Cân Bằng Hôn Nhân

Description: C:\Documents and Settings\TramThienThu\Desktop\CanBangHonNhan.jpgMặc dù cuộc sống hiện đại ngày nay có những kỹ thuật giúp tiết kiệm thời gian nhưng con người càng ngày càng thấy thiếu thời gian. Nhiều đôi vợ chồng luôn thấy bị giằng co giữa áp lực công việc và cuộc sống riêng. Chúng ta cần kiếm sống, nhưng chúng ta cũng muốn có chất lượng thời gian dành cho nhau, dành cho gia đình, bạn bè và chính mình. Chúng ta luôn cảm thấy như thiếu thời gian trong một ngày hoặc một tuần. Khi chúng ta chạy đua để tranh thủ làm nhiều việc trong thời gian ngắn, đó là lúc quan hệ hôn nhân phải “chịu đựng”.

Khi yêu lần đầu, người ta dành nhiều thời gian ở bên nhau. Ai cũng có rất nhiều chuyện để “tâm sự”. Trong những ngày đầu, bạn rất muốn biết nhiều về nhau hơn. Cùng nhau chia sẻ mọi chuyện dù đó là chuyện rất nhỏ nhặt, cả tư tưởng và cảm xúc. Đó là lúc người ta cảm thấy gần gũi và được nối kết với nhau.

Để giữ nối kết phu thê, bạn cần dành thời gian cho mối quan hệ để giữ liên lạc với những gì xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, để chia sẻ hy vọng và mơ ước, kể cả nỗi lo và nỗi buồn. Đó là những khoảng thời gian hạnh phúc, có thể không kéo dài nhưng có chất lượng. Đây là vài gợi ý giúp bạn cân bằng cuộc sống và công việc:

1. Chấp nhận cuộc sống. Vẫn có những khoảng thời gian trong cuộc sống ngay khi bạn có ít thời gian hơn bình thường. Chẳng hạn khi bạn có con nhỏ, vừa mới bắt đầu đi làm hoặc ở nhà chăm sóc người bệnh. Có thể bạn cảm thấy ít có thể thay đổi trong các trường hợp như vậy. Nhưng đơn giản là biết chấp nhận nơi mình đang sống và biết đó là lúc giúp bạn cảm thấy bớt căng thẳng.

2. Mở rộng thời khóa biểu. Nếu không thể làm hết việc trong một tuần, hãy cân nhắc việc mở rộng thời khóa biểu. Làm vậy để bớt căng thẳng và có thể dành cho nhau khoảng thời gian buổi tối lãng mạn. Điều này có thể không lý tưởng lắm, nhưng có thể thực tế hơn và khả thi.

3. Tận dụng thời gian. Nếu cứ đòi hỏi phải có thời gian rảnh thì không bao giờ có, rồi lo nhờ người giúp đỡ, bạn lại càng rối. Chính những bữa ăn vẫn khả dĩ thể hiện tình cảm và lãng mạn với nhau. Cũng có thể dùng thời gian lau nhà, rửa chén, giặt giũ, nấu ăn,… để tạo sự gần gũi và quan tâm nhau. Người Pháp nói: “Vouloir c’est pouvoir” (Muốn là được). Có thể nhờ mẹ chồng ủi đồ, nhờ con rửa chén hoặc trông chừng em. Nói chung là có nhiều cách nếu thực sự muốn.

4. Đừng cầu toàn. Hãy nhớ rằng khi bạn quá bận thì nên giảm tốc để không ảnh hưởng mối quan hệ. Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm. Ngồi ăn chung với nhau dù đồ ăn không ngon cũng thành ngon – đồ ăn ngon còn cần người ăn ngon và chỗ ăn ngon. Nhưng hãy tương đối, đừng yêu cầu phải thế này hay thế kia. Khó chịu là mình khổ trước: Tâm phẫn xí tắc bất đắc kỳ chính.

5. Thời gian phu thê. Nhiều người cảm thấy quá cầu kỳ khi sắp xếp thời gian phu thê. Đôi khi chỉ cần nhìn nhau hoặc cười với nhau, thậm chí chỉ điện đàm, cũng có thể cảm thấy hạnh phúc. Có thể không lãng mạn lắm, nhưng mọi thứ đều có thể.

6. Chất lượng khác số lượng. Đó là sáo ngữ nhưng là sự thật. Nếu bạn có thời gian ngắn để vui đùa, hãy trân trọng từng giây phút. Hãy sắp xếp thời gian ngồi bên nhau cùng xem một bộ phim hoặc xem một cuốn sách. Ban ngày rất dễ có thời gian giao tiếp với nhau. Hãy tạo thói quen mát-xa lẫn nhau, gọi điện thoại, gặp nhau vài phút – có thể là “chat”. Hãy cố gắng làm tất cả những gì khả thi để giữ liên lạc với nhau (chứ không “kiểm soát” nhau đâu nha!).

7. Cân nhắc quyền ưu tiên. Nếu đã thử áp dụng các cách trên mà vẫn thiếu thời gian dành cho nhau, hãy xem lại các “quyền ưu tiên” của mình. Có những hoạt động nào có thể giảm bớt? Hy sinh điều gì đó luôn là điều khó, nhất là khi điều đó mình ưa thích, nhưng liệu bạn có dám liều mạng bỏ mặc mối quan hệ của mình? Nếu không, hãy cố gắng khắc phục bằng mọi giá để bảo vệ hạnh phúc vậy!

Với người Công giáo, hôn nhân còn cần được cân bằng về lĩnh vực tâm linh, vì hôn nhân là một bí tích đã được chính Thiên Chúa thiết lập, và với các khía cạnh khác nhau về tâm sinh lý.

Thánh Phaolô, tác giả thư gởi giáo đoàn Côrintô, viết: “Tôi đề cập tới những điều anh em đã viết cho tôi: đàn ông không gần đàn bà là điều tốt. Nhưng để tránh hiểm hoạ dâm ô thì mỗi người hãy có vợ, có chồng. Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ. Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà Satan lợi dụng để cám dỗ. Điều tôi nói đó là một sự nhân nhượng chứ không phải là một mệnh lệnh. Tôi ước muốn mọi người đều như tôi; nhưng mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác. Với những người độc thân và quả phụ, tôi nói thế này: họ cứ ở vậy như tôi thì tốt cho họ. Nếu không tiết dục được, họ cứ kết hôn, vì thà kết hôn còn hơn là bị thiêu đốt. Còn với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hoà với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ” (1 Cr 7:1-11).

Tác giả này nói về hôn nhân: “Ai nấy phải tôn trọng hôn nhân, chớ làm cho loan phòng ra ô uế, vì Thiên Chúa sẽ xét xử các kẻ gian dâm và ngoại tình. Trong cách ăn nết ở, anh em đừng có ham tiền, hãy coi những gì mình đang có là đủ, vì Thiên Chúa đã phán: Ta sẽ không bỏ rơi ngươi, Ta sẽ không ruồng bỏ ngươi!” (Dt 13:4-5).

Tác giả này còn nói thêm về hôn nhân khác tôn giáo: “Chồng ngoại đạo được thánh hoá nhờ vợ, và vợ ngoại đạo được thánh hoá nhờ người chồng có đạo. Chẳng vậy, con cái anh em sẽ là ô uế, trong khi thật ra chúng là thánh. Nếu người ngoại đạo muốn bỏ người kia, thì cứ bỏ; trong trường hợp đó, chồng hay vợ có đạo không bị luật hôn nhân ràng buộc: Thiên Chúa đã kêu gọi anh em sống bình an với nhau!” (1 Cr 7:14-15).

Đối với người vợ, Thánh Phêrô khuyên: “Chị em là những người vợ, chị em hãy phục tùng chồng, như vậy, dù có những người chồng không tin Lời Chúa, thì họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn nết ở của chị em mà không cần chị em phải nói lời nào, vì họ thấy cách ăn nết ở trinh tiết và cung kính của chị em. Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã bên ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thuỳ mị, hiền hoà: đó chính là điều quý giá trước mặt Thiên Chúa. Xưa kia, các phụ nữ thánh thiện là những người trông cậy vào Thiên Chúa, cũng đã trang điểm như thế; họ đã phục tùng chồng. Như bà Xa-ra, bà đã vâng phục ông Áp-ra-ham, và gọi ông là ông chủ. Chị em là con cái của bà, nếu chị em làm điều thiện và không sợ hãi trước bất cứ nỗi kinh hoàng nào” (1 Pr 3:1-6).

Đối với người chồng, Thánh Phêrô khuyên: “Cũng vậy, anh em là những người chồng, trong cuộc sống chung, anh em nên hiểu rằng đàn bà thuộc phái yếu; hãy tỏ lòng quý trọng vì họ cũng được hưởng sự sống là hồng ân Chúa ban. Như thế, việc cầu nguyện của anh chị em sẽ không bị ngăn trở” (1 Pr 3:7).

TRẦM THIÊN THU