Giáo lý về Gia đình: Chúng ta đừng e ngại mời Mẹ Maria và Chúa Giêsu đến dự lễ cưới

Giáo lý về Gia đình: Chúng ta đừng e ngại mời Mẹ Maria và Chúa Giêsu đến dự lễ cưới

Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng hôn nhân xảy ra trong nhiều xã hội và cho biết các Kitô hữu có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng này nếu họ tin rằng Chúa Giêsu ban ơn cho các cặp hôn phối. Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra nhận định như trên khi ngài tiếp tục loạt bài giáo lý về hôn nhân và gia đình trong buổi triều yết chung thứ Tư 29/04/2015 với các tín hữu hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha mời gọi: "Chúng ta đừng e ngại mời Chúa Giêsu và Mẹ Maria đến dự lễ cưới, vì đôi bạn Kitô hữu không chỉ lập gia đình cho bản thân mình, mà vì lợi ích cho cộng đoàn và toàn thể xã hội."

Đức Thánh Cha nhắc nhở: "Ngày nay, xã hội đang đối mặt với những cuộc hôn nhân ngắn ngủi hơn," ngài lưu ý rằng "Ở nhiều nước, các cặp vợ chồng ly thân ngày càng tăng, trong khi số trẻ em sinh ra đang giảm dần."

Đức Thánh cha nói rằng mối dây hôn phối này bị phá vỡ gây ảnh hưởng trước nhất đến người trẻ, "khi họ thấy hôn nhân như là điều gì đó mong manh". Có lẽ "đó là một nỗi sợ thất bại ngăn người nam và người nữ tin vào lời hứa của Chúa Kitô ban ân sủng cho hôn nhân và gia đình."

Thật ra, "Chúng ta biết rằng hầu như mỗi người nam và người nữ đều mong muốn một mối tương quan chắc chắn và lâu bền, một cuộc hôn nhân ổn định và một gia đình hạnh phúc."

Đức Thánh Cha chỉ ra rằng chứng tá hữu hiệu nhất cho phép hôn phối "là đời sống tốt lành của vợ chồng Kitô giáo và gia đình họ", ngài nhấn mạnh rằng tình yêu của đôi hôn nhân được Thiên Chúa thánh hiến là 'suối nguồn' bình an và chung thủy của họ .

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng "để những phúc lành này trở nên rõ rệt hơn đối với thế gian" thì "sự bình đẳng giữa vợ chồng phải mang lại những hoa trái mới", chẳng hạn như: "cơ hội bình đẳng tại nơi làm việc, xem trọng chức làm mẹ và làm cha" và " đánh giá cao hơn lòng hiếu khách của các gia đình đối với những người túng thiếu". Ngài nói rằng sự bất bình đẳng phải được giải quyết. Cụ thể, ngài kêu gọi quyền được trả công bình đẳng cho những công việc như nhau và nhấn mạnh "sự bất bình đẳng hoàn toàn là việc xấu xa"

Ngày nay, nhất là trong các hoàn cảnh nghèo túng, tồi tệ và bạo lực gia đình,  chúng ta phải đòi hỏi sự công bằng trong những tình huống này vì lợi ích của gia đình và trẻ em, nhìn nhận rằng chức làm mẹ của người nữ và chức làm cha của người nam là "những kho tàng bất tận".

Tạ Ân Phúc