Chúng mình nên làm gì khi bước vào kỳ thi ?

Chúng mình nên làm gì khi bước vào kỳ thi ?

 

CHÚNG MÌNH NÊN LÀM GÌ KHI BƯỚC VÀO KỲ THI ?

(Mến tặng các sĩ tử kỳ thi đại học năm 2009)


1. Khi đã ôn thi xong, bạn nên lướt qua toàn bộ chương trình để xâu chuỗi tất cả kiến thức lại. Chỗ nào thấy còn lờ mờ, mắc mớ nên xem lại một lượt, nhưng đừng ham hố đào bới thêm những gì nằm ngoài chương trình, vì như thế không bao giờ dứt điểm được.

2. Bạn từ nơi xa đến thành phố thi, sau khi ổn định nơi ăn ở, nên đến tận nơi “thị sát” địa điểm thi, làm quen với đường đi, phương tiện giao thông… kẻo hôm thi lại lúng túng, thậm chí có khi lạc đường.

3. Gần trước ngày thi đừng nên thức quá khuya. Hãy ngủ đúng giờ và dậy sớm tạo nên nhịp sinh học phù hợp, để đến thời điểm bước vào kỳ thi đầu óc hoàn toàn tỉnh táo, làm việc có hiệu suất cao nhất.

4. Tối hôm trước ngày thi cũng giữ nếp đó, đừng đi ngủ quá muộn, nhưng cũng không nhất thiết đi ngủ sớm quá, vì bạn có thể trằn trọc, lo lắng bâng quơ càng thêm… mệt.

5. Buổi sáng bạn nên đi vệ sinh đề phòng đang thi mà đau bụng thì thật phiền. (Tất nhiên bạn nên tập thành thói quen cũng rất có lợi về sau).

6. Ăn sáng nhẹ nhàng, uống nước vừa đủ. Đừng để ngồi thi mắt hoa, bụng đói meo, nhưng cũng đừng để bụng ấm ức khó chịu.

7. Trước ngày thi cần xem lại đầy đủ giấy tờ (chứng minh thư, thẻ học sinh…) và bút mực (nên có bút dự trữ cùng một loại mực). Nhớ để nơi qui định kẻo quên.

8. Có mặt ở địa điểm thi trước 30 phút là vừa. Không nên đến sớm quá,   vì        thời gian chờ đợi dễ gây tâm trạng thấp thỏm, căng thẳng thần kinh. Cũng không nên đến sát giờ, đề phòng bị muộn và chưa kịp trấn tỉnh đã phải vào thi.

9. Trước phòng thi các sĩ tử thường hay bàn tán, tranh cãi nhiều chuyện liên quan đến thi cử. Bạn không nên bị cuốn vào đó, vì những thông tin bị nhiễu chỉ gây hoang mang thêm mà thôi. Trái lại bạn nên thong thả tản bộ, hít thở không khí và tự nhủ mình cần tự tin, nhất định sẽ vượt qua.

10. Bước vào phòng thi, bạn ngồi định thần, thở hít sâu như tập dưỡng sinh để thần kinh thư giãn và hít thở điều hòa trở lại. Có thể chà xát cổ, vai… để cơ thể hoàn toàn thoải mái.

11. Bình tĩnh đọc đề bài 2,3 lần. Đề nào làm được thì làm ngay, đề khó để lại sau cùng. Văn nên viết gọn, khúc chiết, đừng ham viết dài như khi thi học sinh giỏi.

Nếu làm bài xong sớm, đừng nộp vội. Hãy tranh thủ rà đi soát lại cho kỹ từng dấu cộng, trừ, từng dấu chấm, phẩy.

12. Thi xong một môn, cứ coi như “cho qua”, đừng vương vấn đến nữa, hãy để tâm trí chuẩn bị cho môn thi sau.

Chúc các bạn một mùa thi thắng lợi!

Hoa học trò (số 88)