Mầu nhiệm sống

 

MẦU NHIỆM SỐNG

Sự hình thành sự sống dù là của một thực vật hay một động vật trên hành tinh đều kì diệu! Từ xa xưa đến nay, cuộc sống của con người được hình thành như thế nào vẫn là một quá trình mầu nhiệm và thiêng liêng nhất mà con người ta cảm nhận được. Nếu bạn đã có con, bạn sẽ là người hiểu rõ nhất tính mầu nhiệm đó như thế nào! Thế nhưng vì sao chúng ta lại cảm thấy như vậy? Đó chính là sự phát triển tâm lý kì diệu của thai nhi.

Cuộc sống con người không bắt đầu từ khi hài nhi cất tiếng khóc chào đời, nó đã bắt đầu từ khi một tinh trùng phá vỡ bức tường thành của trứng. 23 nhiễm sắc thể của người nam gặp 23 nhiễm sắc thể của người nữ tạo thành 23 cặp nhiễm sắc thể hình thành một con người. Đó là sự thụ thai. Tính cách của tinh trùng và của trứng góp phần thật to lớn quyết định đặc điểm của một con người sắp được hình thành: nam hay nữ, giống ai, năng khiếu hay bệnh tật như thế nào, có cá tính không, lanh lợi hay ngu đần ..v.v…

Không phải vô lý hoặc vì lợi nhuận mà người ta đã bán nhiều loại sữa cho người mẹ mang thai để tăng cường trí thông minh cho con. Người mẹ mang thai phải nghe nhạc giao hưởng hay tham gia những hoạt động nghệ thuật để cải thiện và bồi dưỡng năng khiếu cho con. Bố mẹ chỉ có thể cải thiện và bồi dưỡng khả năng cho con vì đến 60% bản chất của con được hình thành từ tính cách của 23 cặp nhiễm sắc thể kia. Di truyền đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển tâm lý của một con người. Đó chính là tiền đề trong sự phát triển của mỗi cá nhân nên các cặp vợ chồng trẻ cần thiết chủ động có con và chuẩn bị tâm lý, thể lý trước khi quyết định có con

Qua nghiên cứu và theo dõi sự phát triển của thai nhi các nhà khoa học đã chứng minh được số tế bào của bộ não người phát triển gần như hoàn thiện cho đến lúc trẻ được sinh ra. Máu mẹ và máu thai nhi tiếp xúc rất gần nhau nhưng không trộn lẫn bên trong nhau thai giúp thai nhi trao đổi chất. Giống như một cái cây, nhau thai tạo thành những nhánh lớn rồi phân chia thành những nhánh nhỏ dần. Nhung mao đệm chứa mạch máu nhỏ của thai nhi chính là những cái chồi nhỏ nhất của nhau thai. Ba tuần sau khi thụ thai hệ thống tuần hoàn của một con người đã được hình thành và tim đã bắt đầu đập. Sau tám tuần hầu hết các cơ quan quan trọng đã được hình thành.
 
Con tim và khối óc đã hoạt động. Một con người đang sống!

Nếu có thể cất tiếng nói, thai nhi sẽ nói: “Thưa bố mẹ, con đã được sống. Con đang cảm nhận được tất cả những gì xảy ra ở cuộc sống xung quanh con. Xin cám ơn bố mẹ đã ban cho con sự sống”. Thật vậy! Các cơ quan giác quan được hình thành đầy đủ vào tháng thứ năm giúp thai nhi cảm quan được cuộc sống. Khi não hoạt động, tâm lý của một người xuất hiện. Tuy mắt chưa thể mở nhưng thai nhi đã có thể nghe những sóng âm, những dao động của môi trường nước trong bọc ối.
Cảm giác nghe: Tai của thai nhi cũng phản ánh những thuộc tính âm thanh: tần số, biên độ, hình thức dao động. Tất cả những âm thanh thai nhi nghe được như âm thanh phát sinh khi các cơ quan nội tạng người mẹ hoạt động, các âm thanh bên ngoài, tiếng nhạc và đặc biệt là tiếng nói của bố mẹ đều được vùng thính giác ở vỏ não ghi lại hoàn toàn. Nếu trong thai kì, người mẹ phải nghe những tiếng động mạnh (khoảng 100 db) sẽ gây những tổn thất lớn về thính giác cho thai nhi.

Cảm giác nếm: Vị giác chính là kênh cảm giác thứ hai của thai nhi. Vị giác được tạo nên do thuộc tính hóa học của các chất hòa tan khi đi qua các cơ quan thụ cảm vị giác ở lưỡi, họng và vòm họng. Ngay khi lọt lòng mẹ bé đã ưa thích vị ngọt hơn.

Cảm giác da: Xúc giác do các kích thích cơ học và nhiệt độ tác động lên da tạo ra. Thai nhi nhận biết rõ sự tiếp xúc qua thành bụng và tử cung người mẹ nên tất cả cảm giác vuốt ve yêu thương âu yếm đều được cảm nhận. Vào tháng thứ bảy ở thai kì, nếu đè mạnh hoặc để một quyển sách hơi nặng lên bụng người mẹ thì thai nhi sẽ có phản ứng đạp, đẩy mạnh như muốn tống khứ vật nặng đi.

Tất cả những cảm quan tâm lý của thai nhi đều là sự phát triển tâm lý của một con người. Chính vì vậy đã giải thích cho chúng ta vì sao ngay khi được sinh ra một đứa con được mong đợi sẽ khác với đứa con ngoài ý muốn bị ghét bỏ ngay khi còn nằm trong bụng mẹ. Vì sao người mẹ bị trầm cảm trong thai kì hoặc cha mẹ thường xuyên không hạnh phúc… ảnh hưởng rất lớn đến hành vi và hoạt động tinh thần của con trẻ sau này.

Diệu Phương
WTT, viết theo "Tâm lý lứa tuổi" - TS. Đinh Phương Duy