Dưỡng Nhi

 

DƯỠNG NHI
 
Trong cuộc sống lứa đôi, bên cạnh việc nuôi dưỡng tình yêu để vợ chồng được hạnh phúc và bền vững, đôi bạn còn phải học hiểu cách nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Trong phạm vi của chương trình Chuẩn bị Hôn nhân, cụ thể trongbài này, chúng tôi đề cập đến việc DƯỠNG NHI, với những điểm tóm lược xem là cần thiết và thực tế cho các bậc làm cha mẹ.

I. BÉ CHÀO ĐỜI
Khi đứa bé chào đời phổi mới bắt đầu hoạt động. Khí trời vào làm phổi nở ra đổi tỷ trọng.

1.   Sức nặng:

Thường thì đứa bé mới sinh cân nặng từ 2,8kg đến 3,5kg sẽ bị sụt khoảng 1/10 cân lượng trong tuần lễ đầu (200gr đến 300 gr). Điều này vô hại, sau đó sẽ lên cân đều, trung bình trong 6 tháng đầu: từ 20 đến 30gr; trong 6 tháng sau: từ 10 đến 15gr/tuần.

Đối với các trẻ con có sức khỏe đầy đủ thì đến 4-5 tháng, sức nặng phải tăng lên gấp 2, đến 12 tháng, tăng lên gấp 3; 24 tháng (2 tuổi), tăng lên gấp 4.

2. Tầm vóc:

Lúc mới sanh, dài khoảng          50cm
5 tháng,                                           65cm
12 tháng,                                         75cm
24 tháng,                                         85cm

3. Mọc răng:

Bắt đầu từ 6 đến 8 tháng, mọc 2 răng cửa hàm dưới trước. Thường đến 12 tháng: 8 răng. 24 tháng: 16 răng (8 răng cửa, 4 răng hàm ngoài, 4 răng nanh). Đến 30 tháng: đủ 20 răng sữa. Các răng này giữ đến 6 tuổi.

4. Sự phát triển cơ năng trí tu

Trong tháng đầu tiên, trẻ sơ sinh chỉ có một sinh hoạt duy nhất là bú và ngủ, nhưng dần dần em sẽ biết đến sự vật chung quanh. Khi mới sinh ra đã có phản ứng về nhãn quang tức là chớp mắt khi có ánh sáng chiếu vào mặt nhưng không trông thấy gì. Dần dần sẽ biết ngó theo một chiều hướng và ngoáy đầu nhìn theo nơi có ánh sáng, màu sắc hay tiếng động. Đó là do sự phát triển về cơ năng trí tuệ. Chúng ta cũng cần biết khái quát sự phát triển này theo một đứa trẻ bình thường để theo dõi, so sánh với con chúng ta hầu có thể trông nom chu đáo cho chúng kể cả hai phương diện sức khỏe và trí tuệ.

Năm đầu tiên:

1,5 tháng- 2 tháng          : Biết mỉm cười nhìn ra sáng
3- 4 tháng                         : Đầu cổ vững, biết lật
4,5 tháng- 5 tháng          : Cười ra tiếng, chơi với hai bàn tay. Trườn về phía có đồ chơi.
6 tháng                             : Biết người lạ.
8- 9 tháng                        : Biết ngồi. Nắm được đồ chơi, sang tay.
10 tháng                          : Biết bò. Sử dụng cả hai tay. Có thể biết giơ tay mừng hoặc bái bai.
12 tháng                          : Tập đi. Sử dụng hai ngón tay cái và trỏ. Bập bẹ: Ba, Bà, Ma.

Năm thứ hai :

14-18 tháng : Đứng vững. Tập đi. Ăn như trẻ lớn. Tiêu tiểu có chừng.
18-24 tháng : Ngồi chồm hổm rồi tự đứng dậy. Bò nấc thang. Nói từng câu.

Năm thứ ba :

Chạy giỏi. Bước lên bậc thang. Có thể thuộc vài bài hát, câu hát.

5. Vệ sinh và phòng ngừa bệnh tật

Muốn trẻ con có đầy đủ sức khỏe, mau lớn thông minh, thì phải nuôi dưỡng cho kỹ lưỡng, ăn uống có đầy đủ chất bổ, đủ sinh tố và có vệ sinh.

a)   Vệ sinh cơ thể:

+ Săn sóc rốn: Khi bé mới sanh, tránh nhiễm độc ở rốn tốt nhất là bà mẹ nên ở lại nhà hộ sinh vài ngày để có người chăm sóc cả mẹ lẫn con. Rốn rụng khoảng ngày thứ 7 đến ngày thứ 12.

+ Cách băng rốn : Khi rốn chưa rụng, phải có :
-       Vải ga hay gòn hấp (tiệt trùng).
-       Thuốc đỏ hoặc Teinture d’iode để thoa nơi cuống rốn chưa rụng.

+ Tắm rửa: Khi cuống rốn rụng và nơi rốn khô hẳn mới được nhúng em bé vào nước :
-       Tắm bằng nước ấm mỗi ngày.
-       Tắm vào khoảng 9 giờ trước cữ bú thứ hai trong ngày.
-       Lau mỗi mắt bằng một miếng bông gòn thấm nước chín để nguội.
-       Lau tai, mũi.

b)   Vệ sinh quần áo:
+ Phải có ít nhất 6 cái áo vải mỏng rút mồ hôi để thay đổi. Mỗi ngày ít nhất thay 2 áo.
+ 5,6 tháng đầu dùng tã lót. Tã lót may theo hình vuông, hình tam giác hay hình chữ T.
+ Phải để vải hoặc tã lót lưng lửng tránh bé tiểu ướt có thể bị cảm lạnh hoặc da bị nổi sảy.
+ Quần áo, tã lót dơ phải giặt mỗi ngày và phơi nơi có ánh nắng.

c)   Vệ sinh thực phẩm : Quan trọng vào bậc nhất.

Dùng thức ăn có vệ sinh, đúng giờ giấc, đúng phẩm lượng.

Bên cạnh những bệnh viện với kỹ thuật cao hiện nay, kiến thức của các bà mẹ về chăm sóc sức khỏe trẻ em cũng giúp đẩy lùi bệnh tật và tử vong nơi cộng đồng rất nhiều.

II. CHĂM SÓC SỨC KHỎE BAN ĐẦU

Sau đây là các biện pháp chăm sóc sức khỏe ban đầu ở trẻ em cơ bản nhất. Kỹ thuật GOBIF hay theo Việt Nam là BUSĂC, là 5 chữ đâu của 5 biện pháp sau:

1/ Biểu đồ tăng trưởng:

Giúp theo dõi phần đang lớn và phát triển của trẻ, cụ thể là cân nặng. Nhờ biểu đồ tăng trưởng, ta có thể phát hiện sớm tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ để điều chỉnh cách nuôi dạy con. Theo dõi cân nặng của trẻ mỗi tháng trong năm đầu tiên, sau đó từng 3 tháng một. Kết quả không chỉ dựa vào cân nặng ở từng thời điểm mà phải chú ý đến dạng biểu đồ tăng trưởng của trẻ.

- Nguyên tắc: Trẻ khỏe mạnh sẽ lên cân đều hàng tháng. Trẻ không lên cân hoặc giảm trọng lượng là tình trạng báo động, cần can thiệp ngay.

- Cách sử dụng: Cân định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý rồi ghi vào phiếu. Sử dụng cân loại nào cũng được nhưng nên sử dụng một cái cân đó cho mỗi lần cân bé.

- Đọc kết quả: Theo biểu đồ.

* Hướng đi lên : Trẻ tăng trưởng tốt.

* Hướng đi ngang : Tăng trưởng chưa tốt, xấu.

* Hướng đi xuống : Trẻ có chiều hướng suy dinh dưỡng, rất xấu, nguy hiểm.

2/ Uống bù nước khi tiêu chảy:

Tuy tiêu chảy là bệnh thông thường nhưng gây tử vong rất cao nơi trẻ em. Để tránh tử vong, ta theo các bước sau:

- Uống bù nước đã mất do cơ thể thải ra. Uống ngay, uống sớm từ lần tiêu chảy đầu tiên.

- Uống nước chín, nước trái cây, nước cháo gạo rang (một nắm gạo nấu trong 1 lít nước, thêm một chút muối).

- Uống dung dịch Orésol. Một gói pha trong 1 lít nước chín để nguội (quá 24 tiếng đồng hồ thì bỏ đi). Hoặc uống dung dịch muối đường: 1 muỗng cà phê muối (gạt ngang)+8 muỗng đường pha trong 1 lít nước chín.

Lưu ý:

- Đa số tiêu chảy là do siêu vi (70%) nên tự khỏi không cần dùng kháng sinh. Nếu dùng phải có chỉ định của bác sĩ.

- Vẫn tiếp tục cho ăn vì cơ thể vẫn hấp thu 60% thức ăn. Cần ăn thức ăn dễ tiêu, nấu chín, hợp vệ sinh.

- Trẻ bú mẹ đi tiêu ngày 5,7 lần là bình thường, không được ngưng sữa mẹ. Mẹ cần ăn uống hợp vệ sinh.

- Dung dịch muối đường giúp trẻ phục hồi thể trạng, tránh mất nước gây tử vong chứ không chữa bệnh tiêu chảy.

3/ Sữa mẹ:

Sữa mẹ rất tốt cho bé, nhất là những giọt sữa non đầu tiên khi bé vừa chào đời, có rất nhiều kháng thể giúp trẻ chống các mầm bệnh. Sữa mẹ có nhiều vitamin A, ít mỡ, giúp bé tiêu hóa tốt, da đẹp, tóc tốt; nhiều protid phù hợp với bé. Nguyên tắc: cho bú càng sớm càng tốt, chậm nhất là 4 giờ sau khi sinh. Bú càng nhiều càng tốt, theo nhu cầu của trẻ, không giới hạn số lần, có thể từ 10-15 lần/ngày. Bú mẹ càng lâu càng tốt, ít nhất là 6 tháng, lâu nhất là 2 năm, thường là 12 tháng. Không ngưng bú mẹ khi tiêu chảy.

Nuôi con bằng sữa me: Tốt nhất cho trẻ sơ sinh đến 6 tháng. Sau đó phải cho ăn thêm rau cải (khoai tây, cà rốt, đậu, cải bắp…) nấu chín và xay nhuyễn. Ăn thêm thịt, cá, trứng. Mẹ phải ăn uống đầy đủ chất bổ dưỡng. Cữ thịt rừng và các chất kích thích. Lưu ý mỗi lần cho bé bú, mẹ phải lau rửa bầu vú bằng khăn sạch.

Nếu ít sữa hoặc mất sữa, phải nuôi con bằng sữa ngoài:

-       Đọc kỹ cách pha sữa theo chỉ dẫn
-       Pha bằng nước ấm (chín). Nước sôi sẽ làm mất một số khoáng chất.
-       Phải tuyệt đối giữ vệ sinh khi pha sữa. Rửa và lau tay bằng khăn sạch
-       Rửa bình sữa, núm vú sạch sau khi bú xong và ngâm trong nước sôi 5 phút.
-       Cách cho bú bình:

+ Không để bé nằm khi bú, tránh tuột núm vú, sặc sữa, bú hơi khó tiêu. Ẵm trên tay để đầu bé hơi cao, bình sữa nghiêng vừa để sữa xuống đều.

+ Thử nhiệt độ cho vừa bú: nhỏ vài giọt trên da tay, tuyệt đối không kê miệng mút thử.

+ Nên tập cho bé bú đúng giờ, cách khoảng 3 tiếng.

4/ Ăn dặm:

+ Tháng thứ ba bắt đầu cho uống vài muỗng nước cam pha đường.
+ 3,5 tháng- 4 tháng: (trên thị trường có bán nhiều loại bột ăn dặm do Việt Nam sản xuất khá tốt. Hãy theo chỉ dẫn của từng loại bột).

Cân đối đủ 4 nhóm trong thành phần ăn dặm:
-       Bột (61%): giúp trẻ vận động tốt.
-       Đạm (12%): gồm đậu, cá, trứng, tôm cua.
-       Béo, dầu mỡ (27%): tăng năng lượng cho việc vận động.
-       Rau xanh, vitamin, muối khoáng… : hoàn thiện chức năng bảo vệ.

+ Có thể nấu bột với nước rau, cho ăn thêm trái cây chín (chuối, đu đủ…).
+ Tháng thứ 5 có thể cho ăn thêm lòng đỏ trứng gà (chín) nghiền trong bột (cháo). Tuần ăn một trứng (trứng phải bảo đảm).

Ăn đúng thời điểm, trễ thì thiếu chất, sớm thì không tốt cho tiêu hóa. Ăn từ ít sang nhiều, từ lỏng sang đặc. Nhớ thêm dầu ăn vào thực phẩm vì dầu ăn có năng lượng cao và giúp tiêu hóa vitamin A (1g dầu = 9calo).

5/ Chích ngừa:

Trẻ em có bệnh hay không phần lớn do nơi người mẹ và những người có bổn phận chăm sóc bé. Ngoài việc cho trẻ ăn thích hợp với cơ thể, giữ cho sạch sẽ, nghỉ ngơi có giờ giấc để trẻ khỏe mạnh có thể chống chọi với các loại vi trùng. Chúng ta còn phải nhớ một điều quan trọng: CHỦNG NGỪA. Cha mẹ phải theo dõi và nh lịch chích ngừa trẻ.

Cho trẻ tiêm chủng đử 7 loại bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay: lao, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, sởi (ban đỏ) và viêm gan siêu vi B (trẻ dưới 1 tuổi).

Tuần lễ đầu: lao (BCG).
Tháng thứ 3: bạch hầu, uốn ván, ho gà (DTC).
Tháng thứ 4: chích lần thứ 2.
Tháng thứ 5: chích lần thứ 3.
Tháng thứ 6: đậu mùa, bại liệt (SABIN) lần thứ nhất.
Tháng thứ 7: bại liệt lần thứ 2.
Tháng thứ 8: bại liệt lần thứ 3.
Tháng thứ 15: chích ngừa lại

Nguyên tắc: Tiêm theo lịch hẹn, nếu bị gián đoạn vẫn tiếp tục tiêm. Phản ứng phụ nếu có không đáng lo ngại. Trẻ đang sốt nhẹ, ho, cảm, tiêu chảy vẫn tiêm được. Trẻ suy dinh dưỡng vẫn phải tiêm.

KẾT LUẬN:

Trẻ nhỏ không những chỉ cần không khí để thở, sữa để uống mà còn cần tình yêu thương và sự yên ổn của gia đình (Vitamin Y) để trẻ được phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần.

Với các bạn đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa hôn nhân, các bạn cũng phải chuẩn bị cho mình một kiến thức và một trái tim có trách nhiệm trong việc nuôi dạy con cái.

Gv. TRẦN THỊ KIM DANH