Một thoáng suy tư: Chỉ Tình Yêu thôi chưa đủ ?

Một thoáng suy tư: Chỉ Tình Yêu thôi chưa đủ ?

 

MỘT THOÁNG SUY TƯ :

CHỈ TÌNH YÊU THÔI CHƯA ĐỦ ?
 
Báo phụ nữ Chúa nhật số 11 ngày 28-3-2010, có đăng bài viết của Mai Hương, với tựa đề: Hôn nhân bền vững: chỉ tình yêu chưa đủ? Và tác giả đưa ra nhận định: chỉ tình yêu thôi chưa đủ, tác giả viết:  “một tình yêu chân thành, trong sáng là khởi đầu tốt đẹp cho một cuộc hôn nhân, nhưng chưa đủ để duy trì hạnh phúc bên vũng”, và theo Mai Hương: “chỉ có tình yêu thôi chưa đủ, cần phải học hỏi, cập nhật kiến thức về tình yêu…”.

Phải chăng chỉ có tình yêu thôi chưa đủ? Theo tôi, cuộc sống chỉ thực sự hiện thực nhờ có tình yêu, và như vậy chỉ cần có tình yêu là đủ để đạt tới một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng tình yêu là gì? Thật không dễ để đi tìm cho ra một định nghĩa chính xác về tình yêu. Nhà thơ Xuân Diệu sau nhiều năm mày mò để cuối cùng cũng chỉ thốt ra những lời trong vô vọng:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu...

Bước vào thế kỷ thứ 21, với bao nhiêu tiến bộ về khoa học kỹ thuật, nhiều bí ẩn ẩn tàng trong thiên nhiên được các nhà khoa học làm sáng tỏ, thế nhưng để tìm cho ra một định nghĩa đúng đắn về tình yêu thì con người vẫn loay hoay, lúng túng. Biết bao nhiêu giấy mực truy tìm tình yêu, nó là cái gì sao mà không có nó thì không được, mà có nó thì cũng chịu bao nỗi khổ. Câu trả lời cuối cùng cũng chỉ là mượn lấy giọng điệu của Xuân Diệu:
 
Đố ai định nghĩa được chữ yêu
Nhớ nhớ thương thương những buổi chiều
Âm thầm lặng lẽ ôm hình bóng
Khờ khờ ngốc ngốc vậy là yêu.

Ngán ngẫm trước một rừng chữ nói về yêu, Hàn Mạc Tử đã đưa ra một chĩ dẫn đáng tin cậy để truy tìm cho chữ yêu một định nghĩa

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hò reo,
Để nghe tơ liễu rung trong gió,
Và để xem Trời giải nghĩa yêu.
(Trích trong Đà Lạt trăng mờ).

Vâng chỉ có “Trời” mới có thể cho chúng ta hiểu yêu là gì. Vâng, chỉ có Thiên Chúa mới có thể giải nghĩa được chữ yêu, vì Ngài là tình yêu, như thánh Gioan Tông đồ đã khẳng định: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8).

Thiên Chúa đã giải nghĩa tình yêu qua Người Con, Đức Giêsu Kitô, Người là Lời yêu thương của Thiên Chúa nói với con người. Và tình yêu của Thiên Chúa là thế nầy:  “Thiên Chúa đã sai Con một của Ngài đến trong thế gian, ngõ hầu ta được sống nhờ Người. Nơi điều này mà thực là lòng mến: là không phải vì ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng là chính Ngài đã yêu mến ta và sai Con của Ngài đến làm lễ hi sinh đền tạ tội lỗi ta”. (1Ga 4, 9-10).

Như vậy bản chất của tình yêu là hiến trao, là biến mình thành quà tặng để trao ban cho đối tượng được yêu vì thiện ích của người được yêu. Qua việc trao ban Người Con duy nhất, Thiên Chúa Cha đã chỉ cho con người hiểu thế nào là tình yêu. Đức Bênêđictô XVI trong thông điệp Deus caritas est đã nói rõ về bản chất yêu thương mà Thiên Chúa đã biểu tỏ cho nhân loại: “Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô chạy theo ‘con chiên bị thất lạc’, chạy theo nhân loại đau khổ và bị tiêu vong. Khi Đức Giêsu trong các dụ ngôn nói về người mục tử chạy theo con chiên bị lạc mất, về người đàn bà đi tìm đồng bạc bị đánh rơi, về người cha chạy đến người con đi hoang và ôm nó vào lòng, thì đấy không những chỉ là những lời nói, nhưng là những cách giải thích bản chất và hành động của chính Người. Trong cái chết trên thập tự của Người, việc ‘Thiên Chúa quay lại chống đối chính mình’ đạt đến mức tuyệt đỉnh, khi Người tự hiến chính mình, để nâng con người lên và cứu độ họ - đó là tình yêu trong hình thức triệt để nhất. Cái nhìn vào cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giêsu … Nơi đó, chân lý này có thể được nhìn ngắm. Và cũng từ đó có thể định nghĩa tình yêu là gì. Từ cái nhìn này, người Kitô hữu tìm được con đường để sống và để yêu” (Số 12).
 
Như vậy tình yêu chỉ có thể được hiểu, khi người yêu trao ban trọn vẹn chính mình cho người được yêu, trao ban để người được yêu đạt tới hạnh phúc như người yêu mong muốn, và do đó, tình yêu luôn nói đến hy sinh. Tình yêu mà không có hy sinh là tình yêu giả dối. Sự hy sinh trong tình yêu là chấp nhận từ bỏ “cái tôi” ích kỷ, hẹp hòi, tự cao tự đại, để biến mình hòa tan trong người mình yêu, và  nhận ra chính “cái tôi” của mình trong người mình yêu, và như vậy, tình yêu không còn hướng tới việc chiếm đoạt, để biến người yêu thành chính mình, nhưng là trao ban để biến mình thành người mình yêu, qua đó tình yêu sẽ hướng tới việc phục vụ và làm cho người mình yêu đạt tới điều thiện ích mà tình yêu hướng tới.

Vâng, chỉ có tình yêu như vậy mới thực sự mang lại hạnh phúc đích thật, còn nếu tình yêu chỉ dừng lại ở yếu tố chiếm hữu cho mình, phục vụ cho chính mình, được gọi là tình yêu qui ngã, thì quả thật “chỉ có tình yêu thôi sẽ không đủ”, và nếu có học thêm cách cư  xử trong đời sống vợ chồng, trau dồi đủ thứ kiến thức về tâm sinh lý, nghiên cứu sâu xa để có những quan điểm đúng đắn về tình dục, thì có lẽ hạnh phúc cũng sẽ vẫn mãi xa vời nếu bản chất cốt cán của tình yêu vẫn nằm ở ngoài các mối tương giao vợ chồng, cha mẹ con cái….

Nhà văn F. Scott Fitzgerald trong tác phẩm The Great Gatsby đã trình thực trạng thảm hại của một tình yêu qui ngã, chỉ hướng tới việc chiếm đoạt, qua câu chuyện về cuộc tình mà Gatsby đã dành cho Daisy. Gatsby yêu Daisy bằng một tình yêu mà ông cho là cao thượng, chân thành. Ông đã nỗ lực kiếm thật nhiều tiền để hy vọng chiếm đoạt được Daisy. Nhưng điều mà ông hy vọng tình yêu sẽ mang lại cho ông đã không giờ được hiện thực, Daisy vẫn mãi ở ngoài tầm tay của ông và cuối cùng ông đã chết tức tưởi cô đơn trong mối tình mà cứ tưởng đó là tình yêu, thực ra đó chỉ là hiện tượng mà người ta gọi là tình yêu. Nằm trong nắm mộ, có lẽ Gatsby đã ngậm ngùi:

Rồi một mai tôi sẽ đi
Vì sao, ai nỡ làm chi !
Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá
Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì.
(Xuân Diệu)
 
Cách đây hơn 2000 năm cũng đã có một người chết vì yêu. Đó không là một tình yêu bèo bọt của đóm lửa rơm chóng tàn, nhưng là một tình yêu đúng nghĩa nhất theo bản chất của nó: một tình yêu hiến dâng để mang lại sự sống cho người mình yêu. Đó là Giêsu, Đấng đã yêu nhân loại đến nỗi “Phận Ngài là phận của một vì Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không nghĩ phải giành cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa. Song Ngài đã hủy mình ra không, lĩnh lấy thân phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta; đem thân đội lốt người phàm, Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và là cái chết thập giá!” (Pl 2, 6-8). Cái chết vì yêu không bao giờ tàn lụi theo ngày tháng, nhưng thực sự đã trở thành nguồn suối tuôn trào sự sống, để hôm nay, cái chết của Giêsu vẫn mãi là cái chết mang lại niềm hy vọng cho một thế nhân đang ngập tràn trong muôn nỗi khổ đau, do bởi tình yêu qui ngã, tình yêu ích kỷ mang lại.
 
Bởi đó, hạnh phúc sẽ dâng cao, và niềm vui sẽ rạng ngời trong cuộc sống hôm nay nếu chúng ta thi hành đúng lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Yêu như Thầy yêu, chỉ thế thôi, vâng, chỉ cần tình yêu như thế thôi là đủ cho chúng ta và cả làm cho cuộc sống nầy no tràn hạnh phúc.
 
Antôn Hà Văn Minh