Giáo dục trong gia đình Kitô giáo

Giáo dục trong gia đình Kitô giáo

 

“GIÁO DỤC TRONG GIA ĐÌNH KITÔ GIÁO”

Lm. Lu-y Nguyễn Anh Tuấn
 
1. Sự kiện

Một trưa chúa nhật tôi đến thăm một gia đình trẻ, hai vợ chồng có đạo và một bé gái 6 tuổi rất dễ thương đang học lớp một và theo lớp giáo lý khai tâm I ở giáo xứ. Cháu rất thích đi học giáo lý. Giữa hai vợ chồng đang có “vấn đề”. Người chồng “bận đi họp” bạn ở câu lạc bộ quần vợt, vợ đi làm ca ngày chúa nhật. Bé đang làm bài tập Anh văn (?!) vừa lúc mẹ về, tôi gạn hỏi, “sao sáng nay con không đi học giáo lý?” Mẹ cháu ào tới nựng yêu con và nhẹ nhàng đổ lỗi, “tại cháu chưa làm xong bài tập (học thêm anh văn)”. Bé hơi bối rối và ấp úng..

Tôi có thể hiểu được chị, vốn là một tân tòng, coi trọng cán cân “tương lai” của con thể hiện qua việc đầu tư học tiếng Anh cho con hơn buổi học giáo lý. Nhưng tôi phật ý vì sự đổ lỗi dù nhẹ nhàng nhưng lấp liếm của người lớn cho con trẻ trong khi chúng vô tội vì hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ: “tại cháu..” (“chứ không phải tại tôi..”). Mấy ai ý thức rằng chính lúc người mẹ trẻ kia nói và làm như thế, một mầm giá trị (hay phản giá trị) đang được gieo và nảy sinh trong mảnh đất tâm hồn đơn sơ của bé. Vấn đề ở đây không chỉ là cân nhắc giữa hai giá trị: học anh văn hay học giáo lý, hay sâu xa hơn, giữa tin hay không tin; mà còn là một động thái phản giáo dục đối với trẻ vì sự đổ lỗi thiếu chân thực của người mẹ được bày tỏ ra hết sức ngọt ngào. Dối trá trước mặt trẻ con dù thoảng nhẹ chẳng khác chi đâm vào trái tim thơ ngây của bé.

Thế đấy, có những hành động “giết người” vô tâm vô tình, không giết thân xác mà giết tâm hồn trong trắng của thọ tạo bé nhỏ Tạo Hóa đã phó giao vào tay mình! Giả trá ngọt ngào tác hại vô vàn lần hơn đánh con.

Mấy ai ý thức chính trên bàn ăn hằng ngày, bàn học ở nhà với cha hay mẹ ở kề bên, trước truyền hình với một chương trình hay cuốn phim giáo dục mà cả nhà cùng xem, hoặc giờ kinh chung, mà những giá trị nhân bản và kitô giáo dần dà đi sâu vào tâm hồn con trẻ theo năm tháng tăng trưởng.

2. Gia đình là trường học đầu tiên

a. Sự hình thành nhân cách đầu tiên là từ trong gia đình
Gia đình là thể chế xã hội đầu tiên góp phần quyết định vào sự hình thành nhân cách trẻ em, hay nói đúng hơn, vào sự hình thành cấu trúc nhân cách. Các nhà tâm lý học lớn của thế kỷ này (Piaget, Mead, Freud,…) đã chứng minh khá vững chắc điều đó. Ở phương Đông các nhà hiền triết cũng đặc biệt nhấn mạnh tới sự hình thành nhân cách từ thuở ấu thơ, thậm chí từ khi còn nằm trong bào thai (thai giáo).

Bởi thế, không thể có sự hình thành và phát triển nhân cách một cách đầy đủ và vững bền nếu không có một môi trường giáo dục gia đình thuận lợi. Gia đình là thể chế đầu tiên quan trọng nhất in dấu lên nhân cách đang hình thành vào lứa tuổi còn non dại, khi trẻ em chưa có ý thức rõ về điều đó. Những mối liên hệ của trẻ em với môi trường nguyên thuỷ này, đặc biệt với ba và mẹ, quyết định phương thức ứng xử, nhất là về mặt tình cảm, mà chúng sẽ trải qua sau này trong những mối liên hệ với các cá nhân khác. Một mối liên hệ tốt với ba mẹ, nhất là với mẹ, nếu được coi là "tốt”, sẽ đem lại cho chúng sự phấn chấn, tin cậy, lòng biết ơn và lòng hào hiệp sau này. Và nếu như mối liên hệ ấy bị trẻ coi là "xấu” thì sẽ khiến cho chúng lo sợ mất đi cái gì đang có, tạo ra nơi chúng sự bất an, ganh tức, nghi ngờ, thậm chí co mình lại kiểu tâm thần phân lập.

Thế nhưng, nhiều người lớn tuổi đang lo ngại trước sự sa sút nhân cách của một bộ phận ngày càng lớn trong các thế hệ đang lớn lên. Chỉ cần nhớ đến ổ ma túy và động lắc New Century ở Hà Nội với hơn một ngàn thanh thiếu niên bị hốt ở độ tuổi 17 đến 24 đang tuổi ăn học; hoặc vụ quán cá phê MGM ở Sài Gòn gần đây, công an đã hốt một trăm vị khách khoảng 14 đến 15 tuổi đang lắc điên cuồng, là đủ ngán ngẩm.

b. Gia đình phải là điểm tựa
Các bậc cha mẹ lo lắng và tỏ ra bất lực khi con cái sa vào các tệ nạn, họ than oán, chê trách ngành giáo dục, đổ lỗi cho nhà trường và các tổ chức đoàn thể. Các bậc phụ huynh không biết rằng do khoán trắng con cái cho nhà trường, cho thầy cô để dành thời gian lo toan cho cuộc sống cơm áo, chức quyền, tiền bạc nên họ phải trả giá. Đã đến lúc các bậc làm cha, làm mẹ cần phải tĩnh tâm để xem xét lại về vấn đề giáo dục con cái. Họ không ý thức rằng gia đình, nơi chứa đựng và nuôi dưỡng tình yêu thương nhiều nhất, làm điểm tựa cho nhân cách và tài năng của một con người. Nếu như cha mẹ cứ chạy theo đồng tiền, danh lợi mà quên mất những đứa con của họ, cứ nghĩ có tiền là có thể làm được tất cả, thì họ sẽ có những đứa con tật nguyền về tinh thần.Thế hệ @ đang bị chấn thương về đạo đức, căn bệnh nguy hiểm này cần được trị liệu bằng một môi trường giáo dục lành mạnh từ gia đình, sau đó là học đường và xã hội.

3. Gia đình là nơi chuyển giao các giá trị nhân văn và tôn giáo

Trong xã hội hôm nay, rất nhiều người lẫn lộn các giá trị: người ta bận tâm hàng đầu đến sức khoẻ thể chất và tâm lý, đến viễn ảnh tương lai con cái có thể vươn tới một vị trí nào đó trong xã hội, còn sự tăng trưởng của chúng từ góc nhìn luân lý, hay nói chung hơn từ góc nhìn nhân văn, có vẻ như là chuyện thứ yếu.

Trong gia đình con trẻ lớn lên đồng thời hấp thu giáo dục không chỉ bằng lời nói thuần túy của cha mẹ (hay của người lớn) chúng nghe lúc này lúc khác; nhưng nhất là khi chúng thấy lời nói của họ đi đôi với kinh nghiệm, lời dạy dỗ được củng cố bằng việc làm của cha mẹ, bằng một sự gắn kết chặt chẽ giữa nói và làm. Nguy hiểm lớn nhất của giáo dục không phải là thiếu nhất quán giữa ngôn và hành về mặt đạo đức, nhưng là thiếu nhất quán về mặt lý tưởng. Cha mẹ có cãi nhau, chia rẽ trầm trọng thì cùng lắm làm cho trẻ bị rối loạn tâm lý hay oán giận, nhưng không làm tổn hại trầm trọng đến lương tâm biết phán đoán của chúng. Thiếu nhất quán về luân lý còn có thể tha thứ được vì thân phận con người mỏng dòn, yếu đuối. Nhưng thiếu nhất quán về lý tưởng, nghĩa là nhìn nhận một chân lý nhưng rồi lại không sống hay đem áp dụng, không rút ra từ đó những tiêu chuẩn để sống, là dấu hiệu của một kẻ quá hời hợt, hay tệ hơn là dấu hiệu của một sự giả dối. Nếu ta nói trăm lần lời xin lỗi bởi thành thật công nhận sai lầm của mình đó vẫn không phải là dối trá. Nhưng nếu ta nói đây là chân lý mà thực tế lại hành động cách khác bởi theo những tiêu chuẩn khác như thể chân lý nằm ở chỗ kia, thì đó là ta phủ nhận sự thật, ta dối trá. Nói một đàng mà lòng gắn bó với một nẻo khác.

Luigi Giussani nói rằng nguy hiểm nghiêm trọng nhất trong giáo dục là dối trá[1] Giáo dục có nghĩa là làm phát triển ý thức nói chung và ý thức đạo đức nói riêng, tức lương tâm, của con trẻ. Điều đó có nghĩa là làm phát triển tình cảm đối với chính bản thân của trẻ khi chúng ý thức mình có trách nhiệm đối với ai đó lớn lao hơn mình. Làm triển nở trong con người đang thành người ấy một lý tưởng, một cái gì đó không phải ở trước mắt nhưng ở nơi rốt cùng của chân trời và vĩ đại hơn bản thân rất nhiều, bởi đó mà tất cả những gì ta làm ta không làm vì mình: đó là dẹp bỏ thói ích kỷ.

4. Gia đình kitô hữu là hội thánh tại gia

Đối với các kitô hữu, gia đình, ngoài việc đó là trường học đầu tiên định hình nhân cách, là nơi dạy các đức tính nhân bản và xã hội cần thiết nhất để làm người, còn là nơi con cái “nhận biết và thờ kính Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân theo đức tin chúng đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội”.[2]

Bởi thế, bước cơ bản đầu tiên của giáo dục kitô giáo phải lưu tâm đến môi trường giáo dục đầu tiên, không thể chuyển nhượng và không thể bị tiếm quyền là gia đình. Điều đó đã được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề cập đến trong thư chung như chủ đề sống đức tin cho toàn thể Dân Chúa ở Việt Nam cho những năm 2008-2010: “Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo hội ngày mai”.

“Gia đình là hội thánh tại gia, là trường học tự nhiên và căn bản trong nền giáo dục kitô giáo. Mọi thành viên của gia đình, ông bà, cha mẹ và các anh chị em sống đạo nhiệt thành làm thành truyền thống đức tin gia đình. Nơi đây đức tin được truyền thụ qua những lời cầu nguyện, lời nhủ bảo, đặc biệt trong những biến cố vui buồn của cuộc sống và qua những mẫu gương đức tin. Gia đình còn là “chiếc nôi của sự sống và tình yêu” giúp các phần tử gia đình cảm nghiệm tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa, đồng thời cũng giúp hình dung trước những mối tương quan liên vị trong xã hội”.[3]

Sứ mạng giáo dục đòi hỏi các cha mẹ kitô hữu phải biết giúp con cái của họ trưởng thành nhân cách dần dần theo nhãn quan kitô giáo và hội thánh. Gia đình chính là nơi chúng có kinh nghiệm đầu tiên về Hội thánh, về Thiên Chúa[4].

Đức thánh cha Gioan-Phaolô II, một chuyên viên về nhân học, ý thức hơn ai hết về sứ vụ cao cả của cha mẹ cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, nói rằng cha mẹ kitô hữu, nhờ gương sáng đời sống, phải là những sứ giả tiền hô loan báo tin mừng cho con cái mình. Hơn nữa, để khai tâm vào kitô giáo, nhờ cùng cầu nguyện với con cái, cùng đọc Lời Chúa với chúng, cha mẹ đưa con tháp nhập sâu xa vào Thân Mình của Đức Kitô, tức Thánh thể và Hội thánh. Như thế, họ trở nên cha mẹ với đầy đủ ý nghĩa, không chỉ ban cho con sự sống thể lý mà cả sự sống tuôn chảy từ thập giá và phục sinh của Chúa Kitô.[5]

Không có người cha hay người mẹ nào mà thực tế không làm công việc giáo dục[6] Bởi thế, trước hết cha mẹ là người cần tự giáo dục mình đầu tiên. Tôi nhớ đến một phát biểu của một nhà giáo dục nào đó: để giáo dục trước hết cần tự giáo dục[7]. Đúng hơn, hãy mở toang cánh cửa lòng để Thần Khí Chúa Kitô giáo dục ta trong cuộc sống.

 
[1] X. L. Giussani,Il Rischio educativo, SEI, Torino 1995, 145.Là vị sáng lập Phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng ở Ý, cựu giáo sư Nhập môn Thần học tại Đại học Công Giáo Sacro Cuore tại Milanô.
[2] CĐ Vaticanô II, Tuyên Ngôn Gravissimum Educationis (GE), số 3; Gioan-Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio (FC), số 37.
[3] HĐGM VN, Thư Chung 2007, số 28.
[4] GE, số 3.
[5] FC 39.
[6] L. Macario, Genitori: I rischi dell’educazione, SEI, Torino 1988, 11.
[7] L. Giussani, Il Rischio … cit., 141.