Dạy con theo kiểu... Tây
DẠY CON THEO KIỂU... TÂY
Trong khi bố mẹ Việt thường giữ con ở nhà, ít nhất trong tháng đầu, thì trẻ Tây ngay từ khi mới sinh đã có thể được đưa đến công viên bằng xe nôi và cho đi "vầy nước" ở hồ bơi khi mới tầm 10 ngày tuổi.
Đa phần bố mẹ Việt cho rằng trẻ sơ sinh, hay đã vài tháng tuổi, còn quá nhỏ để có thể bế ra khỏi nhà. Đa phần trẻ em Việt Nam được giữ và chăm sóc trong nhà để tránh gió, tránh nắng. Nếu có đứa bé ra sân nhà hay ngõ xóm thì lúc nào cũng phải nào yếm, nào khăn rồi vớ tay, vớ chân đủ cả.
Việc đưa trẻ sơ sinh đến hồ bơi hay tổ chức nghịch nước trong vườn nhà chẳng hạn thì hầu như là không bao giờ có. Có những trẻ đã lên hai vẫn không hề được đưa đến hồ bơi lần nào. Và trong suốt những năm tháng đầu đời, có trẻ chưa được một lần "vày nước" với ý nghĩa thực sự của từ này. Các bà, các chị khi tắm cho cháu, cho con phải luôn chuẩn bị khăn tã đầy đủ để có thể tắm thật nhanh, rồi bế bé ngay vào lau khô, mặc quần áo.
Trong khi đó, đối với những người ngoại quốc sống và làm việc tại TP HCM thì việc đưa trẻ đến công viên và hồ bơi gần như là hoạt động hằng ngày. Trẻ ngay từ khi mới sinh đã có thể được tập cho dạn nắng, dạn gió bằng cách đưa đến công viên bằng xe nôi, cho trẻ làm quen với những tiếng động của đời sống hằng ngày xung quanh.
Sáng sáng đi dạo quanh khu vực phường Thảo Điền, quận 2, nơi người nước ngoài tập trung sinh sống, bạn có thể nhìn thấy một cách thường xuyên cảnh các bà mẹ xách em bé chừng 2-3 ngày tuổi trong giỏ (dành riêng để xách em bé khi đi dã ngoại) hoặc địu con chừng một tháng tuổi phía trước bụng, tay dắt em bé lớn của mình đến trường. Sau khi cho bé lớn vào trường thì các bà mẹ sẽ cùng em bé nhỏ kia đến công viên hoặc đi shopping.
Trong tầm 10 ngày tuổi thì các bà mẹ bắt đầu cho bé đi "vầy nước" ở hồ bơi trong cái nắng buổi sáng tầm 8 giờ.
Play-date
Play-date có nghĩa là các bà mẹ sẽ tự sắp xếp thời gian rảnh rỗi để có thể trông coi một nhóm chừng 5-6 trẻ cùng nhóm tuổi với nhau và những gia đình quen biết nhau có thể mang con đến chơi ở nhà một bà mẹ. Play-date sẽ được tổ chức luân phiên giữa các bà mẹ trong một nhóm với nhau, thường diễn ra ở nhóm trẻ từ 3 tuổi trở lên.
Play-date là một khái niệm còn khá mơ hồ trong ý thức của bố mẹ Việt, hay có thể nói là hoàn toàn không có. Bố mẹ Việt có xu hướng co cụm, hướng nội vì sợ mất thời gian hoặc một số khác là quá bảo vệ con dẫn đến không muốn đưa con còn nhỏ của mình tiếp xúc với nhóm đông các bạn cùng lứa tuổi, dễ gây ra té ngã hay đánh lộn sứt đầu mẻ trán.
Bố mẹ Việt thường đưa con đến mẫu giáo rồi đón về nhà. Trẻ về đến nhà sẽ có một vài lựa chọn là chơi với bà, với cô giúp việc hoặc được bật TV cho xem, để người lớn khỏi phải trông, còn tiện làm công việc lặt vặt trong nhà.
Trong khi đó, play-date được tổ chức khá thường xuyên trong nhóm bố mẹ người ngoại quốc. Sau giờ học, giờ sinh hoạt của nhóm trẻ ở trường, các bà mẹ sẽ đưa con đến nhà bạn để chơi thêm chừng 1-2 giờ. Các bà mẹ phương Tây cho rằng đây không chỉ là cách san sẻ giúp đỡ giữa người lớn với nhau, tạo điều kiện để mỗi bà mẹ có một ngày rảnh rỗi cho riêng mình mà còn là giúp trẻ tăng cao mức độ nhận biết, thiết lập tình bạn từ độ tuổi còn rất bé. Việc chia sẻ đồ chơi cùng nhau cũng như làm quen với môi trường mới lạ làm cho các bé rất hứng thú.
Ngủ lang
Ngủ lang có vẻ như là một điều tối kỵ trong ý thức của bố mẹ Việt. Một bà mẹ trí thức khi được hỏi về chuyện này đã buông một câu chắc nịch: "Đừng có mơ. Em không bao giờ cho con em đi ngủ lung tung ở nhà bạn như vậy".
Trong khi đó, một đứa trẻ lớp 3 của trường quốc tế (tầm 7 tuổi) sẽ được trường tổ chức một vài đêm "sleep over" tại trường trong suốt năm học. Mục đích là để trẻ rèn kỹ năng tự phục vụ khi không có bố mẹ hay một sự trợ giúp nào khác từ phía người thân.
Thứ đến là để trẻ có thể thiết lập được tình bạn khăng khít, giúp đỡ nhau trong cùng khối lớp. Trong một khoảng thời gian không phải là giờ học, trẻ được thoải mái cùng nhau chơi đùa và nói chuyện, bàn luận về tất cả những vấn đề mình quan tâm.
"Ngủ lang" trong phạm vi các gia đình với nhau cũng được các bậc phụ huynh phương Tây khuyến khích. Ví dụ, con bạn có thể thông báo với bố mẹ là mình muốn mời bạn A, B, C đến ngủ cùng. Thường là do sợ ảnh hưởng đến giờ học của các ngày trong tuần nên việc ngủ lang trong nhóm bạn chỉ được bố mẹ cho phép vào các đếm thứ sáu và thứ bảy hằng tuần.
Một hình thức khác thú vị hơn của ngủ lang là cắm trại nhóm gia đình. Trong khoảng thời gian này, các ông bố bà mẹ trao đổi với nhau về công việc, nuôi dạy con cái, các vấn đề ở trường, lớp của con, những mối lo ngại chung... còn lũ trẻ dĩ nhiên là được trải nghiệm một cuộc sống thực tế thú vị cùng nhau - đó là những kỷ niệm quý báu sau này khi trẻ lớn lên.
(Theo Tư Vấn Tiêu Dùng)
(VnExpress)