Giáo dục tình dục cho lớp trẻ: Trách nhiệm thuộc về ai?

Giáo dục tình dục cho lớp trẻ: Trách nhiệm thuộc về ai?

 

GIÁO DỤC TÌNH DỤC CHO LỚP TRẺ: TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI?
 
Trong một xã hội, giáo dục về tình dục có được đặt ra hay không phụ thuộc vào quan điểm của xã hội đó về sự cần thiết của nó đối với thế hệ trẻ.

LTS : Trong bài viết dài kỳ khởi đăng từ số báo này, TS. Khuất Thu Hồng, đồng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, cho biết chị không đặt mục tiêu thuyết giảng về tầm quan trọng của giáo dục tình dục hay đánh giá hiệu quả của nó, mà muốn phân tích về giáo dục tình dục ở Việt Nam thông qua câu chuyện của gần ba trăm người tham gia vào cuộc nghiên cứu của viện từ năm 2003.

Tác giả cũng sẽ cố gắng dựng lại những không gian, nơi các vấn đề khác nhau của tình dục được dạy, được thảo luận, được thể hiện và nhập tâm. Đó là gia đình, nhà trường, bạn bè và thế giới ảo mà cụ thể là sách báo, phim ảnh khiêu dâm và Internet.

Tác giả cũng không có ý định đưa ra những khuyến nghị rằng giáo dục tình dục phải như thế này hay thế khác mà hy vọng mỗi độc giả sẽ liên tưởng đến cách mà họ đã học hoặc đã dạy về tình dục và suy ngẫm lại xem những điều mà họ học được hoặc đã dạy có thực sự hiệu quả hay không, họ có muốn được học và muốn dạy theo một cách khác hay không, nếu có, thì cần phải làm gì.

Tiền Phong mong nhận được ý kiến đóng góp của độc giả xung quanh bài viết về một trong những vấn đề nóng bỏng của giới trẻ cũng như của toàn xã hội hiện nay. Thư từ góp ý, xin gửi qua đường bưu điện (Báo Tiền Phong -15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội) hoặc qua địa chỉ chuyenmuc@tienphong.vn Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

Kỳ I: Giáo dục trong gia đình: Ba không

Trong một xã hội, giáo dục về tình dục có được đặt ra hay không phụ thuộc vào quan điểm của xã hội đó về sự cần thiết của nó đối với thế hệ trẻ. Tuy nhiên, ngay cả khi được coi là cần thiết thì phương pháp và nội dung giáo dục tình dục lại phụ thuộc vào việc người lớn nhìn nhận như thế nào về tình dục nói chung và tình dục của trẻ em và vị thành niên nói riêng.

Chừng nào tình dục còn bị coi là nguy hiểm đối với đạo đức xã hội, là mối đe dọa đối với phẩm hạnh của phụ nữ, là sự mê hoặc khiến đàn ông bỏ bê sự nghiệp của mình, còn tình dục của trẻ em và vị thành niên thì bị phủ nhận hoặc bị coi là vô nghĩa hay lệch lạc, chừng đó giáo dục tình dục vẫn sẽ chỉ là cách để kiểm soát và đè nén tình dục.

Nếu tình dục không thể được thảo luận công khai và cởi mở thì giáo dục tình dục sẽ là né tránh, phiến diện, đe dọa và áp đặt. Trong trường hợp đó, giáo dục tình dục sẽ không dựa trên nhu cầu của thế hệ trẻ về kiến thức và kỹ năng liên quan đến tình dục.

Nỗi lo sợ của người lớn về trách nhiệm của họ (do những ám ảnh về sự nguy hiểm của tình dục) mới là nền tảng của nội dung giáo dục.

Những điều được dạy và cách dạy cho lớp trẻ chỉ phản ánh mối lo ngại của người lớn về tình dục của lớp trẻ chứ không phải là những điều lớp trẻ thực sự muốn biết. Lúc đó giáo dục tình dục sẽ chỉ còn là các bài thuyết giảng về đạo đức hơn là trang bị kiến thức và kỹ năng để lớp trẻ bước vào đời.

Cách giáo dục tình dục như vậy sẽ làm các em sợ hãi cảnh giác đối với tình dục, không giúp các em chuẩn bị một tâm thế để chờ đợi và mơ ước về một đời sống tình dục viên mãn. Nói một cách ngắn gọn hơn, đó là giáo dục tình dục vì lợi ích của người lớn hơn là vì lớp trẻ.

Ở Việt Nam, cho đến đầu thập kỷ 1990, giáo dục tình dục chưa bao giờ được đặt ra. Thời kỳ đó, giáo dục tình dục cho thanh thiếu niên bị coi là không cần thiết bởi một quan niệm đơn giản rằng chúng chưa cần có kiến thức về tình dục vì chúng chưa được phép. Tình dục chỉ được phép xảy ra trong hôn nhân giữa những người đã trưởng thành.

Mặt khác, tình dục không cần phải học, đến khi trưởng thành con người sẽ tự biết vì tình dục là bản năng tự nhiên. Hơn nữa, sự khắc nghiệt của chiến tranh trong những thập kỷ 1955-1975 cũng như những khó khăn của thời kỳ hậu chiến khiến tình dục trở nên mờ nhạt bên cạnh vấn đề sinh tử và cơm áo hàng ngày.
 
Giáo dục tình dục trong phần lớn các gia đình Việt Nam còn được xem là cấm kỵ
Sự thắng thế của những lo ngại về sức khỏe

Những thay đổi về kinh tế và xã hội từ khi đổi mới đã dẫn đến những thay đổi trong tình dục. Quan hệ tình dục trước hôn nhân và, đi kèm với nó, là vấn đề nạo phá thai của vị thành niên. Tiếp đó là sự bùng nổ của dịch HIV/AIDS buộc các thiết chế có trách nhiệm phải cân nhắc về giáo dục tình dục.

Những băn khoăn về đạo đức vẫn còn nhưng những lo ngại về sức khỏe đã thắng thế. Giáo dục tình dục bắt đầu manh nha dưới hình thức giáo dục sức khỏe gia đình hay kỹ năng sống. Tuy nhiên, các chương trình đó mới chỉ là thử nghiệm và chưa chứng tỏ được hiệu quả của chúng.

Hoàng Bá Thịnh, chuyên gia nghiên cứu về gia đình và giới, nhận xét, dù xã hội tỏ ra bức xúc trước các vấn đề sức khỏe sinh sản của nữ vị thành niên như quan hệ tình dục trước hôn nhân, kết hôn và sinh con sớm, việc giáo dục cho nữ vị thành niên về các vấn đề giới tính và quan hệ nam nữ vẫn không được chú ý.

Mặt khác, các chương trình đó vẫn hầu như chỉ đóng khung tình dục trong địa hạt sức khỏe cứ như là, ngoài các vấn đề sức khỏe, tình dục chẳng còn gì đáng nói nữa.

Không biết, không nên, không được

Con người học về cách ứng xử và thể hiện cảm xúc về tình dục trên cơ sở các quan niệm xã hội được thẩm thấu trước tiên vào môi trường gia đình. Vì thế cách ứng xử và dạy dỗ của cha mẹ rất quan trọng trong việc hình thành thái độ và nhận thức của mỗi chúng ta về thế giới nói chung và về tình dục nói riêng.

* “Bố mẹ em thì khó tính lắm. Thỉnh thoảng em có gì khó thì hỏi 1088. Có gì thắc mắc thì em thường hỏi 1088, dễ tâm sự. Hỏi ở nhà thường nhận câu “không biết”. Thông thường, tầm tuổi học sinh thì em cũng không thắc mắc nhiều. Thường, chuyện tình cảm thôi, em hỏi bạn bè. Còn 1088, em hỏi về chuyện tình cảm nam nữ”, Thế Hoàng, nam, 20 tuổi, sinh viên, Hà Nội.

* “Ví dụ như chuyện tình yêu thì lâu lâu em hỏi mẹ chút chút thôi thì mẹ nói con nít mà hỏi gì chuyện người lớn”, Tâm, nữ, 15 tuổi, học sinh, TPHCM.
Trong nghiên cứu của Susan Moore về tình dục trong vị thành niên tại Australia, nhiều em cho biết gia đình hoàn toàn không có ảnh hưởng gì đến những cảm nhận của chúng về tình dục hoặc cha mẹ né tránh giáo dục tình dục bằng cách cấm đoán, hạn chế và áp đặt các giá trị cũ.

Nhìn chung, giáo dục trẻ em và vị thành niên trong gia đình phụ thuộc vào mối quan hệ giữa người lớn với trẻ em và vị thành niên. Nếu đó là quan hệ bình đẳng, tôn trọng và thân thiết thì giáo dục nói chung và giáo dục về tình dục nói riêng sẽ là sự chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm một cách thẳng thắn và cởi mở.

Ngược lại nếu các thành viên phải tuân theo một tôn ty trật tự cứng nhắc thì giáo dục sẽ là ra lệnh, áp đặt, phê phán hay đàn áp hoặc né tránh.

Ở Việt Nam những gia đình tuân theo khuôn mẫu ứng xử nho giáo thường được coi là mẫu mực và được ca ngợi là nhà gia giáo. Trong các gia đình như vậy, tôn ty trật tự được đề cao, giáo dục thường dựa trên các tín điều nho giáo về đạo đức như tam cương, ngũ thường và tam tòng, tứ đức.

Giờ đây, kiểu gia đình như vậy không còn nhiều nhưng quan hệ theo kiểu tôn ty trật tự vẫn được duy trì trong nhiều gia đình Việt Nam. Ở đó các vấn đề nhạy cảm như tình dục hoàn toàn bị lảng tránh.

Hầu hết những người tham gia cuộc nghiên cứu này đều không đánh giá cao vai trò của gia đình trong giáo dục về tình dục đối với họ. Cách ứng xử thường gặp hơn cả của các bậc phụ huynh là né tránh. Không có sự khác biệt trong quan điểm của các bậc phụ huynh của cả bốn thế hệ.

Trả lời câu hỏi cha mẹ đã nói gì với họ về những thay đổi cơ thể khi họ ở trong độ tuổi dậy thì, rất ít người cho biết cha mẹ chủ động trao đổi với họ về những vấn đề đó. Hầu hết đều giữ im lặng, lảng tránh hoặc trì hoãn, thậm chí, từ chối giải đáp những thắc mắc của con cái.

TS. Khuất Thu Hồng (Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội)
(Tiền Phong)