Cả gia đình cùng vượt qua những giai đoạn khó khăn

Cả gia đình cùng vượt qua những giai đoạn khó khăn

 

CẢ GIA ĐÌNH CÙNG VƯỢT QUA NHỮNG GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN
 
Nếu các bạn là người hay né tránh việc giải quyết các vấn đề, thì xin mời bạn đưa mắt nhìn xem bác nông phu kia đang loay hoay kéo cày quanh một tảng đá lớn. Hỏi ra mới biết bác vẫn phải làm như thế nhiều năm nay. Đã có đôi ba lần gãy cán, còn mẻ lưỡi cũng có đến năm, bảy lượt. Bác chỉ biết kêu trời!
 
Một lần kia, lại thêm một lưỡi cày vấp phải đá, mẻ một miếng lớn, bác đành ngồi xuống ngẫm nghĩ tới những khó khăn phiền toái đã gặp trong bao lần khi cày ở đây. Bỗng trong đầu nảy ra một ý, bác liền đứng dậy sắn tay vào việc. Luồn sâu cái xà-beng xuống dưới tảng đá, bác liền nhận ra tảng đá này chỉ dày có 15cm và bác dư sức đập nó vỡ ra thành từng mảnh. Thế là, vừa kéo xe đi đổ đống đá vụn đó, vừa nghĩ lại những lúc phải điên-cái-đầu vì nó, trong khi việc dẹp nó đi lại quá dễ dàng. Bác không ngớt mỉm cười!
 
Chúng ta thường bị cám dỗ bỏ qua những cản trở nhỏ, để lao vào giải quyết những vấn đề lớn. Tất cả chỉ vì chúng ta không chịu dừng lại, ngồi xuống và ‘đầu tư’ một chút thì giờ cho chúng. Như bác nông dân kia, chúng ta chỉ biết cắm cúi ‘cày cục’ loanh quanh vấn đề. Đôi lúc chúng ta tự nhủ, cứ để sau hẵng hay, bữa nào tính lại. Nhưng chuyện thường xảy ra là chẳng bao giờ chúng ta quay lại để xem xét vấn đề.
 
 
XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU
 
Lập một kế hoạch tỉ mỉ thường giúp các gia đình nông dân có thể đương đầu với nạn hạn hán một cách có hệ thống. Lập kế hoạchcũng giúp các gia đình thị dân khác xây dựng tương lai bằng cách nhúng tay can thiệp vào những thay đổi hơn là chỉ bó tay đứng bên lề một cách vô ích. Các kế hoạch chính là dụng cụ giúp chúng ta biết mình đang ở đâu và sẽ đi về đâu.
 
Trước hết, mọi thành viên trong gia đình phải tin rằng mình có thể can thiệp vào chính tương lai của mình, đồng thời việc tạo ra những thay đổi là một nhu cầu có thể thực hiện được. Thứ đến, mọi thành viên trong gia đình đều phải sẵn lòng đầu tư thêm giờ và sức lực để biến một cái nhìn trở thành hiện thực.
 
Khởi đầu thuận lợi là một buổi gia đình cùng nhau họp mặt. Cần tạo một bầu khí tích cực, tránh mọi gián đoạn. Trong buổi họp mặt, cần xác định vấn đề hay mục tiêu chính, đồng thời xác định luôn từng vấn đề mỗi người quan tâm. Sau đó, mỗi người phải biết ‘góp gió thành bão’ để đưa ra càng nhiều giải pháp càng tốt và phải tuân thủ những nguyên tắc sau đây: 
  • Không được phê bình ý kiến người khác cho đến khi mọi người đã nói xong hết một lượt.
     
  • Nên khích lệ những ý kiến mới lạ, những ý tưởng táo bạo.
     
  • Cứ tiếp tục bàn thêm những giải pháp đã được đề xuất.
     
  • Sau khi góp ý xong, cần biểu quyết từng giải pháp bằng cách liệt kê tỉ số phiếu thuận / chống. Cần đạt tới một sự đồng thuận mà mọi người có thể thực hiện.
Hãy quyết định người nào sẽ làm gì, bảo đảm sao cho từng người biết rõ đâu là vai trò nhiệm vụ của mình. Thử nghiệm kế hoạch đó trong một tháng hay hơn. Cuối giai đoạn thử nghiệm, cần xác định cái gì đã làm được, cái gì chưa làm được. Rồi các bạn có thể thử nghiệm một giải pháp khác.
 
Các nhà khảo cứu đã tìm ra điều này, là những người nào không có những mối liên hệ thân thuộc thường không có khả năng thể hiện được những khát vọng trong cuộc sống bình thường của họ gấp bốn lần những người khác. Khám phá này áp dụng phù hợp cho cả nam lẫn nữ. Những gia đình nào đang gặp khó khăn tài chính trầm trọng thường hay tránh xa những sinh hoạt cộng đồng, thậm chí ít khi đến nhà thờ chỉ vì họ thường cảm thấy luôn luôn bối rối, căng thẳng. Nhưng đây chính là lúc họ cần đến Cộng đoàn Giáo hội và bạn hữu hơn cả. Những buổi gặp gỡ đều đặn với bạn bè có thể là một chiếc phao cứu sinh cho chúng ta.
 
Khi gặp chuyện ‘căng thẳng’ triền miên, tự nhiên là chúng ta muốn rút vào một cuộc sống cô lập, tránh giao tiếp, nhưng cách lựa chọn lành mạnh hơn chính là bạn nên dành thêm thời giờ sinh hoạt với gia đình. Những người biết khéo léo điều hòa những ‘căng thẳng’ thường dành thêm thời giờ sinh hoạt với gia đình đều đặn, và hay nói với mọi người trong nhà rằng ai muốn loan tin vui phải biết lắng nghe mỗi ngày.
 
Mọi thành viên trong gia đình luôn cần được quan tâm và khen ngợi đúng mức (tránh để họ cảm thấy chưa được chăm sóc đủ). Một người mẹ kia, một hôm cảm thấy thế nào đó tự dưng nói to lên: “Bữa cơm hôm nay tuyệt thật!” Chồng và các con ngỡ ngàng nhận ra tín hiệu đó, và sau này mấy bố con đã tập tành khen mẹ đều đặn hơn.
 
Những gia đình biết khéo léo điều hòa căng thẳng cũng nên để ý những nguyên tắc sau đây: 
  • Giúp mọi thành viên chú ý đến những thành quả. Khuynh hướng con người thường hay để ý vào những thất bại. Để có thể biết đúng khả năng thực tế của mình, chúng ta cần có nhiều phương pháp đánh giá cả những thành công lẫn những thất bại. Một khi biết tự đánh giá bản thân, chúng ta sẽ dễ dàng tập trung vào nguồn lực chính yếu của mình hơn. 
  • Tập trung vào cuộc sống hiện tại. Tránh điệp khúc “Giá như mà…” và những lời hối tiếc “Nếu như mình không…” 
  • Biết trình bày cụ thể rõ ràng những gì mỗi người mong muốn. Đây cũng là cơ hội mỗi người biết được người khác mong đợi gì nơi mình, đồng thời có dịp công khai hóa những mong muốn của mình. 
  • Cũng cần dành thời gian riêng cho vợ chồng để đối thoại với nhau, lắng nghe nhau và vui vầy với nhau. Những cặp vợ chồng có những phút giây riêng tư mà không bị con cái quấy rầy bên cạnh luôn luôn thấy rằng thời gian này rất quan trọng để cho cả gia đình lớn lên triển nở theo năm tháng. 
  • Tổ chức cho gia đình vui chơi giải trí mỗi tuần. Cố gắng làm một việc gì cho mọi người đều có thể vui hưởng cuộc sống. Cứ làm theo phong cách riêng của gia đình mình. Lên kế hoạch họp mặt gia đình hằng năm ở trong công viên hoặc là một nơi nào đó bên ngoài gia đình, cũng có thể nhà một người nào đó. Hẹn nhau đi dã ngoại, hoặc là đi dạo phố… Cho phép con cái góp phần quyết định đi đâu hay làm gì. Có thể tổ chức những trò chơi nhỏ với trái banh, chẳng hạn… sao cho mọi người đều cảm thấy vui. 
  • Tập luyện khả năng hòa giải các xung đột. Thật là một chuyện lạ khi bảo rằng những gia đình vững vàng không bao giờ xung khắc với nhau. Vẫn có đấy. Nhưng có khác với các gia đình khác là họ biết cách dung hòa những khác biệt và giữ hòa khí với nhau. Trong khi những gia đình căng thẳng thường hay có khuynh hướng quay ra trách móc, xỉ vả, chửi mắng nhau thì thành viên trong những gia đình êm ả thường tập luyện phát hiện sớm những dấu hiệu ‘quá sức’ nơi người khác, và hạ thấp mức độ căng thẳng. Và khi một thành viên bắt đầu trình bày hay tranh luận thì mọi người khác không được nói qua nói lại. Mọi thành viên trong gia đình phải tôn trọng thời gian ‘làm nguội’ đó.
 
BÍ QUYẾT DÀNH RIÊNG CHO ĐÔI BẠN
 
Đặc tính chung của những cặp vợ chồng hạnh phúc là họ luôn luôn có một sự nâng đỡ nội tại mạnh mẽ. Những cuộc hôn nhân có mối quan hệ lành mạnh, là người này có thể nâng đỡ, trấn an và giúp người kia có một sức mạnh để củng cố nhân cách. Đồng thời, họ cũng nhận lại được cảm giác an toàn và tự tin.
 
Hai nhà khảo cứu Pearlin và Jonhson đã nghiên cứu về cách thức vợ chồng giúp đỡ, góp ý với nhau: “Qua những nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng hôn nhân có tác dụng như là một chiếc rào cản ngăn chận những hậu quả lo âu buồn bã do những đe dọa bên ngoài đưa tới. Tuy hôn nhân không ngăn cản được những vấn đề kinh tế xã hội xâm nhập cuộc sống, nhưng hình như hôn nhân có thể ngăn chận những cuộc tấn công tâm lý do những vấn đề như thế đem lại. Ngay cả trong một thời đại mà hôn nhân chỉ còn là một ràng buộc mong manh giữa nhiều đôi lứa, nhưng nó vẫn còn có thể bảo vệ con người khỏi bị va chạm mạnh với những khó khăn bên ngoài. Khả năng ấy đã làm cho hôn nhân vẫn còn là một định chế xã hội bền vững đáng ngạc nhiên.
 
Khi bạn nhận ra mình đang bị căng thẳng, tốt hơn hết là bạn trao đổi với bạn bè thân thiết, với vợ hay chồng. Bạn có thể có dịp ‘nhìn lại chính mình’ qua những câu hỏi đại loại như: “Anh có thấy như vậy không?”, “Em có nghe nói như thế bao giờ không?”, “Còn bạn, ở địa vị mình bạn nghĩ sao?”. Bạn nên bộc bạch cho họ biết đôi điều về vấn đề bạn đang quan tâm giải quyết. Biết đâu, họ có thể giúp bạn tìm ra giải pháp khả hữu.
 
Thường là các cặp vợ chồng nông thôn hạnh phúc hơn các cặp vợ chồng thị dân, có lẽ vì họ có nhiều thời gian làm việc chung, trao đổi với nhau hơn. Nhưng nhân tố quan trọng của hạnh phúc hôn nhân chính là chất lượng (chứ không phải số lượng) của kỹ năng giao tiếp. Những người nào quen thực hành kỹ năng này, thì sẽ truyền đạt ý nghĩ của mình rõ ràng hơn và sẽ quen để ý đến cảm xúc tâm tư người khác hơn, nhờ đó sẽ tôn trọng nhau hơn và như thế sẽ hạnh phúc hơn.
 
Khi được so sánh với những cặp vợ chồng nói là không hạnh phúc, thì những cặp vợ chồng hạnh phúc thường có những đặc điểm sau:
  • Biểu lộ tình cảm với nhau nhiều hơn
  • Bộc lộ bản thân cho nhau nhiều hơn
  • Kiên nhẫn chịu đựng nhau hơn
  • Thường xuyên quan tâm và khích lệ nhau hơn
  • Hay giúp đỡ công việc của nhau hơn
  • Thường tặng quà cho nhau hơn
 
ĐẶC ĐIỂM CỦA GIA ĐÌNH VỮNG MẠNH
 
Những gia đình nào khéo léo hạn chế được những căng thẳng thì sẽ có cách vươn lên và vượt qua được những cơn khủng hoảng mà có khi lại làm cho những gia đình khác tan vỡ. Bí quyết của họ là ở cung cách họ đối phó với khủng hoảng (stress). Những đặc điểm của họ là: 
  • Tôn trọng giá trị đời sống gia đình. Mọi thành viên trong gia đình luôn chia sẻ với nhau, cùng nhau sum họp, thường xuyên biểu lộ tình cảm, trao đổi với nhau thành thật, tích cực lắng nghe và luôn hãnh diện tự hào về gia đình mình. 
  • Liên đới với hàng xóm và cộng đồng. Cả gia đình đều tham gia cách này cách khác vào sinh hoạt cộng đồng. Mọi thành viên luôn nhận thức rõ về nguồn trợ lực mà cộng đồng có thể đem lại cho họ và biết cách tận dụng sự hỗ trợ đó một các hiệu quả. Những khi họ gặp khó khăn trong đời sống, họ có thể nương dựa vào những hỗ trợ cách này hay cách khác của hàng xóm láng giềng, của họ hàng thân thuộc và của cả bạn bè nữa. Chính họ cũng có lúc đóng góp hỗ trợ cho những gia đình khó khăn ở chung quanh. 
  • Năng động và tích cực giải quyết vấn đề. Gia đình vững mạnh luôn luôn giải quyết mọi vấn đề ngay, chứ không ngồi đợi vấn đề xoay vần mình. Những mối tương quan giữa các thành viên luôn uyển chuyển - nghĩa là, họ có thể hoán đổi các vai trò nhiệm vụ cho nhau mỗi khi cần thiết. Cả gia đình không bao giờ chịu bó tay ngồi co cụm, khi mà một người nào không có mặt kịp thời để chu toàn công việc của mình. 
  • Tìm những mặt tích cực trong cơn khủng hoảng. Nếu không thể kiểm soát được vấn đề nào, họ thường cắt nghĩa giải đoán vấn đề đó sao cho mọi người cảm thấy thoải mái. Họ chẻ một vấn đề lớn ra thành nhiều mảnh nhỏ mà họ tin là có thể giải quyết gọn. Đối với họ những khó khăn chỉ là những thách đố sẽ cùng nhau vượt qua.
 
Jos. Nguyễn Hùng Cường
(biên dịch theo Families Worldwide)