Làm thế nào đối với những thói xấu của con trẻ ?

Làm thế nào đối với những thói xấu của con trẻ ?

 

LÀM THẾ NÀO ĐỐI VỚI NHỮNG THÓI XẤU CỦA CON TRẺ ?
 
Tôi còn nhớ: ngày xưa khi còn ở chủng viện, những cậu bé tinh nghịch phá phách đều bị các bề trên cho ra về, nhưng phần đông những cậu bé biết nghịch ngợm phá phách lại là những đứa trẻ thông minh và lanh lợi. Chúng ta đã làm mất đi một số những phần tử thông thái. Là những nhà giáo dục, là những cha mẹ chúng ta phải làm gì để hướng dẫn con cái mình khi chúng có những hành động không mấy thích hợp.

Quốc, 5 tuổi, mẹ nó đang phơi quần áo thấy nó và hai bạn nó đứng chung với nhau nấp đàng sau bụi lau của mảnh đất trống bên cạnh nhà. Nhìn kỹ hơn, bà khám phá ra rằng chúng tuột quần xuống và đang đái bậy. Bà vội chạy ra bảo hai đứa bạn nó đi về và lôi cổ bé Quốc về nhà. Cậu bé khóc. Bà mẹ vừa hét vừa phát vào mông đít cậu bé: “Mẹ đâu có dạy con làm như thế đâu. Tại sao con không đi về nhà để đi vệ sinh. Bây giờ đi vào phòng con và không được đi ra ngoài trong 3 ngày.” Đoạn bà nầy gọi cho bà mẹ của hai đứa kia và mách chuyện đã xảy ra. 

Một ít ngày sau, cậu bé được phép ra ngoài chơi. Mẹ nó nhận được cú điện thoại từ người bạn láng giềng: “Cậu Quốc đang đái ở lối đi đàng trước nhà trong lúc một đám con trẻ gồm 2 đứa con gái đứng đó và nhìn”. Bà mẹ phóng ra và lôi cổ nó về nhà. Một lần nữa bà phết đít cậu bé nặng nề hơn. Chiều hôm ấy, bà mách chồng về chuyện đó. Ông bố mắng nó và đe dọa: “Nếu ba còn nghe con làm như thế nữa, ba sẽ đập cho một trận nhớ đời đấy nhé! Nhưng rồi, mọi sự đâu vào đó, cậu bé vẫn cứ tiếp tục. Mỗi lần như vậy cậu bé bị ăn đòn và bị nhốt trong nhà vài ngày. 

Rõ ràng là hình phạt không ngăn cản được cậu bé. Trái lại, nó càng làm cho hành động đó thêm thích thú và càng làm cho cậu bé cảm thấy vui hơn nữa nếu nó hành động mà không bị bắt. 

Chúng ta không thể giải quyết hết mọi vấn đề như thế. Và nếu chúng ta hành động không khôn khéo, chúng ta chỉ làm cho tình thế trở nên thậm tệ hơn thôi. 

Cách tốt nhất cho bà mẹ là âm thầm gọi cậu bé vào và rất bình thản, không giận dữ nói với nó rằng vì nó không biết cách xử sự ở bên ngoài nên nó phải ở trong nhà. Hành động đó nên được áp dụng mỗi lần cậu bé bị khám phá đái bậy bên ngoài. Đây là lúc phải hành động chớ không nói nữa.      

Những tật xấu mà con trẻ của chúng ta thường hay mắc phải, đó là: mút ngón tay, cắn móng tay, sờ chim, đái dầm, và đái bậy. 

Bước đầu để đối phó với những vấn đề nầy là không nên đặt nặng vấn đề về chúng. Một khi đứa trẻ khám phá ra rằng nó đã làm một vấn đề xem ra làm phiền lòng bố mẹ một cách khác thường, nó sẽ dùng đó như một khí giới mạnh để tấn công khi cần đến. Vì thế, chúng ta nên lách buồm ra khỏi gió để tránh khỏi bị gió cuốn. 

Mọi bác sĩ tâm lý đều biết rằng chuyện trẻ nhỏ sờ chim không có gì đáng phải chú ý vì không có gì là tai hại. Nếu chúng ta cho rằng nó đang thủ dâm thì đó là một điều quá đáng đối với con nít, nên cách tốt nhất là hành động dường như chúng ta không để ý gì đến chuyện đó. Sờ chim và mút ngón tay là những hình thức của sự khoái cảm dễ dàng nhất, ám chỉ đứa trẻ đã không tìm được sự thõa mãn trong cuộc đời. Nếu chúng ta cố gắng ngăn chặn nó, chúng ta chỉ thành công trong việc làm cho khoái cảm của nó càng thêm mãn nguyện. Bấy giờ nó càng thêm nhất quyết bảo vệ khoái cảm của nó và nhất định chống lại bất cứ mọi hành vi ngăn cản điều đó. Chính sự tiếp tục hành động cũng cho thấy mục đích thứ hai của nó, đó là sự tranh chấp quyền hành, và giờ đây nó muốn tỏ cho thấy sự thất bại của người lớn đang làm áp lực nó. Vì thế, chúng ta không nên đặt nặng vấn và nên giải quyềt vấn đề bằng cách cung ứng cho đứa bé những cảm giác thõa mãn về cuộc sống như mở rộng những sở thích và những hoạt động cho đứa trẻ. 

Cô bé Mai Lan 3 tuổi thích mút ngón tay cái nhưng với một sự khác biệt. Nó giữ bàn tay kia ở trước mặt dường như để che giấu điều cô đang làm. Cô bé rút lui khỏi môi trường của cô và hành động một cách sung sướng như một việc riêng tư. Cô bé không cần ai khác. 

Đái dầm: sau cơm tối bà mẹ để ý quan sát cậu bé Huân một cách kỹ càng để chắc chắn rằng nó uống nước rất ít. Mỗi đêm vào khoảng 12:00pm trước khi đi ngủ, bà mẹ hoặc ông bố đánh thức cậu bé dậy và dẫn nó đi tiểu. Giường của nó thường bi ướt cho dẫu bố mẹ đã đánh thức nó dậy và dẫn nó đi tiểu. Bà mẹ năn nỉ nó cố gắng giữ giường khô ráo sạch sẽ. Thỉnh thoảng bà cũng nổi giận vì phải giặt chăn mền liên miên. Bà mẹ và ông bố đã làm hết mọi cách mà họ có thể nghĩ ra, nhưng hoàn toàn vô ích. Cậu bé vẫn đái dầm liên tục. 

Đứa bé đái dầm thường là đứa bé làm điều đó trong khi nó vẫn còn cảm thức được điều nó làm, nhưng nó vẫn được mọi người nghĩ rằng nó không biết cũng như không thể điều khiển được chính mình. Thật ra, nó không muốn chấp nhận những đòi hỏi của hoàn cảnh. Tất cả sự chú ý quá đáng mà bố mẹ dành cho nó thường được nó dùng để minh xác niềm tin rằng nó không thể làm chủ được việc đái dầm của nó. Tất cả những rầy la, quở phạt, hay hăm dọa cũng chỉ làm cho nó thêm mất tinh thần mà thôi. Như vậy, bố mẹ phải làm gì trong những trường hợp như vậy? 

Cậu bé cần phải học mang lấy trách nhiệm tất cả những gì nó làm. Bố mẹ có thể giúp nó bằng cách giao lại vấn đề cho nó. Đó là công việc của nó. Bố mẹ có thể nói với nó rằng họ không còn quan tâm về cái giường của nó nữa: “Bố mẹ sẽ không đánh thức con dậy nữa. Con có thể làm như ý con muốn. Nếu con cảm thấy khó chịu khi nằm trong chiếc giường ướt, con có thể dậy và tự động thay lấy.” Và bấy giờ bố mẹ phải thực hiện với sự không quan tâm thực sự như đã nói. Dĩ nhiên, nằm trên chiếc giường ướt sẽ đưa đến một cảm giác khó chịu là một kết quả tất nhiên. Từ đó, dần dần nó sẽ thay đổi ý nghĩ về chính nó cũng như thay đổi niềm tin của nó về khả năng của mình để rồi tự nó có thể lo cho chính mình. Đừng mong có phép lạ. 

Những thói xấu khác mà chúng ta cũng thường gặp thấy nơi con trẻ, đó là:  

Cắn móng tay : đứa trẻ cắn móng tay thường hay biểu lộ sự giận dữ, hận thù, và bất tuân luật. Ở đây, tật xấu nầy là một triệu chứng chứ không phải là một vấn đề đáng kể nên không cần phải rầy la, quở trách, hoặc áp dụng những phương cách ngăn chận. Chúng ta không thể ép buộc đứa trẻ ngưng ngay. Chúng ta chỉ cần tìm nguyên nhân để rồi chữa trị.  

Nói láo hoặc ăn cắp vặt: một đứa trẻ nói láo hoặc ăn cắp vặt thường là muốn cố gắng để thực hiện một cái gì. Nếu đứa trẻ cố ý làm một công việc khác thường để chúng ta khám phá ra sự phá luật của nó, chúng ta có thể bảo đảm rằng mục đích của nó là muốn sự chú ý của chúng ta. Tuy nhiên, nếu nó chối từ điều đó, chúng ta có quyền kết luận rằng nó muốn tỏ uy quyền của nó. Đứa trẻ có thể cảm thấy rằng nó có quyền lấy bất cứ cái gì nó muốn bất kể phương cách nào. Hoặc nó có thể cảm thấy một sự thích thú lớn lao trong việc lấy một cái gì mà không bị bắt. Hành động nói láo hoặc ăn cắp là triệu chứng của sự muốn nổi loạn sâu xa bên trong. Dĩ nhiên, những món đồ ăn cắp cần phải được trả lại. Nhưng chúng ta phải coi nhẹ những sự việc đó và đừng để bị gây ấn tượng. Điều đó có lẽ khó cho bố mẹ là những người hay nghĩ rằng họ có bổn phận phải dạy dỗ con cái không được làm như thế. Nhưng tất cả những việc rầy la, mắng chười, hay hình phạt thường không mang lại kết quả. Trái lạ, chúng còn làm tăng thêm sự ước muốn làm ngược lại để tìm quyền lực và để đánh bại bố mẹ. Vì thế, chúng ta không cần phải nói nhiều vì đứa trẻ biết rất rõ ràng rằng nói láo và ăn cắp là sai, nhưng nó vẫn thích làm vì điều đó sinh kết quả cho nó.  

Cô bé Hương Lan 5 tuổi, chơi với đứa trẻ bên cạnh nhà đang cỡi xe đạp. Nó nài nĩ bố mẹ mua cho nó một cái xe như vậy, nhưng bố mẹ cắt nghĩa cho nó rằng họ không thể cung cấp cho nó ngay bây giờ. Một ngày kia, bà mẹ khám phá ra chiếc xe của đứa trẻ kia được dấu đằng sau lò sưởi. Bà mẹ rất là thông minh. Bà nghĩ: tốt, mình chờ xem một hai ngày nữa để xem cái gì sẽ xảy ra? Bà nhận thấy cô bé có cái gì bất ổn. Chiếc xe vẫn còn ở đó và bà mẹ không muốn nghĩ ngợi gì. Ngày thứ hai, buổi chiều bà hỏi cô bé: “Tại sao con không lấy chiếc xe của bạn con ra và cỡi đi”. Ngạc nhiên, cô bé trả lời: “Vì nó sẽ thấy và con phải trả lại cho nó. Bấy giờ, ăn cắp thì xem ra không tốt”, nói thế rồi cô bé bộc phát khóc. “Tại sao con không trả lại cho nó. Ít ra cả hai đứa có thể cỡi được cả”. Bà mẹ đã nói chuyện đó với bà mẹ của bạn nó và đã thuyết phục được sự cộng tác của bà kia để vấn đề được giải quyết một cách tốt đẹp. Từ đó, cô bé đã học được bài học của nó.  

Vấn đề thật nằm trong sự kiện nầy là cô bé cảm thấy nó có quyền có bất cứ cái gì nó muốn. Nhưng bà mẹ đã giúp nó biết khám phá ra rằng ăn cắp thì không tốt.  

Trẻ con có những thói tật xấu như thế cần sự giúp đỡ và cần sự cảm thông. Đó là một triệu chứng hơn là một căn bệnh. Chúng ta không thể làm gì được bằng phương cách tấn công. Hãy tìm hiểu nguyên nhân chính nằm ở đằng sau đó là cái gì? Nhiều lúc chúng ta có thể tìm ra được những nguyên nhân đó qua những cuộc nói chuyện thân tình và không chính thức. Đó có thể là vào lúc trước khi đi ngủ, bà mẹ và đứa con trong bầu khí thân tình và hạnh phúc, bà mẹ có thể bày ra một trò chơi nho nhỏ và hỏi: “Cái gì con không thích?” Ở đây, bà có thể khám phá ra đứa trẻ đang hậm hực cái gì? Từ đó, bà biết được một số những tin tức và tâm trạng của đứa bé để rồi bà có thể dùng nó làm nền cho hành động của bà chứ không phải cho lời nói. Bà không cần phê bình, cũng không cần cắt nghĩa cái mà nó không thích. Nhưng bà có thể hỏi nó: “Con cảm thấy cái gì có thể làm được cho vấn đề đó?” Đây là một cơ hội để lắng nghe. Nếu đứa trẻ không có gì để nói, bà mẹ có thể tiếp tục trò chơi bằng cách nói ra cái bà không thích, nhưng chỉ nói những thứ không có liên quan gì đến đứa trẻ. Nếu không, nó sẽ làm ngưng cuộc chơi và sẽ trở thành chỉ trích.  

Chúng ta phải cẩn thận, không được tra xét vì nó sẽ làm cho đứa trẻ càng chui vào ốc vỏ, đóng cữa lại đối với những cố gắng muốn tìm hiểu. Trò chơi có thể được lập đi lập lại nhiều lần và trở thành phương tiện của sự đối thoại giao tiếp.  

Chúng ta không thể mong đợi con trẻ hoàn toàn không có một tật xấu nào. Đây cũng là câu trả lời cho chúng ta nếu chúng ta cảm thấy chán nản vì sau những cố gắng sửa đổi về phía chúng ta, chúng ta vẫn thấy đứa trẻ vẫn tiếp tục như thế. Bấy giờ, chúng ta cũng như đứa trẻ có vẻ như tin rằng nó sẽ không bao giờ chấm dứt được cái thói xấu đó. Nhưng, hãy thử suy nghĩ lại: thật ra, bây giờ nó có còn mút ngón tay hay đái dầm ở vào tuổi học sinh trung học không? Dĩ nhiên là không! Tuy nhiên, sự lạc quan của chúng ta không có gì bảo đảm. Dẫu thế, chúng ta vẫn biết rằng một ngày kia nó sẽ chấm dứt. Đây là một chương trình dài hạn cần được khích lệ bỡi những hoạt động tăng cường cho những khía cạnh tích cực. Chúng ta có thể nói được rằng cuối cùng đứa trẻ cũng sẽ đáp lại. Một khi chúng ta giải thoát chúng ta khỏi sự chán nản, chính niềm tin của chúng ta vào đứa trẻ có thể cung cấp thêm động lực cho con trẻ chúng ta. Nếu chúng ta không quan tâm quá nhiều, nếu chúng ta bình tĩnh hơn một chút, và nếu chúng ta để một ít sự việc trôi đi tốt đẹp, chúng ta sẽ thấy rằng sự căng thẳng không còn và thói xấu trở thành một cái gì không còn quan trọng mấy cho con trẻ cũng như cho cả chúng ta.  

Lm. Lê Văn Quảng
(Nguồn: conggiaovietnam.net)