Chân dung người trẻ hôm nay
CHÂN DUNG NGƯỜI TRẺ HÔM NAY
Hình ảnh tôi vẫn gặp thường xuyên hàng ngày tại những nút tắc đường vào giờ cao điểm là những thanh niên mặt mày đỏ gay, cố luồn lách qua đám đông, leo cả xe lên vỉa hè, chửi tục với người khác vì vướng víu cho việc nhích được thêm vài cm bánh xe của mình… Những chàng trai không thể đợi thêm 5 giây, vù chạy khi đèn đỏ còn đang sáng, để rồi có khi sau đó dành cả buổi ngồi tán phét trong quán nước.
Trên xe buýt, thật hiếm khi thấy người trẻ nhường ghế cho cụ già, em nhỏ và người ốm. Ai chen khỏe, giành chỗ tốt thì có ghế ngồi, điên sao mà nhường với nhịn! Đám sinh viên ở hàng ghế đẹp kia mặt tươi rói thanh xuân, chòng ghẹo nhau và nghe nhạc bằng headphone, gật gù sành điệu. Chẳng lẽ họ không nhìn thấy bà cụ lẩy bẩy ôm cái cột, người mẹ bế con nhỏ loạng choạng suýt ngã vì không còn tay rảnh để vịn?
Tôi đi xe máy trên những con đường rất sạch, lòng đang phơi phới nhận ra hàng sấu già và hoa hoàng điệp hai bên đường sao quá đẹp, bỗng tối tăm mặt mũi khi chiếc Audi màu trắng sang trọng lướt ngang qua mình, cửa kính kéo xuống, một kiều nữ ngồi ghế sau thò đầu… khạc ra một bãi “để gió cuốn đi”. Đôi uyên ương bươm bướm ôm eo nhau trên xe Vespa LX, cô gái tựa đầu vào chàng trai, nhìn sao mà đáng yêu! Chợt, giật thót người khi cô gái hồn nhiên quăng vèo một túi đầy vỏ trái cây ngay trước mũi xe mình.
Đại lễ vừa rồi, đêm “Lung linh Hồ Gươm” - trên những tàn cây cổ thụ quanh hồ, chi chít những “chùm” người trẻ trèo lên đu bám. Để ngắm pháo hoa, các nam thanh nữ tú chẳng quản việc bẻ phăng những cành cổ thụ, xéo đạp thảm cỏ xanh mướt ven hồ. Họ còn kê gạch để trèo lên bức tường tôn nghiêm của Văn Miếu Quốc Tử Giám ngồi vắt vẻo xem diễu binh; kỳ công mang bút bi bút màu ra vẽ thêm mắt thêm râu cho các bức điêu khắc ở vườn tượng trước quảng trường Lý Thái Tổ, viết lăng nhăng lên bức tường rêu của tháp Hòa Phong. Họ tò mò “nạy” bung các chữ trên bức Chiếu Dời Đô xem có thật là mạ vàng; hí hửng quay cảnh một cô gái tâm thần xuống tắm tiên ở Hồ Gươm giữa tối Đại lễ, tung lên You Tube để có đề tài mà… "tám". Những người quay cảnh ấy, sao không ai nghĩ đến chuyện đưa cô gái đó lên, khoác cho người ta một tấm áo… Những người trẻ đó, trên trán họ có đeo dải băng đỏ in dòng chữ “Tôi yêu Hà Nội”!
Như cái gai đâm vào các khái niệm “văn hóa sống, văn hóa ứng xử”, “văn minh đô thị”, “trách nhiệm cộng đồng” - những người trẻ ấy hình như không ai thấy mình lố bịch? Đám đông “hồn nhiên” ấy liệu có hình thành nên trào lưu “Sống là không tôn trọng (xung quanh)”? (xin mạn phép “biên tập” slogan của nhãn hàng Sunsilk). Để mỗi khi có “xú uế” về văn hóa công cộng, người ta chỉ biết chép miệng điềm nhiên: “Người Việt mình mà… chấp gì…”.
Người Việt mình mà! Câu đó đáng ra phải gắn với xúc cảm kiêu hãnh và tự hào, sao lại là cái chép miệng che giấu sự hổ thẹn?
Liệu tôi có “đen tối” quá không khi nhìn những người trẻ chỉ thấy cái đám đông không kiên nhẫn, ích kỷ và vô trách nhiệm? Tôi đang trách mình như thế khi sáng nay vào Facebook, thấy có những nhóm bạn trẻ đang kêu gọi trên mạng để cùng nhau đi dọn rác ở sân Mỹ Đình, thu thập sách cũ lập thư viện cho trẻ nghèo nông thôn, quyên góp tiền mua nhu yếu phẩm cứu trợ đồng bào bị lũ miền Trung… Những người trẻ tôi “gặp” trên Facebook sáng nay, chỉ ẩn danh dưới các nick, nhưng bạn hoàn toàn có thể nhận ra họ trên đường, bằng dấu hiệu ngời ngời nhiệt huyết tuổi trẻ và trái tim ấm áp tình người…
Quỳnh Hương
(PNO)