Bệnh sợ đi học
BỆNH SỢ ĐI HỌC
Trẻ thường có những dấu hiệu bệnh tật xuất hiện vào buổi sáng sớm, nhất là vào giờ đi học và qua đi vào khoảng 10 giờ.
Trong năm học, có một số trẻ tạm thời ngưng việc học do bệnh, thậm chí có trẻ phải nằm viện. Lý do nằm viện có thể là đau đầu, đau bụng, đau khớp, nôn ói, ho khan. Những dấu hiệu đó có liên quan đến việc tránh đi học của trẻ em.
Những triệu chứng mơ hồ
Chứng tránh đi học rất thường xảy ra. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất của những dấu hiệu mơ hồ ở tuổi đi học. Dấu hiệu thường xuất hiện vào buổi sáng trước giờ đi học và qua đi vào khoảng 10 giờ. Trẻ lo âu, xa cách cha mẹ, thường có dấu hiệu đau đầu hay đau bụng; còn trẻ tránh đi học sau một cơn bệnh thì kêu đau quá đáng như đau họng, nhức chân.
Trẻ có thể có các dấu hiệu như mất ngủ hoặc ngủ nhiều quá, mệt mỏi, sốt, da xanh tái, mắt mờ, tiểu lắt nhắt, đau khớp, đau lưng, đau đầu, chóng mặt, ngất xỉu, lo âu, hoảng sợ. Những triệu chứng khác ở tai mũi họng là đau họng, đau xoang, dễ bị cảm, khó nuốt; còn triệu chứng hô hấp là thở nhanh, khó thở, ho khan; biểu hiện ở tim mạch làm trẻ hồi hộp, đau ngực; về tiêu hóa thì trẻ đau bụng tái phát nhiều lần, chán ăn, nôn ói, tiêu chảy.
Khi đưa đến bác sĩ, trẻ mô tả triệu chứng mơ hồ, không rõ ràng, tái đi tái lại nhiều lần. Khi khám bệnh, bác sĩ cũng không phát hiện bệnh thể chất và trẻ có vẻ khỏe so với các dấu hiệu được mô tả. Những trẻ này nghỉ học hơn 5 ngày, trong khi trẻ bị bệnh mãn tính lại đi học đều hơn.
Do trẻ quen ở cạnh gia đình
Khoảng 5% trẻ ở trường tiểu học và 2% trẻ ở trường trung học có rối loạn này. Một số trẻ lo sợ xa cách cha mẹ vì chưa từng xa cha mẹ trước khi đi học. Bình thường, một trẻ khoảng 3-4 tuổi có thể xa cha mẹ được nếu trẻ không nhút nhát và sợ người lạ.
Nhưng nếu cha mẹ quá bao bọc con, không dám cho con chơi với bạn hàng xóm hoặc đến trường mầm non lúc nhỏ thì trẻ khó có thể thích nghi với nhà trường là một nơi xa lạ đối với trẻ. Trường hợp này thường gặp ở trẻ gái và 20% số này bị bạn trêu chọc. Trong gia đình có mẹ đi làm việc ngoài xã hội thì tỉ lệ trẻ tránh né học giảm hơn vì trẻ đã quen xa mẹ từ nhỏ.
Một lý do khác là trẻ vừa mới bị một cơn bệnh cấp tính như viêm phổi chẳng hạn và nghỉ học một thời gian. Khi đi học lại, trẻ ngại không theo kịp bài với bạn nên thích ở nhà chơi và xem truyền hình, cha mẹ lại nuông chiều nên cho trẻ ở nhà.
Trẻ cũng có thể tránh học vì không chịu nổi áp lực học tập từ phía gia đình cũng như phía nhà trường, làm cho trẻ bị căng thẳng (stress) mỗi khi nghĩ đến việc đi học và bị phạt vì không thuộc bài hoặc không hoàn tất bài tập.
Nên cương quyết cho trẻ đi học Khi con trẻ thường có những dấu hiệu bệnh trước giờ đi học, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa để loại trừ các loại bệnh thể chất. Sau khi được bác sĩ giải thích, cha mẹ nên cương quyết cho trẻ đi học trở lại. Nếu trước đó, trẻ bị áp lực học tập, cha mẹ nên trao đổi với con và giúp trẻ học vừa đúng với năng lực của trẻ. Phụ huynh cũng nên trao đổi với giáo viên để tránh dùng những biện pháp gây căng thẳng và lo sợ cho trẻ như hù dọa, đánh phạt khi trẻ không hoàn thành kế hoạch học tập ở lớp. Nếu thấy trẻ không theo kịp chương trình học tập, phụ huynh nên cho trẻ đi kiểm tra chỉ số thông minh ở một cơ sở tâm lý nhi khoa để đánh giá năng lực học tập của trẻ. |
Theo Bs. Phạm Ngọc Thanh
(Bv. Nhi Đồng 1- TP.HCM)
(NLĐ. 07.08.2009)