Lứa tuổi vị thành niên như là sự phát triển quá độ từ tuổi thơ sang người lớn

Lứa tuổi vị thành niên như là sự phát triển quá độ từ tuổi thơ sang người lớn

 

LỨA TUỔI VỊ THÀNH NIÊN NHƯ LÀ SỰ PHÁT TRIỂN QUÁ ĐỘ TỪ TUỔI THƠ SANG NGƯỜI LỚN
 
Lứa tuổi vị thành niên thường được các nhà nghiên cứu tâm sinh lý giới hạn trong khoảng từ 10-11 tuổi đến 19-20 tuổi, là một giai đoạn chuyển tiếp của sự phát triển từ tuổi thơ sang người lớn: “Tuổi không còn là trẻ con nữa, nhưng cũng chưa phải là người lớn”. Đây là giai đoạn đặc biệt, duy nhất của cuộc sống vì đồng thời xảy ra một loạt những thay đổi, bao gồm: sự chín muồi về thể chất, sự biến đổi, điều chỉnh tâm lý và sự biến đổi các quan hệ xã hội nhằm đáp ứng các nhiệm vụ phát triển. Đây cũng là giai đoạn nảy sinh nhiều rối nhiễu tâm lý nhất so với các lứa tuổi khác.

Dưới con mắt của người lớn, lứa tuổi vị thành niên là tuổi “khó bảo”, tuổi “chống đối”, hay “nổi loạn” hoặc tuổi có “khủng hoảng” phát triển. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu ở lứa tuổi này cho thấy, đa số các em bước vào tuổi dậy thì không có khủng hoảng phát triển. Chỉ có khoảng 20% (Offers, 1991,1995) trẻ ở độ tuổi này có khó khăn (khủng hoảng) trong sự phát triển – rối nhiễu tâm lý.
Các nhà nghiên cứu tâm sinh lý cũng phân chia lứa tuổi này thành 3 giai đoạn với những nhu cầu và nhiệm vụ phát triển tương đối khác biệt:

Giai đoạn vị thành niên sớm, tương đương với tuổi thiếu niên:
Nam: 12-14 tuổi; Nữ: 10-12 tuổi.

Đứa trẻ lúc này bước vào tuổi dậy thì, ngoài những biến đổi về sinh học, còn có những biến đổi tâm lý đặc trưng như:
-         Chú ý đến quan hệ bạn bè, coi trọng mối quan hệ bạn bè.
-         Xuất hiện những tình trạng lưỡng cực (mâu thuẫn), vừa gắn bó tuân thủ cha mẹ, vừa chống đối muốn tách khỏi sự bảo hộ của cha mẹ.

-         Nỗ lực tìm kiếm sự độc lập, khuynh hướng tìm định cái tôi cá nhân.
-         Nhu cầu tự khám phá cơ thể (hay để ý, băn khoăn với những thay đổi của cơ thể).
-         Thích khám phá, thử nghiệm những hành vi tình dục cùng giới.
-         Bắt đầu suy nghĩ trừu tượng.

Tuổi thiếu niên vẫn còn mang nhiều đặc trưng của một đứa trẻ, phụ thuộc nhiều vào gia đình, quan tâm nhiều đến những thay đổi của cơ thể, hay suy tư về hình ảnh cơ thể, dễ băn khoăn lo lắng, buồn rầu về những nhược điểm của cơ thể. Mối quan tâm đến bạn bè bắt đầu nổi lên như là một đáp ứng chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới.
 
Giai đoạn giữa vị thành niên – tương đương với tuổi thiếu niên lớn:
Nam: từ 15-17 tuổi; Nữ: từ 13 -16 tuổi.

Sự dậy thì đầy đủ thường xảy ra ở giai đoạn này (có kinh nguyệt, phóng tinh không chủ định). Những biến đổi tâm lý đặc trưng, thường thấy của giai đoạn này là:
-         Nỗ lực cao nhất tìm kiếm sự độc lập, tách khỏi sự kiểm soát của cha mẹ (vì vậy hay có xung đột với cha mẹ).
-         Phát triển mạnh cá tính và sự xã hội hóa.
-         Có xu hướng lý tưởng hóa, vị tha (định hướng vào cái tôi xã hội).
-         Tiếp tục quan tâm đến hình ảnh của cơ thể (thích chăm sóc cơ thể).
-         Thích hò hẹn, khám phá giới kia (nhu cầu hấp dẫn, chinh phục bạn khác giới), nhóm bạn có vị trí quan trọng số 1, đặc biệt là bạn khác giới.
-         Biểu lộ mạnh mẽ xúc cảm yêu đương, hay nhầm lẫn ngộ nhận giữa xúc cảm bạn bè khác giới và tình yêu, dễ yêu, dễ thất vọng (hay có hành vi trầm cảm, tự sát).
-         Tiếp tục phát triển mạnh tư duy trừu tượng.

Tuổi thiếu niên lớn nỗ lực tìm kiếm sự độc lập, tách khỏi sự quản lý kiểm soát của gia đình. Trẻ em ở tuổi này hay phê phán cha mẹ chúng, đó cũng có thể là một cách làm giảm đi quyền lực đặc trưng của cha mẹ. Nhưng các em rất cần cha mẹ với tư cách là chỗ dựa tin cậy, chỗ để tranh luận, “bắt bẻ” hay cãi lý, có thể bằng cách này các em ít nhiều thỏa mãn nhu cầu được làm người lớn, được đối xử như người lớn. Các nhà nghiên cứu giả thiết rằng “chúng cần cha mẹ có một cái gì đó sai để chúng có thể ít nhất cảm nhận mình là người đúng, tách khỏi bố mẹ và có tính độc lập”.

Tuổi thiếu niên lớn nỗ lực tìm kiếm những quan hệ ngoài gia đình, hướng tới những người bạn đồng lứa. Tuổi này có nhu cầu đặc biệt về tình bạn, cảm nhận được những tinh tế trong tình bạn. Nhu cầu tình bạn trở thành cấp thiết và quan trọng nhất, đặc biệt là nhu cầu về người bạn khác giới: các em rất sợ cô đơn, sợ bị bạn tẩy chay… Bạn không phải là người cùng chơi, cùng hoạt động, cùng sở thích hứng thú… mà là đối tượng để tâm tình, chia sẻ những bất an… để nhận xét phê phán, đồng nhất mình với bạn.

Tuổi thiếu niên lớn tràn đầy xúc cảm, dễ xúc động, khó kềm chế xúc cảm bộc phát, dễ bị tổn thương. Trạng thái tình cảm của các em thất thường, không ổn định, thoắt vui rồi lại thoắt buồn, khó kiểm soát xung tính, dễ bị kích động (dễ nổi nóng, dễ nản ở con trai… dễ khóc, dễ tủi thân ở con gái).

Đây là lứa tuổi phát triển những xúc cảm yêu đương: dễ rung động trước người bạn khác giới, có nhu cầu cao về sự hấp dẫn quyến rũ tình dục, nhưng cũng dễ nhầm lẫn giữa bản năng tình dục, xúc cảm yêu đương với tình yêu.

Các em có nhu cầu thử nghiệm muốn khám phá các năng lực trong quan hệ tình dục và có không ít những vấp ngã, song đó là cách để các em chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo (học cách bày tỏ và kiểm soát xúc cảm, phát triển năng lực biết yêu và được yêu).
Tuổi tiếu niên lớn thích sưu tầm danh ngôn, thích văn thơ triết lý, nhu cầu thần tượng hóa cũng nổi rõ, nhưng các em cũng hay cực đoan trong ý nghĩ và hành động. Không ít những chàng trai hay các cô gái tuổi này thích những hành động “anh hùng” phiêu lưu, mạo hiểm vì vậy chúng hay bị lôi kéo vào các hoạt động của nhóm bạn xấu, hay bị kẻ xấu lợi dụng. Nhà tâm lý học Mỹ nổi tiếng Fountain đã tóm tắt thành 5 đặc điểm tâm lý của tuổi thiếu niên lớn (15-17 tuổi) làm cho các em khác với người lớn:

-         Lứa tuổi này có khuynh hướng bộc lộ sự căng thẳng và tính hay thay đổi của tình cảm với sự dao động lên xuống bất thường của việc lựa chọn đối tượng. Trẻ ở tuổi này có nhu cầu tìm kiếm những kinh nghiệm cảm xúc và hình như điều này buộc nó phải đi ra ngoài con đường quen thuộc của nó để tìm kiếm những xúc cảm mới lạ.

-         Lứa tuổi này có nhu cầu về sự hài lòng thường xuyên và ngay lập tức. Các em luôn khổ sở vì những chuyện không đâu (những chuyện người lớn cho là vớ vẩn, không quan trọng), các em thường có cảm giác không thể chịu đựng nổi nhiều nỗi lo lắng và có nhu cầu phải giữ được hứng thú thường xuyên.

-         Lứa tuổi này có thể không hiểu được những hậu quả có thể có của những hành vi của mình (vì vậy hay hành động bất chấp những hậu quả) và dễ hiểu sai tình cảm, hành vi của người khác.

-         Trẻ ở tuổi này hay có những thất bại về sự tự phê phán, đó là những thất bại trong việc nhận biết tính mâu thuẫn, tính không thích hợp và tính vô lý của chính mình.

-         Nhận thức của tuổi này về thế giới xung quanh khác với nhận thức của người lớn. Các em có một thế giới về mình với những quyền lợi, điều tốt, điều phải riêng của chúng. Các em ít có khả năng nhận biết rõ ràng mối quan hệ giữa bản thân nó với người khác và ít có khả năng nhận biết rõ các sự kiện mà chúng không liên quan trực tiếp đến chính bản thân.

Giai đoạn cuối tuổi vị thành niên, tương đương với lứa tuổi đầu thành niên:
Nam: từ 18-20 tuổi; Nữ: từ 17-19 tuổi.

Đây là giai đoạn sau dậy thì, thường có những biến đổi tâm lý đặc trưng sau:
-         Khẳng định (tuyên bố) sự độc lập.
-         Tạo dựng hình ảnh tương đối ổn định về bản thân.
-         Tình yêu thực tế hơn, phát triển sự cam kết.
-         Nhóm bạn trở nên ít quan trọng hơn, kén chọn bạn hơn.
-         Phát triển những cấu trúc tâm lý tương đối bền vững về các giá trị đạo đức, đạo lý, về các mục đích sống của bản thân.
-         Có khả năng suy nghĩ trừu tượng.
-         Hay suy nghĩ về quá khứ và tương lai.

Giai đoạn lứa tuổi đầu thanh niên, các em đã trở nên giống người lớn hơn về nhiều phương diện. Các em đã có cách suy nghĩ, nhận xét, cam kết, chín chắn của người lớn trong quan hệ với công việc, trong quan hệ với người khác. Các em giống người lớn hơn trong sự thống nhất bên trong, trong đánh giá về bản thân, các giá trị đạo đức, đạo lý, về các mục đích sống của bản thân ở các em có tính thực tế hơn. Các em được thừa nhận về mặt xã hội như người lớn (có quyền bầu cử, có quyền nhận bằng lái xe…). Tuy nhiên, các em vẫn cần một khoảng thời gian nữa để thực sự thành người lớn – người trưởng thành.

Việc phân chia các giai đoạn phát triển trên đây chỉ có tính tương đối. Trong bất kỳ trường hợp nào bản thân tuổi tác chỉ là một chỉ báo nghèo nàn về sự chín muồi và sự trưởng thành là sự tổng hợp của các yếu tố sinh học, xã hội, văn hóa và tâm lý. Sự trưởng thành xảy ra với tốc độ khác nhau, sẽ không có gì ngạc nhiên khi ta thấy có sự khác biệt rất lớn giữa các nền văn hóa khác nhau, các gia đình khác nhau và giữa các cá nhân.

(Quanh ta là cuộc sống, Nguyễn Công Khanh, Nguyễn Minh Đức)