Chúng ta nghĩ gì nhân cuộc bạo loạn tại nước Anh?

Chúng ta nghĩ gì nhân cuộc bạo loạn tại nước Anh?

 

Chúng ta nghĩ gì nhân cuộc bạo loạn tại nước Anh?
 
Có thể nói cả thế giới phải sửng sốt khi vào ngày 13-8 vừa qua, Thủ Tướng của Anh, ông David Cameron đã lý giải nguyên nhân cuộc bạo loạn suốt 5 ngày qua ở London và nhiều thành phố khác ở nước Anh là do sự tan vỡ sâu sắc của gia đình!
 
Báo Tuổi Trẻ ra ngày 15-8 tường thuật như sau:
“Trả lời phỏng vấn báo chí Anh ngày 13-8, TT Cameron đưa ra một lý giải đáng chú ý về cuộc bạo loạn của thanh thiếu niên ở London cùng nhiều thành phố của Anh từ ngày 9 đến 13-8 chính là “sự tan vỡ sâu sắc “ của gia đình!” Ông cho rằng sự thiếu hụt một nền tảng giáo dục gia đình vững mạnh chính là nguyên nhân khiến xã hội Anh rơi vào bất ổn khi dẫn chứng thực tế có trên một trăm ngàn gia đình “đã tan vỡ sâu sắc”, và ông hứa chính phủ đã có những hành động và chính sách khẩn cấp để tăng cường sức mạnh cho gia đình nhằm đảm bảo sẽ có những công dân có trách nhiệm cho xã hội.
Trong rất nhiều trường hợp, cha mẹ của các thanh thiếu niên tham gia bạo động không quan tâm tới con cái mình, và để chúng tự làm những gì chúng muốn” – ông Cameron nhận định khi không chịu nhận những bất ổn hiện nay là do kinh tế hay chính trị, mà là do văn hóa.
 
Viết trên tờ Daily Telegraph, bà Cristina Odone, nhà báo chuyên về gia đình và xã hội, cũng cho rằng trên thực tế, thanh thiếu niên Anh thiếu hình mẫu người cha để noi theo, bởi vai trò ấy quá mờ nhạt trong cuộc sống của họ. “Quá nhiều thanh thiếu niên đốt thời gian trong quán rượu. Họ có chung một điểm là không có người cha trong nhà . Do đó họ thiếu mất các gương mẫu để noi theo.” Bà cho biết có tới ba triệu rưỡi trẻ em Anh xuất thân từ những gia đình có cha mẹ ly dị. Khái niệm của các em về cuộc sống gia đình là sự hỗn độn và xung đột. Họ sẽ cảm thấy tốt hơn nếu có cha họ ở bên cạnh để khen khi thấy con mình làm điều tốt và cảnh báo nếu thấy con mình chơi với bạn bè xấu hay có những trò nguy hiểm (hết trích dẫn).
 
Đây thật quả là một hồi chuông cảnh báo khẩn cấp cho mọi người - chính quyền của tất cả các quốc gia, không phân biệt giàu nghèo và chế độ chính trị - và nhất là lời cảnh báo cho các gia đình. Bây giờ bạo loạn không phải chỉ ở các xứ sở nghèo khó và nền giáo dục lạc hậu, mà là tại ngay trong những nước thuộc hạng G7 tức là giàu có bậc nhất thế giới, vẫn tự hào có nền giáo dục được coi tiến bộ nhất : nước Pháp cách đây ít năm, và bây giờ là nước Anh.
 
Trong lúc chúng ta mừng 30 năm ra đời của FAMILIARIS CONSORTIO, chúng ta càng thấm thía những gì Đức Chân Phước Gioan Phaolô II đề cập đến hoàn cảnh của gia đình trong thế giới ngày nay trong Tông huấn này :… “sự thoái hóa đáng lo ngại về những giá trị nền tảng: một sai lầm trên lý thuyết và thực hành về sự  độc lập giữa hai vợ chồng, những mập mờ rất trầm trọng về tương quan uy quyền của cha mẹ đối với con cái, những khó khăn cụ thể trong việc lưu truyền các giá trị,….con số các vụ ly dị gia tăng…(F.C.6) . Trong khi con cái cần phải được giáo dụ chăm sóc bởi cả cha lẫn mẹ, bằng mẫu gương chuẩn mực,và nhất là bằng sự yêu thương trìu mến và khung cảnh đầm ấm của gia đình.

Đúng như Đức Gioan –Phaolô II đã tiên báo : Tương lai nhân loại là ngang qua gia đình. Muốn có thế giới hòa bình, xã hội ổn định, không thể coi thường việc củng cố đời sống gia đình, yêu thương, giáo dục và làm gương cho con cái.