"Hãy biết yêu thương mình"

"Hãy biết yêu thương mình"

 

HÃY BIẾT YÊU THƯƠNG MÌNH

Biết tôi sắp thôi làm việc ở Trung tâm Truyền thông- Giáo dục sức khỏe TP.HCM sau 25 năm công tác tại đây, các bạn trẻ của Trung tâm đã có sáng kiến tổ chức một buổi giao lưu thân mật giữa “thầy-trò”với nhau  vào dịp cuối năm vừa qua. Chủ đề buổi giao lưu hoàn toàn mở rộng. Các em có thể đặt bất cứ câu hỏi gì về chuyện đời, chuyện nghề, chuyện tình…

Để giúp các em “mạnh dạn” đặt câu hỏi, tôi đề nghị hỏi bằng giấy và nặc danh…

Và như vậy, buổi giao lưu được bắt đầu… (BS Đỗ Hồng Ngọc ghi lại).

*  Thầy ơi, cho con hỏi ước mơ của thầy bây giờ là gì?


 
BS Đỗ Hồng Ngọc: Hơn 2.000 năm trước, Khổng Tử có lẽ cũng khoảng tuổi thầy bây giờ, một hôm dẫn các đồ đệ đi tắm sông, một đồ đệ hỏi: Thầy ơi, cho con hỏi ước mơ của thầy bây giờ là gì? Khổng Tử cười bảo ước mơ của ta bây giờ là dẫn tụi con đi tắm sông!

Dĩ nhiên thầy không phải là Khổng Tử, nên ước mơ của thầy là dẫn tụi con đi chơi núi Thị Vãi, ở đó có một con đường đèo đẹp như Đà Lạt, dẫn xuống một cái dốc sâu rồi đi vào khu rừng có một con suối róc rách gọi là suối Tiên (nhớ cẩn thận, đừng tắm lâu quá sẽ biến thành trẻ con…). Quanh đó còn có những ngôi chùa cổ dưới những lùm cây…

Dĩ nhiên thầy cũng ước mơ được truyền trao kinh nghiệm sống, kinh nghiệm học tập, kinh nghiệm làm việc cho các bạn trẻ nếu họ muốn. Thầy ra trường đã hơn 40 năm, làm ở phòng cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Sài Gòn (nay là BV Nhi Đồng 1 TP.HCM) 16 năm nên đã tập một thói quen rất chính xác về giờ giấc.

Ở phòng cấp cứu nhi, trễ một phút đã có thể gây chết người nên phải quý từng giây phút. Thầy làm ở đó ngày nào cũng thấy trẻ con chết, nhiều cái chết rất “vô duyên” vì có thể phòng tránh được, chẳng qua vì người dân thiếu kiến thức, mê tín dị đoan.

Vì thế thầy tình nguyện về công tác ở Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe này tới nay đã 25 năm. Ngành này có lợi ích rất lớn mà nhiều khi không thấy hết. Một bài báo có hằng trăm ngàn người đọc, một chương trình truyền hình hằng triệu người xem. Tác động lớn lắm nên ta phải hết sức thận trọng trong từng thông điệp, không thể coi thường.

Thầy ơi, tuổi trẻ của thầy khác gì tuổi trẻ bây giờ? Trong cuộc sống, điều gì là quan trọng đối với thầy?

BS Đỗ Hồng Ngọc: Tuổi trẻ thời nào cũng giống nhau, đầy nhiệt huyết, năng động, lý tưởng, nhiều hoài bão, ước mơ. Nhưng hình như thời của thầy sống đơn giản hơn, nhiều lý tưởng hơn, lãng mạn hơn. Con người bây giờ tất bật mà hạnh phúc hiếm hoi, lúc nào cũng căng thẳng, thậm chí va chạm lặt vặt trong mối quan hệ làm việc. Chúng ta biết quá nhiều chuyện xa vời, chuyện trên cung trăng, nhưng bản thân mình thì ít biết, bạn bè xung quanh cũng ít biết nhau vì ta không quan tâm, lơ là.

Thử hỏi phòng con đang ngồi làm việc có bao nhiêu cửa sổ, cầu thang lên tầng 1 này có bao nhiêu bậc, chưa chắc con đã biết. Tại sao? Tại không quan tâm. Chúng ta sống bên nhau trong một cơ quan làm việc hàng ngày gặp nhau 7-8 giờ mà như xa lạ, không hiểu tâm ý nhau, dễ căng thẳng, thấy ai cũng toàn tính xấu. Thử nhìn một cách khác xem, chẳng hạn lấy giấy ghi ra những tính tốt của kẻ mà mình không ưa…

Trong cuộc sống, điều quan trọng nhất có lẽ là thấy mình sống có ích, sống hạnh phúc và sống thảnh thơi. Có lúc thầy cũng được mời vào vị trí này khác, nhưng thầy đều từ chối, vì chỉ muốn làm điều mình thích, trong khả năng mình, nhờ vậy mà làm việc gì cũng thấy vui, thấy hăng say.

Một người làm việc trong tinh thần bất mãn, không hài lòng với chính mình, căm ghét những người xung quanh hoặc làm việc chỉ vì sợ hãi, vì kiếm sống, vì đồng lương thì rất dễ so đo tính toán, thiếu nhiệt tâm, thiếu sảng khoái… và công việc được giao trở nên một gánh nặng…

Để tâm hồn luôn trẻ

• Thầy làm thế nào để có sức khỏe dẻo dai, tinh thần vững chải cũng như tâm hồn trẻ trung để sống và làm việc trong suốt 50 năm qua (không kể 20 năm của tuổi trẻ)?

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Thực ra chính hai mươi năm đầu mới là bệ phóng, định hướng cho tương lai ta.  Thầy sớm mồ côi cha, 12 tuổi vào ở trong chùa với người cô. Cô thầy bị tật 2 chân không đi lại được nhưng rất mê đọc truyện, tiểu thuyết. Cô thường bắt thầy đi mướn truyện ở ngoài phố và cấm thầy đọc vì sợ con nít đọc truyện không tốt, không lo học.

Những khi đi mướn truyện như vậy, thầy tranh thủ đọc dọc đường, có khi ngồi ở gốc cây mà đọc, có khi đang đi trên thuyền qua sông cũng đọc. Hết cuốn mới đem về cho cô. Cũng có lúc trùm mền mà đọc lén nữa! Nhờ vậy thầy ngốn được nhiều loại sách, và truyện xưa tích cũ, đông tây kim cổ gì cũng biết.

Dĩ nhiên sau này thì đọc có chọn lọc, nghiên cứu sâu hơn nhờ cái tính ham đọc, ham học đã sẵn có. Không ai thành công mà không tự học. Học ở trường không đủ đâu. Thói quen đọc sách rất có lợi cho thanh niên. Phải đọc, vì đó là túi khôn của muôn đời. Đọc các danh gia ngày xưa ta như được sống cùng họ, trò chuyện cùng họ, làm bạn với họ chẳng thú sao? 

Sau này, thầy đọc sách Nguyễn Hiến Lê, học với ông, nào Tự học để thành công, Tương lai trong tay ta, rồi nào Gương danh nhân, Gương chiến đấu, Gương kiên nhẫn… nó rất cần thiết cho thanh niên. 

Bây giờ ít thấy bạn trẻ đọc sách, mê sách. Họ để thì giờ lên mạng, chơi game, đi shopping, ngồi quán cà phê, tán gẫu… nhiều hơn. Sinh viên không đọc sách văn học, học y mà không đọc Cronin, Sommerset Maugham, Tchekov, Lỗ Tấn thì uổng quá! Tâm hồn sẽ cằn khô đi và chỉ còn biết kỹ thuật, dễ trở thành máy móc, lạnh lùng, vô cảm. Tụi con thử đọc Liêu Trai chí dị xem, đọc 24 giờ trong đời người đàn bà xem hoặc đọc Alexis ZorbaCâu chuyện của dòng sông… xem.

Dĩ nhiên ta không bỏ qua những sách viết ở thời đại ta. Nhờ đọc, kiến thức ta mới mở rộng, cảm thức nghệ thuật được nâng cao, cuộc sống thêm hạnh phúc, nhưng quan trọng hơn ta hiểu được con người, ta nuôi dưỡng được tình người…

Còn để có một sức khỏe dẻo dai thì phải rèn luyện thôi. Các đây hơn mười năm, thầy bị một cơn tai biến mạch máu não nặng, mổ cấp cứu, đục sọ, đặt 2 ống dẫn lưu. Tưởng đã hết đi hết nói được nữa rồi. Sau mấy ngày nằm liệt giường, khi đi được vài bước lẫm chẫm như em bé thầy thấy quả là một phép lạ, một hạnh phúc rất tuyệt vời! Khi đứng được trong toilet như mọi người quả là một hạnh phúc lớn.

Thầy nhìn vào gương soi, thấy cái đầu trọc lóc… dễ thương của mình và liền lấy viết vẽ mấy tấm hình thú vị! Sau đó thầy nghiền ngẫm thực tập phương pháp thở bụng, thiền…  dần dần hồi phục sức khỏe. Thầy rút kinh nghiệm bản thân và chia sẻ với bạn bè và viết vài cuốn sách như Nghĩ từ trái tim, Như thị, Gươm báu trao tay

Rèn luyện thân thể phải gồm cả việc nghỉ ngơi, ăn uống, thể dục, thiền… một cách toàn diện. Quan trọng là giữ tâm hồn thanh thản. Việc làm có phù hợp, đúng sở thích thì mới làm hăng say, bền bỉ được.

• Thưa thầy, là thanh niên thế kỷ 21, theo thầy, mỗi buổi sáng / buổi chiều (sau giờ làm việc) điều gì nên nghĩ đầu tiên và cuối cùng trong ngày?

- Kahlil Gibran có hai câu thơ dễ thương: Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta được thêm ngày nữa để yêu thương. Ngày nữa để yêu thương thấy chưa, chớ không phải ngày nữa để oán thù, căm giận. Dù ở thế kỷ nào đi nữa, mỗi sớm mai thức dậy cũng nên “cảm ơn đời” đã cho ta một ngày mới, một ngày mới để yêu thương! Dĩ nhiên thanh niên phải rèn luyện thể lực. “Bắp thịt trước đã”, có một cuốn sách như vậy. Thanh niên mà đi đứng co ro, lụm cụm, bụng to, thịt nhão, sáng sáng ngồi đốt thì giờ trong quán cà phê nhả khói mù trời thì thật đáng tiếc. Một tâm hồn minh mẫn trong một thân thể tráng kiện, nhớ không?

Sau đó phải thực hiện cho được những dự định đã vạch ra từ ngày hôm trước. Dĩ nhiên phải chọn ưu tiên, linh hoạt. Cái nào phải làm, cái nào nên làm. Vui mà làm, thích mà làm. Hòa mình với bạn bè xung quanh. Buổi chiều, buổi tối là cơ hội học tập thêm. Nhiều thứ cần phải học lắm. Ngoại ngữ, vi tính, kỹ thuật chuyên môn. Rồi học một thứ để nuôi dưỡng tâm hồn: văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, hội họa, ngay cả làm bánh, nấu ăn, cắm hoa…

Một giấc ngủ êm đềm sẽ đến thay vì nhậu nhẹt ở quán bia để rồi sáng mai dậy trễ, uể oải và nhìn mọi người với ánh mắt… mang hình viên đạn!

Người giàu có là người ít nhu cầu chứ không phải nhiều tiền

* Thầy nghĩ thế nào về tiền tài và danh vọng?

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Tiền rất cần cho cuộc sống. Nhưng biết đến đâu là đủ thì phải có ý thức, biết tự hạn chế, không chạy theo đồng tiền, nhất là đồng tiền phi nghĩa. Sự giàu có do đồng tiền phi nghĩa không bền vững, gia đình có thể đổ vỡ, con cái hư hỏng. Phải chọn lựa. Kiếm tiền chính đáng, tiêu dùng chính đáng thì sẽ có được hạnh phúc.

Người giàu có là người ít nhu cầu chứ không phải nhiều tiền, vung tiền qua cửa sổ. Bây giờ nhiều bạn trẻ ỷ lại cha mẹ, chạy theo hàng hiệu, rượu, thuốc… tốn kém thật đáng tiếc.

Danh vọng cũng vậy. Cũng cần thiết nhưng phải chính đáng và phải biết dừng lại đúng lúc, lui về đúng lúc. Nếu danh vọng xây trên năng lực thật sự của mình là điều đáng mừng. Còn danh vọng mà xây trên một cái nền giả tạo rất dễ sụp đổ.

• Thầy cho con hỏi làm sao để mình tăng tính kỷ luật với bản thân để làm tốt công việc? Vì con biết kẻ thù lớn nhất của đời mình là chính mình…

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Phải có ý chí và nghị lực thôi. Nghĩa là cũng phải rèn luyện. Thầy nhớ hồi trẻ mình rèn luyện bằng cách đọc cuốn Bảy bước đến thành công, Rèn nghị lực để lập thân chẳng hạn, rất có ích. Nhưng không chỉ đọc, chỉ học mà phải hành.

Có khi phải khắt khe với mình một chút. Nghị lực sẽ tăng tiến dần và từ đó mình mới tự tin hơn. Loại sách này ngày nay cũng có rất nhiều. Phải biết chọn lựa để đọc, không thì dễ bị “tẩu hỏa”!

Đừng bao giờ coi mình là kẻ thù của mình. Hãy biết yêu thương mình, cho nó ăn, cho nó ngủ và dạy dỗ nó. Nó có hư thì đánh nó vài roi rồi thương nó nhiều hơn. Một người mà không thể từ bi với chính mình thì làm sao có thể từ bi với người khác được!