Câu hỏi thường gặp về hôn nhân: Thiện ích chung & phẩm giá con người (3)

Câu hỏi thường gặp về hôn nhân: Thiện ích chung & phẩm giá con người (3)

11. Liệu có phải là phân biệt đối xử bất công khi không cho phép hai người nam (hoặc hai người nữ) kết hôn?

Đối xử những việc khác nhau theo cách khác nhau không phải là phân biệt đối xử bất công. Hôn nhân chỉ có thể là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Những điều khác không phải là hôn nhân. Chỉ có một người nam và một người nữ mới có khả năng tự hiến để "cả hai trở nên một xương một thịt". Và chỉ có một người nam và một người nữ mới có khả năng có hành vi tình dục có thể sinh con cái. Các chính phủ có sự quan tâm rất mạnh mẽ trong việc bảo vệ quyền của trẻ em có một người mẹ và một người cha, và làm giảm khả năng nhà nước bảo trợ trẻ em. Pháp luật dân sự về hôn nhân phục vụ cả hai ích lợi này bằng mối dây liên kết hợp pháp các cặp vợ chồng với bất kỳ con cái nào họ sinh ra. Hành vi tình dục của hai người cùng giới tính không bao giờ có thể sinh con cái, vì vậy mối quan tâm của chính phủ (của một số nước) về mối liên kết "các cặp" đồng tính là khác biệt và yếu hơn. Vì vậy, các chính phủ hoàn toàn hợp lý, và không có bất công, trong việc phân biệt giữa hai người cùng giới tính và một cặp vợ chồng khác giới để trao quyền và nghĩa vụ của hôn nhân hợp pháp.

12. Các quyền dân sự thì sao?

Tôn trọng các quyền dân sự của tất cả mọi người rõ ràng là quan trọng, và quyền kết hôn rõ ràng là một quyền dân sự. Nhưng "quyền kết hôn" là quyền tham gia vào một loại tương quan rất đặc biệt có đặc trưng riêng biệt phục vụ cho mục đích xã hội quan trọng; "quyền kết hôn" không phải là quyền tham gia vào mối tương quan không phải là hôn nhân, và để rồi buộc người khác bằng pháp luật đối xử với mối tương quan đó như thể đó là hôn nhân. Những người ủng hộ "hôn nhân" đồng tính bỏ qua sự khác biệt này. Không phục vụ cho mục tiêu của các quyền dân sự, việc tái định nghĩa hôn nhân sẽ đe dọa quyền dân sự của tự do tôn giáo: nó sẽ buộc tất cả mọi người - ngay cả những người có lương tâm chống lại hành vi tình dục đồng giới - đối xử với các mối quan hệ đồng giới như thể chúng đóng vai trò đạo đức tốt đẹp như tương quan hôn nhân.

13. Phải chăng cho phép hai người nam hoặc hai người nữ kết hôn chỉ là mở rộng cho phép các cặp vợ chồng đa sắc tộc kết hôn?

Không có căn cứ giống nhau giữa mục tiêu "tái định nghĩa" hôn nhân bao gồm người cùng giới và phong trào mang tính lịch sử cho phép các cặp vợ chồng đa sắc tộc kết hôn. Tương quan tính dục giữa một người nam và một người nữ đơn thuần không giống như tương quan tính dục giữa hai người nam hoặc giữa hai người nữ, không phân biệt sắc tộc của họ. Các hành vi thân mật vợ chồng có thể gắn kết họ hoàn toàn toàn với nhau, để họ có thể đón nhận con cái. Sự khác biệt giới tính là một đặc tính thiết yếu của hôn nhân; bất kể sắc tộc có giống nhau hay không. Hôn nhân bắt nguồn từ bản chất tự nhiên: hai người cùng giới tính không bị khước từ "quyền" kết hôn hơn một người bị "khước từ" các "quyền" mang thai và nuôi dưỡng một đứa trẻ. (Như đã nói ở câu số 8, nhân quyền đích thực bắt nguồn từ căn tính và phẩm giá của con người, một căn tính bao gồm sự khác biệt giới tính).

14. Bình đẳng và công bằng thì sao?

Tất cả mọi người xứng đáng được đối xử công bằng và bình đẳng, công nhận phẩm giá cao cả của họ. Nhưng việc bảo vệ và thăng tiến hôn nhân như là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ thì không phủ nhận bình đẳng hay không công bằng. Mọi người đều có quyền kết hôn, nhưng những người tham gia vào kết hợp đồng tính tìm kiếm điều gì đó khác biệt chứ không là kết hôn; trái lại, họ tìm cách để luật dân sự buộc những người khác đối xử với các tương quan không phải hôn nhân của họ như thể chúng là hôn nhân. Nhưng các tương quan là không giống nhau, cả về chức năng hay đạo đức. Bảo vệ hôn nhân không phải là bất công, mà chỉ là tôn trọng thực tại - thực tại của hôn nhân như là sự kết hợp toàn diện, sinh hoa trái giữa một người nam và một người nữ. Thực sự công bằng, thực sự bình đẳng, theo sự thật.

15. "Kết hợp dân sự" giữa hai người cùng giới thì sao?

Hôn nhân là sự tốt đẹp vô song trong chính nó. Không có gì có thể sánh bằng sự chung tay góp sức chỉ có giữa vợ chồng, thông qua sự khác biệt giới tính của họ hình thành sự hiệp thông trao ban sự sống. Không có mối tương quan nào giữa những người cùng giới tính có thể giống như giữa một người nam và một người nữ, và cũng không bao giờ chúng được đối xử tương tự như hôn nhân. Vì vậy, những phạm trù theo luật như "kết hợp dân sự" yêu cầu tình trạng tương đương hoặc tương tự như hôn nhân là sai lầm và bất công, gây hại cho cả con người và xã hội. Những phạm trù theo luật như là "kết hợp dân sự" không bao giờ được xem là tương tự như hôn nhân. Việc phê chuẩn "kết hợp dân sự" hợp pháp như thế góp phần vào sự xói mòn ý nghĩa đích thực của hôn nhân. Vì thế, chúng không bao giờ được chấp nhận. Quyền con người cơ bản không được bảo vệ, nhưng bị vi phạm bởi sự xói mòn và tái định nghĩa hôn nhân.

Nguồn: usccb.org và acmfc.org.au

Tạ Ân Phúc