Người giũ lúa

 

NGƯỜI GIŨ LÚA
 
Người đàn bà đội nón lá che khuất gương mặt cúi xuống. Hai cánh tay của chị nắm một mớ rơm giơ cao ngang đầu. Chị giũ giũ mớ rơm trong gió và nắng. Dăm  bảy hột lúa lép hoặc còn non rơi xuống tấm đệm trải trên mặt ruộng khô nẻ dưới chân chị. Chị thảy mớ rơm qua một bên và bốc lên một mớ khác từ đống rơm được máy thổi ra vun thành hình kim tự tháp. Chị tiếp tục cần mẫn giũ lúa để mót lại những hột lúa máy bỏ sót. Một ngày giũ lúa khiến đôi cánh tay chị “thiếu điều không bưng nổi chén cơm” lúc chiều về nhà. Nhưng cũng mót được dăm ba ký gạo.

Người giũ lúa thường là đàn bà và con nít, không có ruộng để tự trồng lúa, không đủ sức đi làm mướn, không có tiền đi mua gạo ăn, nên đi mót lúa ngoài đồng. Một công việc không vẻ vang, nhưng tự trọng. Không ăn xin, không ăn cắp. Chỉ lượm mót cái người ta bỏ đi tự nuôi mình. Lao động này có tự ngàn xưa, và ở khắp nơi có văn minh nông nghiệp. Có một lần đi thăm một nhà thờ Thiên Chúa cổ xưa ở Pháp, tôi thấy trên các cửa sổ những bức tranh ghép bằng các ô kính màu, có hình của mục đồng và con cừu, có hình một người đàn bà cúi gập người lượm những gié lúa trên mặt đất. Trong Kinh Thánh hình như có câu chuyện về người mót lúa, ca ngợi sự lương thiện của người đàn  bà nghèo khó chọn lao động vất vả khiêm tốn để sống còn và giữ phần hồn mình trong sáng. Ngày xưa, đàn bà con gái nếu không có sự bảo bọc kinh tế của cha hay chồng, thì không có nhiều lựa chọn mưu sinh: hoặc làm điếm hoặc đi mót nông sản trên đồng.

Người mót lúa do vậy không bị rẻ rúng khinh miệt, mà có phần được mến thương. Tôi nhớ hồi nhỏ xíu tôi có biết một người mà tôi gọi là bà Hai Lượm Hột. Bà là người cô quả trong làng, đến mùa gặt thì đi mót lúa trên đồng. Quê  ngoại tôi ở miền đông, khi lúa chín thường thì ruộng đã khô, trẻ con như tôi tha hồ chạy chơi trên những thửa ruộng đã gặt, lấy cọng rạ làm kèn thổi chơi. Hồi đó người ta gặt lúa bằng lưỡi hái rồi đập lúa bằng tay. Thế nào cũng có những hột lúa vung vãi ra đất. Sau khi người ta thu dọn, những người mót lúa mới đi lượm những hột lúa rơi rớt đó. Bà ngoại tôi không gọi họ là người mót lúa, mà nói họ là người lượm hột. Hình như từ “mót” không được thanh tao lắm. Các cậu tôi đập lúa ẩu, vung vãi nhiều hột lúa, nhưng hầu như không bị rầy. Hình như ai cũng ngầm coi là tử tế khi rộng rãi chừa cho kẻ nghèo khó còn cái mót lượm để sống hiền lương.

Lâu rồi, tôi không có dịp ra đồng vào mùa gặt. Quê tôi đã thành khu công nghiệp. Nhiều lần ngồi trên xe chạy về miền Tây, tôi nhìn đến trẹo cổ cảnh vật bên đường, tìm kiếm một cánh đồng có những người đang làm lụng. Chỉ là chút hoài niệm đồng quê. Đất ven lộ thường được ưu tiên dùng để làm nhà ở, hàng quán, thỉnh thoảng mới thoáng thấy một cánh đồng xa xa. May sao, có một cánh đồng lúa đang chín, người ta đang gặt. Và tách ra khỏi đám đàn ông đang vác lúa chuyển lên máy suốt là một người đàn bà đứng một mình bên đống rơm vừa suốt xong. Những người suốt lúa bảo chị ấy “giũ lúa”. Công lao động vét mương cuốc đất khoảng 50.000 đồng một ngày. Giũ lúa giỏi lắm kiếm đủ gạo ăn. Lúa mót không bán được vì phẩm chất không đều.

Nhân câu chuyện, những người nông dân hỏi chồng tôi: ở Mỹ chắc đâu có ai thèm mót lúa? Họ bất ngờ khi nghe câu trả lời là có, lấy làm lạ lùng hết sức. Thực ra thì những cánh đồng ở Mỹ mênh mông, việc gặt hái phần nhiều do máy móc làm, cũng thường có một số lượng nông sản rơi rớt, và bị bỏ phí. Những nông sản không đạt tiêu chuẩn thương mại cũng thường bị bỏ đi. Nhân công ở Mỹ đắt nên việc mót nông sản không có hiệu quả kinh tế. Những cánh đồng canh tác công nghiệp không cho ai vô mót cái gì cả. Cho nên người ta ít mót lúa hay đậu nành chẳng hạn. Nhưng người ta mót khoai tây, rau củ, những thứ có thể đưa ngay tới nhà bếp của người nghèo vốn thường thiếu thức ăn tươi, Thí dụ tại nơi ông đang sống, địa hạt Whatcom thuộc bang Washington, có một tổ chức những người mót nông sản ở các nông trại trong vùng, với một kế hoạch gọi là Củ khoai nhỏ. Tiếng Anh gọi họ là “gleaners”.

Tôi dịch rất kỹ và những người nông dân chăm chú nghe, nhưng hàng loạt câu hỏi lại được họ đặt ra: Ở Mỹ có người nghèo tới mức đi mót khoai sao? Đi mót khoai mà cũng có tổ chức nữa à? Kế hoạch Củ khoai nhỏ là sao? Nghe nói ở Mỹ đồ ăn thừa mứa, nhiều nơi phát không, tội gì đi mót khoai? Ông giáo sư Mỹ kiên nhẫn trả lời rằng: Mót nông sản là hoạt động cá nhân mà cũng có tổ chức. Thí dụ gần đây có một chủ nông trại thông báo để mở các cánh đồng vừa thu hoạch xong cho bất cứ ai đến mót vào hai ngày cuối tuần. 4.000 người từ khắp nơi lân cận bèn kéo tới vào ngày thứ Bảy, khiến cho nông trại phải thông báo đóng cửa lại ngày Chủ Nhật. Những người đó có thể chỉ đi mót cho chính mình. Nhiều người không biết ở đâu có cái gì có thể mót được, hoặc không có phương tiện đến nơi nếu xa xôi và họ không có xe riêng. Cho nên có những tổ chức đi liên hệ với các nông trại, thông báo cho người ta biết ở đâu ngày giờ nào có thể đi mót cái gì, có thể đi nhờ xe ai, v.v…

Phải. Nước Mỹ cũng có người nghèo, mặc dù những người tham gia các tổ chức mót nông sản thì không hẳn nghèo, thậm chí có người giàu đến mức không cần làm việc kiếm tiền, rảnh rỗi thì giờ đi mót khoai. Không, không phải mót chơi. Họ mót nông sản để tặng cho các tổ chức từ thiện như bếp ăn nhà thờ, Ngân hàng thực phẩm (Foodbank). Người nghèo có thể đến những nơi đó nhận bữa ăn hay thực phẩm miễn phí. Và phải có người cho thì người nhận mới có cái để nhận. Họ có thể cho tiền, nếu họ giàu. Nhiều người vẫn làm vậy.

Những người cổ vũ hay tổ chức những chuyện mót nông sản này có một quan điểm tiến bộ là nông sản cần nhiều nước và dưỡng chất trong đất mới tạo thành được, bỏ phí trong khi nhiều người thiếu ăn là tội lỗi đã đành mà còn làm ô nhiễm môi trường, phí phạm tài nguyên thiên nhiên (nước, đất). Hiện nay, trong lúc kinh tế khủng hoảng, và vấn đề môi trường đang nóng, những người này càng hoạt động tích cực để mót được nhiều nông sản hơn vì các ngân hàng Thực phẩm và các bếp ăn từ thiện đang cần hơn bao giờ hết thực phẩm để phân phát cho người gặp khó khăn, thất nghiệp, mất nhà, v.v…

Đành rằng mỗi xã hội có những đặc điểm kinh tế và văn hóa khác nhau. Nhưng có lẽ giữa người giũ lúa hay lượm hột, lượm củ ở nước mình và những gleaners ở Mỹ có chung  một điều: họ là những con người đang nhẫn nại góp phần giữ sạch môi trường sống, cả trên phương diện vật chất lẫn tinh thần.

Lý Lan