Dạy con dưới con mắt của một chuyên gia

Dạy con dưới con mắt của một chuyên gia

 

DẠY CON DƯỚI CON MẮT CỦA MỘT CHUYÊN GIA
Trong quyển sách “Nurture Shock” mới ra mắt đã gây tiếng vang đáng kể, nhà văn Po Bronson bàn về nghệ thuật nuôi dạy con nên người của bậc cha mẹ mà ông gọi là “good parents”.

Có khi cha mẹ có lòng, biết thương yêu chăm sóc dạy dỗ con, nhưng nhiều lúc cha mẹ đã phạm sai lầm mà không biết. Không phải hễ cứ “thương là cho roi cho vọt” mà chúng ta cần sáng suốt để biết cái cách tiếp cận con cái nào là đúng và hạn chế các sai lầm đáng tiếc.
Sau đây là những trích đoạn đáng chú ý của quyển sách này:

Hỏi: Các nghiên cứu về khoa tâm lý trẻ con cho thấy khi khen con cái chúng ta cũng nên cẩn thận, tại sao?

Bronson: Đừng khen con vì những cái khi nó sinh ra đã có sẵn, như thiên phú về sự thông minh hay sáng tạo. Khi bạn nói “Con mẹ thông minh quá” hay “con mẹ hát hay thật” thì không có gì sai, nhưng nó sẽ không giúp được trẻ. Cần tập trung khen về nỗ lực mà nó đã bỏ ra. 

Thí dụ như trong một kỳ thi writing thật khó, có nhiều người rớt. Sau khi thất bại một lần, con bạn cố gắng và thành công, bạn hãy khen con, thí dụ bạn có thể nói: “Con đã thành công vì con thật sự học rất chăm chỉ và cực nhọc.” Các nghiên cứu cho thấy khi khen đúng như thế, học lực của con bạn sẽ có tiến bộ rất đáng kể.

Hỏi: chúng ta thấy trẻ con có thể nói láo, gần như là tất cả sách vở nói cha mẹ đã làm sai để trị “bệnh nói láo này”, làm sao đây?

Bronson: Bạn không thể biến con cái nói thật bằng những câu hăm dọa khiến nó sợ hãi. Nếu bạn hăm dọa là sẽ không dẫn nó đi xem xiếc, một thể loại giải trí nó rất mê hay hăm cắt phần thưởng, nó vẫn nói láo như thường. Nhưng nếu bạn nói: “Con nên nói thật, vì đây là chuyện đúng phải làm”, nó sẽ nghe theo.

Chúng ta không nên đánh giá thấp khả năng biết suy nghĩ của trẻ. Nếu bạn nói như sau, có thể kết quả lại càng tốt hơn: “Mẹ sẽ thật sự rất hạnh phúc nếu như con nói sự thật cho mẹ nghe”. Khơi dậy lòng xấu hổ khi nói láo của trẻ sẽ là phương pháp hay, nhưng cần thận trọng, không nên “sỉ nhục hay trừng phạt nó quá đáng”.

Hỏi: Ngày nay trẻ thiếu ngủ nhiều quá, hậu quả của chuyện này ra sao?

Bronson: So với thế hệ của cha mẹ thì hiện nay trẻ con ở Mỹ ngủ ít hơn trung bình mỗi đêm 1 giờ. Có nhiều nguyên nhân cho chuyện này, như có quá nhiều chương trình học cho con (học đờn, ngoại ngữ, vẽ, múa, một môn thể thao…) quá nhiều chương trình TV và nhiều video games.

Cha mẹ lại nuông chiều, không muốn bắt con đi ngủ sớm, có khi do suốt ngày trong sở làm nên chiều về muốn có thêm thời gian cho con. Nhưng các chuyên gia đã cho biết ngủ ít sẽ hại đến kết quả học tập, thậm chí các nghiên cứu còn chứng tỏ một học sinh lớp 6 mà thiếu ngủ sẽ học hành tệ như một học sinh lớp 4, nếu nó ngủ ít hơn trung bình 1 giờ mỗi đêm!

Hỏi: Tại sao cha mẹ hay “ú ớ” khi con cái hỏi về màu da hay các chủng tộc khác?
Bronson: Chúng ta thường nghĩ trẻ con không bao giờ phân biệt màu da. Nhưng các khoa học gia cho biết ngay từ 6 tháng tuổi, trẻ đã nhận ra sự khác biệt màu da. Tại Hoa Kỳ, thế nào con cái cũng sẽ hỏi cha mẹ về ý nghĩa của sự khác biệt này.

Là cha mẹ, chúng ta hay lưỡng lự không muốn nói chuyện cởi mở với con cái vấn đề này. Đây là một sai lầm. Rất nhanh chóng trẻ sẽ khám phá chúng ta lo lắng hay không muốn bàn tới, và chúng sẽ tưởng đâu đây là một dạng “taboo”, không nên đụng tới.

Nhưng mỗi ngày trẻ đến trường và bạn bè của nó chắc chắn thuộc nhiều chủng tộc khác nhau. Nếu bạn nói với con “ai sinh ra đời cũng bình đẳng” thì không đủ đâu. Bạn nên dạy con về nhiều màu da, nhiều sắc tộc trên thế giới bằng cách gợi ý hay đặt những câu hỏi. 

Để rồi sau khi trẻ bắt đầu hiểu, bạn mới có thể kết luận cho con biết là “thật là sai lầm lớn lao nếu chúng ta kết luận về một con người chỉ vì màu da của người đó”. Người ta nhận thấy kẻ nào tỏ ra bao dung về chủng tộc, trước đó hẳn đã có cha mẹn khôn khéo biết hướng dẫn và dạy con tôn trọng giá trị bình quyền của mọi màu da trên thế giới.
 
Nguồn: www.calitoday.com