Cùng bàn 'Chuyện khó nói'
CÙNG BÀN "CHUYỆN KHÓ NÓI"
"Một lần, bạn lớp trưởng đến nhà em chơi, cùng em ôn bài. Mẹ đi làm về, thấy hai đứa đang nói cười vui vẻ đã quở trách bạn ấy rằng, còn nhỏ mà đã bày đặt chuyện trai gái. Bạn em mặt đỏ bừng, bỏ về. Em nói với mẹ, đó chỉ là bạn thân của em. Nhưng mẹ lại bảo, chơi với con trai hoài, có ngày vác bụng bầu...".
Đây là tâm sự của một nữ sinh lớp 12 gửi cho mục tư vấn của một tờ báo. Trong thư em còn hỏi: em biết việc giao tiếp với nhau không thể có thai, nhưng không thể nào giải thích với mẹ.
Những hoạt động thuộc phạm trù "tình dục" vốn là lĩnh vực "khó nói". Chính bản thân người lớn còn không thể bàn thảo dễ dàng về vấn đề này với nhau. Vì thế, họ không thể nói chuyện về "nó” với con cái của mình. Nhiều người rất muốn dạy con về giới tính, giúp con tránh những sai lầm, nhưng đôi khi lại truyền tải thông điệp một cách khó hiểu, dẫn đến bất hòa, xung đột giữa cha mẹ với con cái.
Nhiều phụ huynh cho biết, thật khó trò chuyện với con về giới tính. Họ không biết nên bắt đầu từ lứa tuổi nào, cung cấp bao nhiêu lượng thông tin thì đủ, và liệu cha mẹ có nên "tiên phong", hay "bị động", đợi chờ những câu hỏi của con...
Ngay từ lúc lên hai tuổi, trẻ đã bắt đầu tò mò, thắc mắc về cơ thể mình. Khi ngôn ngữ phát triển, trẻ sẽ bắt đầu quan sát và đặt các câu hỏi. Theo các nhà khoa học, giáo dục giới tính nên bắt đầu từ sớm. Bạn có thể trao đổi những chuyện "khó nói" này với con theo cách sau đây:
- Đừng biến buổi nói chuyện giữa cha mẹ và con cái thành một buổi học quá nghiêm túc. Cha mẹ và con cái có thể dễ dàng trò chuyện hơn khi đang làm những công việc hàng ngày như nấu ăn, rửa xe, tưới cây, hay đi dạo...
- Sử dụng những sự việc diễn ra xung quanh để làm cái cớ: như khi cùng xem những cảnh trên truyền hình hay sự việc xảy ra với một người mà gia đình quen biết. Bạn có thể bắt đầu bằng những câu hỏi gợi mở: "Con sẽ làm gì nếu rơi vào tình huống đó?".
- Nếu phụ huynh cảm thấy thoải mái, hãy chia sẻ với con kinh nghiệm của bản thân.
- Nếu thấy khó khăn, cha mẹ có thể dựa vào những tài liệu, sách báo... để phân tích, cùng bàn luận với con.
- Trả lời các vấn đề một cách đơn giản và chân thực. Dùng các thuật ngữ đúng đắn, sẽ giúp bạn và con nhanh chóng vượt qua được những ngại ngùng khi bắt đầu.
- Không nên tỏ ra lạnh lùng hoặc không thể tiếp cận được.
- Đừng cho rằng con mình đã sinh hoạt tình dục hoặc có vấn đề nếu chúng hỏi những câu liên quan đến giới tính, tình dục. Bởi khi gặp những phản ứng không tế nhị, chúng sẽ không bao giờ dám hỏi cha mẹ những câu liên quan đến vấn đề này nữa.
Nói chuyện về giới tính không chỉ liên quan đến những vấn đề về tình dục, sự sinh sản duy trì nòi giống, mà kèm theo đó còn là những cảm xúc, giá trị thẩm mỹ, đạo đức với thái độ đúng đắn. Chính vì vậy, bạn nên tập luyện những kỹ năng cần thiết để trao đổi, hướng dẫn, giáo dục con trẻ, giúp con hướng tới một cuộc sống lành mạnh, tự tin và tích cực.
Th.s Lê Thị Linh Trang
(Phụ Nữ 21/07/2009)