Kinh tế, sức khoẻ sinh sản và toàn vẹn tính gia đình

Kinh tế, sức khoẻ sinh sản và toàn vẹn tính gia đình

Kinh tế, sức khoẻ sinh sản và toàn vẹn tính gia đình

Kinh tế là một từ ngữ lấy từ chữ oikonomia của Hy Lạp vốn chỉ việc quản lý gia hộ. Trong nghĩa này, nó không chỉ liên hệ tới tài chánh, mà liên hệ đến đủ mọi thứ phức tạp nhân bản gồm cả việc quản trị lẫn chăm sóc mọi thành viên trong gia đình. 

Xét chung, các nhà kinh tế học ngày nay không chú ý tới gia đình nhiều lắm. Vì họ vốn không hứng thú đối với các thực tại vượt quá tầm với của dữ kiện. Trên bình diện vĩ mô, một nền kinh tế được coi là “lành mạnh” khi GDP (tổng sản lượng sổi), lãi xuất, và nhân dụng ổn định một cách chấp nhận được. Theo nghĩa hiện nay, một nền kinh tế rất có thể lành mạnh trong một xã hội bệnh hoạn. Như thế, một nền kinh tế “lành mạnh” trên bình diện vĩ mô rất có thể sống chung với việc dùng thuốc ngừa thai hay phá thai trong gia đình, vì lý do không muốn có thêm một miệng ăn nữa phải nuôi. 

Nhà kinh tế học hiện đại nào tự giới hạn quan tâm nghề nghiệp của mình vào các dữ kiện tài chánh quả đã chứng tỏ một quan điểm hạn hẹp về kinh tế hơn là quan điểm của truyền thống Kitô Giáo. Như Đức Giáo Hoàng Piô IX từng viết trong Thông Điệp Quadragesimo Anno, “sinh hoạt kinh tế phải được các nguyên tắc Kitô Giáo linh hứng”. Điều ấy bao gồm cả lãnh vực sinh sản. Khi soạn thảo Thông ĐiệpHumanae Vitae, Đức GH Phaolô VI đã được hướng dẫn bởi một quan tâm khôn nguôi đối với “tầm nhìn toàn diện về con người”. Ở tiết 7 của Thông Điệp, ngài viết: “Giống mọi vấn đề khác có liên quan đến sự sống con người, vấn đề sinh sản phải được xem xét… dưới sự soi sáng của một tầm nhìn toàn diện về con người và về ơn gọi của họ, không phải chỉ là ơn gọi tự nhiên và trần thế, mà cả ơn gọi siêu nhiên và đời đời nữa”.

Từ viễn tượng này, Đức Phaolô VI đã tiên đoán một cách chính xác điều gì sẽ xẩy ra nếu việc dùng thuốc ngừa thai trở thành phổ quát. Ngài cho rằng sẽ có việc hạ thấp các tiêu chuẩn luân lý khắp xã hội, sự gia tăng bất trung trong hôn nhân, việc giảm thiểu lòng tôn trọng đối với phụ nữ và việc chính phủ cưỡng bức dùng các kỹ thuật ngừa thai. 

Nếu bỏ qua một bên sự nối kết hiển nhiên giữa lời tiên đoán thứ tư và “chỉ thị ngừa thai” hiện nay ở Hoa Kỳ, có lẽ Đức Phaolô VI đã không tiên đoán được ảnh hưởng triệt để mà các sáng kiến về “sức khỏe sinh sản” có thể gây ra cho các thay đổi về dân số và kinh tế khắp thế giới. Nhiều năm qua, thế giới đã phải vò đầu bứt tai vì tình thế thảm hại về kinh tế của Hy Lạp. Tuy nhiên, ít người biết rằng Hy Lạp cũng là nước không trả được nợ là vì vấn đề dân số. Tỷ số sinh đẻ ở nước này đã giảm từ 2.2 con mỗi cặp vợ chồng trong thập niên 1980 xuống còn chưa đến 1 con hiện nay. Như Mark Steyn gần đây đã nhận định: “Tại Hy Lạp, 100 ông bà có 42 đứa cháu, nghĩa là, một thứ gia phả đảo ngược… Nếu 100 ông già bà già này mắc nợ hàng ức tỉ (bazillion) đôla, thì thử hỏi 42 hậu thế kia có bao giờ trả nổi món nợ ấy?”. Không một món viện trợ nào, không một thứ tái cấu trúc nợ nần nào hay không một bơm vốn tài chánh nào có thể đem lại một giải pháp dài hạn cho tình thế ở Hy Lạp. Chỉ có cái vốn người mới chạy chữa được, hay nói chính xác hơn, có lẽ “đã chữa chạy được”, cuộc suy sụp đang ập tới. Một nền kinh tế sinh động chỉ có thể có với một “tầm nhìn toàn diện” về nó theo nghĩa oikonomia. Nói cách khác, Hy Lạp phải giải quyết cuộc sụp đổ của gia đình và dân số nếu họ muốn cải thiện cuộc khủng hoảng tài chánh của mình. 

Một nước khác có cùng món nợ khổng lồ ở chân trời xem ra cũng đang nằng nặc đi cùng một con đường như Hy Lạp: Theo Văn Phòng Ngân Sách của Quốc Hội Hoa Kỳ (CBO), nền kinh tế nước này được dự phóng sẽ sụp đổ vào năm 2027 khi đất nước không còn khả năng thanh toán món nợ lên đến hàng ngàn tỷ đôla. Văn phòng này cũng ghi nhận rằng đến khoảng giữa thế kỷ 21, nguyên tiền lời phải trả thôi cũng đã vượt quá thu nhập của liên bang rồi. Cái bóng ma sụp đổ quả đang lớn dần.

Rõ ràng được hướng dẫn bởi một nền nhân học và một tầm nhìn kinh tế què cụt, các nhà lãnh đạo chính trị của Hoa Kỳ đã và đang chọn giải pháp đổ dầu vào lửa. Dù Hoa Kỳ hiện có một sinh xuất 1.9, dưới tỷ số thay thế 2.1, nhưng các nhân vật chính trị hàng đầu vẫn nằng nặc cho rằng giải pháp cho cơn khủng hỏang kinh tế là phải có nhiều “sức khỏe sinh sản” hơn, nghĩa là nhiều phá thai và ngừa thai hơn. Nancy Pelosi (lúc đó, là chủ tịch Hạ Viện) ủng hộ phương thức ấy khi biện minh cho “kế hoạch kích thích kinh tế” năm 2008. Kế hoạch này dành hàng trăm triệu đôla cho việc cung cấp phương tiện ngừa thai cho người nghèo.

Trong cuộc phỏng vấn với George Stephanopoulos (nhà báo kỳ cựu của ABC, cựu cố vấn của Clinton), Pelosi đưa ra lý luận này: “các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình quả đang giảm phí tổn, nó đang giảm phí tổn thực sự. Các tiểu bang hiện đang gặp khủng hoảng lớn về ngân sách tài chánh”. Bà cho rằng các sáng kiến như “kế hoạch hóa gia đình”, cung cấp sức khỏe cho trẻ em, giáo dục, tem phiếu mua thực phẩm, và bảo hiểm thất nghiệp, thẩy “đều có mục đích giúp các tiểu bang thanh thỏa được các nhu cầu tài chánh… ngừa thai sẽ giảm chi tiêu cho các tiểu bang và cả chính phủ liên bang nữa. Không cần phải xin lỗi, không, không cần… Ta phải đương đầu với các hậu quả do việc xuống dốc của nền kinh tế gây ra… [các sáng kiến đó] đáng đồng tiền bát gạo (more bang for the buck)”. Nói một cách đơn giản: con cái nhà nghèo tốn tiền chính phủ, và để tiết kiệm tiền, phải buộc người nghèo bớt đẻ con đi. 

Ngừa thai như một thứ kích thích kinh tế cuối cùng đã được hủy bỏ khỏi kế hoạch rất có thể được thông qua ở Quốc Hội Hoa Kỳ, nhưng cái ý thức hệ do Pelosi phát biểu thì vẫn còn đó trong các cuộc tranh luận liên quan đến kỹ nghệ chăm sóc sức khỏe hiện đang gặp khó khăn về kinh tế. Ý thức hệ đó xuất hiện rất rõ trong khuyến cáo của Viện Y Khoa. Viện này cho rằng ngừa thai, triệt sản và các thứ thuốc phá thai phải trở thành một phần của chương trình “chăm sóc sức khỏe bằng phòng ngừa” cho mọi phụ nữ. Chỉ thị của họ minh nhiên cấm dùng phí tổn để biện minh cho khuyến cáo của họ. “Phí tổn minh nhiên bị loại trừ, không được coi là nhân tố mà Ủy Ban sử dụng để đưa ra khuyến cáo, diễn trình của ủy ban sẽ không lượng giá các dịch vụ phòng ngừa trên căn bản phí tổn”. Quả là trùng hợp, khi Ủy Ban tiếp tục lý giải như sau để biện minh cho việc cung cấp “miễn phí” mọi phương tiện triệt sản và ngừa thai: “ngừa thai mang lại nhiều lời lãi cao. Tại Hoa Kỳ, phí tổn trực tiếp về y khoa cho việc mang thai ngoài ý muốn được ước chừng vào khoảng 5 tỷ đôla vào năm 2002, với sự tiết kiệm nhờ dùng ngừa thai được ước lượng vào khoảng 19 tỷ 3”. Nói cách khác, trên bình diện vĩ mô, con cái đã trở thành gánh nặng kinh tế, nên chính phủ phải quan tâm bảo đảm rằng trên bình diện vi mô, phụ nữ (nhất là phụ nữ nghèo) phải ngừa thai.

Theo đường hướng ấy, lý luận cho rằng người ta có thể dùng lợi ích kinh tế để biện minh cho chỉ thị của Bộ Y Tế Và Dịch Vụ Nhân Bản đã được nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần. Trong lời tuyên bố của mình về “thích ứng”, Tổng Thống Obama đã ghi nhận điều đó. Còn Kathleen Sebelius (Bộ Trưởng Y Tế) thì quả quyết rằng “giảm con số thai nghén là một bù trừ cho phí tổn ngừa thai”

Gương các nước đang đương đầu với việc xuống dốc dân số đã cho thấy: trên thực tế, ngăn ngừa sinh sản không hề cổ vũ nền kinh tế. Bên cạnh các điều tệ hại khác, ta còn thấy ngừa thai chỉ tăng thêm sức ép lên xứ sở và hệ thống chăm sóc y tế của nó mà thôi. Xin đơn cử một vài điển hình: Các vụ thai nghén ngoài hôn nhân và tỷ lệ ly dị tại Hoa Kỳ có liên hệ tích cực qua lại với hiện tượng gia tăng sử dụng ngừa thai và truy cập phá thai. Ấy thế mà ta vẫn nghe người ta lặp đi lặp lại đến chán tai rằng ngừa thai đem lại “những cuộc hôn nhân mạnh mẽ hơn”. 

Đàng khác, các phản ứng phụ có tính tiêu cực của việc sử dụng thuốc uống ngừa thai đã tạo ra rất nhiều phí tổn không cần thiết. Những phản ứng phụ tiêu cực này bao gồm: việc gia tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư tử cung và ung thư gan, đột quị, nhồi máu cơ tim, và đông máu. Trong mục “Life Watch” gần đây, người ta đã ước lượng rằng trong một năm, 50,000 phụ nữ bị đông máu vì sử dụng các thứ thuống uống ngừa thai. Đó mới chỉ là một năm và chỉ do một vấn đề y tế. Và ngoài thiệt hại nhân bản khá hiển nhiên ra, thiệt hại về kinh tế rõ ràng là không nhỏ. 

Ta cũng đọc được rất nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc ngừa thai có liên hệ qua lại với nguy cơ mắc các chứng bệnh truyền qua đường tình dục. Cuộc nghiên cứu phổ biến trên tờ The Lancet Infectious Diseases, chẳng hạn, tường trình rằng các phụ nữ sử dụng thuốc ngừa thai và những người đàn ông có người phối ngẫu sử dụng thuốc ngừa thai có nguy cơ mắc HIV/AIDS hai lần hơn những người không sử dụng. Tác dụng phá hoại của thuốc ngừa thai đối với hôn nhân, gia đình và sức khỏe phụ nữ đã được chứng minh bằng nhiều tài liệu.

Ý thức hệ của một số người trong giới truyền thông và chính khách tấn công vào chính tầm quan trọng của con cái đối với xã hội, với nền kinh tế và với gia đình. Chúng bị họ coi là trở ngại cho nền kinh tế phồn thịnh, cho gia đình vững ổn, và họ đưa ngừa thai ra làm thuốc chữa. Điều này vừa lừa bịp vừa nguy hiểm. Muốn củng cố toàn vẹn tính của gia đình và nền kinh tế, ta phải cố duy trì một tầm nhìn toàn diện về nền kinh tế, coi nó như oikonomia. Ta không mong nhà kinh tế học hiện đại chia sẻ quan điểm rộng rãi ấy, nhưng chắc chắn ông ta không có bổn phận phải chống đối nó. Ngừa thai khó có thể là thuốc bách bệnh. Ngược lại, nền văn hóa ngừa thai mang theo mình hàng loạt những vấn đề cần được chú ý. Tuy nhiên, điều căn bản nhất là ta phải ngưng, đừng coi con cái là gánh nặng kinh tế. Ngoại trừ thích đi theo con đường của Hy Lạp và nhiều nước Âu Châu khác và do đó hái lấy các sa mạc dân số của ngừa thai, ta phải nhìn nhận con cái như thiện ích quí giá nhất của gia đình và là kho tàng vĩ đại nhất của một nền kinh tế lành mạnh. 

Theo Zenit 28 tháng 3, 2012

Vũ Văn An

Nguồn: Vietcatholic