Lứa tuổi vị thành niên là một giai đoạn chuyển tiếp đáp ứng nhu cầu và nhiệm vụ phát triển

Lứa tuổi vị thành niên là một giai đoạn chuyển tiếp đáp ứng nhu cầu và nhiệm vụ phát triển

 

LỨA TUỔI VỊ THÀNH NIÊN LÀ MỘT GIAI ĐOẠN CHUYỂN TIẾP ĐÁP ỨNG NHU CẦU VÀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN 

Bắt đầu từ biến cố dậy thì

+ Sự thay đổi cơ thể:

Dậy thì là một thuật ngữ được dùng để xác định sự chín muồi rõ nét về mặt cơ thể. Sự chín muồi sinh học này xảy ra trên hầu hết các hệ thống cơ thể ở cả nam lẫn nữ và thường bắt đầu ở khoảng 10 -11 tuổi và kết thúc ở khoảng 15 -17 tuổi.

Những thay đổi dậy thì ở cơ thể các em gái:
-         Tăng mạnh cân nặng.
-         Tăng mạnh chiều cao.
-         Phát triển ngực (vú).
-         Mọc lông mu, lông nách.
-         Thay đổi giọng nói (sâu, thanh hơn).
-         Tăng cường hoạt động của các tuyến mồ hôi.
-         Phát triển trứng cá.
-         Xuất hiện kinh nguyệt.
-         Mông, đùi phát triển.
-         Xương chậu phát triển mạnh.
-         Thay đổi hình dạng cơ thể từ thon mảnh của đứa trẻ sang dáng vẻ duyên dáng của phụ nữ.

Những thay đổi dậy thì ở cơ thể các em trai:
-         Tăng mạnh cân nặng.
-         Tăng mạnh chiều cao.
-         Phát triển ngực, vai.
-         Mọc lông mu, lông nách, lông ở mặt và cơ thể.
-         Thay đổi giọng nói (vỡ giọng).
-         Tăng cường hoạt động của các tuyến mồ hôi.
-         Phát triển trứng cá.
-         Xuất hiện phóng tinh không chủ định.
-         Chân, tay phát triển (phát triển cơ, chiều dài).
-         Độ cứng của cơ tăng đáng kể.
-         Thay đổi hình dạng từ cơ thể của đứa trẻsang vóc dáng của chàng thanh niên.

Hiện tượng kinh nguyệt, dấu hiệu chính báo hiệu sự dậy thì đầy đủ ở các em gái thường xảy ra ở độ tuổi 10-16 tuổi. Phát triển dương vật và tinh hoàn, biểu hiện đầy đủ bằng hiện tượng phóng tinh không chủ định báo hiệu sự dậy thì đầy đủ ở các em trai (thường muộn hơn 1-2 năm) khoảng 13-17 tuổi. Tuy nhiên, quá trình chín muồi dậy thì thường không đồng đều ở các cá thể. Một vài em gái hay em trai đã hoàn thành toàn bộ quá trình phát triển dậy thì trong khi đó ở những bạn đồng lứa khác quá trình này mới bắt đầu hoặc chưa xảy ra.
Như vậy, không có một giới hạn tuổi cứng nhắc cho giai đoạn dậy thì, mà giữa các cá nhân có sự khác nhau đáng kể khi bước vào giai đoạn này. Sự khởi đầu và kết thúc tuổi dậy thì thường kéo dài 4-6 năm và chịu ảnh hưởng của các yếu tố vị trí địa lý, vùng khí hậu, dân tộc, các điều kiện kinh tế, giáo dục, văn hóa, quá trình công nghiệp hóa…

Theo các kết quả nghiên cứu tâm sinh lý học gần đây hiện tượng dây thì của trẻ em hiện nay ngày càng diễn ra sớm hơn, do tốc độ ăn uống đầy đủ, do sinh hoạt vật chất tinh thần được nâng cao, do tự do giao lưu văn hóa… Tức là ngày nay xảy ra hiện tượng “gia tốc” của tuổi dậy thì hay quá trình phát dục diễn ra sớm hơn (chính vì điều này mà ở một số nước phát triển, tuổi dậy thì của các em gái có thể bắt đầu sớm từ 10-11 tuổi, còn ở các em trai từ 12-13 tuổi).

+ Sự thay đổi tâm lý:

Dậy thì là sự báo hiệu chuyển giai đoạn, được xem như là cái mốc khởi đầu tuổi vị thành niên, nó kết húc trước khi giai đoạn vị thành niên kế thúc (những thay đổi dễ quan sát nhất về dậy thì kéo dài trong khoảng 4-5 năm, những trẻ gái bắt đầu và kết thúc dậy thì sớm hơn trẻ trai khoảng 1-2 năm). Những công trình nghiên cứu sự phát triển tâm sinh lý của lứa tuổi vị thành niên gần đây quan niệm: lứa tuổi vị thành niên như là một giai đoạn phát triển đi qua một loạt những lớp sự kiện, những kinh nghiệm, sự trải nghiệm hay những nhiệm vụ phát triển được xác định về mặt xã hội.

Trong giai đoạn phát triển này, những thay đổi của các yếu tố sinh học có ảnh hưởng đến các yếu tố tâm lý. Và ngược lại, các sự kiện xã hội, sự trải nghiệm tâm lý đến lượt nó cũng ảnh hưởng lên hệ thống sinh học (Không chỉ có những đáp ứng về tâm lý của trẻ đối với những thay đổi sinh học mà trạng thái tâm lý của đứa trẻ đến lượt nó cũng có ảnh hưởng lên hệ thống sinh học). Chẳng hạn, do sự đô thị hóa dẫn đến tuổi dậy thì sớm lên (trẻ sống ở khu vực đô thị dậy thì sớm hơn trẻ sống ở vùng nông thôn).

Việc tăng cường hoạt động của hệ thống tiết các hormone tính dục (tuổi dậy thì) đã kích thích các ý nghĩ tình dục, tạo ra sự lơ đãng mơ màng, nảy sinh nhu cầu hấp dẫn quyến rũ tình dục ở hầu hết thiếu niên lớn. Ao tưởng tình dục cũng thường thấy ở lứa tuổi này (một số em có những hoang tưởng tình dục và luôn cảm thấy mặc cảm tội lỗi mỗi khi ý nghĩ đó xuất hiện). Các em nam trong giấc ngủ có thể mơ thấy những chuyện ân ái và tự tiết tinh dịch, đây là điều hoàn toàn bình thường (một số em khác không trải nghiệm điều này cũng là hoàn toàn bình thường).

Cả nam và nữ ở tuổi thiếu niên lớn đều trải nghiệm hứng thú tình dục. Xúc cảm giới tính hay những rung động đầu đời thường dễ xảy ra và đơn giản là với những ai gây cho chúng ấn tượng, những người gần gũi, những người hay giúp đỡ quan tâm, những người có biểu hiện bên ngoài hấp dẫn… Đại bộ phận các em ở tuổi thiếu niên lớn không hiểu được rằng những cảm xúc này chỉ là những tình cảm mang bản chất tình dục mà chúng thường lầm tưởng là tình yêu.

Do những biến đổi sinh học đã tạo nên sự mất cân bằng tạm thời về tâm lý. Trong giai đoạn phát triển này các em có những thay đổi thường xuyên về tâm tư. Sự quan tâm thái quá đến hình ảnh cơ thể, sự không hài lòng về những đặc điểm nào đó của cơ thể có thể biến thành nỗi khổ tâm, sự khó ở… và những tình cảm này có thể gây stress tiêu cực cho trẻ (làm nảy sinh sự lo âu, trầm cảm và cả những ý nghĩ tự sát). Người ta thường quan sát thấy ở tuổi này có tính không ổn định về mặt xúc cảm, tình cảm – thoắt vui, thoắt buồn, kém hài lòng về hình ảnh cơ thể, dễ thân mật mà cũng dễ giận dữ… Hiện tượng dễ xúc động, dễ tổn thương, dễ bị kích động hay khóc hay tự ái, tủi thân vì những chuyện nhỏ nhặt là những hiện tượng thường xảy ra, đặc biệt ở các em gái.

Đặc trưng của hoạt động thần kinh ở lứa tuổi này là quá trình hưng phấn chiếm ưu thế rõ rệt so với quá trình ức chế, điều này dễ tạo ra sự mất cân bằng tạm thời. Hoạt động dưới vỏ não càng làm mất cân đôi hơn cho các quá trình tâm lý ở tuổi này.

Những nghiên cứu ảnh hưởng của các nhân tố tâm lý lên hệ thống sinh học cho thấy dưới những điều kiện tập luyện nặng (chẳng hạn của các vận động viên điền kinh) có thể dẫn đến mất kinh ở các em gái khi vừa thấy kinh lần đầu, hoặc dưới điều kiện stress nặng, vòng kinh có thể bị thay đổi hoặc ngừng một thời gian (đây là trường hợp thường hay xảy ra với những thiếu nữ sống trong các gia đình có xung đột hoặc những em gái bị trầm nhược hay chán ăn tâm thần).

Một nghiên cứu lâm sàng ở một em gái 16 tuổi cho thấy em gái này không có lịch sử bệnh tật, hay rối nhiễu tâm lý nhưng tin rằng mình có mang (do sự ôm hôn của người bạn trai), đã biểu lộ tất cả các dấu hiệu của người có mang. Những nghiên cứu nội tiết cho thấy em gái này có mức tăng đáng kể một số hormone cụ thể liên quan đến hệ thống sinh sản.

…Trưởng thành là sự đáp ứng nhu cầu và nhiệm vụ phát triển

Trong giai đoạn phát triển tuổi vị thành niên có rất nhiều những mâu thuẫn, những sự kiện xã hội liên quan đến nhu cầu và nhiệm vụ phát triển đòi hỏi đứa trẻ phải đáp ứng như chúng vừa muốn là trẻ con (muốn nũng nịu, muốn được bố mẹ quan tâm, muốn được nhận quà…) vừa muốn là người lớn (đòi thoát khỏi sự kiểm soát chặt chẽ của bố mẹ, đòi được quyền tự quyết định, đòi được tôn trọng các vấn đề riêng tư, đòi mọi người phải đối xử với mình như người lớn…). Các em thường hay có ý nghĩ cực đoan cho rằng mình đã là người lớn có quyền và có thể làm được mọi việc như người lớn, nhưng mặt khác các em cũng thấy rõ một thực tế rằng mình vẫn chưa thực sự được thừa nhận là người lớn. Để giải quyết mâu thuẫn này, thiếu niên lớn thường mô phỏng bắt chước những hành vi được các em gán cho là của người lớn.

Tuổi vị thành niên trải nghiệm những lớp hành vi hay các điều kiện xã hội liên quan đến sự chín muồi xã hội ở lứa tuổi này. Chẳng hạn như hút thuốc lá, uống rượu, phóng xe máy… được gán cho là những hành vi (biểu hiện sự chín muồi xã hội, sự trưởng thành) của người lớn (do vậy để được thừa nhận là người lớn, trẻ phải tập luyện thành thục những hành động này), rồi quyền được bỏ phiếu, được cấp bằng lái xe… Về mặt “luật pháp” trẻ được thừa nhận là người lớn, điều này ảnh hưởng đến sự phát triển những cấu trúc tâm lý bền vững về các giá trị đạo đức, đạo lý, các mục đích sống của trẻ…

Những nghiên cứu chuyên sâu về các mối quan hệ liên cá nhân ở lứa tuổi vị thành niên (Sprinthall & Collins, 1995) cho thấy tầm quan trọng của các mối quan hệ liên cá nhân (quan hệ với bạn bè - cùng giới, khác giới; quan hệ với cha mẹ; quan hệ với người lớn khác có ý nghĩa với trẻ: thầy cô, chú bác, anh chị…) ở tuổi này bỏ xa các nhóm tuổi khác và đóng vai trò không thể thay thế trong qua trình xã hội hóa đứa trẻ, ví dụ tình bạn ở lứa tuổi này đóng vai trò vừa là bối cảnh, môi trường, vừa là điều kiện, phương tiện để trẻ ở tuổi này tăng sự hiểu biết, để phát hiện, thể nghiệm các năng lực, các kỹ năng: năng lực hiểu biết về mình thông qua người khác (là tấm gương phản chiếu của trẻ) năng lực đồng cảm, các kỹ năng hợp tác, tự đánh giá, kiểm soát xung tính, giao tiếp xã hội…

Một số nghiên cứu (Offers, 1995; Peterson, 1996) phát hiện ra rằng có đến 80% trẻ vị thành niên (tuổi 13-16) xem nhóm bạn như là điều quan trọng nhất, 60-70% xem quan hệ với mẹ là quan trọng nhất. Điều này có nghĩa là bất kể một sự không thành công hay sự đổ vỡ nào trong các quan hệ liên cá nhân này đều có thể dẫn đến những tổn thương tâm lý, rồi tùy cách ứng phó của trẻ mà có thể dẫn đến rối nhiễu tâm trí như trầm cảm, trầm nhược, tự tử hoặc những hành vi sai lệch xã hội như thất bại học đường, bỏ học, bỏ nhà đi lang thang… rồi trở thành tội phạm.

Mô hình về sự thiếu hụt nhận thức và hành vi của trẻ vị thành niên

Những công trình nghiên cứu đã tiến hành trên trẻ em Việt Nam ở tuổi vị thành niên thường có chung những nhận định hay kết luận rằng: số trẻ em vị thành niên có quan hệ tình dục trước hôn nhân ngày càng tăng lên, số trẻ em vị thành niên đến các nhà hộ sinh, các cơ sở y tế để nạo, hút thai ngày càng gia tăng, tỷ lệ trẻ vị thành niên bị bắt do hành nghề mãi dâm ngày càng tăng lên. Trẻ vị thành niên nghiện ma túy, bị nhiễm HIV ngày càng tăng lên… rồi trẻ vị thành niên phạm tội bị công an bắt giữ ngày càng tăng lên.

Có rất nhiều nguyên nhân tạo nên thực trạng này mà nhiều tài liệu điều tra đã nói tới. Trong đó, đáng kể nhất là do các em có nhận thức sai, thiếu hiểu biết về giới tính, sinh lý sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Những quan niệm, niềm tin sai lầm, thái độ không hợp lý của các em về tình dục và hôn nhân góp phần làm cho tỷ lệ phá thai ngoài ý muốn ngày một tăng lên. Một số nam nữ tuổi vị thành niên có xu hướng chấp nhận quan hệ tình dục khi có tình cảm với nhau, họ cho rằng đã yêu là hiến dâng, là cho nhau tất cả (yêu nhanh, yêu không cần biết đến hậu quả, thiên về cảm xúc bản năng, thiếu sự suy xét của lý trí). Nếu như vào những thập kỷ trước, tỷ lệ những người chấp nhận quan niệm tự do tình dục, tình dục trước hôn nhân chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp, khoảng vài phần trăm thì thực trạng này đã thay đổi ở thập kỷ 90 này, chiếm tỷ lệ vài chục phần trăm. Chẳng hạn, theo cuộc điều tra về thái độ của thanh thiếu niên (TTN) với vấn đề quan hệ tình dục của Đoàn TN (1996), 18% TTN trong độ tuổi 15-18 cho rằng ở tuổi họ chuyện quan hệ tình dục chẳng có gì là quan trọng, miễn sao cả hai cùng chấp nhận và cảm thấy thích.

Vấn đề càng nghiêm trọng hơn, trong một nghiên cứu mới nhất của chúng tôi vừa tiến hành tháng 11-1999 ở ba khu vực: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh với gần 700 học sinh PTTH (17-19 tuổi) cho thấy có khoảng 1/3 (32,8%) chấp nhận quan niệm đã yêu nhau là cho nhau tất cả, và chỉ có khoảng 1/3 (34,7%) phản đối quan niệm này (còn 32,4% tỏ thái độ phân vân). Số liệu này cho thấy có sự thiếu hụt đáng kể về nhận thức, tình cảm ở lứa tuổi vị thành niên mà điều này dẫn tới hệ quả là có quan hệ tình dục trước hôn nhân rồi phải nạo phá thai…

Một mặt nữa mà rất ít các công trình nghiên cứu về lứa tuổi vị thành niên của Việt Nam để ý tới là nghiên cứu đánh giá những hành vi kém thích nghi, hành vi rối nhiễu và sự thiếu hụt các kỹ năng ứng phó giải quyết vấn đề ở tuổi vị thành niên. Những đứa trẻ thất bại trong việc xử lý những xung đột với cha mẹ, với thầy cô, với bạn bè trong lớp, trong trường (nhất là bạn khác giới) có thể bỏ nhà đi lang thang, có thể bỏ lớp, bỏ trường gia nhập vào các nhóm bạn xấu… rồi trở thành tội phạm.

Những nghiên cứu trẻ em vị thành niên bỏ nhà đi qua đêm hoặc bỏ nhà gia nhập vào nhóm trẻ lang thang cho thấy các em này thường bày tỏ sự thất vọng, chán nản về gia đình. Đứa trẻ bỏ nhà thường là muốn thoát khỏi môi trường thù nghịch, nơi trẻ không cảm nhận được sự yêu thương, hoặc nơi làm trầm trọng những xung đột xung quanh một nhiệm vụ phát triển. Chẳng hạn, như trẻ có nhu cầu được độc lập, muốn được tôn trọng trong khi cha mẹ không tin trẻ, gia tăng sự kiểm soát, hay xúc phạm trẻ và khi trẻ cảm thấy không còn khả năng thay đổi quan hệ với mẹ, trẻ có thể bỏ nhà đi lang thang. Phần lớn những trẻ bỏ nhà đi lang thang có sự thiếu hụt nhận thức và không có kỹ năng giải quyết xung đột.

Những nghiên cứu về mưu toan tự tử ở tuổi vị thành niên cho thấy rất nhiều vụ mưu toan tự tử có liên quan đến các nhiệm vụ phát triển như trẻ cảm thấy bị “sỉ nhục”, bị mất mát qua nhiều, cô đơn, khổ tâm, chán nản đến tuyệt vọng, bị chìm ngập bởi các nhiệm vụ phát triển mà trẻ không giải quyết được, rồi những xung đột không có cách gì khắc phục… Trẻ tìm đến cái chết như là một sự giải thoát hay “trả thù”.

Lứa tuổi vị thành niên đòi hỏi các em phải đương đầu với những khó khăn do những yêu cầu và nhiệm vụ phát triển đang đặt ra cho chúng (như tăng cường các hoạt động nhóm bạn, giảm sự kiểm soát của người lớn, tăng tính độc lập tự quyết định…). Những nghiên cứu của chúng tôi trên trẻ vị thành niên gặp thất bại học đường, có hành vi quậy phá, rối nhiễu tâm lý (tỷ lệ này chiếm từ 10-12%) cho thấy các kỹ năng hợp tác, kiểm soát xung tính, kiềm chế xúc cảm, kỹ năng tự đánh giá, giải quyết các tình huống có vấn đề và đặc biệt là kỹ năng giao tiếp ứng xử trong quan hệ với bạn khác giới ở các em này rất nghèo nàn. Chẳng hạn, năm 1997 khi nghiên cứu trên hai nhóm vị thành niên là học sinh bình thường (218 em) và những học sinh có vấn đề – cá biệt (168 em) từ lớp 8 đến 12 (14-19 tuổi), chúng tôi so sánh kỹ năng ứng phó giải quyết vấn đề của hai nhóm này với các tình huống khó khăn, xung đột trong quan hệ liên cá nhân (quan hệ với cha mẹ; quan hệ với bạn cùng giới, khác giới; quan hệ với người lớn khác, quan hệ với trẻ ít tuổi hơn). Mức độ đánh giá các kỹ năng chia thành 5 loại: tích cực, hợp lý, tiêu cực, xung tính và lảng tránh. Kết quả cho thấy nhóm trẻ cá biệt có các kỹ năng giải quyết vấn đề một cách hợp lý thấp hơn hẳn nhóm trẻ bình thường, trong khi nhóm trẻ cá biệt sử dụng các giải pháp tiêu cực, xung tính hay lảng tránh cao hơn hẳn nhóm trẻ bình thường. Kết luận của công trình nghiên cứu này cho thấy ở nhóm trẻ có vấn đề – cá biệt, thiếu hụt không chỉ ở nhận thức tình cảm mà thiếu hụt cả các kỹ năng (ví dụ: thiếu kỹ năng tự kiềm chế xung tính, kỹ năng đánh giá hậu quả, kỹ năng phân tích chọn lựa các giải pháp hợp lý…).

Từ những thực trạng trên đây, chúng tôi có thể khái quát thành mô hình tảng băng sau đây về hành vi kém thích nghi ở tuổi vị thành niên:
Hành vi sai lệch,hành vi kém thích nghi

Phần nổi    (phần nhìn thấy)
Phần chìm (không trực tiếp quan sát thấy)
Thiếu hụt:
+ Nhận thức tình cảm:
-          Nhận thức sai lầm
-          Thái độ niềm tin không hợp lý
+ Kỹ năng:
-         Thiếu kỹ năng giải quyết xung đột
-         Thiếu kỹ năng kiềm chế xung tính kiểm soát xúc cảm
-         Thiếu kỹ năng giao tiếp xã hội

Mô hình tảng băng này cho thấy hầu hết những hành vi kém thích nghi được quan sát thấy ở trẻ vị thành niên giống như phần nổi tảng băng. Còn phần chìm không thấy là những thiếu hụt về nhận thức, về kỹ năng.

Như vậy, muốn giúp cho trẻ vị thành niên giải quyết những vướng mắc, khó khăn do những yêu cầu của các nhiệm vụ phát triển đặt ra thì cần phải giúp các em điều chỉnh bổ sung những thiếu hụt về nhận thức, tình cảm. Đồng thời phải huấn luyện cho các em những kỹ năng cần thiết để các em có những công cụ có thể ứng phó có hiệu quả với những khó khăn vướng mắc gặp phải trong cuộc sống.

(Quanh ta là cuộc sống, Nguyễn Công Khanh, Nguyễn Minh Đức)