Hướng nghiệp cho con

 

HƯỚNG NGHIỆP CHO CON 
 
Nếu hỏi một đứa bé khoảng 5-10 tuổi rằng: sau này lớn lên thích làm gì, chắc hẳn ta sẽ nhận được câu trả lời rất nhanh, rõ ràng và không chỉ một mà còn nhiều nghề khác nhau. Tuy vậy, nếu hỏi một học sinh lớp 9 hay lớp 12 chọn trường nào hay ngành học nào, thì ta thường nhận được những câu trả lời như: “Em cũng không biết nữa”, “Bạn em học trường nào thì em đăng ký theo”, “ Trường nào lấy điểm thấp thì em thi”, “Bố mẹ chọn trường nào thì em học trường đó”… Ước mơ thưởu bé của các em đâu mất rồi? Dường như theo năm tháng, những mơ ước xưa kia đã nhoè nhoẹt? Các em không xác định được mình thích gì, muốn làm gì. Tại sao những câu hỏi về chính bản thân mình, các em không trả lời được?...  Xin các bậc phụ huynh cùng suy nghĩ với nhau, và với con em mình những nan đề trên.
 
Sơ lược hiện trạng

Cách đây khoảng 30-40 năm, bố mẹ tôi, cũng như bao người khác, vì tình hình chung của đất nước, đã không có điều kiện để theo đuổi mơ ước của mình. Ngày nay, khi đất nước đã đổi khác, đã mở cửa, những tưởng thế hệ trẻ sẽ dễ dàng hơn trong việc thực hiện ước mơ của mình, làm đúng việc mình yêu thích, đúng khả năng, thì họ lại cảm thấy mất phương hướng. Thực trạng hiện nay là đa số người trẻ học không đúng ngành, thậm chí làm công việc không yêu thích, không đúng sở trường. Có những người tốt nghiệp loại giỏi ngành này, nhưng lại làm công việc của ngành khác. Đây là một trong những điều gây lãng phí lớn cho bản thân, gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, trong khi các doanh nghiệp đang thiếu nhân lực, thì biết bao người không có việc làm, vì không đủ trình độ hoặc không được đào tạo. Đây chỉ mới là những vấn đề thường gặp khiến chúng ta không khỏi băn khoăn, trăn trở. Vậy thì, chúng ta cần phải làm thế nào để cải thiện tình trạng này?
 
Một số lý giải

Hiện nay người trẻ thiếu thông tin nghề nghiệp. Trường lớp chỉ cung cấp kiến thức về các môn học trong chương trình, chứ chưa nêu lên tầm quan trọng và những ứng dụng thực tế. Từ đó, học sinh mất đi niềm yêu thích và không biết mình học để làm gì. Để giải quyết vấn đề này, phụ huynh có thể hỗ trợ nhà trường trong việc định hướng cho con em mình, bằng cách tìm những thông tin về nghề nghiệp qua báo, đài hoặc tại các trung tâm tư vấn nghề nghiệp. Bản thân cha mẹ sẽ là người tư vấn và huấn luyện tốt cho con.
 

Thông tin về thị trường lao động cũng rất quan trọng, vì nếu theo đuổi một ngành đã có quá nhiều nhân lực, hoặc những ngành quá kén chọn và khó phát triển, thì ta sẽ phải cân nhắc thật kỹ. Khi chọn lựa ngành học, ta cũng nên xem xét đến điều kiện tài chính của gia đình, có đủ để theo đuổi đến cùng không. Một người bạn của tôi cũng đã từng phải đổi ngành học, dù đi được nửa đoạn đường, vì không đủ điều kiện để học tiếp ngành đã chọn.

Bên cạnh đó, gia đình cũng là một áp lực đối với những người trẻ đang phải chọn lựa nghề nghiệp. Có những phụ huynh do thiếu hiểu biết về nghề hoặc do ý riêng, mà ép buộc con cái từ bỏ ước mơ của chúng. Xin quý phụ huynh đừng dùng quyền làm cha mẹ, mà bắt con cái thực hiện mơ ước dang dỡ thời trẻ của chính bản thân mình! Cha mẹ chỉ là người tư vấn và chính con cái sẽ sống cuộc đời của chúng, với những khả năng và nghề nghiệp riêng.
 

Ngoài ra, người trẻ còn gặp những khó khăn từ xã hội, từ việc thiếu người tư vấn tận tình và từ bản thân, vì chưa ý thức được tầm quan trọng của việc chọn nghề.
 
Công việc, nghề, nghiệp

Công việc là những việc làm có thời gian gắn bó không lâu và chưa xây dựng được thương hiệu “TÔI”. Thương hiệu “TÔI” là những đặc trưng của riêng mình, chỉ mình mới có và khi nhắc đến mình họ sẽ nhắc đến những đặc điểm đó.

Nghề có thể sẽ xây dựng được thương hiệu “TÔI”. Nghề không những đòi hỏi có tay nghề mà cần phải có kỹ năng. Khi làm một công việc nào đó trong một thời gian dài, và có sự thăng tiến thì nó sẽ trở thành nghề.

Nghề truyền từ đời này sang đời khác thì nó sẽ trở thành nghiệp. Trong nghề và nghiệp ta có nghệ. Đó là nghệ thuật trong nghề nghiệp, khiến nghề nghiệp càng thăng hoa và có sức hút riêng. Mọi người chắc hẳn sẽ rất quen thuộc với cái tên Martin Yan, đầu bếp nổi tiếng thế giới với chương trình Yan Can Cook. Tôi chưa từng ăn món ông nấu, nhưng tôi nghĩ nó rất ngon vì cách thức ông chế biến quá tài tình. Bằng sự khéo léo, nhiệt tâm và niềm đam mê của mình, vua đầu bếp Martin Yan đã làm cho khán giả truyền hình như có thể cảm nếm được hương vị của món ăn, và cũng muốn được thưởng thức nó. Khi đến Việt Nam để thực hiện chương trình của mình, ngay lập tức Martin Yan đã thu hút và chiếm cảm tình của người dân Việt, bởi một phong thái rất Việt Nam nhưng cũng rất riêng của ông. Qua những gì ông làm, có thể thấy đó là một người rất yêu mến nghề nấu ăn, hết mình vì nghề và có lẽ nhờ thế mà ông đã rất thành công. Ông đã cho ta thấy cái nghệ trong việc ông làm.

Công thức PS giúp hướng nghiệp

Trong bài số 4: “Hướng nghiệp cho con” của khóa học Kỹ Năng Sống Dành Cho Người Lớn, Module 2, giảng viên Giuse Mai Thanh Hoài đã trình bày công thức PS: Career Segmentation ( phân khúc nghề nghiệp) và Self-Positioning ( định vị bản thân), như là một trong những công cụ nhằm giúp người trẻ lựa chọn nghề nghiệp, và các bậc phụ huynh có cơ sở trong việc hướng nghiệp cho con cái.
 

Trong phần Career segmentation, chúng ta sẽ phải trả lời những câu hỏi sau:
·                    Lĩnh vực nào tôi mạnh?
·                    Tôi thích lĩnh vực nào?
·                    Tôi muốn gì?

Cha mẹ nên có giờ trò chuyện thường xuyên với con và hỏi chúng ngay khi còn nhỏ. Vào những lứa tuổi khác nhau ta cũng nên hỏi lại, vì có thể những câu trả lời đã có sự thay đổi hoặc vì mục đích nhắc nhở con cái về con đường đã chọn.

Trong phần Self- Positioning, cần trả lời những câu như:
·                    Tôi đang ở đâu?
·                    Tôi muốn lên đến đâu?…

Trong đó, câu hỏi cơ bản nhất và khó nhất là: “Tôi đang ở đâu?”. Có thể trả lời câu hỏi này thông qua những câu hỏi như:
·                    Sở trường của tôi là gì?
·                    Tôi cần hoàn thiện những điểm nào?
·                    Tính cách của tôi như thế nào?
·                    Truyền thống của gia đình tôi ra sao?
·                    Niềm đam mê của tôi là gì?…
 
Sau đó, chúng ta sẽ xem xét đến nghề mình chọn đòi hỏi gì, mình đang có gì và chưa có gì thỏa những đòi hỏi đó. Từ đó, đặt mục tiêu để đạt được những yêu cầu trên. Tiến trình đạt mục tiêu bao gồm:

Plan (lập kế hoạch)à Do (thực hiện)à Check (kiểm tra) à Act (hành động để lần sau tốt hơn).
 
Một vài yếu tố khác

Bên cạnh đó chúng ta cũng sẽ phân công việc thành bốn loại:
·                    Những việc tôi thích và có khả năng làm
·                    Những việc tôi thích nhưng không có khả năng làm
·                    Những việc tôi không thích nhưng có khả năng làm
·                    Những việc tôi không thích và không có khả năng làm

Những yếu tố như nơi chốn, môi trường, dụng cụ hay thiết bị làm việc,…cũng cần được xem xét. Vì tuy chỉ là những yếu tố phụ, nhưng chúng cũng ảnh hưởng đến việc làm của ta sau này.
 
Để hướng nghiệp cho con cái, các bậc phụ huynh cần kiên nhẫn, hiểu rõ những sở trường, sở đoạn của con, cũng như cần có những kiến thức, thông tin đầy đủ về nghề nghiệp và nhu cầu của xã hội. Cha mẹ nên hướng con cái đến những câu hỏi trên, giúp chúng suy nghĩ cách độc lập và nghiêm túc. Từ đó có thể hướng dẫn con cái tốt hơn trong việc lựa và chọn ngành nghề, nhằm giúp chúng định hướng cuộc đời cũng như có thể cống hiến cho xã hội bằng năng lực và đúng nghề nghiệp mà mình yêu thích.
 
 
Teresa Nguyễn Hồng Hạnh – Học viên lớp KNS