Giúp con vượt qua khủng hoảng tuổi vị thành niên

Giúp con vượt qua khủng hoảng tuổi vị thành niên

 

GIÚP CON VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG TUỔI VỊ THÀNH NIÊN
 
Trẻ vị thành niên (VTN) là lứa tuổi dễ có nguy cơ phát triển những trạng thái bệnh lý nhất, tuy không lớn nhưng nghiêm trọng và đáng lo ngại. Nhưng các bậc cha mẹ đừng vội hốt hoảng...

Những biến đổi quan trọng

Đối với trẻ ở lứa tuổi VTN, những biến đổi thể chất và tinh thần ở thời điểm này là một “giai đoạn khổ ải”.  Cơ thể thay đổi, và VTN  phải chống chọi với nhiều áp lực có tính xung năng –  nhất là xung năng tính dục.

Chính trong giai đoạn này, nhiều trẻ VTN rơi vào tình trạng hoang mang, dao động, mất phương hương đến mức có thể có những rối nhiễu tâm trí: hoài nghi, coi thường các giá trị, lo hãi nhưng cũng bộc lộ con người thật và muốn tự khẳng định mình. Trẻ muốn phá vỡ những thiết lập quan hệ cũ, muốn từ bỏ tuổi thơ để tạo lập một phương thức quan hệ mới với xã hội.

Các bậc cha mẹ băn khoăn: Làm thế nào nhận biết giới hạn “bình thường” và bệnh lý của hành vi ở tuổi VTN?  Điều không “bình thường” ở trẻ là những biểu hiện vượt quá mức bình thường: nói luôn miệng, bốc đồng; tình cảm quá khích; luôn sợ mình quá béo, buồn vui ào ào...

Tuổi VTN là tuổi rất dễ tự ái và nhạy cảm với mọi ánh mắt và lời nói của người xung quanh, nhất là của bạn bè. Nhu cầu hoà nhập với nhóm bạn chuyển thành ý chí muốn vượt qua tính rụt rè, nhút nhát và để được bạn khác giới yêu mến. Con trai hay tỏ ra trịch thượng, coi thường con gái. Còn con gái thì hay làm dáng rất lộ liễu. Mọi biểu hiện đó đều là bình thường, kể cả tính hung hăng, gây gổ vì giai đoạn này các em đang dồi dào sức sống.

Tuy nhiên, khi hành vi vượt quá mức bình thường thì có thể là một triệu chứng bệnh lý.

Nhận biết triệu chứng bệnh lý

Cha mẹ cần thật sự quan tâm khi nhận thấy con có những rối loạn như mỏi mệt, mất ngủ, nhức đầu, co giật cơ, nôn, trầm cảm, chán ăn hoặc ăn quá nhiều, dị ứng; trạng thái khi thì lo sợ khi thì liều lĩnh, sợ bị cô lập, không chịu đến trường, hay gây chuyện, hiếu động, hung bạo hoặc lặng lẽ, ít nói...

Nếu tính khí trẻ thất thường, khi thì hồ hởi, cởi mở, khi thì thu mình, kín đáo, dễ chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, cũng dễ có những tình cảm cực đoan nhưng triệu chứng đáng ngại nhất lại là những biểu hiện trì trệ, thiếu năng động.

Trong sự phát triển của tuổi dậy thì (về sinh lý, tâm trí và thể chất) ranh giới của trạng thái bình thường và bệnh lý nhiều khi khó xác định. Nguyên nhân của những biến đổi bệnh lý không bắt nguồn từ quá trình dậy thì mà từ các yếu tố bẩm sinh, cấu tạo tinh thần và sức nặng di truyền. Những áp lực do không được đáp ứng của một cơ thể đang phát triển đã phát sinh các biểu hiện bệnh lý. Ví dụ, trầm cảm thường được coi là một trạng thái bình thường của tuổi dậy thì lại có thể báo hiệu bệnh sa sút trí tuệ sớm. Những bệnh lý này có thể qua đi, khi chấm dứt giai đoạn biến động gay gắt nhất của tuổi dậy thì. 

Trong cuốn sách “Bệnh học giới tính”, Hirschfeld đã nói về những khủng hoảng của tuổi dậy thì, nêu lên những rối nhiễu thần kinh và tâm lý.  Theo ông, những bất thường đó liên quan trực tiếp đến giai đoạn khủng hoảng của tuổi dậy thì với nhiều biểu hiện như múa vờn nhẹ, nhăn nhó co giật cơ mặt, nói lắp, hay đỏ mặt, nhức đầu, động kinh; tính ăn cắp vặt, thích đi lang thang, dễ kích động, thích đặt chuyện hoang đường và cả có ý định tự tử.

Cha mẹ là điểm tựa tinh thần

Các bậc cha mẹ đừng vội hốt hoảng khi thấy con cái có những biểu hiện bất thường. Hãy lắng nghe ý kiến của chúng, đừng vội phản đối, tôn trọng sự khác biệt kể cả khi chúng sống không ngăn nắp lắm, phòng ở bừa bộn, ăn mặc như bụi đời hay như siêu sao. 

Không có gì khó chịu hơn đối với VTN là bị áp đặt một lối sống do người lớn đặt ra. Ngược lại, sự quan tâm quá mức của cha mẹ cũng làm cho VTN cảm thấy gò bó vì quá trình hình thành nhân cách đang trong giai đoạn biến động và chính các em cũng chưa hiểu nổi mình. 

Các bậc cha mẹ không nên coi nhẹ mọi vấn đề của con, làm sao để con trẻ giữ được lòng tin vào cha mẹ, vì lúc này các em vẫn cần có cảm giác an toàn. Các em cần cảm thấy sự hiện diện của cha mẹ nhưng không muốn cha mẹ quá sốt sắng với cuộc sống của mình.

Trong giai đoạn này, trẻ cần được kết hợp với liệu pháp tâm lý. Liệu pháp tâm lý sẽ giúp giảm nhẹ những dằn vặt, trăn trở trong quá trình trưởng thành của trẻ vị thành niên; tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ tinh thần, ý chí trong cuộc sống và trong học tập cho các em.

Dũng Xuân
(Giadinh.net)