo bé đã có dấu hiệu tiến triển tốt thì được chuyển ra phòng ngoài ở riêng với mẹ.
Với hy vọng con có thêm sức đề kháng từ sữa mẹ nhằm giúp con sớm vượt qua bệnh tật, nhiều mẹ đã chọn phương pháp nuôi con bằng sữa mẹ, và hành trình nuôi con bằng sữa mẹ thì thật là vất vả vô cùng. Những người mẹ ấy không được nghỉ ngơi mà phải làm việc liên tục cho dù là họ mới vừa vượt cạn, phải vắt sữa để chuẩn bị gửi sữa cho điều dưỡng viên trước và chờ đến giờ thì vào thăm, đút sữa cho con và vệ sinh cho con. Khu vực cho các bà mẹ vắt sữa luôn nhộn nhịp vào những giờ gửi sữa, nhìn chung mọi người điều có chung một cảm xúc... tất cả là vì con, cho con. Có những bà mẹ bơm vắt sữa hơn nửa giờ đồng hồ mà chỉ được 10-20 ml trong khi con cần đến 30ml/lần, có những bà mẹ dư sữa nhưng con chỉ bú được 5-10ml, thật tréo ngoe. Có những niềm vui thật đơn sơ, con uống tăng thêm 5-10 ml sữa là có cái để mừng, để khoe, để chia sẻ với các bà mẹ khác vì đó là dấu hiệu của sự tiến triển bệnh tật của con. Những đôi mắt quầng thâm vì thiếu ngủ, vì hoang mang, vì lo lắng không biết tình hình sức khỏe con mình bây giờ thế nào, đã khá hơn chưa, vì sức khỏe sau sinh chưa được hồi phục...Thật vất vả vô cùng vì họ không được chăm sóc chu đáo trong thời gian ở cữ, dẫu cho mưa gió bão bùng, họ luôn túc trực ở hành lang bệnh viện suốt 24/24, đôi khi không đủ thời gian để ăn uống, để nghỉ ngơi, vì luôn đau đáu về tình hình đứa con của mình.
Những người mẹ chập chờn trong giấc ngủ, những tiếng chuông reo báo thức lúc nửa đêm... nói sao cho hết những gian truân này.
Tiếp tục hành trình
Dân gian có câu “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”, bệnh tật nơi trẻ nhỏ cũng thế, có bé chỉ mắc phải một căn bệnh, phẫu thuật, chữa trị hậu phẫu rồi xuất viện, về nhà dưỡng bệnh, bồi bổ rồi phát triển bình thường. Nhưng cũng có những bé sau phẫu thuật căn bệnh này, về nhà mười bữa, nửa tháng tái khám thì phải nhập viện để chữa trị căn bệnh khác. Hoặc có trường hợp phải phẫu thuật 2-3 giai đoạn, về nhà dưỡng bệnh 1-2 tháng lại phải tái khám phẫu thuật cho giai đoạn sau. Hoặc có những bé nặng hơn thì ở bệnh viện cả nửa năm, một năm cũng không biết chừng. Có những căn bệnh mãn tính hay trẻ khiếm khuyết bộ phận nào đó trong cơ thể, cha mẹ phải theo con suốt cả cuộc đời, bệnh viện là nhà, nhà là bệnh viện, quả là nhọc nhằn nhưng vì con, họ chấp nhận tất cả để dõi bước, đồng hành cùng con, bất chấp gian nan, thử thách.
Đôi dòng cảm xúc
Thật cô đơn và buồn bã cho những mẹ không có người thân bên cạnh chăm sóc, cứ lầm lũi, thui thủi một mình, lắm lúc gặp khó khăn, mưa gió, con khóc... thì nhờ đến lòng thương xót của người nhà bệnh nhân gường cạnh bên để nhờ họ mua giúp hộp cơm hay giúp đổi dùm ấm nước nóng. Cũng có người vui vẻ giúp, cũng có người nói thẳng là họ không rảnh, đôi lúc mà chạnh lòng. Vì thời gian ở viện lâu, nên chứng kiến cảnh bệnh nhân ra vào nhiều, đôi khi gặp được người nhà có lòng nhân hậu thì mình còn nhờ vả được và khi họ được xuất viện ra về thì mình mừng cho họ, nhưng lại hoang mang cho mình, đôi lúc cảm xúc thật mâu thuẫn. Thôi thì cứ như cánh bèo trôi dạt vậy, chỉ biết cố gắng và vững tin.
Các mẹ phải túc trực thường xuyên bên con, đôi lúc mệt nhoài thì lăn ra ngủ ké với con chút, nhưng là giấc ngủ chập chờn, trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu”. Họ luôn bù đầu với đứa con của mình, khi thì cho con bú, cho con uống thuốc cho đúng giờ, vệ sinh và thay tả cho con, đi chích thuốc, đi truyền thuốc, đi lấy thuốc, tắm rửa, giặc giũ, và ăn uống vội vàng, đôi khi không đúng giờ.
Chăm sóc con nhỏ đang bệnh tật là việc vô cùng vất vả cho những người làm cha mẹ, họ dường như không còn phân biệt ngày và đêm. Tiếng con khóc, con la quanh tai họ suốt ngày, họ phải lắng tai nghe và phân tích xem con khóc vì đói, vì lạnh, vì nóng, vì vết thương đau hay vì con vừa ‘tè’ hay ‘ị’ xong, các mẹ nghe riết rồi quen.
Thật hạnh phúc cho bệnh nhi nào có nhiều người thân thay ca nhau cùng chăm sóc bé những gia đình ấy hạnh phúc vô cùng, bởi họ cùng nhau chia sẻ niềm vui hay nỗi buồn và các mẹ thì còn có cơ hội giữ sức, ăn uống đúng giờ để có sữa cho con.
Lời nguyện cầu
Lạy Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, là Đấng giàu lòng thương xót, là suối nguồn yêu thương, xin Chúa thương xót tha tội cho chúng con, xin luôn đồng hành và thêm sức cho chúng con, để chúng con chu toàn bổn phận và sứ vụ của mình.
Xin các Thánh cầu thay nguyện giúp và nâng đỡ cho các cặp vợ chồng đang nuôi dưỡng con cái trong hoàn cảnh bệnh tật vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đồng hành cùng con trong mọi biến cố của đời sống.
Tạ ơn Thiên Chúa, vì trong những ngày sóng gió vừa qua đã gửi đến chúng con những ân nhân quý báu. Chúng con cảm ơn Qúy Cha, Qúy Sơ, Qúy cô chú, anh chị em, cùng gia đình đã đồng hành và giúp đỡ chúng con trong những ngày qua.
Nguyện xin Thiên Chúa thêm sức và trả công bội hậu cho các vị ân nhân ấy Chúa nhé.
Sài gòn, Lễ Các Thánh 01/11/2016,
Gia đình Gioan Bosco & Maria Têrêsa.