Hãy yêu thương tổ ấm gia đình

Hãy yêu thương tổ ấm gia đình

 

HÃY YÊU THƯƠNG TỔ ẤM GIA ĐÌNH
Ai cũng muốn gia đình - cái tổ của mình thật ấm. Nhưng, giữ được cho tổ của mình luôn ấm thì lại không hề dễ…

Tổ lạ...

Anh T. ngỡ ngàng khi nhận thấy mình yêu người khác trong lúc đang có vợ. Anh biết mình “gây án”, cảm thấy tội lỗi, nhưng không cưỡng lại được nỗi nhớ quay quắt người ta. Anh không biết trách ai, vì biết mình đang là người gây nên tội.

Vợ chồng anh từng có một tình yêu rất đẹp, khi anh chàng nhiếp ảnh gia phải lòng cô sinh viên cao đẳng sư phạm hồn nhiên. Cả hai đều thấy mình may mắn khi tìm được nửa còn lại và rất tôn trọng công việc, nỗi đam mê của mỗi người. Anh say sưa với những pha “chớp ảnh” lãng mạn, mải mê với những chuyến đi xa săn ảnh.

Vợ anh - chị H., chuyên cần với sự nghiệp “ươm mầm” của một cô giáo. Cả hai “để yên cho nhau” theo đuổi con đường riêng. Mọi việc bếp núc, nội trợ, chăm sóc hai đứa nhỏ, anh chị phó thác cho bà ngoại và cô giúp việc. Nhà anh trở thành studio. Muốn ăn “cơm nhà” thì sang bà ngoại, không thì tiện đâu ăn đấy. Anh chỉ gặp con khi chúng từ trường về, ghé vào phòng chào bố.

Ngoài những lúc “đánh vật” với “tụi nhỏ” ở trường, chị còn dạy thêm, học thêm nên gần như không còn thời gian lo cho gia đình, bản thân. Hai vợ chồng không trái tính nhau nhưng sớm trở thành “mặt trăng, mặt trời”. Có khi cả ngày họ chỉ “gặp” nhau qua những tin nhắn ngắn gọn và súc tích. Anh không thể chia sẻ với vợ cảm xúc thăng hoa của mình, chị không thể kể cho chồng nghe chuyện trẻ con người khác, khi mà chuyện trẻ con nhà mình cả hai còn không biết rõ.

Anh chị đều biết mình đang cần người kia nhưng lại không dám nói ra. Nếu trách người ta không dành thời gian cho mình lại sợ bị “vặc” lại. Mỗi lần về với cái tổ đang lạnh của mình, cả hai đều mơ hồ lo lắng. Liệu ngày mai, căn nhà này, gia đình nhỏ bé này, những đứa con có gia đình nhưng vẫn cô đơn của mình sẽ ra sao? Nhưng, anh chị không ai “vượt lên chính mình” để sưởi ấm lại cho cái tổ lạnh của mình. Ai cũng sợ mất tự do, không dám nhìn thẳng vào sự thật.

Khi anh tìm đến chuyên viên tư vấn là lúc anh nhận ra mình đang phải lòng cô thôn nữ, một người mẫu ảnh không chuyên. Chị lúc đó đang bận bảo vệ luận văn cao học. Mải mê với công việc, chị đánh mất dần “nhất dáng nhì da”, chỉ còn “qua loa đường nét”. Hai đứa nhỏ trở thành con của... bà ngoại, cháu của... Ôsin. Đứa con trai mê game quên cả học, đứa con gái dễ thương cứ quanh quẩn trong phòng với mấy con búp bê.

Hai người không cãi cọ, không to tiếng (anh vốn là người quen nhỏ nhẹ), không ai trách ai câu nào, không ai nghĩ đến ly dị. Nhưng, cả hai đều không muốn tiếp tục cuộc sống độc thân của hai người có gia đình.

Tổ mở

Chị Mai nhận ra mình vẫn còn độc thân sau 10 năm làm vợ. Ban đầu, cô nhân viên kinh doanh năng động chọn anh bộ đội làm chồng vì thấy anh tốt bụng và chỉn chu. Có thể lúc đầu, khi “ở hai đầu nỗi nhớ” chị cảm thấy tình yêu thật lãng mạn. Chị không thấy một tháng đôi ba lần anh về nhà là sự xa cách.

Chị tập dần việc một mình lo cơm áo gạo tiền, chăm sóc con cái; thậm chí tự tìm niềm vui để khỏa lấp khoảng trống trong những ngày vắng chồng. Chồng ít về, căn phòng uyên ương thành góc riêng của ba mẹ con. Chị xếp gọn những đồ dùng của anh vì không mấy khi dùng đến. Mỗi lần chồng chị về, nhà vui như có khách. Nhưng dần dần, anh trở thành khách thật trong chính ngôi nhà của mình.

Hai vợ chồng không có một góc riêng trong căn nhà. Anh từ đơn vị về, có khi đi cùng với vài người tranh thủ kết hợp về thành phố khám tổng quát hay thăm Đầm Sen, Suối Tiên. Có lúc, chú lái xe ngủ lại nhà để tiện mai lên đơn vị. Chị bắt đầu không ngóng đợi ngày chồng về nữa vì chồng về phải dọn nhà, phải bày biện món này món nọ, phải lo tiếp khách… Khi không còn cảm giác chờ đợi cũng là lúc nỗi nhớ chồng cũng không còn. Vợ chồng dần chỉ nói với nhau những lời khách sáo. Không có chỗ riêng tư thầm kín cho vợ, cho chồng. Hai người không buồn nhau, không thấy giận, không trách, nhưng cũng không thấy cần nhau. Vẫn là vợ, là chồng, không bị ai lấy mất mà lại không thấy của riêng mình. Tổ của hai người vẫn còn là tổ, nhưng không thể ấm nổi mỗi khi nghĩ về nhau.

Giữ ấm

“Tổ lạnh” là ranh giới mong manh của sự mất còn hạnh phúc gia đình, là cơ hội cuối cùng cho người trong cuộc “giật mình bừng tỉnh”. “Tổ lạnh” có khi chỉ bắt đầu bằng những thói quen xấu và cả những thói quen không xấu, những thói quen khó chịu với người này và dễ chịu với người kia.

Rất khó nhận biết, khó bắt bệnh, khó cảnh giác và ngăn ngừa tình trạng “tổ lạnh”, vì nó là hậu quả của cả một quá trình. Thiếu sự chia sẻ, sự chủ quan, thờ ơ với cảm giác của người khác, cùng với sự bao che trung thành của thời gian đã khiến tổ ấm dần trở thành “tổ lạnh”. “Tổ lạnh” là bạn đồng hành của sự đổ vỡ. Bao người đã ngỡ ngàng khi thấy hạnh phúc của mình đội nón ra đi. Có bao nhiêu tổ ấm không còn ấm, để nẩy mầm những ngoại tình và chia tay.

Nhiều gia đình hiện nay đang thiếu hơi ấm, thiếu sự chung tay vun đắp của mỗi thành viên. Ai cũng muốn mình là người độc lập và tự lập. Mỗi người hối hả theo đuổi đam mê và sự nghiệp của mình mà quên rằng mái ấm sẽ không che chở cho ta khi nó không còn ấm. Khi không ai lưu luyến chia tay mỗi sáng, khi không ai ngóng ai mỗi buổi chiều về, khi không ai dặn dò, nhắc khéo ai, thì đó cũng là lúc gia đình đã vỡ ra từng mảng, chỉ còn là một khái niệm mơ hồ.

Để cho tổ ấm không bị lạnh, mỗi người nên sống chậm lại một chút, hãy lắng nghe sự mách bảo của giác quan thứ sáu để điều chỉnh mình hợp lý và kịp thời. Một chút nhớ, một chút thương, chút hờn, chút giận, chút hy sinh sẽ làm cho tổ ấm luôn được giữ ấm. Cần lắm một sự chia sẻ, một sự cố gắng để nhen nhóm lại, gầy dựng lại, làm ấm lại tổ ấm đã lạnh.

Xây tổ đã khó, giữ cho tổ luôn ấm càng khó hơn nhiều. Ngay bây giờ, khi mình còn tổ, khi tổ mình còn ấm, hãy cùng nhau góp hơi để tiếp tục giữ "lửa". Đừng quá lao vào những thú vui cá nhân, đừng chủ quan khinh "địch", đừng để tổ của mình trở thành gánh nặng trên vai người khác; đừng để đến khi bạn có nhà mà vẫn là kẻ “vô gia cư”.
 
(Chút lưu lại)