“Ngôi làng Hà Lan” và những chuyện xấu !

“Ngôi làng Hà Lan” và những chuyện xấu !

 

"NGÔI LÀNG HÀ LAN" VÀ NHỮNG CHUYỆN XẤU!

Sau 25 năm chu du đến nhiều quốc gia trên thế giới, sự kiện “Ngôi làng Hà Lan” đã dừng chân ở Việt Nam từ ngày 22 đến 31-10 tại công viên 23-9, TP.HCM (15g-23g) với nhiều hoạt động đặc sắc, hoàn toàn miễn phí.

“Ngôi làng Hà Lan”

"Ngôi làng Hà Lan” là nơi tái hiện sinh động đời sống và phong tục tập quán của người Hà Lan với cối xay gió có kích thước thật (cao 10m) được dựng ngay cổng chào, với 12 ngôi nhà cổ có hoa văn chạm trổ tinh xảo. Nơi đây du khách sẽ tận mắt chứng kiến các nghệ nhân Hà Lan tỉ mẩn khắc chạm từng đôi guốc, chiêm ngưỡng màn thổi thủy tinh của Frans Limpens cùng những đồ gốm từ xưởng gốm Delft nổi tiếng thế giới... Đây cũng là dịp để du khách thưởng ngoạn vẻ đẹp rực rỡ của nhiều loại hoa trong suốt 10 ngày diễn ra sự kiện.
 



Mô hình cối xay gió tại cổng chào - Ảnh ban tổ chức cung cấp
 



Các nghệ sĩ Hà Lan biểu diễn đàn accordéon tại “Ngôi làng Hà Lan tại TP.HCM” được khai mạc chiều 22-10. Ảnh: Minh Đức
 





Nhiều công dân Hà Lan sinh sống tại TP.HCM trong trang phục truyền thống 
cũng đến tham dự “Ngôi làng Hà Lan tại TP.HCM” được khai mạc chiều 22-10. Ảnh: Minh Đức
 



Các em thiếu nhi thích thú với trò chơi tô màu. Ảnh: Minh Đức
 



Chiếc cổng chào của “Ngôi làng Hà lan tại TP.HCM”. Ảnh: Minh Đức
 

Các cô gái Việt Nam cũng hóa trang thành những cô gái Hà Lan. Ảnh: Minh Đức
 



Các nghệ nhân Hà Lan biểu diễn khắc guốc gỗ tại “Ngôi làng Hà Lan tại TP.HCM” được khai mạc chiều 22-10. Ảnh: Minh Đức
 



Rất đông du khách đến tham quan “Ngôi làng Hà Lan tại TP.HCM” được khai mạc chiều 22-10. Ảnh: Minh Đức
 





Biểu diễn nghề thổi thủy tinh truyền thống. Những sản phẩm thủy tinh cũng được bán tại chỗ. Ảnh: Minh Đức
 



Nghề làm gốm truyền thống. Ảnh: Minh Đức
 



Biểu diễn cắt những miếng phô mai truyền thống của Hà Lan tại “Ngôi làng Hà Lan tại TP.HCM” 
được khai mạc chiều 22-10. Ảnh : Minh Đức
 
Du khách sẽ được dịp hòa cùng những nghệ sĩ đường phố trong ngôi làng thể hiện các hoạt động khiêu vũ, biểu diễn âm nhạc dân gian. Đại diện tiêu biểu của ẩm thực Hà Lan là cá trích sống ăn với hành tây xắt nhỏ, sandwich cá hồi và lươn hun khói, phô mai... cũng sẽ góp mặt trong sự kiện nhằm giới thiệu đến du khách nét văn hóa ẩm thực của xứ sở hoa tulip...         (Q.N.)

Những chuyện xấu ở “Ngôi làng Hà Lan”

Một hoạt động văn hóa được đông đảo bạn trẻ chào đón và thể hiện sự quan tâm, hứng thú bằng việc tham gia hầu hết những trò chơi trong ngôi làng. Nhưng không chỉ có vậy.

Một bạn trẻ tranh giành bút chì màu của các em nhỏ tại ngày hội rồi lời qua tiếng lại với nhân viên bảo vệ 
khiến em bé ngồi bên phải bịt tai lại - Ảnh: Hoàng Phong

1. Khoảng 17 giờ ngày 26-10, tôi có dịp ghé đến ngôi làng Hà Lan. Bỗng nghe giọng một nam thanh niên bên cạnh hào hứng huyên thuyên với chiếc điện thoại áp vào tai: “Mấy hôm nay ngày nào tao cũng vào ăn phómát miễn phí. Cứ buổi chiều tan học thì đến đó, mày cứ yên tâm vào ăn đi, thoải mái không sao đâu!”.

Như vậy, chắc mục đích ghé đến ngôi làng Hà Lan hằng ngày của anh bạn này không phải là khám phá văn hóa, học hỏi, hội nhập mà chỉ để... ăn thử phómát miễn phí.

Dĩ nhiên phómát cũng là một nét văn hóa của đất nước này, nhưng cứ xơi tì tì kiểu anh bạn này chắc hết phần của người tham quan khác muốn tìm hiểu về đất nước cối xay gió. Với lại, đường đường một đấng nam nhi, ai lại tham dự một sự kiện văn hóa với cái hào hứng hết sức... phàm ăn như thế.

2. Bạn nữ nào cũng muốn được một lần khoác trên mình trang phục cô gái Hà Lan. Và như vậy hàng chục bạn trẻ chen chúc nhau, tranh giành một suất hóa trang thành cô gái xứ sở hoa tulip để chụp ảnh lưu niệm.

Thế là chen lấn, giành phần. Những tiếng cãi vã qua lại, các bước chân giẫm đạp lên nhau, rất nhiều bàn tay nắm áo kéo khiến ngôi làng Hà Lan trở nên lộn xộn và mất trật tự.

Ai cũng muốn mình được ưu tiên mặc áo nhanh nhất, khoác trên mình với thời gian lâu nhất nhưng có mấy ai nghĩ đến những người xếp hàng phía sau chờ đợi. Sao lại dự một sự kiện văn hóa với một tinh thần văn hóa kém thế nhỉ?

3. Rác thải luôn là “đặc sản” của những buổi lễ hội. Và ngôi làng Hà Lan mỗi ngày đều nhận được rất nhiều rác thải: từ tấm giấy gói sản phẩm, những ly nhựa uống nước, khay nhựa đựng thức ăn...

Với nhiều bạn thì việc đứng nhìn không thích thú bằng việc sờ lên những cánh hoa tulip được trưng bày. Một bạn nữ sau khi chạm xong quay sang nói với bạn mình: “Cái này toàn thấy trên truyền hình, giờ được đụng vào thích quá!”. Nếu như khách tham quan nào cũng ào ạt, xô đẩy nhau ngắt một cành hoa để làm kỷ niệm thì chắc ngôi làng Hà Lan sẽ bị “làm thịt” tức thì...

4. Người dân TP.HCM luôn tự hào và xứng đáng tự hào với văn hóa cộng đồng đặc trưng của mình, đó là tôn trọng của chung, của cộng đồng; đó là thói quen văn hóa biết nhường cho người khác trước; là không xô đẩy, chen lấn, giẫm đạp; là biết tự trọng về hành vi của mình.

Mỗi dịp xuân về, lễ hội đường hoa Nguyễn Huệ có hàng trăm ngàn lượt khách nhưng ít khi nào một cành hoa bị bứt.

Thế nhưng lần này, nhìn cảnh ngôi làng Hà Lan bị nhiều bạn trẻ làm xấu, không khỏi giật mình. Dĩ nhiên chưa đến mức vặt hoa bẻ cành như lễ hội hoa anh đào kinh hãi năm nào ở Hà Nội nhưng bỗng lo... Đừng thế bạn trẻ Sài Gòn ơi, sống đẹp và có văn hóa là một đẳng cấp đấy bạn ạ!

ĐỨC TOÀN
(Tuổi Trẻ)