Bầu khí gia đình: Gương sáng của Cha Mẹ
Bầu khí gia đình:
GƯƠNG SÁNG CỦA CHA MẸ
GƯƠNG SÁNG CỦA CHA MẸ
(Lưu ý: Bài này chúng tôi tham khảo những bài diễn văn của Đức Giáo hoàng Piô XII (20-3-1953), và của Đức Giáo hoàng Joan XXIII (1-3-1959; 1-5-1961; 10-2-1959) được đăng trong những số của tạp chí Documentation catholique).
Trong thông điệp về giáo dục Kitô giáo, Đức Giáo Hoàng PIô XI tuyên bố: “Môi trường tự nhiên và cần thiết là gia đình, vì đã được Đấng Tạo Hóa chỉ định để đạt tới mục đích đó. Theo luật chung, nền giáo dục hữu hiệu nhất và bền bỉ nhất là nền giáo dục được nhận lãnh từ một gia đình Kitô giáo có qui củ và khuôn phép. Trong gia đình đó, những gương lành của cha mẹ và của những người trong gia đình càng giải chiếu tỏ rõ và bền bỉ, thì kết quả của giáo dục lại càng lớn lao”. Suốt cuộc đời, con người giữ mãi được dấu vết đã được ghi hồi họ còn thơ ấu…
Trong bài tán tụng thánh Basiliô (+379), thánh Grêgoriô thành Naziance nói rằng: Cha mẹ của vị thánh này là ông Basilô và bà Emmêlia phối hợp với nhau do lòng tôn trọng nhau và thực thi nhân đức, hơn là do những ràng buộc của bậc hôn phối. “Ngay từ khi còn thơ ấu, Basiliô đã hấp thụ một nền giáo huấn siêu quần và trong trắng… Việc học hành ban đầu đã đặt ngài trên đường tiến đến một tương lai hoàn hảo”.
Thánh Augustinô (+430) thú nhận rằng: Ngài đã nhận được từ mẹ ngài là thánh Monica sự hiền hòa, tâm lý tế nhị, lòng bác ái hiểu biết và vô vị lợi, lòng hăng say đối với chân lý, nhiệt thành đối với những gì cao đẹp, tất cả những đức tính khiến được trìu mến. Trong một lúc lòng biết ơn bùng dậy, ngài kêu lên: “Tôi mắc nợ mẹ tôi tất cả. Nếu tôi đã không suy vong, chỉ vì mẹ tôi quá đau đớn, người đã khóc đêm ngày và đã đổ mọi giọt máu con tim để hy sinh vì tôi”.
Cha của thánh Bernađô (+1153) là một hiệp sĩ can trường và là một luật gia liêm khiết. Mẹ ngài là người thông minh khác thường, nghiêm nghị nhưng rất rộng rãi, luôn luôn mau mắn giúp đỡ người nghèo đói, thăm viếng bệnh nhân, lấy làm sung sướng vì giúp họ trong những việc khiêm tốn như nấu ăn, rửa chén cho họ.
Ozanam đã tâm sự với chúng ta: Ông mắc nợ cha và mẹ những gì. Sau đây là một bằng chứng nữa cũng không kém cảm động: “Má tôi mất đi là sự mất mát quá lớn đối với lợi ích đạo đức của linh hồn tôi. Những lời khuyên nhủ dịu dàng, những gương mẫu mạnh mẽ, lòng nhiệt thành hâm nóng linh hồn nguội lạnh của tôi, những khuyến khích đỡ nâng sức mạnh cho tôi! Chính nhờ những lời giáo huấn đầu tiên của mẹ tôi mà tôi có đức tin; đối với tôi người là hình ảnh sống động của Giáo Hội, mẹ chúng tôi, có thể nói người là biểu hiện hoàn hảo nhất của Chúa Quan phòng”.
O’Connell, người bảo vệ dũng cảm những quyền tự do của Ái-Nhĩ-Lan, nhờ mẹ mà ông có được những gì tốt đẹp trong đời ông. “Phải, tôi phải tôn trọng người đàn bà. Tôi là đứa con của bà mẹ thánh thiện, người đã hết mực ân cần chăm sóc đến tuổi niên thiếu của tôi. Trí hiểu biết của người rất cao, tôi sở dĩ có được chút kiến thức nào, đều do người để lại. Tôi có thể nói: ngày nay đồng bào tôi cất nhắc tôi lên địa vị này cũng là nhờ mẹ tôi. Nhờ ơn trên, khi trút hơi thở cuối cùng, người còn xin Chúa đổ phúc lành trên tôi, và từ ngày ấy tôi vẫn biết được giá trị phúc lành của người. Trong những cơn nguy biến của đời tôi, tôi vẫn coi lời chúc lành ấy như chiếc thuẫn chở che. Người đã chở che tôi đời này, tôi trông đợi người có thể giúp tôi chiếm được hạnh phúc lớn hơn mọi hạnh phúc đời này nữa”.
Mẹ thánh Don Bosco (+1888) nghèo về của cải nhưng giầu về nhân đức, đã dạy con bà bí quyết để giữ được sự vui vẻ, hăng hái làm việc, trông cậy vững chắc vào Chúa Quan phòng và bác ái không biết mỏi mệt.
Louis Pasteur (+1895) nhà hóa học thời danh; nhờ những phát minh của ông mà y học đã tiến triển trên những lãnh vực mới mẻ. Ông sinh tại Dole ngày 27 tháng 12 năm 1822. Ông nói trong bài diễn văn đọc tại Dole nhân dịp đặt tấm bia kỷ niệm tại nhà ông: “Kính thưa cha, kính thưa mẹ, những bậc thân yêu của con đã khuất bóng, những vị đã khiêm tốn sống trong nếp nhà bé nhỏ này. Con mắc nợ công ơn cha mẹ về hết mọi cái. Kính thưa mẹ, con người dũng cảm của con, tấm lòng nhiệt thành hăng hái của mẹ, mẹ đã chuyển sang cho con. Nếu con luôn luôn liên kết sự cao cả của khoa học vào sự cao cả của quê hương, cũng vì con đã tiêm nhiễm được những tâm khí mà mẹ đã soi sáng cho con. Còn cha, kính thưa cha yêu quý, cha đã sống cuộc đời lao nhọc cũng như nghề nghiệp ti tiện của cha (nghề thuộc da), cha đã dạy cho con biết tính nhẫn nại trong những nỗ lực lâu dài. Chính nơi cha, con đã học để biết kiên nhẫn trong công việc hằng ngày. Đức tính kiên trì của cha không những đem lại lợi ích cho cuộc sinh hoạt, mà còn làm cho các vĩ nhân và những sự việc lớn lao ngưỡng mộ. Nhìn lên cao, nghiên cứu cho rộng, luôn luôn tiến lên, đó là điều cha đã dạy con. Con còn trông thấy cha, sau một ngày lao nhọc, chiều đến ngồi đọc những bài tường thuật về trận chiến trong các sách sử ký hiện đại để nhớ lại thời oanh liệt mà cha đã chứng kiến. Khi dạy con đọc, cha đã ân cần dạy con vẻ hùng vĩ của quê hương. Con xin cảm ta cha và mẹ vì con người đáng tôn đáng trọng của cha và mẹ, và xin cho phép con được tỏ lòng tôn kính ngôi nhà này ngày hôm nay”.
Một gia đình gương mẫu nữa là gia đình đại tá Vaughan, ông kết hôn năm 1830 với Elisa, cô bé mới trở lại. Tám trai, sáu gái càng ngày càng làm cho gia đình đông đúc. Thổ địa tổ tiên để lại là 25.000 héc ta, nay chỉ còn lại một phần nhỏ. Cuộc bách hại tôn giáo là căn do sự tước đoạt này. Vào ngày nào đó, người cha dẫn các con lên chỗ cao, chỉ cho chúng thấy từ xa xa nào ruộng, nào trại. Ông cắt nghĩa: “Tất cả những thứ đó ngày xưa là của chúng ta, tất cả nay đã mất, chỉ vì chúng ta là Công giáo. Các con hãy quý yêu niềm tin của các con”. Nghiêm nghị nhưng không cứng cỏi, ông thường quở trách con cái về cái tật tham ăn. Ngày kia, Bernađô, tu sĩ tương lai dòng Tên, tỏ ra thèm ăn món tráng miệng quá. Ông bảo: “Thật là hèn hạ vì phải làm nô lệ một đĩa mứt”.- Đứa con đáp lại: “Thế hộp thuốc rê của cha thì sao?”. Ông im lặng nghĩ ngợi một lúc, rồi quẳng ống điếu vào bếp, ông nói: “hết nô lệ”. Khi muốn chia sớt cho kẻ nghèo, ông xin các con cho không phải là thứ đồ chơi vô dụng mà thứ đồ chơi chúng yêu thích.
Nữ hoàng của gia đình gương mẫu này là người mẹ vừa hòa nhã vừa đạo hạnh. Để dạy cho con cái cầu nguyện, bà dẫn từng hai đứa một đến nhà thờ, đứa nào ngoan nhất thì được bà cho hôn khăn bàn thờ, đôi khi chính bàn thờ. Ngày kia bé gái Gladys hỏi: “Tại sao ở nhà thờ má trở nên đẹp quá thế?”- “Con yêu dấu, vì ở đó có Chúa Giêsu”, đứa con vừa đi vừa lặp lại lời má nói. Để huấn luyện chúng có lòng quảng đại, bà không ngại dẫn những đứa con trai đến nhà những người nghèo khó, ngay cả người mắc bệnh truyền nhiễm. Người ta trách bà làm cho con cái lây bệnh. Bà đáp lại: “một bệnh tật mà mua được bác ái thì kể là quá rẻ”. Khi có dịp, bà nhắc nhở cho con cái những chân lý quan trọng. Ngồi dưới đất, giữa đàn con nhỏ, có lúc bà để chiếc đồng hồ vào tai chúng rồi bảo: Ngày kia Thiên Chúa sẽ cho ngừng tiếng tích tắc của sự sống , Người sẽ lấy lại những con cái của Người về trời, những đứa Người đã cho mượn ở dưới đất này. Những bài học nghiêm trang ấy không làm cho gia đình hạnh phúc này mất vui và mất cởi mở. Mỗi khi có sự to tiếng trong nhà, bà quen nói câu này: “Im tiếng đi, nên nhớ là chúng ta đang ở gia đình Vaughan”. Lối giáo dục chí lý như thế trong một môi trường bổ dưỡng đem lại kết quả đầy an ủi. Trong tám con trai thì sáu làm linh mục; trong số linh mục thì một làm giám mục, một làm tổng giám mục rồi lên hồng y. Sáu cô gái đã vào tu viện cả.
Gần với chúng ta hơn, Đức Hồng Y Mercier (+1926) rất thời danh, tự nhận mình đã mắc nợ mẹ vì lý tưởng cao đẹp bà luôn luôn soi sáng cho cuộc đời ngài. Ngài nói: “Khát vọng liên tục của tôi, nguyện vọng sâu xa của tôi là luôn luôn đi lên, và làm cho những người chịu ảnh hưởng của tôi tiến lên về mặt tinh thần. Tôi không thể nghi ngờ gì, lòng khao khát muốn tiến lên về mặt tinh thần là do mẹ tôi ghi tạc vào tôi, và tôi vui sướng vì một ám chỉ kín đáo cho phép tôi nói lên ở đây, tên của một người mà tôi mắc nợ, sau Thiên Chúa, những điều tốt nhất của chính tôi, người ấy là mẹ tôi, mẹ thánh của tôi! Nơi người, tôi hiểu rõ rằng tình yêu là quên mình và tận tụy vì kẻ khác. Chính trong tâm hồn người, trong những quyết định cương trực nhưng trầm tĩnh của người, mà tôi đọc được bài học lớn lao cho đời tôi: Con người là hư vô, thành công hay thất bại là hư vô; chỉ mình Thiên Chúa là quan trọng. Trông cậy vào mình là điên rồ; chỉ trông cậy vào Chúa mới là khôn ngoan. Đó là đường hướng đầu tiên của tôi mà tôi nhớ được”.
“Chính trên đầu gối người mẹ mà điều quý nhất trên trần gian này đã thành hình”. Câu nói này của Joseph de Maistre mà mỗi người chúng ta khi xét lại cuộc đời của mình đều phải công nhận. Hiếm có những ơn gọi tu sĩ hay linh mục lại không bắt nguồn từ lòng một người mẹ hoặc một người cha được hướng về Chúa. Giống như Joakim và Anna, thường là cha mẹ dẫn con trai con gái của mình đến đền thờ, để hiến dâng nó cho Thiên Chúa. Thánh Vianney cha sở họ Ars quả quyết: “Sau Thiên Chúa thì tôi mắc ơn mẹ tôi khuynh hướng dễ cảm mến điều lành. Người rất khôn ngoan, nhân đức rất dễ qua từ tâm hồn người mẹ đến tâm hồn đứa con… Đứa trẻ được hạnh phúc có được người mẹ tốt lành, chẳng bao giờ nó nhìn hoặc nghĩ đến người mà không mủi lòng phát khóc”. Ròng rã 30 năm, mẹ của Đức Hồng Y Vaughan, tin lành trở lại, dâng cho Chúa việc rước lễ hằng ngày vì khao khát được thấy các con mình dâng mình cho Chúa. Bà đã được nhận lời cách phi thường, như chúng ta đã thấy. Ngày nay cũng như ngày xưa, Chúa tỏ ra sẵn sàng chấp nhận lời xin của những người mẹ, nhất là lời xin ấy có liên hệ đến lợi ích thiêng liêng các con cái. Nhà truyền giáo thời danh là Cha De Smedt (1801-1873) đã nói: “Những bài học đạo đức tôi tiếp thu được hồi còn nhỏ là hạt giống gây nên lòng khao khát được tôi ấp ủ và thực hiện với ơn Chúa, là: cũng hiến hết mình để phục vụ Người”. Đức Cha Baussard nhận xét: “Biết bao linh mục có thể chứng minh rằng mẹ của các ngài là sứ giả của những lời khuyến nhủ đầu tiên về ơn gọi linh mục. Ít ra mỗi người có thể nói về vai trò của mẹ mình, quý hóa và mạnh mẽ, trong môi trường đạo đức mà mình lớn lên. Bởi vì, tất cả chúng ta đều biết rằng, trừ những nố rất hiếm, thì chính người đàn bà đạo đức gầy dựng nên gia đình đạo đức. Và cũng chính người đàn bà là nhà giáo dục đầu tiên và bất khả thay thế, đã mở trí khôn và tâm hồn con cái mình về những điều thánh thiện. Chính bà dạy chúng cầu nguyện yêu mến Chúa, biết nghiêng mình trên những đau khổ để làm nhẹ bớt, trên những dòng lệ để làm vơi cạn. Lại cũng chính bà canh chừng cho con cái tấn tới trong đàng đạo hạnh, mà chính bà làm gương mẫu mà không ngờ rằng gương mẫu của bà tốt hơn lời dạy. Chính bà đau đớn và than khóc để báo động khi vừa thấy sự xấu đến gần, sợ con mình lây nhiễm, và hết mình bảo vệ nó những nỗi âu lo ấy, những lời kinh nguyện ấy đã tạo nên nhân đức cho con cái bà”. (Mgr Baussard, Discours prononcé au XIV Congrè national du R.S được Rennes 1939; dans Recrutement sacerdotal, mars 1939 t.101).
Giống như người mẹ, người cha cũng có thể nhờ sức mạnh tinh thần và đời sống đạo hạnh mà hướng dẫn một cách quyết định đời sống con cái mình.
Sau đây là tâm sự của một linh mục: “Tôi còn nhớ hôm đó là sáng Chúa nhật, (lúc đó tôi chưa đầy bảy tuổi), người đến ngồi bên giường bệnh của tôi, và sau khi đã cùng tôi đọc bài Phúc âm ngày hôm ấy, người giải thích cho tôi. Đó là dụ ngôn người gieo giống. Tôi nghĩ rằng từ hôm đó tôi biết tận đáy lòng tôi rằng: Kitô giáo là một cái gì rất đẹp đẽ và rất đứng đắn. Có lẽ người không ngờ rằng bài giảng vắn tắt buổi sáng hôm đó đã gây kết quả trên tôi hơn mọi bài giảng tôi đã nghe. Nhưng người có còn biết là người đã khuấy động trong tôi cả một thế giới tư tưởng. Khi đến tuổi thanh niên, khi mà mỗi chủ nhật người đến quỳ bên tôi nơi Bàn Thánh; khi mà mỗi chủ nhật đầu tháng người cầm phương du kiệu Mình Thánh Chúa; khi mà ngồi bàn ăn người sửa lại những thảo luận sai lầm của chúng tôi về một đoạn văn của Phúc âm; khi mà mỗi lúc cần đến, người tỏ đức tin mình ra, không để quảng cáo nhưng rất xác tín. Nếu đức tin tôi đã chẳng bao giờ bị thương tổn nặng nề cũng là nhờ người, sau khi nhờ ơn Chúa. Thái độ nghiêm trang đứng đắn và sốt sắng tin tưởng của người không để cho hoài nghi xuất đầu lộ diện. Người không nghĩ đến làm gương mẫu, người chỉ tin và sống đức tin, và tôi thấy đức tin của người là sống, chứ không phải là một lý thuyết. Tính khắc khổ không ngăn cản người lưu tâm đến mọi sự, không cấm đoán người cười đùa với chúng tôi, dù chỉ là những cái không đâu. Không bao giờ tôi thấy người cau có từ ngày tôi có trí nhớ đến giờ, không bao giờ. Không hề giận dữ, nhưng người không ngần ngại quở mắng và phạt chúng tôi khi cần. Không bao giờ người phải tỏ ra quyền hành, cả khi chúng tôi đã khôn lớn, không bao giờ chúng tôi có ý tưởng không bàn hỏi với người trước khi quyết định một điều quan trọng; không bao giờ không kêu cầu người trong cơn nguy cấp. Chưa bao giờ chúng tôi thấy người dùng bạo hành, hoặc từ bỏ chúng tôi… Một trong những ơn lạ Chúa ban cho tôi là tôi càng lớn lên và càng biết rõ cha tôi thì tình âu yếm của tôi đối với người càng nồng nhiệt và lòng tôn kính càng lạ thường. Và khi những tư tưởng này đến với tôi lúc “Cầu cho kẻ sống” không phải vì mắc tội chia trí mà tôi nghĩ đến lời của ông Tobia cha: “Chúng ta là con cháu của các thánh”. Bởi vì phần cha tôi đóng góp vào chức linh mục của tôi, không phải chỉ vỉ bằng nhiều cách, người đã giúp tôi đáp lại tiếng Chúa gọi, mà nhất là vì đều này là: Khi nhìn cha tôi, tôi đã bắt đầu đoán ra nét mặt cha chúng tôi ở trên trời”. (Trích tạp chí L’anneau dor, số đặc biệt dâng hiến cho cha).
Khổ nỗi, loài người là vô thường, thay lòng đổi dạ. Sau lúc khởi hành, mặc dầu tốt đẹp, đôi lúc cuộc đời thay vì đi lên thì lại xuống dốc, cong queo và mờ tối. Tuy nhiên, nếu nền giáo dục ban đầu mà tốt đẹp do những cha mẹ được yêu mến và tôn kính, thì có thể đoan chắc đức tin vùi trong kho sẽ tái sinh và lòng đạo đức sớm muộn sẽ tươi nở. Joseph de Maistre đã viết: “Điều mà người ta gọi là con , nghĩa là con người luân lý có lẽ được hình thành lúc lên 10, mà nếu con người ấy đã không được hình thành trên gối mẹ thì luôn luôn sẽ là một tai họa lớn. Nếu người mẹ (nhất là người mẹ) nhận trách nhiệm ghi ấn tín Thiên Chúa trên trán con mình, người ta có thể chắc chắn rằng bàn tay kẻ nết xấu sẽ không xóa được bao giờ”.
Sau khi cha chết, Lacordaire được bà mẹ thật đạo đức nuôi dưỡng. Khi học trường trung học tại Dijon, chàng mất đức tin. Nhưng chàng vẫn cảm nghĩ như chàng viết sau đây: “Tôi có linh hồn rất mực đạo đức và trí khôn rất vô tín ngưỡng, nhưng bản tính của trí khôn là chịu để cho linh hồn chế ngự, thì có lẽ một ngày kia tôi sẽ là Kitô hữu”. Người ta biết người diễn thuyết tại nhà thờ Notre-Dame và người phục hưng dòng thánh Đa-minh tại Pháp, không những đã thực hiện mà còn vượt quá những ước đoán của ngài.
Cũng chính những kỷ niệm của một thời thơ ấu tưng bừng trải qua trong bầu không khí vui tươi và đạo đức, đã lôi (cha) Charles de Foucauld khỏi sự thống trị của các đam mê và dạy lại cho ông con đường tới đến tột đỉnh. Ngài than thở: “Ôi, lạy Chúa, chúng con tất cả phải ca ngợi lòng thương xót của Chúa… nhưng nếu mọi người phải làm thế thì con phải làm đến thế nào, con, ngay từ thơ ấu, đã được bao bọc trong muôn ân huệ; là con của một người mẹ thánh thiện, con đã học nơi người để biết Chúa, yêu Chúa và cầu nguyện với Chúa, vừa khi con có thể hiểu được một lời nói!… Nền giáo dục đạo đức này!… Những lần viếng nhà thờ… những bó hoa đặt dưới chân thánh giá, một máng cỏ Noel, một tháng Đức Mẹ, một bàn thờ nhỏ trong phòng riêng, những lần xưng tội đầu tiên được ông nội đạo đức hướng dẫn…, những gương mẫu đạo hạnh được chứng kiến trong gia đình con… Và việc rước lễ lần đầu, sau những ngày chuẩn bị lâu dài và sốt sắng, được cả gia đình cầu chúc và khích lệ, dưới những con mắt của những kẻ con yêu quí nhất trên đời, để tất cả mọi sự được dồn lại trong một ngày, hầu cho con được cảm mến tất cả mọi sự ngọt ngào” (Ch. De Foucauld, Ecrits spirituels).
Biết bao tội nhân, ngay trong lúc sa ngã, vẫn nhớ tiếc niềm hạnh phúc đã nếm thời xa xưa, trong một gia đình sốt sắng, nay đang chờ ngày trở về với Chúa.
Ngày 24.9.1915, trước ngày tấn công, Cha Doncoeur, sau khi đã vượt từ hầm này qua hầm kia để giải tội cho binh sĩ, sau cùng, hồi 7 giờ tối thì gặp được đại tá “Cha tuyên úy, tôi trông thấy cha tới” - “Đúng thế, thưa đại tá, tôi muốn kết thúc với đại tá”. - “không, không, tôi đã quá già” ông cười có vẻ thành thực - lại nữa, tôi là “hồi giáo”. - “Ô, ô, tôi đã gặp nhiều người già hơn đại tá và “hồi giáo” hơn đại tá nữa”.
Thế là hai mi mắt ông chớp chớp, thở hổn hển, như muốn ôm ngang hông cha tuyên úy, ông nói: “Đã gần 50 năm phải không? Còn tội lỗi thì biết rõ lắm”. – Thẳng một mạch, chính tôi làm công việc thú tội. – “Như thế đó, tất cả những thứ (tội) đó, ném dưới chân Chúa hết”. Tôi thấy ông (mấp máy môi) như muốn nhai bộ ria hiến binh của ông. – “Tôi sẽ giải tội cho đại tá nhá”.- Tức thì như một khối nặng, ông rơi vào cánh tay tôi. “Đại tá có muốn rước lễ bây giờ không?” _ “Ở đây ư?”, ông ngạc nhiên. – “Phải, tôi có mang Chúa theo” – “Tôi có cần quỳ gối không?”.- “Nếu đại tá muốn”. Ông làm như một đứa trẻ. Chúng tôi ôm nhau trong khi cám ơn rước lễ. Ông khóc. Vắn tắt lắm - Tôi nói “Chào, đại tá còn nhiều cái phải làm ngày mai”…
Hôm sau, 25, hồi 9 giờ, cuộc tàn sát ghê gớm. Ngày 26,27 ông chỉ huy, trong hàng ngũ Đức, những tàn quân của 10 trung đoàn đang ở trong kịch chiến. Ngày 28, 5 giờ sáng một tạc đạn làm ông nổ tung…Sáu tháng sau, Cha Doncoeur nhận được lá thư, chữ viết run rẩy, từ cuối miền Bretagne: “Thưa cha tuyên úy, đây là một bà mẹ già, lấy can đảm để viết cho cha. Tôi tưởng chỉ cần sao lại cho cha lá thư cuối cùng mà tôi nhận được của Henri là đủ… “Con biết má sẽ rất vui lòng khi con cho má biết là con đã giao hòa với Chúa. Cha tuyên úy đã tới. Con chờ đợi ngài… Không lâu. Vốn liếng đạo đức của con đã trở lại mau chóng. Con đã xưng tội, đã rước lễ. Con làm với lòng tin vững vàng, đang khi nhớ tới má. Con hết sức cảm động trước công việc cao cả này, và để dứt lời, với lòng gan dạ hơn, con sẽ chạm trán với tử thần ngày mai. Vĩnh biệt !…”
Một số tỉ dụ này được thu lượm cách ngẫu nhiên, qua các thế hệ - còn có thể nhân lên nhiều nữa - cũng đủ để chúng ta xác tín rằng môi trường, bầu khí gia đình ghi dấu vết sâu đậm và bền bỉ trong linh hồn con trẻ, và quyết định đường hướng tối hậu cho cuộc đời nó. Tùy theo bầu khí trong đó con trẻ nhập nhiễm được tính ích kỷ hay lòng quảng đại, sống thích làm việc hay bừa bãi, nhân đức hay nết xấu: con trẻ sẽ nhát đảm hoặc can trường, vị lợi hay tận tâm, xấu xa hay đức hạnh.
Biết bao kẻ lạc đường, giống như người bị tuyên án tại tòa án kia, sẽ có lý mà buộc tội cho cha mẹ đã làm nghẹt linh hồn chúng và làm hỏng cuộc đời chúng! Chỉ có môi trường nào làm phát sinh được tinh thần cần cù, thẳng thắn, thật thà, thanh khiết, đạo đức, bác ái, mới có cơ hội để tâm hồn con trẻ lớn lên, phát huy bình thường và đều hòa hoàn toàn.
(Cẩm nang giáo dục theo tinh thần Kitô giáoI, trang 159 – 172)