Cuộc sống sôi động: Vì sao giới trẻ buồn?

Cuộc sống sôi động: Vì sao giới trẻ buồn?

 

CUỘC SỐNG SÔI ĐỘNG: VÌ SAO GIỚI TRẺ BUỒN?
 
Hoa Học Trò - Thứ Hai, 21/6 - Cuộc điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ 2 (SAVY 2) do Bộ Y tế và Tổng cục Thống kê thực hiện đưa ra nhiều số liệu cho thấy sự thay đổi đặc biệt của giới trẻ Việt sau 5 năm.

Trong đó, sự biến động về sức khỏe tinh thần của giới trẻ được quan tâm đặc biệt.

Không ít người trẻ đã từng nghĩ đến tự tử

Cuộc điều tra SAVY 2 lần này thực hiện với 10.044 vị thành niên và thanh niên trong độ tuổi từ 14 - 25, tại 63 tỉnh, thành trong cả nước. Khi tìm hiểu về "sự buồn chán và dồn nén" của giới trẻ, TS Nguyễn Mạnh Lợi, một trong số các tác giả của công trình này cho biết, có đến 4,1% các bạn trẻ được hỏi đã từng nghĩ đến chuyện tự tử.

Trong số những người nghĩ đến giải pháp tồi tệ này thì tỷ lệ nữ giới cao hơn, chiếm hơn 2 lần so với nam giới. Trong tổng số những người nghĩ đến chuyện tự tử thì có đến 25% bạn trẻ đã từng tìm cách để kết thúc cuộc sống của mình. Tỷ lệ này cao hơn gấp đôi so với 5 năm trước, trong nghiên cứu SAVY 1.

Cuộc điều tra còn chỉ ra rằng: 73% số người được hỏi khẳng định đã trải qua cảm giác buồn chán, 26,7% người trẻ đã rơi vào trạng thái rất buồn hoặc thấy mình là người không có ích đến nỗi không muốn hoạt động như bình thường. Tỷ lệ số người được hỏi hoàn toàn thất vọng về tương lai là 21,3 %. Những nhà nghiên cứu đã so sánh với cuộc điều tra cách đây 5 năm và nhận thấy mức độ buồn chán và số lượng người trẻ buồn chán đã tăng lên. TS Nguyễn Mạnh Lợi nhận định: "Cần thiết phải quan tâm hơn nữa đến những diễn biến về mặt đời sống tinh thần của thanh niên".

Một điều đặc biệt nữa ở cuộc điều tra này, theo TS Nguyễn Mạnh Lợi là cảm giác buồn chán ở mỗi nhóm tuổi rất khác nhau: tỷ lệ trải qua những cảm giác buồn chán ở nhóm tuổi 21 - 25 thấp hơn so với nhóm tuổi từ 14 - 17 và 18 - 21 tuổi.

Nhóm tuổi từ 18 - 21 (nghĩa là trong khoảng thời gian từ năm thứ nhất đến năm thứ ba đại học) có số lượng đông nhất các trường hợp rơi vào trạng thái rất buồn, cảm giác mình không có ích, không muốn hoạt động bình thường. Nhóm độ tuổi này cũng là nhóm hay nghĩ đến chuyện tự tử nhiều hơn.

Vì sao giới trẻ buồn?

Trong phân tích của mình, TS Nguyễn Mạnh Lợi cho rằng: những người trẻ gắn kết với gia đình sẽ ít rơi vào nhóm "buồn chán và dồn nén". Sự hài lòng về công việc cũng như được làm việc đúng ngành nghề được đào tạo cũng đóng vai trò quan trọng với sức khỏe tinh thần của thanh niên. Những người không hài lòng với công việc có tỷ lệ buồn chán là 19,5 %.

Trong số hơn 10.000 bạn trẻ tham gia điều tra thì có đến 763 người đã từng bị thương bởi bạo lực ngoài đường. Và nhóm bạn trẻ này rơi vào tình trạng "buồn chán và dồn nén" cũng cao hơn.

30,9% học sinh và sinh viên được hỏi cho biết có buồn chán vì giáo viên đối xử không công bằng. 1.181 người cho rằng chương trình học hiện nay là quá tải. 23% nhóm này rơi vào cảm giác buồn chán, thất vọng.

Tuy nhiên, khi đánh giá về tương lai của mình, giới trẻ Việt Nam đặc biệt lạc quan và tự tin. Nhóm tác giả đã đưa ra 4 câu hỏi: "Bạn sẽ có một gia đình hạnh phúc trong tương lai? Bạn sẽ có công việc mà bạn yêu thích? Bạn sẽ có cơ hội để làm điều bạn muốn? Bạn sẽ có thu nhập cao để cuộc sống thoải mái?". Và số lượng những người tin rằng mình sẽ có một gia đình hạnh phúc là 86,1% và 67,3% tin rằng, mình sẽ có thu nhập tốt để sống thoải mái.

Người trẻ làm gì khi rảnh rỗi?

Xem ti vi (96,8%), nghe nhạc (90,8%), đi chơi với bạn bè/người yêu (85,4%), đọc sách (77,1%), chơi thể thao (60,9%), sử dụng Internet (45%), tham gia các hoạt động xã hội (44%), chơi game (38,2%), uống rượu bia (27,5%), đi xem phim, văn nghệ (25,5%), đến các trung tâm giải trí (21,8%), tham gia các câu lạc bộ thể thao (20,3%), đánh bạc (3,3%).

Những vấn đề được thanh niên quan tâm nhất hiện nay:

Cơ hội kinh tế, việc làm, tiếp đến là cơ hội học hành. Có 42% thanh thiếu niên được hỏi vừa đi học vừa đi làm thêm để kiếm tiền. Tuổi trung bình thanh niên đi làm thêm là 17,4 tuổi.

Tuổi quan hệ tình dục lần đầu của thanh niên Việt Nam: 18,1.