Cha mẹ của bé Chloe bị hội chứng Down nói với LHQ: Gia đình phải bảo vệ con cái!

Cha mẹ của bé Chloe bị hội chứng Down nói với LHQ: Gia đình phải bảo vệ con cái!

Ts Susan Yoshihara

New York, 17/3.

      Khi những thử nghiệm cho thấy con gái Chloe của mình khi đang còn trong dạ mẹ có triệu chứng Down, lời khuyên duy nhất của các bác sĩ cho vợ chồng Kurt Kondrich là bỏ thai nhi này đi.

      Nhưng người cha này nói: “Tôi là một sĩ quan cảnh sát, đã tuyên thệ là sẽ bảo vệ sinh mạng con người, thế mà lời khuyên của các chuyên gia y tế cho chúng tôi lại là:‘Nếu ông bà không thích cách hình thành nên con gái của mình từ trong gien, thì ông bà có thể giết nó đi rồi xuất viện mà không có vướng mắc hệ lụy nào hết.”

      Bây giờ Chloe đã 13 tuổi, cháu đã đi gặp Thống đốc Tiểu bang cùng với các ngôi sao nhạc rock, chơi dã cầu, và đã được vẽ hình trên một pa nô ở Quảng trường Thời đại. “Đạo luật Chloe” của Tiểu bang Pennsylvania, mang tên bé gái này, đòi hỏi khi cha mẹ nhận được kết quả chẩn đoán tiền sản, thì họ cũng đồng thời phải được cung cấp thông tin về những dịch vụ sẵn sàng hỗ trợ cho đứa trẻ này cũng như gia đình của nó.

      Các bà mẹ khác không thể bị đối xử một cách nhẫn tâm như bà vợ của Kurt đã từng bị. Ông nói: “Họ đã bảo chúng tôi rằng con gái chúng tôi sẽ là một gánh nặng. Họ chẳng bao giờ nói cho chúng tôi biết là chúng tôi sẽ hạnh phúc ra sao khi nuôi nấng đứa con gái xinh đẹp này của chúng tôi cả.”

      Kurt đã nói chuyện trong một cuộc hội luận trước một cử tọa hết sức đông đảo tại trụ sở LHQ. Ông đã có được sự hợp tác của hai chuyên gia từng kiểm chứng được rằng gia đình là nơi an toàn nhất cho trẻ em, nhất là trẻ nữ và những trẻ có những nhu cầu đặc biệt.

      Sự chú ý toàn cầu đã “tập trung vào con số những trẻ đã chào đời, nhưng không lưu ý đến bản chất của các gia đình trong đó trẻ được nuôi nấng, ” giáo sư Brad Wilcox của Đại học Virginia nói. Giáo sư còn cho biết: “Cấu trúc của gia đình liên hệ mật thiết với “hậu quả” những đứa trẻ phải chịu. Và “môi trường của gia đình tác động lên cộng đồng.”

      Chính giáo sư Wilcox, được nuôi dạy bởi một bà mẹ đơn thân và người cha có tới chín đứa con, đã đưa ra những con số thống kê từ khắp nơi trên thế giới cho thấy những cuộc hôn nhân gồm hai cha mẹ, bất kể quốc gia hay tình trạng xã hội, đều nâng cao sức khỏe, giáo dục và rất nhiều hiệu quả khác của trẻ.

     Gia đình có cả cha và mẹ mang lại những tập quán và sự chăm sóc ổn định, và thường có nhiều thời gian, tiền của, tình yêu thương và tình cảm thân thiết đối với trẻ hơn, mà điều này lại tiêu trừ bớt được khả năng bạo hành hay lạm dụng.

      Các cặp sống chung ít ổn định hơn, và thường kết cục ở cảnh cha mẹ phải sống đơn thân. Khi một người cha không để mắt đến con cái hay không chú ý đến bạn bè của chúng, thì những trẻ nữ thường là  bị thiệt hại nhất.

      Con đường dẫn tới tiến bộ xã hội, kinh tế và thể chất cho trẻ em trên thế giới tùy thuộc phần lớn vào việc “bảo vệ hôn nhân và đời sống gia đình ở nơi nào còn mạnh mẽ, và canh tân hôn nhân và đời sống gia đình ở nơi nào đang yếu kém,” giáo sư Wilcox kết luận.

      Valerie Hubert, chủ tịch tổ chức ASCEND cho biết: muốn tránh khỏi tình trạng cha mẹ đơn thân, cần phải giúp cho trẻ em tránh xa con đường tình dục, chứ không phải chỉ giúp chúng giảm thiểu hành động tình dục liều lĩnh. Hình thức giáo dục giới tính tốt nhất, giống như bất cứ vấn đề y tế công cộng nào khác, là phải giúp trẻ tránh xa, chứ không phải chỉ giám thiểu, những hành động đặt đứa trẻ trước nguy cơ có những hệ lụy mà chúng không có khả năng đối phó và giải quyết được, kể cả bệnh hoạn, lạm dụng và bị xâm hại.

Trong phần lớn các quốc gia, thanh thiếu niên đều phải đợi đến sau khi hoàn tất trung học mới sinh hoạt tình dục.

                                                                            Uông Đại Bằng chuyển ngữ.