Giáo lý về Gia đình: Nghèo khổ thử thách các gia đình

Giáo lý về Gia đình: Nghèo khổ thử thách các gia đình

Trong buổi triều yết chung thứ Tư 03/06/2015 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô nói đến loạt bài giáo lý về tính dễ bị tổn thương của gia đình, trong những hoàn cảnh đời sống thử thách các gia đình. Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng "Giáo Hội là một người mẹ, và Giáo Hội không được quên thảm kịch của con cái mình. Giáo hội cũng phải khó nghèo, để trở nên sinh ích và đáp lại biết bao nỗi thống khổ".


Dưới đây là toàn văn bài huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô:

Anh chị em thân mến, xin chào buổi sáng tốt lành.

Trong những thứ Tư như thế này, chúng ta đã suy tư về gia đình. Và chúng ta sẽ đi tiếp về chủ đề này: suy tư về gia đình.

Bắt đầu từ hôm nay, các bài giáo lý của chúng ta sẽ bắt đầu suy tư quan tâm đến tính dễ bị tổn thương của gia đình, trong những hoàn cảnh đời sống thử thách các gia đình.

Hôm nay chúng ta bắt đầu bài đầu tiên. Một trong những thử thách này là sự nghèo khổ. Chúng ta hãy nghĩ đến biết bao gia đình cư ngụ ở vùng ngoại ô của các thành phố lớn, cũng như ở các khu vực nông thôn... Biết bao nhiêu là nghèo khổ, biết bao nhiêu đổ nát! Thế rồi chiến tranh xảy ra ở một số nơi làm cho vấn đề càng thêm tồi tệ. Chiến tranh bao giờ cũng khủng khiếp. Chiến tranh đặc biệt ảnh hưởng đến các thường dân, các gia đình. Chiến tranh thật sự là "mẹ của tất cả mọi thứ nghèo khổ", nó bần cùng hóa gia đình, như một mãnh thú lớn đối với sự sống, đối với linh hồn, và ảnh hưởng đến tình cảm thiêng liêng nhất và thân yêu nhất của con người.

Mặc dù vậy, có rất nhiều gia đình nghèo vẫn cố gắng sống đời sống hàng ngày của mình đúng với phẩm giá, họ thường công khai tín thác vào các phúc lành của Thiên Chúa. Tuy nhiên, bài học này không thể biện minh cho sự thờ ơ của chúng ta, mà làm tăng thêm sự xấu hổ của chúng ta! Có biết bao nhiêu là nghèo khổ! Ngay trong cảnh nghèo khổ, gia đình tiếp tục hình thành và thậm chí bảo tồn - như họ có thể - tính nhân bản nơi những mối dây liên hệ của họ có thể được xem như là một phép lạ. Sự kiện này gây khó chịu những nhà hoạch định về hạnh phúc, họ xem tình cảm, việc truyền sinh, mối liên hệ gia đình như là yếu tố thay đổi thứ yếu của chất lượng cuộc sống. Họ không hiểu gì cả! Thay vào đó, chúng ta nên quỳ xuống trước những gia đình này, những trường học nhân bản đích thực cứu vớt xã hội khỏi sự man rợ.

Sẽ còn lại gì nếu chúng ta nhượng bộ sự tống tiền của Caesar và Mammon, của bạo lực và tiền bạc, và chúng ta từ bỏ tình cảm gia đình? Chỉ có thể có được một nền đạo đức dân sự mới khi những người chịu trách nhiệm về đời sống công cộng tổ chức lại mối dây quan hệ xã hội bằng cuộc chiến chống lại vòng xoáy hủy diệt giữa gia đình và nghèo khổ, đang dẫn chúng ta đến vực thẳm.

Nền kinh tế ngày nay thường chú tâm đến việc hưởng thụ hạnh phúc cá nhân, nhưng thực thi rộng rãi việc khai thác các mối liên hệ gia đình. Đây là một mâu thuẫn trầm trọng! Công việc lớn lao của gia đình theo lẽ tự nhiên đã không được nhắc đến trong báo cáo tài chính! Thực vậy, kinh tế và chính trị thì keo kiệt trong việc nhìn nhận vấn đề này. Tuy nhiên, việc hình thành nội tâm con người và sự lưu chuyển tình cảm xã hội lại có trụ cột của chúng ở đây. Nếu anh chị em lấy nó đi, tất cả sẽ sụp đổ.

Đó không chỉ là vấn đề cơm bánh. Chúng ta nói đến công ăn việc làm, giáo dục, y tế. Thật quan trọng để hiểu được điều này. Chúng ta luôn cảm thấy thật xúc động khi thấy hình ảnh trẻ em đói khổ và bệnh tật hiển hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Đồng thời, chúng ta cũng thật xúc động bởi những ánh mắt lấp lánh của nhiều trẻ em, bị tước đoạt tất cả mọi thứ, những đứa trẻ khẳng có gì trong các trường học, nhưng hãnh diện khoe bút chì và tập vở của chúng. Và các em nhìn thầy cô với biết bao trìu mến! Trẻ em thật sự biết rằng con người không sống nhờ cơm bánh mà thôi! Ngay cả tình cảm gia đình: khi nghèo túng, trẻ em đau khổ vì các em muốn có tình thương, tương quan gia đình.

Kitô hữu chúng ta phải luôn luôn gần gũi hơn các gia đình bị nghèo khổ thử thách. Nhưng hãy nghĩ về họ: tất cả anh chị em điều biết về một ai đó; một người cha không có việc làm, một người mẹ thất nghiệp, và gia đình đau khổ! Các mối liên hệ bị suy yếu. Điều này thật tồi tệ.

Thực vậy, sự nghèo khổ mang tính xã hội tấn công gia đình, và có lúc hủy hoại gia đình. Tình trạng thiếu việc làm, mất việc làm hay tính hết sức bấp bênh của công ăn việc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống gia đình, thử thách nặng nề các mối tương quan. Điều kiện sống bất lợi trong các khu xóm, với các vấn đề về nhà ở và giao thông, cũng như hạn chế về các dịch vụ xã hội, y tế và giáo dục càng gây thêm khó khăn. Góp phần vào những yếu tố vật chất này là thiệt hại gây ra bởi những mô hình giả tạo, được phổ biến trên các phương tiện truyền thông dựa trên chủ nghĩa tiêu thụ và tôn thờ dáng vẻ bề ngoài, tác động đến các tầng lớp xã hội nghèo nhất và làm gia tăng sự phai nhạt các mối tương quan gia đình. Hãy chăm sóc gia đình, chăm sóc cho tình cảm gia đình, dù nỗi khốn khổ đặt gia đình trong cơn thử thách.

Giáo Hội là một người mẹ, và Giáo Hội không được quên thảm kịch của con cái mình. Giáo hội cũng phải khó nghèo, để trở nên sinh ích và đáp lại biết bao nỗi thống khổ. Một Giáo Hội khó nghèo là một Giáo Hội thực thi tính đơn sơ tự nguyện trong đời sống của mình - trong chính cơ cấu tổ chức của mình, trong lối sống các thành viên của mình - để phá vỡ mọi bức tường ngăn cách, nhất là với người nghèo. Cần phải cầu nguyện và hành động. Chúng ta hãy tha thiết nguyện xin Chúa, để Ngài lay động chúng ta, khiến cho các gia đình Kitô hữu chúng ta giữ vai trò chính trong cuộc cách mạng về sự gần gũi gia đình, hiện cần thiết hơn bao giờ hết! Ngay từ đầu, Giáo Hội đã được lập nên bởi điều này: sự gần gũi gia đình. Và chúng ta đừng quên rằng sự phán xét của những người túng thiếu, những người bé mọn và những người nghèo sẽ đến trước sự phán xét của Thiên Chúa (Mt 25, 31-46). Chúng ta đừng quên điều này. Tất cả chúng ta hãy làm mọi thứ để có thể để giúp các gia đình tiến về phía trước vượt qua những thử thách của nghèo khổ và khốn cùng đang tấn công vào các mối dây tình cảm, các mối liên hệ gia đình.

Tôi muốn đọc lại một lần nữa, bài đọc Kinh Thánh mà chúng ta nghe từ đầu. Mỗi người chúng ta cần nghĩ về các gia đình đang gặp thử thách, thử thách của sự khốn cùng, nghèo khổ. Kinh Thánh nói rằng: "Con ơi, đừng tước đoạt miếng cơm manh áo của người nghèo, đừng để kẻ khốn cùng luống công chờ đợi". Chúng ta hãy suy nghĩ từng chữ một! "Đừng làm cho kẻ đói phải buồn tủi, đừng chọc tức ai khi họ phải ngặt nghèo. Một tâm hồn đang bực bội, con đừng làm khổ thêm, đừng bắt kẻ túng thiếu đợi lâu mới được con giúp đỡ. Kẻ khốn khổ nài xin, con đừng từ chối, gặp người nghèo, con đừng ngoảnh mặt đi. Đừng làm ngơ không nhìn đến kẻ thiếu thốn, kẻo nên cớ cho người ta nguyền rủa con. Ai cay đắng trong lòng mà nguyền rủa con…" (Hc 4, 1-6). Vì đó là điều Chúa sẽ làm, Tin Mừng nói thế, nếu chúng ta không làm những điều này.

Cám ơn anh chị em!

 

Tạ Ân Phúc