Giáo dục lương tâm trong gia đình

Giáo dục lương tâm trong gia đình

 

GIÁO DỤC LƯƠNG TÂM
Trong đời đôi bạn và trong gia đình


SỰ ƯU VIỆT CỦA LƯƠNG TÂM
Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn

Trong những định hướng văn hóa mới, người ta thường nhắc tới tính ưu việt của lương tâm. Lương tâm có liên hệ với giá trị tuyệt đối của nhân vị và tiến trình thế tục hóa. Các trào lưu tư tưởng ngày nay, vốn đề cao tính nhân vị, nhắc nhớ các nhà giáo dục cách riêng cần phải tuyệt đối tôn trọng lương tâm con người. Lương tâm là tiếng nói tối thượng, xét về mặt chủ quan, vì thế tôn trọng lương tâm của một con người chính là tôn trọng nhân vị. Những phán đoán giá trị, đặc biệt là các giá trị đạo đức, và từ đó đi tới quyết định tự do, hình thành thành ở nơi sâu kín nhất của con người: lương tâm.

1. Để có một đời sống luân lý thật sự vấn đề không chỉ là biết ta phải làm gì, nhưng là làm sao để biết ta phải làm gì. Giải đáp cho câu hỏi này xuất phát từ lương tâm, yếu tố cấu thành cốt yếu của nội giới con người, là nơi con người đưa ra những quyết định, những chọn lựa luân lý, phán đoán điều tốt điều xấu. Lương tâm là nơi thiết yếu và không thể thay thế được của đời sống luân lý và con người không thể bất chấp tiếng nói lương tâm (thuộc chủ thể) để tìm ẩn nấp nơi quyền bính và lề luật (thuộc khách thể). Luật lệ không thể thay thế lương tâm. Vậy, quyền tối thượng định tính luân lý của mỗi hành động con người thuộc về lương tâm.[1]

2. Lương tâm, nơi sâu thẳm và thầm kín nhất của chúng ta, là thời gian của sự cô đơn của chúng ta, của trách nhiệm không thể thay thế được của chúng ta. Lương tâm dẫu cô đơn nhưng được nâng đỡ bởi sự hiện diện của Thánh Thần, Đấng không ngừng nói trong con tim của mỗi người. Lương tâm được nâng đỡ, hướng dẫn bởi những con người thế hệ đi trước và những người đồng thời đồng hành với mình cùng sống sao cho hợp tính nhân văn. Lương tâm học hỏi mọi sự, mọi người, nhưng không ai không gì có thể thay thế được lương tâm, lương tâm chịu đựng sự cằn cỗi để có được một đời sống luân lý đích thật, vốn chỉ có thể nảy sinh bởi sự tự do và trách nhiệm trong những chọn lựa. Lương tâm nghiêm túc là một người học trò khiêm tốn, nhưng luôn tự do.[2]

Lương tâm của con người trải qua một hành trình dài để hình thành nên. Con người không sinh ra với một lương tâm sẵn chín chắn. Lương tâm cần phải được giáo dục, được phát triển và không ngừng bị chất vấn[3]. Và nó có thể sai lầm để mà lớn lên và trưởng thành. Đúng hơn nó phải có khả năng sai lầm. Một số đôi vợ chồng diễn tả như thế này về lương tâm:
 
“Lương tâm được thành hình trước hết bằng cách tìm kiếm những động lực sâu  xa và ẩn khuất nhất của các hành vi của chúng ta, không sợ phát hiện ra những yếu đuối và những mâu thuẫn của mình; lương tâm cũng được thành hình bằng cách rút lui khỏi những chốn đông người và rút mình ra xa khỏi những giải đáp làm sẵn.”
 
“Lương tâm được đào luyện bằng cách biết hoài nghi những gì được xem là chắc chắn, những gì thuộc các ý thức hệ, để trở nên trần trụi không sẵn khuôn đúc, ý thức những yếu hèn và nghèo nàn của ta.”

Lương tâm trưởng thành là nền tảng cho khả năng hoạch định và định hướng có trách nhiệm cuộc sống riêng của mình, hướng những chọn lựa của riêng mình theo một kế hoạch, điều trở nên như là ý nghĩa và giá trị thống nhất của chúng.

Lương tâm trưởng thành như thế đem lại sự thống nhất cho con người, nhờ thế con người có khả năng phân biệt các giá trị xây dựng lương tâm với các phản giá trị làm băng hoại lương tâm.

3. Tất cả những điều ấy đúng cho mọi người, một cách đặc biệt đúng cho các kitô hữu. Theo nghĩa của Thánh kinh, lương tâm là trái tim của con người. Con người của đức tin không ngừng lắng nghe Lời Chúa nói trong tâm hồn mình và nhờ nghe mà con người tìm thấy được sự khôn ngoan để phân định giữa điều tốt và điều xấu: “Lời Chúa hứa lòng con ấp ủ, để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung” (Tv 119). Chính ở trong con tim “ăn năn”, “sám hối”, con tim “bằng thịt chứ không bằng đá”(G 27,6; Is 51,7; 57,15) Lời Chúa được gieo và trổ sinh hoa trái (Mt 13,19). Chính con tim là nơi gặp gỡ giữa Lời Chúa và linh hồn vâng phục lắng nghe. Trong con tim ấy Lời Chúa đến như một lời xét xử.

Trong Chúa Thánh Thần, Đấng lên tiếng trong con tim của mỗi người, nền tảng của hành vi luân lý là một quyết định nội tâm chứ không đơn giản chỉ biết trung thành đối với lề luật. Đó là lương tâm vượt trên lề luật, mọi lề luật (Mt 5-7). Đó chính là điều mà Đức Giêsu loan báo trong diễn từ trên núi. Đó chính là điều đã được hoàn tất với cuộc Vượt Qua của Người.

Thánh kinh nói với chúng ta rằng hạnh kiểm hay tư cách đạo đức của chúng ta có tốt hay không tốt là thuộc bề trong và được sửa soạn ở bề sâu rất riêng tư trong con tim của mỗi người. Thế nhưng, kinh nghiệm của mọi người đều cho thấy rằng con tim chúng ta là lưỡng diện, nó có thể dễ dàng sa đọa, hư hỏng (Mt 6,23tt; Lc 11,33). Do đó nó cần phải hoán cải liên tục; cần phải chú ý và tỉnh thức luôn để lương tâm của mình không bị hư hỏng hay bị mờ xỉn đi, nhưng được giữ mãi thức tỉnh và trong sáng, nhờ lắng nghe Lời Chúa, đọc lịch sử bản thân cũng như tập thể của mình; nhờ cầu nguyện và suy niệm; lưu tâm đến những chỉ dẫn của Huấn quyền; mở ngỏ với nghiên cứu thần học và đối thoại với những anh em khác.

4. Riêng về sự trưởng thành lương tâm của đôi vợ chồng, cần có sự đóng góp cá nhân và có trách nhiệm của mỗi người phối ngẫu, mỗi người cần lưu tâm lắng nghe tiếng nói lương tâm của người kia, mà không từ chối cũng không khinh thị, trái lại phải biết giúp cho lương tâm của người kia trưởng thành và biểu lộ ra; đến độ sao cho lương tâm hai người có thể cùng cởi mở gặp nhau trong một lương tâm duy nhất của cả đôi bạn. Điều đó đôi khi cần phải thể hiện ra trong những dấn thân chọn lựa chung.

Qua những chứng từ của các đôi vợ chồng người ta nhận thấy rằng: cùng những vấn đề trầm trọng nếu được nối kết với một tình phụ tử và mẫu tử tận tụy và có trách nhiệm, biết đối xử minh bạch và biết ngồi lại với nhau nói chuyện thẳng thắn về những nghi ngờ trong đời sống luân lý vợ chồng là những yếu tố tốt đẹp thúc đẩy quá trình trưởng thành lương tâm của từng người cũng như của chung đôi bạn; hướng tới khả năng biết phân định thiêng liêng.

5. Trong giáo dục con cái, nhiều cha mẹ thường có một khái niệm quá đơn giản về lương tâm. Họ tưởng rằng để có một hành vi do lương tâm, mỗi người chỉ cần dừng lại xem xét kỹ lưỡng vấn đề và từ đó tìm giải đáp. Họ nghĩ rằng ai cũng có khả năng bẩm sinh tự nhiên để hiểu cái gì là tốt và cái gì là xấu, và cũng có sức mạnh để chuyển hóa sự lượng giá đó thành hành động thái độ thích ứng. Thực tế kinh nghiệm cho thấy con người khi hành động gặp hai nỗi khó khăn lớn:
  • Về sự hiểu biết: không dễ dàng xác định cái gì là tốt trong hoàn cảnh cụ thể “này”, ngay cả khi ta đã rõ các nguyên tắc;
  • Về hành động: không phải lúc nào ta cũng có thể bắt tay hành động điều ta đã phán đoán là tốt.
Hành động theo lương tâm là kết quả cuối cùng của một loạt các hoạt động có liên hệ đến mọi tài năng (suy nghĩ, ý chí,…) và giả thiết phải có một sự giáo dục chung về nhân vị. Do đó, lương tâm phải:
  • được huấn luyện, trong liên hệ với khả năng định giá và hành động về mặt luân lý, điều đó có nghĩa là ý thức mình sai lầm khi xét đoán sai giá trị một sự vật.
  • chắc chắn, khi phán đoán một chọn lựa là thực sự tốt.
  • đúng đắn, liên quan đến những đòi hỏi đích thật của nhân vị.
Trong hoàn cảnh nào, lương tâm cũng cần thời gian để được tăng trưởng và chín muồi. Muốn thế, giáo dục cần thỏa mãn những điều kiện sau đây:

1) nhận thức những giá trị luân lý mà con người muốn hướng tới. Dạy một cô gái hay cậu con trai biết hành động theo lương tâm có nghĩa là giúp cô/cậu chọn lựa một điều tốt cụ thể “tại đây và lúc này” thể hiện giá trị mà con người ấy muốn sống, đồng thời có xét đến kế hoạch sống tổng quát mà người ta muốn thực hiện;

2) yêu mến sự thiện. Phải lo liệu sao cho con cái có những phẩm chất nội tâm (nếu một người không tốt bên trong, sẽ khó mà thấy có được những điều tốt bên ngoài);

3) khả năng phân định. Khả năng này không bởi trực giác, nhưng là kết quả của một tiến trình dài lâu trải qua các bước cụ thể sau đây:
- phân tích hiện tại, nghĩa là phân tích kỹ càng sự kiện trong từng yếu tố cốt yếu và hoàn cảnh lịch sử của nó;
- kinh nghiệm, nghĩa là nhớ lại những gì đã sống đã trải qua để biết rút ra những bài học cho hiện tại và cho tương lai;
- dự liệu tương lai: không một chọn lựa cụ thể nào chỉ là cho hiện tại, nhưng cũng là một phần cuộc sống dự phần vào kế hoạch mà ta muốn thực hiện. Mỗi chọn lựa cần phải được xét đến những hiệu quả của nó trên cá nhân và trên cộng đoàn nói chung, cũng như những hậu quả có thể sẽ xảy đến trong tương lai.

Gia đình là nhân tố chủ chốt ảnh hưởng mạnh mẽ trên cuộc sống, cũng như việc đào luyện lương tâm một cá nhân. Chính gia đình hướng dẫn cuộc tiếp xúc đầu tiên của trẻ với thế giới, với cuộc đời, từ đó có ấn tượng đầu tiên về cuộc sống, từ đó xác định những thái độ nền tảng nơi trẻ, như sự tin tưởng hay ngờ vực, sự an toàn hay lo lắng, sự thành thật hay giả dối… Chính gia đình đặt dấu ấn đầu tiên của ý thức đạo đức hay lương tâm của trẻ và định hướng những chọn lựa xử thế. Chính gia đình khắc ghi sâu đậm trên sự hình thành thang giá trị trong cuộc sống. Ít là cho đến một độ tuổi nào đó, con cái xem là tốt (hay là xấu) điều cha mẹ chúng muốn (hay ghét). Và điều đó không chỉ do cha mẹ chúng nói ra minh nhiên, nhưng còn do những gì họ cho phép mặc nhiên và những gì cha mẹ chúng sống cách rõ rệt như là giá trị (hay phản giá trị).


[1] “Con người, vốn được mời gọi sống kế hoạch khôn ngoan và yêu thương của Thiên Chúa một cách có trách nhiệm, là một hữu thể lịch sử, xây dựng chính mình từ ngày này qua ngày khác qua vô số những lựa chọn tự do của mình. Bởi đó con người nhận biết, yêu mến và thi hành điều tốt luân lý theo từng giai đoạn tăng trưởng. Các đôi vợ chồng, trong lãnh vực luân lý, cũng được mời gọi tiến bước không ngừng, được nâng đỡ bởi khát vọng chân thành và tích cực luôn nhận thức đúng đắn hơn những giá trị mà thiên luật bảo vệ và khơi dậy và bởi ý muốn ngay chính và quảng đại đưa những giá trị ấy hội nhập vào những chọn lựa cụ thể của họ” (Đức Gioan-Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, s.34). Về đề tài lương tâm độc giả nên tham khảo thêm các báo cáo của những nhà thần học như G. Piana e C. Molari tại hội nghị của E.N.D. về Huấn luyện lương tâm (Formazione della coscienza) (Valdragone, 1983); B. Maggioni, D. Mongillo ed altri, La coscienza cristiana, Atti del Convegno dei moralisti italiani, EDB, 1979; I. Bonetti, La coscienza e il Magistero, in Il Regno, n.6, 1989, 1965.
[2] E. Peyreti, Il primato della coscienza, in “Rocca” del 1.5.1989, n. 52.
[3] “Giáo dục Kitô Giáo còn nhấn mạnh việc huấn luyện lương tâm: Huấn luyện lương tâm không chỉ là giảng dạy cho nhau những mệnh lệnh của hệ thống luật luân lý nhưng còn là tập cho nhau hồn nhiên lắng nghe lòng mình phán đoán thiện ác” (Thư Chung HĐGMVN 2007, s.36).