Mục đích của việc giáo dục

Mục đích của việc giáo dục

 

MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC GIÁO DỤC

NHẬP ĐỀ

Cha mẹ là người đóng vai trò chủ chốt trong việc huấn luyện và giáo dục con cái, vai trò không ai có thể thay thế được. Cha mẹ muốn con cái mình lớn lên thuộc hạng người nào? Muốn con cái học được những giá trị và lối sống nào? Cha mẹ cần có một cái nhìn rõ ràng trước khi bắt tay vào việc giáo dục chúng.

I. GIÁO DỤC CON CÁI YÊU MẾN CHÚA

1. Trước hết, dạy cho con cái yêu mến và phụng sự Chúa. Cha mẹ phải nói về Chúa, về tình yêu của Ngài, để chúng cảm nghiệm được Ngài một cách sâu xa.
 

a. Nhiều bậc làm cha mẹ đã không ý thức điều này hoặc không biết gì để nói cho con cái về Thiên Chúa.
b. Hoặc cảm thấy chán nản khi nói về Thiên Chúa mà thấy con cái dửng dưng hoặc thậm chí còn tỏ thái độ khó chịu .

2. Môi trường mà con em sống (trường học, bạn bè… ) không dành chỗ cho việc phát triển tình thân giữa các em với Chúa.
 

a. Trẻ em dễ dàng cho rằng Kitô giáo là dành cho người lớn. Cha mẹ phải nỗ lực để phá đổ bức tường ngăn cách này và dạy con cái thấy rằng Thiên Chúa cũng yêu thương chúng; còn chúng cũng được mời gọi đáp trả tình thương của Ngài.
 
- Phải lôi kéo con cái vào việc sống đạo của chúng ta. Điều đó mang lại nhiều kết quả tốt đẹp.
- Ước muốn của Thiên Chúa là con cái phải được chia sẻ đời sống tâm linh của cha mẹ (Đn. 6,4-)
 
b. Có những cản trở việc nghe nói về Thiên Chúa.

- Có thể từ bạn bè hoặc các thầy dạy trong trường học .
- Một đứa trẻ bực tức vì lối xử sự không đúng của cha mẹ, hoặc cảm thấy thiếu tình thương yêu sẽ không sẵn sàng đón nhận những gì cha mẹ nó nói về Thiên Chúa.

3. Cha mẹ không nên chán nản khi thấy con cái không thích nói hay nghe nói về Thiên Chúa.

a. Không chỉ áp dụng những nguyên tắc của Kinh Thánh một cách máy móc nhưng nên sử dụng khả năng phán đoán mà Chúa ban cho mình, và sự khôn ngoan của những bậc có kinh nghiệm khác để tìm ra được một đường lối đúng đắn để có thể giúp con cái thắng vượt những trở ngại ấy.

b. Nhớ rằng kinh nghiệm giáo dục về mỗi đứa đều khác nhau.

c. Chúng ta phải cầu nguyện thường xuyên, xin Chúa hoạt động trong tâm hồn con cái và ban cho chúng ta sự khôn ngoan cần thiết để dạy dỗ chúng.
 
II. GIÁO DỤC CON CÁI YÊU THƯƠNG THA NHÂN

1. Khi con em học yêu mến Chúa, chúng phải học yêu thương các Kitô hữu khác như anh chị em mình. 

a. Kinh Thánh nói nhiều về cách thức mà anh chị em trong Chúa Kitô phải đối xử với nhau: Kinh Thánh nói rất nhiều về tình yêu có giao ước. Kinh Thánh đề ra những nguyên tắc về thống hối, về tha thứ để xây dựng lại những tương quan đã đổ vỡ vì hiểu lầm hoặc làm sai. Kinh Thánh cũng dạy phải nói năng, lo lắng nhu cầu vật chất cho nhau như thế nào. 
 

-  Con cái trong gia đình phải dùng tình yêu thương để dàn xếp những bất hoà và không để lòng hờn giận nhau nhiều ngày nhiều tháng.
- Trong gia đình, cha mẹ nên dạy cho con cái biết nói năng với nhau sao cho đúng (Cn. 12,18).
- Cha mẹ nên dán những câu như thế lên tường, và mỗi lần sửa dạy con cái, họ nên trưng dẫn những câu ấy. Sau vài tháng lối nói năng của chúng sẽ thay đổi.

b.Con cái phải học cách tỏ lòng kính trọng và đề cao người khác
- Đối với mọi người (x. 1 Pr. 2,17), nhất là những người có chức vụ, quyền bính. (Rm. 13,7).
- Làm vợ phải “tôn trọng chồng mình” (Ep. 5,33).
- Người giúp việc phải “kính trọng chủ mình về mọi mặt” (1 Tm. 6,1).

c. Yếu tố cơ bản trong việc dạy con cái biểu lộ lòng tôn kính và trân trọng tha nhân là dạy chúng tôn kính cha mẹ.
- Đó là một trong 10 điều răn của Chúa: “Thứ tư : Thảo kính cha mẹ”.
- Thánh Phaolô rất lưu ý điều này trong thư Êphêsô 6,2.
- Đó là giới răn đầu phải giữ để đạt được những gì Chúa hứa (Đn.. 5,16).
- Sách Huấn ca 3,1-16;27-28: giải thích đầy đủ về ý nghĩa của giới răn này.
- Các bậc cha mẹ nên xem xét mình đã tỏ lòng kính trọng đối với cha mẹ, với giáo quyền và chính quyền đủ chưa? Đó là thể thức chúng ta phải theo và dạy con cái tuân giữ.

d. Một bài học cần phải dạy cho con cái là tinh thần phục vụ.
Con cái trong một gia đình Kitô Giáo cần phải ý thức trách nhiệm của mình đối với người khác.
- Thời giờ của mình không phải là của riêng mình mà là để phục vụ anh chị em mình.
- Trong gia đình, con cái làm việc không được nhận tiền công, vì đó là phần trách nhiệm của chúng.
- Chúa muốn con cái học hỏi nơi chúng ta cách xử sự sao cho tốt đẹp để sau này, khi chúng ta không còn sống với chúng nữa, thì chúng đã trở nên những Kitô hữu trưởng thành, là một thành phần của dân Chúa, biết yêu thương và phục vụ.

III. HUẤN LUYỆN CON CÁI SỐNG GIỮA TRẦN THẾ

1. Chúng ta cũng cần phải giúp con cái học hỏi cách đối xử với thế giới chung quanh. Nói rõ hơn là học những lối ứng xử khôn khéo rất cần thiết trong đời sống thường ngày – học đủ mọi chuyện từ chuyện đánh răng cho đến việc lái xe.

2. Khi con cái lớn hơn, việc huấn luyện chúng sống giữa đời đòi hỏi ta phải trang bị cho chúng biết cách làm việc để kiếm sống.

a. Hiểu biết đến cái thế giới đang lao động hàng ngày, cái thế giới mà khi lớn lên chúng phải tham dự vào.

b. Để chuẩn bị tương lai cho con cái, cha mẹ phải chỉ dạy cho con cái biết về giá trị của lao động, và giúp chúng hiểu “đi làm” nghĩa là gì ?
- Cha mẹ nên quan tâm đến những động lực thúc đẩy chúng làm việc và thái độ của chúng đối với công việc.
- Cha mẹ nên giúp con cái khám phá ra những công việc phù hợp với khả năng và khuynh hướng của chúng để chúng có thể góp phần vào cộng đoàn Kitô Giáo.
- Cần phải dạy cho con cái những gì cần thiết để giữ vững niềm tin của mình trong một thế giới ngày càng xa rời đức tin Kitô Giáo.
  • Không được tự đồng hóa mình với thế gian (Ga. 17,15)
  • Phải biết cách đáp trả thế nào đối với các giá trị và thái độ ngược với chúng trên phương tiện truyền thông.
  • Phải biết trả lời thế nào với những người không sống theo tinh thần Kitô Giáo.
  • Cần phải biết thương xót người nghèo, thông cảm với người cô thân cô thế bị áp bức, và chia sẻ với những ai bị đau khổ thiệt thòi vì sự ích kỷ của thế gian.
KẾT LUẬN

1. Môi trường học đường là môi trường đối nghịch và thách đố mà con cái chúng ta cần phải học biết cách đứng vững với những giá trị Kitô Giáo. Cha mẹ phải tìm mọi dịp dạy cho con cái biết ứng xử với những khó khăn ấy như thế nào và nói cho con cái hiều tình hình chúng đang sống.

2. Dành thì giờ để nói chuyện với con cái mỗi ngày ít phút sau khi chúng đi học về, nhờ vậy chúng ta biết được những gì đã xảy đến cho con cái mình trong ngày để có thể kịp thời hướng dẫn chúng qua khỏi những nguy hiểm hay giải quyết những khó khăn.

3. Dạy cho con cái biết thân thiện và biểu lộ tinh thần bác ái đích thực với mọi người. Nhưng nếu gặp trường hợp chúng đã cố gắng tươi cười với các bạn cùng học mà chỉ nhận lại được sự hờ hững, thô bạo nơi một vài người bạn, thì cha mẹ phải giải thích cho chúng cách thân thiện thế nào để khỏi chuốc lấy phiền lụy.
 
Giuse Nguyễn Hùng Cường
(biên soạn dựa trên Chương II tác phẩm “Husbands, Wives, Parents, Children” của Raph Martin)