Đâu phải chiếc lá
ĐÂU PHẢI CHIẾC LÁ
Vài năm nay lơ đãng nghe sinh viên Việt Nam sang Pháp đông; đi phố, chợ Paris nghe quẩn quanh tiếng Việt; nhưng sự lơ đãng của tôi đã chấm dứt khi trực tiếp đón bạn bè đưa con du học, gặp con cháu bạn bè sang du học…
Giàu có cha mẹ
Tôi quen một tỉ phú, vì việc kinh doanh anh phải đưa con sang Pháp dù trước nay cháu học chương trình Anh. Chẳng sao, Paris có trường quốc tế. Khác nhao nhác sinh viên chạy lo chỗ trọ giá rẻ, “công tử” mười chín tuổi của anh chỉ tìm căn hộ để… mua. Không biết rốt cuộc cậu trẻ có sở hữu nhà không, nhưng ngoài việc đã mua xe, thuê tài xế, ông bố cho biết mỗi tuần chỉ cho con… 1.000 euro tiêu vặt! Ông kể nhẹ tênh: Định mức vậy chứ con ông luôn xài lố, thi thoảng còn bị trộm móc túi vài ngàn. Ông phàn nàn Paris lắm kẻ gian, còn những người hiểu chuyện lại bảo vụ này oan kẻ gian. Cha trách con tiêu phí nhưng mẹ bảo kiếm tiền chi nếu không để con xài? Sau một năm ở kinh đô ánh sáng nghe đâu cậu trẻ đã chuyển sang một nước châu Á. Tiềm lực thế học đâu chẳng được.
Nhưng đâu cứ giàu sụ mới cho con du học dù rằng muốn du học tự túc phải có tài chính: học phí thấp nhưng chi phí sinh hoạt tối thiểu cũng 500 euro/tháng, ở Paris còn đắt hơn. Với phần lớn gia đình, để cho con du học là cả sự cố gắng của cha mẹ, như vợ chồng ông bạn liêm khiết của tôi, dù họ chỉ dám cho con ở tỉnh. Con anh chị có sức học yếu, năm đầu tiên bị “đúp” do thiếu điểm môn triết. Ai cũng biết với ngôn ngữ khác, tiêu chuẩn giáo dục khác thì việc sinh viên nước ngoài rớt một hai môn là chuyện rất thường. Anh chị chỉ còn cách động viên con, nai lưng “cày” tiếp một năm tốn kém. Nhưng cậu bé rất hồn nhiên: “Thực ra nếu chịu ‘gạo’ cháu cũng qua được, nhưng cháu không thích môn đó”. Vì không thích nên thi lần hai cháu vẫn nợ. Học lực chưa cao nhưng cháu cứ mơ chuyển trường lên Paris “để thay đổi không khí, vì ở tỉnh cháu đã biết hết mọi thứ”. Có thể thế với một chàng trai quảng giao nhưng tôi tự hỏi: Trong mọi cái “biết hết” đến cảm thấy buồn chán, cháu có biết hết những nhọc nhằn, trăn trở ở quê nhà? Con hồn nhiên, tình cha mẹ càng phải mênh mông…
Tạm biệt Kanguru
Trong gia đình chúng tôi thường trêu chị “úm” con, không chỉ vì cháu tôi con một mà vì anh chị không dám thả cháu ra xã hội nhan nhản bất trắc. Tài chính sít sao nhưng ngày nhập học chị vẫn xoay sở theo con sang Pháp. Chuẩn bị tới lui, nhắc nhở, gửi gắm… nhưng trước khi về nước chị vẫn bồn chồn. Làm sao không bồn chồn khi cháu tôi dù ngoan ngoãn, ham học, mười tám tuổi nhưng rất mù mờ việc cá nhân, rất lơ mơ giao tiếp – những hụt hẫng mà chỉ khi thả con vào đời rộng chị mới hiểu mình “thiếu sót” do úm con quá kỹ. Nhìn chị, thương cháu tôi bỗng giật mình: dăm năm nữa con tôi cũng sẽ vào đại học, sẽ bay… Tôi đã chuẩn bị gì cho điều đó? Ngày chia tay chị cố bình tâm nhưng tôi hiểu suốt chặng đường bay và những ngày dài kế tiếp chị sẽ rơi nước mắt: nhớ con, lo lắng cho con, cho cả những kế hoạch tài chính từ nay anh chị phải toan tính căng thẳng.
Thuê chỗ trọ cùng cháu tôi là một “kanguru” khá giả - hay ít ra người mẹ cố ý biểu lộ như thế. Trong lúc chị tôi khá hài lòng tiện nghi tập thể do chủ nhà trang bị thì bà mẹ này tuyên bố sẽ sắm cho ái nữ tivi riêng. An tâm nhà thuê có sẵn một sinh viên khóa trên, chị tôi gợi ý anh em tổ chức cơm chung nhưng mẹ cô bé tuyên bố con bà sẽ ăn riêng vì “cháu rất kén”. Suốt hai tháng kè chặt bên con người mẹ chu đáo hẵn đinh ninh đã xếp đặt mọi thứ, không nghĩ rằng thả con ở trời Tây là vuột mất mọi khả năng kiểm soát, là chấp nhận tính độc lập của bọn trẻ. Chỉ sau ngày mẹ về nước, “tiểu thư” lập tức hội nhập với các bạn, vui vẻ, không kén, không khó như mẹ nghĩ.
Lại có trường hợp “kanguru” khác: Để con gái thanh thản, không phải chung đụng nhí nhố, người mẹ giàu có mướn hẳn cho con căn hộ 45 mét vuông ngay giữa Paris. Buồn, sợ, thương bạn thuê nhà đắt cô bé lén mẹ kéo dăm ba bạn về ở chung, vừa vui vừa có thêm tiền rủng rỉnh. Khi mẹ sang các bạn sẽ di tản. Có thể người mẹ sẽ không bao giờ biết cuộc “cách mạng” của con vì cháu vẫn học giỏi, vẫn ngoan, nhưng điều đó cho thấy ngay cả khi xuất phát bởi tình thương, mọi khuôn phép chủ quan của cha mẹ đều vô hiệu nếu không dựa trên tâm lý, tính tự giác của bọn trẻ.
Trưởng thành
Nhìn những đứa trẻ linh hoạt tôi bỗng mang máng mấy câu thơ của Lê Giang thời kháng chiến: “Lá rơi xuống dòng nước, lá xoáy quanh, xoáy quanh… Ta rơi xuống dòng nước, ta bơi lội tung hoành…”. Con cháu chúng ta không phải là chiếc lá. Chúng phải bơi, sẽ bơi. Qua những gì tôi biết thì trừ những cô cậu đã quá quen lêu lổng ở Việt Nam, hầu hết trường hợp, kể cả các em có nhược điểm cần cải thiện, đều cho thấy việc du học với bọn trẻ là tích cực: Thứ nhất xã hội này không nhan nhản tệ xấu, giáo dục rất thực chất; và quan trọng dù học giỏi hay kém các em đều phải “xắn tay” lao động, ít nhất cho bản thân. Khi còn ở Việt Nam hẳn chị tôi, bạn tôi khó hình dung ngày nào đó con trai cưng của họ phải đi chợ, nấu ăn, giặt giũ… Chưa nói lao động kiếm tiền! Từ chỗ bắt buộc lao động các em sẽ nhận ra giá trị lao động, đặc biệt các em vốn được chăm bẳm. Ở cái xứ mà sự giàu có vật chất không phải là lý do cao nhất để hãnh diện thì tính se sua (nếu có) sẽ dần nhường bước cho những giá trị nhân cách.
Cuộc sống xa xứ cũng là cơ hội để các em suy nghĩ, như trường hợp của L. L bảo: “Ở nhà thi cử à uôm nên cháu chơi dữ lắm. Bên này phải ráng. Đã tốn kém mà không học thì phí, mang tiếng dân Việt”. Trước khi là lòng hiếu thảo, sĩ diện dân tộc… cái “ráng” của L. đơn giản là sự tiếc của – điều bọn trẻ khi ở trong nước ít nghĩ ngợi. Đối với các cháu gia đình khó khăn thì du học càng là cơ hội phát huy nghị lực, như D. chẳng hạn. Lúc nhận lời cho con người bạn sơ giao tá túc dăm bữa ở Paris - một đón tiếp khá nghĩa vụ - tôi không nghĩ sẽ bị cậu cử nhân tin học hai mươi sáu tuổi chinh phục: Trước khi sang Pháp học tiếp bậc cao, D. và các bạn đã thành lập công ty, đã là “ông chủ” mà nếu không nói khó ai hình dung bởi phong thái khiêm tốn đến hiền hậu. Qua Pháp mới hai năm nhưng mỗi hè ông chủ nhỏ đều đi lao động. Từ một phụ bếp nhà hàng Tây năm đầu tiên, nhờ sự chăm chỉ, khéo léo D. đã được thay chân bếp trưởng trong những hè sắp tới – điều tôi có thể tin trong một lần D. đứng bếp ở nhà tôi. Hạnh phúc thay bố mẹ những đứa trẻ như vậy.
Thử đóng hai vai
Đứng giữa, có dịp quan sát cả hai chiều con cái – cha mẹ, nhiều khi tôi thử đặt mình vào mỗi vị trí, và ở đâu cũng thấy… an lòng. Là con, hẳn nhiên các em đã khẳng định tình thương của cha mẹ trong việc cho con đi học. Sự xa cách chỉ càng giúp các em cảm thấu.
“Con xa đấy rồi một ngày trở lại
Ôm vào lòng cả ánh mắt thương yêu
Con vẫn thế, vẫn là con khờ dại
Chỉ yêu thương nay đã lớn thêm nhiều…”
Một đứa con nào đó đã kết bài thơ gửi mẹ trên trang web du học sinh Việt Nam tại Pháp như thế. Một đứa con trai. Người ta bảo tình thương là động lực chính của trách nhiệm. Vào vai con, tôi tin bọn trẻ chỉ sẽ có một hành trình tâm lý như vậy. Là mẹ cha ư? Quả thật khó khăn để làm quen nỗi nhớ con, nhưng trong nỗi nhớ, nỗi lo – như tôi vẫn thường an ủi chị - chúng ta nên vui mừng trước cơ hội con được trưởng thành. Có tận mắt nhìn những đứa trẻ co ro tất bật giữa mùa đông, đi học, đi chợ… đối mặt với bao thủ tục rắc rối mới hiểu chữ Tây, bằng cấp Tây không hẳn là cái “được” lớn nhất của chuyện du học. Cái được hiển nhiên, không dễ xây dựng của con cái chúng ta là tính tự lập, là thôi ỏn ẻn, thôi ỷ lại, thôi ích kỷ… Trường Tây xét cho cùng chỉ hơn trường quốc nội trong ý nghĩa “trường đời”. Nếu có dịp nhìn trang web của sinh viên Việt Nam (gefv.org) ở Pháp, nơi đầy ắp thông tin theo kiểu “dắt nhau đi”, tôi tin những bậc cha mẹ sẽ ngạc nhiên trước sức tự lập của bọn trẻ. Dìu dắt nhau đi, con cháu chúng ta đã làm được nhiều việc hơn chúng ta tưởng – những việc mà đáng ra phải là trách nhiệm của người lớn, của các cơ quan hữu trách. Du học để trưởng thành. Điều đó đã đủ là hiện tượng đáng cổ vũ trước khi nói đến những ý nghĩa xã hội to lớn khác.
Cảm xúc có thể mông lung, nhưng chắc chắn từ nay tôi sẽ không còn dửng dưng trước những dáng dấp da vàng trên phố, những cô cậu người Việt Nam bưng bê trong hàng quán xứ Tây. Bởi tôi hiểu đằng sau những gương mặt trẻ măng, những giọng nói miền Nam, miền Bắc đôi khi ồn ã nơi công cộng, là yêu thương lẩn khuất, là nỗ lực, nhớ nhung của cả hai đầu xa cách...
Đạo Diễn Việt Linh
(Báo Phụ Nữ TP.HCM)