Đường đến trường: Xưa và Nay

Đường đến trường: Xưa và Nay

 

ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG: XƯA VÀ NAY

(Bài viết này xin kính tặng đặc biệt cho Các Nhà Giáo Dục và Quý Phụ Huynh, trước ngày khai giảng năm học 2010 -2011)

Đồng hành với các sự kiện lớn của xã hội và Giáo Hội, Chương Trình Chuyên Đề Cuối Tuần đã cố gắng trong việc thiết kế các đề tài mang tính thời cuộc, nhằm tạo điều kiện trang bị kiến thức, và cơ hội để khán giả giao lưu, chia sẻ với các nhà chuyên môn giỏi, trong những lãnh vực mà họ được mời đảm trách.

Khai giảng năm học mới, là một sự kiện lớn của xã hội luôn diễn ra vào những ngày đầu của tháng 9 hằng năm. Thị trường sách giáo khoa, dụng cụ học tập, đồng phục, laptop,…. đồng loạt đưa ra những chương trình chào mời khách hàng, với những sản phẩm đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Đây cũng mùa đem lại nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh có con em đến trường, dù chúng thuộc lứa tuổi hay cấp học nào.

Chiều thứ 7 ngày 28.08.2010 vừa qua, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận TP.HCM, Chương Trình Chuyên Đề đã tổ chức buổi nói chuyện của Ths xã hội học Antôn Trần Đình Dũng với đề tài “Mùa tựu trường – Nỗi lo lại đến”. Đây là một bài nói chuyện xuất sắc, mà diễn giả đã nói bằng cái nhìn của một nhà chuyên môn, bằng trải nghiệm thực tế và trái tim đầy ưu tư của một người làm cha.

Ở mọi thời đại, cho con cái ăn học thành tài là ao ước của tất cả các bậc phụ huynh. Mọi sự nghiệp cá nhân và những thành tựu đóng góp cho xã hội, hầu như đều khởi đầu từ những con chữ ê a.

Xã hội thay đổi, đồng tiền trượt giá, tỉ lệ lạm phát tăng cao… là một số nguyên nhân làm cho chi phí học tập có khuynh hướng ngày càng leo thang và đa dạng hơn xưa về danh mục. Có những loại tiền mang tên “bồi dưỡng”, “quà tặng” trong các dịp lễ, tết…không nằm trong bảng chi thu của trường, nhưng nằm trong những chiếc phong bì nho nhỏ… Nỗi lo lắng sợ thầy cô ghét, đì con cái mình, khiến nhiều bậc phụ huynh tiếp tay cho nạn tham nhũng, hối lộ vốn là một tệ nạn xã hội dai dẳng và nhức nhối. Thời xưa, biếu thầy, tặng cô dăm ba trái cây, vài con cá vẫn là chuyện bình thường trong cái nghĩa biết ơn và lòng kính trọng. Ngày nay, giá trị quà tặng lớn hơn, cường độ nhiều hơn, nhưng cũng nhạt nhẽo hơn về lòng kính trọng và sự biết ơn. Đây vừa là một nỗi đau trong đạo lý “tôn sư trọng đạo” truyền thống của người Việt Nam, vừa là một nỗi hỗ thẹn không của riêng những người làm công tác giáo dục!

Chương trình học còn bất cập, mang tính nhồi nhét, nặng nề và có vẻ như người ta có tham vọng đào tạo ra những “trí thức lớn” cho thời đại. Nhiều bậc phụ huynh chỉ biết đau lòng nhìn con em mình ngụp lặn, phờ phạc trong sự học, với những giờ học chính khoá, học phụ đạo, học thêm…

Việc cải cách sách giáo khoa liên tục trong nhiều năm, nhưng chất lượng vẫn chưa phù hợp đã gây tổn thất tiền tỷ cho xã hội.

Các kỳ thi cử cam go ngày nay tạo nhiều áp lực hơn cho học sinh, nhưng lại mất đi tính mục đích của nó. Hiện tượng quay cóp, gian lận trong thi cử thời nào cũng có, nhưng thời nay còn có thêm chợ luận văn, chợ phao... tạo nên kết quả ảo cho nền giáo dục. Nghiêm trọng hơn nữa, cùng với bệnh thành tích, bằng giả, nó dạy cho thế hệ trẻ sự dối trá và coi thường kỷ cương, làm ảnh hưởng lâu dài đến tương lai của dân tộc và đất nước. 

Khả năng nói dối của trẻ ngày càng cao, tinh vi và thường xuyên như một thói quen hằng ngày, là một trong những điều gây đau đầu và lo lắng nhất hiện nay. 

Chuyện chạy trường, chạy lớp cũng là một căn bệnh trầm kha của thời hiện đại.

Niềm vui hứng đến trường ngày xưa, nay được thay bằng gánh nặng áp lực tâm lý và kỳ vọng mà cha mẹ đặt để trên đôi vai của con cái mình. Hơn thua, ganh đua, ép con cái học để chúng “bằng bạn bằng bè”, “bằng con hàng xóm” là cách suy nghĩ và hành xử mà cha mẹ làm tăng thêm sự mệt mỏi, căng thẳng cho con cái mình. Đồng thời cũng tước đoạt của chúng niềm vui thú chính đáng của tuổi thơ.

Con đường đến trường xưa và nay cũng khác xa nhiều, bởi con người hiện đại sống nhanh hơn, vội hơn và ham mê tốc độ hơn. Nhiều bậc làm cha làm mẹ nơm nớp lo lắng trong lòng, khi buộc cho con tham gia giao thông để đến trường. Nỗi lo sợ đó dường như gia tăng theo chiếc kim đồng hồ, mỗi khi con cái đi học về trễ. Sự thiếu tôn trọng luật đi đường, phóng nhanh, vượt đèn đỏ, lạng lách, đường xá chen lấn đông đúc,… tất cả đều chứa những hiểm nguy rình rập khó lường. Bên cạnh đó, những bất ổn trong xã hội như tệ nạn bắt cóc trẻ em, ma tuý,… luôn luôn là mối đe doạ khủng khiếp.

Trường học vốn là môi trường mang tính xã hội đầu tiên mà trẻ tiếp xúc, học cách hoà nhập, phát triển các mối tương quan với người khác, tiếp nhận tri thức và xây dựng nhân cách của mình. Ngoài những chức năng trên, học đường ngày nay còn là nơi chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn, khiến các bậc phụ huynh luôn lo lắng, sợ hãi và đau lòng. Các tệ nạn bắt nạt, gây hấn, hành hung,…giữa các học sinh với nhau là những cơn sóng ngầm trong môi trường sư phạm, thỉnh thoảng dấy lên và gia tăng về mức độ nguy hiểm, tính côn đồ, đôi khi gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được về nhân phẩm và tính mạng. Bạo lực học đường ngày nay còn phải kể đến như là một “sân chơi” không dành riêng cho nam sinh. “Bạo lực tóc dài” đang làm tổn thương đến nét đẹp và nhân cách của phái nữ. Nghiêm trọng hơn, nó còn chứa đựng mầm móng bạo hành của thế hệ tiếp theo, khi những nữ sinh này trở thành người vợ, người mẹ trong tương lai. Các nhà chuyên môn khẳng định rằng những sản phẩm độc hại của xã hội thời hiện đại như các trang web đen, các trò chơi đấm đá, phim ảnh bạo lực,… có ảnh hưởng tiêu cực mạnh mẽ đến nhận thức và cách hành xử của con người, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Xưa, chuyện học sinh va chạm, đánh nhau dường như có lý do rõ ràng, có giới hạn và mang tính cá nhân hơn. Nay, chỉ vì một cái nhìn đểu đã có thể dẫn đến chuyện đâm chết nhau hay xảy ra các trận đánh “hội đồng”. Một điều đặc biệt không hề có ở thời xưa là chuyện những mâu thuẫn trong thế giới ảo, “ân oán giang hồ” trong thế giới online, được học sinh ngày nay sử dụng sức mạnh cơ bắp để giải quyết trong thế giới thực tại và gây ra không ít những thảm kịch đau lòng.

Một góc cạnh khác của bạo lực học đường là việc thầy cô thẳng tay đánh đập, bạt tay, phạt học sinh hít đất, thụt dầu,…. Xưa, vẫn có chuyện thầy cô đánh trò vài ba cây roi, nhưng mang tính răn đe, dạy dỗ. Nay, một vài cách thức thầy cô xử phạt học sinh mang nặng mùi bạo lực, “giận cá chém thớt” và thoả mãn nhu cầu giải toả ức chế cá nhân. 

Với một buổi đến trường, con người thời xưa có nhiều thời gian sống dưới mái nhà của mình. Nhịp sống xã hội đổi thay, chương trình học cồng kềnh, ngày 2 buổi đến trường dường như đang dần dà đẩy con em chúng ta ra ngoài xã hội nhiều hơn, và phần nào làm lỏng lẻo đi mối dây tương quan gắn bó giữa chúng với những người thân trong gia đình. Chế độ bán trú, nội trú khiến không ít phụ huynh lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm hay đau lòng chuyện con cái bị bắt ép ăn những món không thuộc khẩu vị. 

Thời đại đổi thay, nhưng cơ sở vật chất của trường vẫn luôn là đề tài được bàn đến trên các loại phương tiện truyền thông: những lớp học già cỗi; những phòng thí nghiệm trang bị sơ xài, lạc hậu; những nhà vệ sinh cũ kỹ, dơ bẩn- nỗi ám ảnh của nhiều học sinh; cặp sách quá nặng; độ cao của bàn ghế không đúng quy chuấn và lứa tuổi; âm thanh, ánh sáng không hợp chuẩn của lớp học …. Tất cả những điều này gây ra các bệnh cận thị, vẹo cột sống, suy thận (do nhịn vệ sinh), mệt mỏi,…Ngoài ra, sự quá tải về số lượng học sinh; không gian chật hẹp, sân chơi hạn chế làm cho học sinh thiếu vận động thể chất, gây bệnh mập phì, tiểu đường,..

Chạy theo lợi nhuận, thiếu đạo đức trong kinh doanh, nhiều nhà sản xuất thời nay đã cho ra đời những sản phẩm tiêu dùng mang mầm độc hại, bệnh tật hay tăng trưởng bất thường. Với thực phẩm và chế độ ăn uống ngày nay, trẻ dậy thì sớm hơn nhiều so với trước kia. Sự khập khiễng giữa phát triển thể lý và tâm lý là một trong những mối lo ngại của xã hội. Tình yêu học đường phát triển sớm, đôi khi tạo ra những mâu thuẫn do tranh giành, ghen tuông, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Yêu đương trong học đường là chuyện thời nào cũng có. Tuy nhiên, với sự vội vàng và tranh thủ, đôi khi thế hệ trẻ ngày nay lại vô tình hủy hoại những giá trị thiêng liêng, trước khi các em kịp nhận thức. 

Gần gũi với thiên nhiên, nuôi dưỡng lòng biết ơn, trân trọng những giá trị thiêng liêng, là những điều góp phần khiến người ta biết quý trọng cuộc sống. Ngày nay, không gian sống chật hẹp, thiếu những sân chơi bổ ích, người trẻ thường giam mình trong bốn bức tường khép kín với công nghệ của màn ảnh nhỏ. Mất lòng tin, cảm giác cô đơn, vô nghĩa; sự mâu thuẫn trong đời sống nội tâm; sự thiếu cảm thông và xung đột về ý thức của các thế hệ là một vài nguyên nhân khiến người trẻ bị căng thẳng, trầm cảm, quẫn trí và tìm đến cái chết như một sự giải thoát.

Thời nay, các bậc phụ huynh thường băn khoăn về việc nên hay không nên cho trẻ tiền tiêu? Bắt đầu ở độ tuổi nào? Bao nhiêu thì vừa? Nhiều bậc phụ huynh cho rằng: Thời gian trẻ chưa biết đến việc tiêu tiền kéo dài càng lâu càng tốt; bởi đa số đều rất ham chơi, chưa biết giá trị đồng tiền, nên chúng sẽ dễ phung phí vào những thú vui vô bổ. Tuy nhiên, việc trẻ biết xài tiền sớm hay muộn không khẳng định việc trẻ sẽ biết chi tiêu hợp lý khi trưởng thành. Một cuộc thống kê gần đây cho thấy, phần lớn thanh thiếu niên rất thích tiêu xài và có rất nhiều lý do để dùng tiền. 

Những tệ nạn xã hội là nguyên nhân gây ra căn bệnh thế kỷ. Nhiều trẻ nhiễm HIV hoặc có cha mẹ nhiễm HIV bị tước quyền đi học do sự kỳ thị của xã hội. Dù xưa hay nay, con đường đến trường của các trẻ mồ côi, trẻ em nghèo vẫn có nhiều chông chênh và lắm gian nan.

Ở bất cứ thời đại nào, vun trồng người trẻ vẫn là việc quan trọng, cần thiết để xây dựng tương lai tương sáng cho xã hội. Đa số những người làm công tác giáo dục thuộc thế hệ trước, đều tận tâm, tận lực cho “sự nghiệp trồng người”. Từ góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng lẽ ra ngành sư phạm phải là một trong những ngành hội tụ những con người giỏi nhất cả về chuyên môn lẫn đạo đức, để có khả năng đào tạo nguồn nhân lực trẻ có đủ cả đức lẫn tài; đồng thời xã hội phải có những chính sách lương bổng và những ưu đãi đặc biệt giành cho ngành nghề này!

Dù xưa hay nay, việc học hành của con cái vẫn là ưu tư lớn của những người làm mẹ, làm cha. Chúng ta chẳng thể chạy trốn hay làm gì nhiều để sớm có thể thay đổi hiện trạng nêu trên. Theo diễn giả Trần Đình Dũng, giải pháp cụ thể nhất mà các bậc phụ huynh có thể làm cho con em mình, để giảm tải gánh nặng áp lực cho chúng là thay đổi tư duy, quan niệm và cách hành xử đối với con cái, thông qua những việc như:

• Hạn chế la mắng, trách móc mỗi khi con trẻ làm sai

• Tăng cường khen ngợi, khuyến khích mỗi khi trẻ làm đúng

• Dành nhiều thời gian hơn để gần gũi, nói chuyện, tâm sự, chia sẻ với con cái

• Cười với con nhiều hơn

• Dạy con cách quản lý thời gian 

• Dạy con biết dùng tiền đúng cách, chi tiêu hợp lý

• Chú trọng việc dạy trẻ thành Nhân trước khi thành Tài

Dù xưa hay nay, thì điều cốt lõi nhất trong việc chấn hưng nền giáo dục nước nhà vẫn là: trái tim của những người làm công tác giáo dục phải có cùng nhịp đập với vận mệnh của quốc gia và tương lai của dân tộc!
 
Hạt Cát