Người thầy đặc biệt

 

NGƯỜI THẦY ĐẶC BIỆT

Người thầy trong mắt tôi, người khiến tôi luôn ngạc nhiên và kính phục là bà ngoại. Một buổi chiều đẹp trời, tôi cùng bà đi chợ.

Tôi khoác tay bà đi dạo qua nhiều sạp hàng. Đầu tiên, bà mua hai cái ghế nhựa nhỏ, một cái màu xanh và một cái đỏ. Hỏi ra mới biết bé Nhi và cu Nguyên thích hai màu khác nhau (đấy là hai đứa cháu nội ở cùng với bà). Tôi có bài học đầu tiên rằng phải quan tâm đến những thiên thần nhỏ, vì ít nhất chúng làm cho cuộc sống của chúng ta thêm rộn rã.

Bà lại để cho tôi khoác tay và đi tiếp. Bà mua năm cái bàn chải đánh răng. Bà bảo: “Đến tết mỗi người có một bàn chải mới cho khí thế, cười sẽ tươi hơn”. Tôi đếm nhanh năm cái bàn chải và đưa cho bà. Bà cốc đầu tôi: “Lớn thế này rồi sao ngốc vậy cháu! Năm người phải năm bàn chải có màu khác nhau để không lẫn lộn chứ”. Bài học thứ hai tôi học hỏi từ bà, đó là sự tỉ mỉ, chu đáo.

Bà và tôi mua rất nhiều thứ. Đi đến đâu bà cũng quan sát xem hàng nào tốt hàng nào xấu rồi truyền đạt kinh nghiệm lựa chọn cho tôi. Bà mặc cả ghê lắm. Có khi, tôi suýt bật cười vì bà trả giá thấp hơn một phần ba giá người bán hàng đưa ra. Vậy mà người ta vẫn chịu bán cho bà. Tôi nhận ra, thật khó để đoán biết được giá trị đích thực của một món hàng. Điều quan trọng là phải có kinh nghiệm.

Cuối cùng, bà dẫn tôi đến gian hàng bán hạt giống các loại cây hoa màu. “Ở đây người ta không nói thách nên mình không cần mặc cả”, bà quay sang nói nhỏ với tôi. Nhìn vào những bao đựng hạt giống, quả thực tôi thấy các loại hạt y hệt nhau, đều nhỏ nhỏ, đen đen. Tôi chỉ biết vài loại hạt được đóng gói và có dán tên ngoài bao bì. Tôi trố mắt nhìn bà khi bà chỉ vào từng bao đựng hạt giống to bự (không dán tên hạt giống): “Mè này bao nhiêu một lạng vậy cô? … Thế loại củ cải này?... Loại cải cay, cải bẹ, cải trắng này nữa, bán sao hả cô?...”. Tôi trông thấy một loại hạt giống lạ: nó là những khúc cây dài và khô queo. Bà thấy tôi nhìn chăm chăm vào cái bao đựng thứ giống kỳ lạ kia, liền cười, bảo: “Rau tần ô đấy cháu à. Có nơi người ta gọi là cải cúc. Loại cây này người ta không lấy hạt để trồng mà cắt thân ra từng đoạn nhỏ, để cho khô ráo rồi chọn lựa lại để làm giống”. Những người mua xung quanh cũng hỏi bà kinh nghiệm trồng một số loại cây. Tôi thấy tự hào và hãnh diện khi đứng cạnh bà. Tôi còn khoe với chị bán hàng rằng vườn nhà bà tôi là một “vương quốc” rau, củ, quả. Nghe vậy, bà cười bảo: “Già rồi, biết làm gì ngoài trồng rau để nhìn cho vui mắt”. Vậy là, tôi học được ở bà sự khiêm tốn. Không chỉ thế, tôi còn hiểu rằng, khi mình thực sự thích một điều gì đó (có thể gọi là đam mê) thì mình sẽ làm bằng được.

Vào những dịp lễ tết, gia đình tụ họp đông đủ. Nhà chật cứng người. Tôi không hình dung nổi sao mình có nhiều bà con thân thích đến vậy. Cả những đứa nhỏ xíu xiu, tôi cũng phải gọi là anh, là chị, thậm chí là cậu, là cô. Có lúc tôi cũng tự hào lắm vì được mấy người cao lớn gọi là chị, là dì. Quả thực, nếu không gặp vài lần, tôi cũng quên cả khuôn mặt lẫn tên tuổi của những người đó hoặc nhầm lẫn này nọ. Vậy mà bà tôi lại gọi tên, nói tuổi của từng đứa cháu cứ vanh vách. Bà hỏi thăm chuyện học hành, vui chơi của từng đứa một. Bà còn gọi tên ở nhà của chúng nó nữa. Nào Bông, nào Mi lô, nào Gôn, Nem, Xí, Choắt, Bi, Bo, Bon, Ben, Lu… tôi nghe mà ù cả tai. Bây giờ, khi đã nhớ gần hết tên của những người thân thích, tôi mới phần nào hiểu rằng nếu biết quan tâm nhau, biết sống yêu thương và chia sẻ thì người ta sẽ làm được những điều mà bình thường họ nghĩ không thể làm được. Đó là một phép màu nhỏ mà bà đã tặng tôi.

Bích Hoài
(PNO)